Chuyện kể của người Việt ở Ukraine một năm sau chiến tranh

Thứ Sáu, 17 Tháng Hai 202310:00 SA(Xem: 1565)
Chuyện kể của người Việt ở Ukraine một năm sau chiến tranh

Gần một năm sau ngày Nga mở cuộc tấn công Ukraine, người Việt ở Ukraine hiện đang sinh sống tản mác khắp nơi, phần đông là ở các nước Châu Âu láng giềng như Đức, Ba Lan, Cộng Hoà Séc, Anh, Pháp…; cũng có người chọn ở lại cùng chiến đấu với người dân Ukraine.

Họ chia sẻ với RFA về cuộc sống của mình hiện nay, cũng như lý do vì sao không chọn quay về Việt Nam.

Phần đông đã tạm ổn định

Chị Vũ Hải Yến định cư ở Ukraine đã gần 20 năm đến khi chiến sự nổ ra vào ngày 24/2/2022. Lúc đó cả gia định chị dắt díu nhau chạy nạn mà không kịp mang theo mảnh giấy tờ tuỳ thân nào. Tuy vậy, nhờ sự hỗ trợ của người dân nhiều địa phương, gia đình chị Yến cuối cùng cũng đến được nước Đức.

Sau một năm xin tị nạn ở Đức, hiện cuộc sống gia đình chị cũng đã tạm ổn định. Cả nhà được cấp thẻ định cư hai năm, các con được đi học còn người lớn được cấp phép đi làm. Nhà nước Đức hỗ trợ và giúp đỡ người Ukraine và người Ukraine gốc Việt rất nhiều. Họ giúp đỡ nhà ở, tiền điện nước, tiền ăn hàng tháng, họ đóng tiền cho mình đi học tiếng Đức và giúp đỡ đóng tiền học cho trẻ em đi học mẫu giáo. Nhờ đó, cuộc sống cũng không đến nỗi quá chật vật:

“Tôi chỉ mất thêm một ít tiền ăn cho con hàng tháng khoảng 1% thôi, còn hầu như là 99% là họ giúp đỡ. Tiền bảo hiểm y tế, hưu trí họ cũng trả cho mình. Nói chung là có bệnh tật gì đi khám bệnh thì có bảo hiểm trả, mình không mất chi phí gì cả.”

Tất nhiên, để làm quen với một môi trường mới, công việc mới không thể tránh khỏi nhiều khó khăn, trở ngại. Chị Yến kể thử thách lớn nhất của những người Ukraine gốc Việt tạm lánh nạn chiến tranh là ngôn ngữ. Cho nên, họ thường có xu hướng làm việc cho chủ là người gốc Việt. Nếu gặp được chủ người Việt tốt, có lòng trắc ẩn, thương người thì là cả một sự may mắn:

“Còn nếu không may rơi vào những chủ sống không có tình người thì rất khổ. Họ chèn ép tiền lương, bóc lột sức lao động của mình, nói một đằng làm một nẻo. Thật sự thì tôi vẫn cảm thấy không ở đâu bằng nhà mình.”

Với chị Yến, điều chị mong muốn nhất là Ukraine sẽ chiến thắng, chiến tranh sẽ kết thúc để gia đình chị có thể trở về ngôi nhà của mình. Do đó, chị cùng với cộng đồng người Việt tị nạn đã cố gắng làm việc, gởi tiền về hỗ trợ cho quân đội Ukraine:

“Họ cố gắng làm việc và gửi tiền về giúp quân đội, giúp những hoàn cảnh khó khăn ở Ukraine vì họ thật sự yêu và biết ơn đất nước Ukraine trước kia đã cho họ định cư và bao dung họ bao nhiêu năm qua.”

Vẫn còn số ít bám trụ ở Ukraine

pola.png
Một trại tị nạn ở biên giới Ukraine và Ba Lan. Ảnh: Reuters

Ông Đông (yêu cầu được đổi tên vì lý do an toàn), hiện vẫn đang bám trụ tại Ukraine chia sẻ với RFA rằng ông coi Ukraine như là tổ quốc, là nhà, là nơi để quay về. Do đó, thay vì rời đi như số đông, ông chọn ở lại, tiếp tục làm việc và giúp đỡ quân đội Ukraine chống giặc.

Sau khi chiến tranh xảy ra chừng hai tháng, nhà máy sản xuất bao bì của ông hoạt động trở lại nhưng công suất chỉ bằng 40% so với bình thường do giao thông cách trở bởi các vùng chiến sự, và nhiều phụ nữ, trẻ em Ukraine đã rời đất nước đi lánh nạn:

“Trong thời gian xảy ra chiến tranh tất nhiên có rất nhiều khó khăn ở các thời kỳ khác nhau. Đầu tiên là số lượng đơn đặt hàng giảm, các mặt hàng tiêu dùng thì người Ucraina họ cũng mua ít hơn bởi vì người ta cũng phải tiết kiệm. Phần lớn phụ nữ và trẻ em đã ra nước ngoài cho nên tôi chỉ có đơn hàng bằng 40% trước khi chiến tranh.”

Nhưng như vậy cũng đủ để ông Đông nuôi gia đình và trả lương cho hơn 150 công nhân. Trong gian đoạn khó khăn của đất nước, ngoài những nam thanh niên phải ra trận, số còn lại thất nghiệp cũng nhiều. Do đó, giúp cho người dân có được công ăn việc làm trong lúc này cũng là góp phần ủng hộ Ukraine chiến đấu chống lại Nga - ông Đông cho biết.

Ngoài ra, khi chọn ở lại, ông Đông còn có thể giúp quân đội bằng nhiều cách thiết thực khác:

“Những người ở lại Ukraine giúp được rất nhiều cho quân đội. Ví dụ như là tôi đóng thuế cho nhà nước nhiều hơn cả năm ngoái. Thứ hai là tôi còn mua máy phát điện, mình mua ô tô hỏng về sửa lại để cho nó chạy thật tốt rồi gửi cho quân đội để họ dùng. Những việc như vậy tôi ở Ukraine thì giúp dễ dàng hơn.”

Vì sao không về Việt Nam lánh nạn?

Ông Đông cho biết, hiện nay, số người Việt còn ở lại Ukraine chỉ khoảng 500 người, trong số tầm hơn 7000 người Việt sinh sống ở đất nước này. Phần đông còn lại đã di tản sang các nước Châu Âu khác chứ không chọn quay về Việt Nam:

“Phần đông tất nhiên là họ chọn di tản sang Châu Âu, bởi vì ở Châu Âu họ sống quen hơn, môi trường tốt hơn.

Hơn nữa khi sang Châu Âu thì họ được các nước lo cho chỗ ăn ở và tạo điều kiện để đi làm. Cho nên những người nào đi làm những công việc đơn giản thì cũng đã kiếm được tiền, không nhiều nhưng cũng đủ để tích lũy và có thể bay về Việt Nam chơi.”

Chị Hải Yến cũng nói rằng cả gia đình mình chọn sang Đức mà không về vì Việt Nam không có các chính sách hỗ trợ cho người tị nạn Ukraine:

“Lí do tôi không thể đưa con về sinh sống ở quê hương Việt Nam mình là do tôi cũng đi từ lâu rồi nên bây giờ về Việt Nam thấy rất bỡ ngỡ, cũng không biết làm gì để sống.

Vả lại, Chính phủ Việt Nam cũng không có chính sách gì giúp đỡ cho những người Ukraine gốc Việt như bọn tôi, rồi chuyện làm giấy tờ, nhập học cho con cái cũng là cả một vấn đề. Ở đâu cũng vậy thôi, không có tiền, không có công việc làm sao mà sống.”

Theo công bố của Cổng thông tin điện tử Chính phủ hồi tháng 3/2022, Việt Nam đã đưa khoảng 1000 người Việt tại Ukraine về nước. Sau đó,  Việt Nam không thông tin thêm rằng có chương trình nào hỗ trợ tái định cư cho người tị nạn Ukraine về nước tạm lánh nạn hay không.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Sáu, 22 Tháng Mười Hai 20176:00 SA
(HNPD) Ôi chao, thì có là gì, chữ tình còn đứng trước chữ nghĩa cơ mà, tình nghĩa đó thôi.
Thứ Năm, 21 Tháng Mười Hai 20176:00 SA
(HNPD) Thật là vui thấy những bạn quen của chúng ta đang ở nơi này, chốn nọ yên ấm ...
Thứ Tư, 20 Tháng Mười Hai 20176:00 CH
(HNPD) Xét ra 2 chữ tình người thấy cũng tạm đầy đủ tính chất nhân bản như lâu nay, quý vị thường lên chương trình cho các cuộc đấu tranh nhân chủ, nhân quyền ...còn thì vân vân khác, xin không đề cập.
Thứ Ba, 19 Tháng Mười Hai 20176:00 SA
(HNPD) Vì thế bắt đầu thời gian nêu trên, những dịp lễ lạc ở Saigon, là thiên hạ, giới trẻ đổ ra đường đông đảo như đi hành hương, trẩy hội.
Thứ Hai, 18 Tháng Mười Hai 20176:00 SA
(HNPD) Chúng tôi ở Đà Nẵng, một đô thị lớn sau Saigon về mặt xã hội, nhưng lại đầy đủ cơ chế quân sự, với các địa danh lịch sử quân sự hoàn chỉnh nhất: Sân bay quân, dân sự hàng quốc tế, 6 bãi biển viễn dương ...
Chủ Nhật, 17 Tháng Mười Hai 20176:00 SA
(HNPD) Rời bỏ thôn văn, qua làng võ. Mới nghe thôi, người dân bình thường vẫn có thể tin là nhi nữ giữa chốn ba quân, nếu không sằng sứa thì cũng tan nát đời hoa...
Thứ Bảy, 16 Tháng Mười Hai 20172:02 CH
(HNPD) Văn sĩ trung niên Nhật có đầy đủ cách giải quyết những phức tạp của cuộc sống, mà tại sao cứ giữ khư khư cái quan niệm không chấp nhận cái sinh hoạt của đám đông trước mặt .
Thứ Sáu, 15 Tháng Mười Hai 20176:00 SA
(HNPD) Chị Tâm ạ, em đâu phải ai lạ, em như chị thôi, chị hãy khóc đi, cho vơi bớt niềm đau, Chúa sẽ che chở cho chị...
Thứ Năm, 14 Tháng Mười Hai 20176:00 SA
(HNPD) Nên mình nằm nhà, trong căn nhà trống trơn, chỉ có mình và con chó Minet. Mình thiếp đi trong giấc ngủ buồn phiền ...
Thứ Tư, 13 Tháng Mười Hai 20176:00 SA
(HNPD) Hoá cho nên, tôi có dịp ngồi ...suy nghĩ về ông nội tôi, để có thể tìm hiểu "thực trạng xã hội" phần nào giai đoạn cổ kim tương hỗ.