Thôi đừng xúi con nít ăn cứt gà sáp

Thứ Ba, 14 Tháng Ba 202310:00 SA(Xem: 2009)
Thôi đừng xúi con nít ăn cứt gà sáp
rfa.org

Thôi đừng xúi con nít ăn cứt gà sáp

Bình luận của Nguyễn Thảo Mai

Bà H. bưng cái thau đựng đầy đầu cá, đầu tôm, lông gà lông vịt… vừa chuẩn bị cho bữa ăn hàng ngày của gia đình ra giữa cầu Hoàng Hoa Thám, lật tay đổ cái “éo” vèo qua thành cầu xuống kinh Nhiêu Lộc. Xong, bà xách cái thau không te te đi về nhà trong hẻm trên đường Trường Sa, bình thản như anh nông dân cày xong thửa ruộng.

Chỗ bà H. quen đổ rác cũng là chỗ nhiều người khác quen đổ rác. Rác ụn lên một đống dày đặc cao ngất ngay dưới thành cầu chỗ đó.

Thử hỏi bà H. tại sao dám đổ rác xuống kinh dơ dáy như vậy coi nà!

-Ủa tiền rác năm bảy chục ngàn một tháng chớ ít sao, ai kêu tui bỏ rác đúng chỗ thì cho tiền tui đi? Bộ mình tui xả rác xuống kinh hay sao mà mấy người nói? Kinh này thúi mấy chục năm rồi chớ đâu phải mình tui đổ rác nó mới thúi?

Bà ném ra từ cuối cùng “Dzô dziên thúi” xong phủi đít đi thẳng.

Sông bỗng thành… kinh thúi uốn quanh

Con kinh Nhiêu Lộc chảy quanh co giữa lòng Sài Gòn đẹp như một dải lụa lững lờ. Cũng như những con kinh nổi tiếng của thành phố này, nhiều người dân sống hai bên bờ kinh quý nó dữ lắm, coi dòng kinh như người bạn tâm giao nên gởi gắm vô nó tất cả những gì họ muốn: cái bồn cầu sứ cũ nằm cạnh chiếc bàn thờ ông bà ông vải hết hạn sử dụng, cái chiếu rách làm bạn với cặp gối bông nhúng nước lâu ngày nhớt nhợt ghê tay, ghế gãy, vạt giường hư, ông táo hết xài, quần áo cũ, băng vệ sinh, kim tiêm, tã cứt đái của con nít, người lớn, cát vệ sinh của chó mèo, xác động vật chết chuột chết, thức ăn thừa hàng quán bán rong đổ đi, vỏ lon, hộp xốp, bịch nilon, bao cao su, cành cây tươi và khô, nón bảo hiểm, nệm cũ, bàn ghế, laptop, tôn cũ, cửa cũ, gạch đá, xà bần… Có rác nổi lềnh bềnh, có rác lập lờ khúc giữa, có rác vùi dưới đáy sâu. Chỉ có những thứ người ta không tưởng tượng ra được, không thứ gì là không có!

Nếu có một bức không ảnh Sài Gòn, chắc người ta sẽ thấy một ổ trùn chỉ đen sì và ghẻ lở bò loằng ngoằng khắp thành phố, nhiều nhất là ở vùng ven. Đó là những con kinh, những đoạn sông trước kia vốn trong xanh, rồi cùng với dân cư ngày càng tăng về con số và giảm về ý thức, nó dần dần tắc thở, đặc quánh bùn rác đen kịt và thúi hoắc như những hố phân lộ thiên. Rác lều bều bóp nghẹt dòng chảy và bít kín hoàn toàn mặt nước. Rác ùn ứ lâu ngày dày có chỗ hàng mét. Gà, chuột, chó, mèo rượt nhau chạy thoải mái trên bề mặt, cây dại mọc lên xanh tốt. Có nhiều chỗ rác cứng chắc tới nỗi người đứng lên cũng không sụp. Ruồi muỗi bu đen mặt kinh, đập bụp bụp vô mặt người chạy xe dọc đường.

Kể tên những con kinh lừng lẫy nhứt về độ thúi ở Sài Gòn, chắc những người Việt xa xứ xưa kia từng bơi lội câu cá trong những dòng kinh này sẽ ròng ròng nước mắt: Kinh Hy Vọng, rạch Xuyên Tâm, kinh Tàu Hủ-Bến Nghé, kinh Lò Gốm, kinh Đôi, kinh Tẻ, rạch Xáng, kinh Sáu Sửu, kinh Chín Xiểng (quận 12), rạch Bà Tiếng, rạch Ông Bàu… Mà thôi khỏi kể, tóm lại, chỗ nào từng là dòng kinh thì gần như đều đã biến thành mương rác.

Dân mình ở dơ tài lắm. Tui đã chứng kiến cảnh người ta sinh sống thản nhiên ở trên, giữa, và kế bên những vũng rác khủng khiếp bốc mùi cách xa hàng trăm mét. Những vũng rác đó vốn là ao, hồ, sông, rạch, kinh, xáng… thậm chí là biển. Ở khắp nơi trên toàn quốc: đất liền, đảo, ruộng, núi. Người dân cất nhà lầu, xây biệt thự, làm quán cắt tóc gội đầu, dịch vụ sửa đồ điện tử, bán quán ăn ngay kế bên. Người bán nấu và dọn thức ăn ngay cạnh con kinh thúi. Khách vừa ăn vừa bịt mũi. Thì những chỗ này dân trọ nhiều, người làm thuê lao động chân tay ít tiền có muốn cũng không có chọn lựa khác sạch sẽ hơn.

Có những ngôi nhà ở sâu bên trong vũng nước rác, muốn vô phải qua cây cầu khỉ dài. Họ thản nhiên cất luôn cái cầu tiêu ở phía trước, ven cây cầu khỉ vô nhà. Còn chăm chút tạo hình lợp mái cho nó bằng tre trúc vàng óng, ngó xa thơ mộng như chiếc lầu nhỏ hóng gió ngắm cảnh.

Không thể tả được, quý vị ơi. Bức hình này chỉ là một phần nhỏ của thực tế thôi:

nhom SGX.jpg
Nhóm Sài Gòn Xanh dọn rác trong những kinh thúi ở Sài Gòn. Nguồn: Nhóm Sài Gòn Xanh. Hình: Sài Gòn Xanh qua VOV

Dân dọn rác thì Sở Tài Môi làm gì?

Hàng chục năm nay, gần như mỗi năm đều có rất nhiều những cá nhân hoặc nhóm tình nguyện làm việc dọn dẹp rác thải trên kênh rạch hoặc đường phố. Họ lội xuống những con kinh thúi lừng danh khắp thành phố, đứng ngập trong bùn rác đến tận cổ, cật lực cào, vớt. Mỗi tuần họ dọn chừng 3-5 lần, cứ thấy kinh nào thúi quá thì lên kế hoạch cùng nhau dọn. Chi phí mua đồ bảo hộ, túi nilon đựng rác, rổ, sọt vớt rác, bao tay, khẩu trang, và tiêm phòng bệnh hoàn toàn từ tiền túi.

Họ là những con người vô cùng đáng trân trọng, những thanh niên đang học và làm nhiều nghề khác nhau, cả người nước ngoài sống ở Việt Nam. Có nhóm thầm lặng, có nhóm nổi lên một thời gian như Keep Hanoi Clean, nhóm Let’s Do It, nhóm Chèo và Nhặt…, có nhóm thầm lặng cứ đi lễ nhà thờ sáng thứ bảy hoặc chủ nhật xong thì tỏa ra dọn rác quanh khu vực (nhà thờ Đức Bà, TP HCM). Và không thể kể hết vô số nhóm và cá nhân không có tên gọi, không hoạt động lâu dài nhưng đều từng dọn sạch một số bãi rác tự phát nặc tiếng. Thậm chí từng có một thử thách rất được nhiều người ủng hộ, mang tên Thử thách dọn rác theo trào lưu nổi tiếng trên thế giới Challenge For Change.

Họ dọn rác chỉ với niềm tin đơn giản rằng sẽ góp sức hồi sinh đất chết, trả lại một Việt Nam sạch sẽ.

Từ trước tết tới nay thì nổi lên nhóm Sài Gòn Xanh ở TP HCM và tiếp liền đó là nhóm Hà Nội Xanh ở Hà Nội. Hoạt động của nhóm Sài Gòn Xanh được nhiều người biết tới hơn nhờ sự lan tỏa vô cùng nhanh và rộng của mạng xã hội Facebook và TikTok. Người xem tận mắt thấy những con kinh ngập rác vô cùng kinh tởm được dọn sạch, trả lại mặt nước vẫn còn đen ngòm nhưng đã chảy loang loáng phản chiếu mây trời.

Phục họ không? Tôi phục lắm.

Thương các em không? Thương và quý rất nhiều.

Sự vô tư của các em chính là dòng nước sạch lành tưới tẩm cho tâm hồn con người.

Nhưng khen ngợi, ủng hộ, cổ vũ các em? Không bao giờ tôi sẽ làm điều đó.

Và có lẽ chính các em cũng sẽ kém nhiệt tình hơn trong việc các em đang làm, nếu các em biết:

-Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM có nhiệm vụ ban hành và tổ chức kiểm ra việc thực hiện các quy định về vệ sinh môi trường, dịch vụ vệ sinh đô thị, quản lý chất thải (phân định, phân loại, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển, sơ chế, tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý và thu hồi năng lượng từ chất thải) đối với chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn y tế, chất thải nguy hại, chất thải rắn xây dựng, bùn thải (…). Họ còn xây dựng định mức, đơn giá, tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh đô thị.

-Xây dựng và phê duyệt quy trình kỹ thuật, cự ly, khối lượng công việc của công tác quét dọn thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt để làm cơ sở ký hợp đồng giao khoán chuyên môn, lập kế hoạch và tổ chức đấu thầu. Xây dựng và khai thác các công trình phục vụ vệ sinh đô thị; kiểm tra giám sát hoạt động thu gom vận chuyển xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố và các Khu liên hợp.

Nói tóm lại, từ lý thuyết đến thực tiễn, đó là nhiệm vụ của Sở Tài nguyên và Môi trường (sau đây xin gọi tắt là Sở Tài Môi, như cách gọi thông thường của người dân). Sở được Nhà nước cấp quyền, tiền và nhân lực để đảm đương tất cả mọi việc liên quan đến rác trên địa bàn thành phố. Gồm xử lý rác và phạt những ai vi phạm quy định về bỏ rác, về vệ sinh môi trường.

Mức phạt nặng không? Đủ khiến người ta chùn tay không?

Đủ, very very đủ. Trong đợt cao điểm vệ sinh môi trường thành phố cách đây mấy năm, mấy hộ dân ở quận 1, quận 3 đã bị phạt hai triệu đồng cho một bịch rác đã nhét gọn trong bịch nilon, cột kỹ, nhưng không bỏ vô thùng rác mà bỏ ra bên lề đường.

Đây nữa:

-Tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ, để xác định thiệt hại đối với môi trường; yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn từ hai huyện, quận trở lên; (…) giúp Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức quản lý Quỹ Bảo vệ môi trường thành phố.

Tóm lại, xử lý rác một cách chuyên nghiệp (ví dụ bằng tàu hút và lọc rác, bằng xe múc… chứ không phải dầm người xuống nước kinh thúi và kéo rác bằng tay) là công việc của các cơ quan chuyên nghiệp. Họ được trả lương để làm việc đó.

Tuổi trẻ nhiệt tình, tinh thần Lục Vân Tiên ngút trời. Nhiều khi nghĩ “Ta không vào địa ngục/nhảy xuống kinh thúi… thì ai vào”, như Đức Phật. Nói ra mắc cỡ, người viết bài này cũng từng một thời đi dọn rác như vậy. Dọn xong thấy khu vực đó sạch sẽ, thấy vui, tự hào về bản thân lắm. Nếu có đồng bọn cùng làm thì mặc dù hôi thúi vất vả nhưng vui còn hơn một buổi dã ngoại. Nếu được lên báo, lên truyền hình, được người khác khen ngợi cảm ơn lại càng sung sướng, nức lòng cả tháng không hết…

Nhưng lớn hơn một chút, hiểu biết hơn một chút thì tự vấn: ủa mình tự nguyện làm việc của người khác, vậy chính họ thì đang làm gì?  

000_1AO0B4 (1).jpg
Một căn nhà tạm bên kênh Xuyên Tâm ở TPHCM năm 2018. AFP

Nhà nước bỏ bao nhiêu tiền cho các con kinh?

Chưa kể những dòng kinh mà hết năm này tới năm khác, hết nhóm này đến nhóm khác từng dọn thiệt sạch, chỉ ít ngày sau là lại ngập ngụa như cũ. Nhiều người dân sống trên kinh có thói quen quăng thẳng rác xuống dòng nước. Nhiều người sống quanh đó, như bà H. ở đầu bài, thì mặc nhiên coi dòng kinh là bãi rác công cộng. Cứ bỏ rác xuống, dơ quá thì có Nhà nước (hoặc những nhóm tình nguyện) dọn sạch.

Nhà nước bỏ bao nhiêu tiền cho các con kinh?

20 năm trước, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm đã được xây dựng với kinh phí 123 tỷ đồng. Đến nay nó lên tới gần 10.000 tỷ đồng nhưng vẫn chưa làm được.

Dự án cải tạo kinh Hy Vọng có vốn khoảng gần 2.000 tỷ. Rạch Văn Thánh khoảng khoảng 1.200 tỷ. Kinh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên khởi động từ năm 2016, nửa làm nửa bỏ, mới được khởi công lại vào cuối tháng Hai vừa rồi với mức vốn 8.200 tỷ đồng.

Năm 2021, bắt đầu từ tháng 2, TP HCM bỏ ra khoảng 80 triệu đồng/ngày cho một công ty tư nhân để thuê một hệ thống máy vớt rác trên sông. Dự án được thí điểm tại tuyến sông Vàm Thuật, Trường Đay, Tham Lương, mỗi ngày vớt được 35-40 tấn rác.

Còn trước đó, Sở Tài Môi đã bỏ ra 20 tỷ để nhập và phát triển hệ thống thu gom rác hiện đại trên sông rạch. Trong ngày thử nghiệm, hệ thống đã đào rác từ sâu dưới sông và vớt trên mặt khoảng 5 tấn rác. Họ nói sẽ đánh giá định mức và thí điểm trong năm 2021.

Vâng, toàn là tiền cỡ ngàn tỷ, với máy móc tiết kiệm sức người. Thế nhưng bây giờ, năm 2023, các dự án thí điểm hùng hồn lặn đâu mất tăm rồi. Kinh thúi vẫn thúi rình lên tận Thiên đình khiến những người trẻ tuổi lại phải dấn thân làm anh hùng dọn rác.

Lý do của sự chậm trễ, dây dưa, đủng đỉnh này là gì ai cũng biết. Cứ nhìn các con số đội vốn của các dự án thì hiểu cả.

Đừng để bị lợi dụng, các thanh niên tình nguyện

Thế cho nên các em Sài Gòn Xanh, Hà Nội Xanh… every Xanh ơi! Đừng dại lao mình xuống kinh thúi rồi chẳng may rước về bệnh tật, nguy hiểm, và phí công sức vô ích. Nhiệt huyết của tuổi trẻ quý giá lắm, nên nó cần được sử dụng một cách hợp lý. Đừng vô tình để nhiệt huyết ấy bị lợi dụng.

Chúng ta phải phân định trách nhiệm công-tư rõ ràng. Người dân đã đóng đủ loại thuế môi trường thì chúng ta có quyền đòi hỏi phải được sống trong môi trường sạch sẽ. Nếu cơ quan được giao chủ quản việc đó không làm cho môi trường được sạch sẽ thì chính là họ chưa hoàn thành trách nhiệm. Nếu trong một hệ thống phân minh, họ sẽ bị trừ lương hoặc bị thay thế. Đó là nguyên lý vận hành đúng đắn của xã hội. Hãy để cho nguyên lý ấy hoạt động.

Mặt khác, việc các cơ quan có và liên đới trách nhiệm rất thích ca ngợi các hoạt động nhiệt tình như của các em cũng chính là một biểu hiện của sự thoái thác trách nhiệm. Vì nếu công minh, họ phải nghiêm mặt từ chối khi các em muốn lội xuống kinh thúi dùng tay bốc rác lên bờ. Họ phải biết nói “Cảm ơn các em, nhưng các em có thể giúp đỡ bằng cách tuyên truyền cho người dân có thói quen bỏ rác đúng chỗ, hoặc có các giải pháp kỹ thuật sáng tạo. Các em không được và không nên làm thay việc của chúng tôi, vì chúng tôi được đào tạo và được trả lương để làm việc ấy”.

Chứ đi tặng ba cái giấy khen thì xin lỗi, nói hơi thô thiển là dụ con nít ăn cứt gà sáp mà thôi. Tiếc gì mấy tờ giấy cứng láng vẽ hoa vẽ rồng cộp dấu đỏ, để mà kêu gọi những thanh niên khác bỏ thời gian, công sức và tiền bạc ra làm việc không công, còn mình thì ngồi ủ mưu vẽ dự án cho dài và khó khăn thêm để vơ tiền vào túi.

Ý kiến bạn đọc
Thứ Ba, 14 Tháng Ba 20237:11 CH
Khách
Bảo vệ thân thể, danh dự và tự do cho mỗi cá nhân trong xã hội là trách nhiệm của chính quyền. Hãy yêu cầu họ có mặt và thực thi nhiệm vụ / nếu mình bị xâm phạm, dù kẻ đó là " ... biết bố mày là ai hong... mẹ mày là luật ....chúng tao đã kiên đinh chui xuông hố cả nut !!!.. Cọn mẹ nó cho dù nó có tự bầu , tự đề cử hay đẻng đẻ ra thì cái nhà là nhà của ta ... cho nó ở hay nó cướp được thì cũng phải ở cho sạch sẽ phải làm việc ấy, nếu họ không làm thì đuổi cổ đi. À, nhưng ở VN thì đây phần nhiều là trên lý thuyết, thực tế khác lắm! Tuy vậy, vẫn phải căn cứ trên lý thuyết này để đòi hỏi, ít ra thì cũng lột được chiếc mặt nạ của kẻ nắm quyền vô trách nhiệm.
THÁI HẠO FB
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn