"Chẳng qua chỉ là một chén cơm"

Thứ Năm, 01 Tháng Mười Hai 20229:00 SA(Xem: 1752)
"Chẳng qua chỉ là một chén cơm"
Một ngày nọ, hai cậu học trò cũ cùng làm việc ở một công ty rủ nhau đến thăm thầy giáo cũ, mong được thầy chỉ cho những lời khuyên hầu có thể vượt qua được những áp lực và khó khăn ở chỗ làm.
315588354_611986367344248_3861681809125426477_n.jpg?_nc_cat=102&ccb=1-7&_nc_sid=730e14&_nc_ohc=Fiq8HLMKlQ4AX_80Dif&_nc_ht=scontent.fhan5-1
Khi gặp thầy, hai người đều nói:
– Thưa thầy, ở công ty này, công việc của chúng con quá nặng nhọc, lại thường xuyên bị ức hiếp; xin thầy chỉ dạy chúng con có nên xin nghỉ việc ở đó hay không?

Người thầy im lặng suy nghĩ một chút rồi trả lời:

– Chẳng qua chỉ là một chén cơm.

Kết thúc buổi gặp gỡ, hai người học trò ra về. Sau khi trở lại công ty, một người đã nộp đơn xin nghỉ việc, trở về quê làm nghề chăn nuôi, trồng trọt. Người còn lại thì tiếp tục ở lại công ty làm việc, trở thành một doanh nhân thành đạt. Năm năm trôi qua, hai người bạn lại hẹn nhau trở về thăm thầy. Thầy trò lại ngồi bên nhau chuyện trò thân mật.

Anh chàng làm nông chia sẻ:

– Ngày đó, khi con nghe thầy nói: “chẳng qua chỉ là chén cơm”, con nghĩ rằng chỉ vì miếng ăn mà mình phải chịu nhục ở công ty đó thật chẳng ra làm sao, nên con đã nghỉ việc ở công ty, trở về quê trồng trọt, chăn nuôi. Cuộc sống của con chỉ tạm đủ với bữa rau, bữa cháo nhưng được sống bình yên, thoải mái, không phải bon chen với ai cả.

Vị doanh nhân thì tâm sự rằng:

– Phần con, khi nghe thầy nói: “chẳng qua chỉ là chén cơm”, con nghĩ rằng để kiếm miếng cơm, mình phải nhẫn nại chịu đựng mọi gian khổ cho nên con quyết tâm ở lại công ty, kiên trì vượt qua những khó khăn, trở ngại và cố gắng điều chỉnh bản thân cho phù hợp những yêu cầu của công việc. Con cũng hết sức tận tâm trong công việc nên dần dần được mọi người tín nhiệm và được giao những chức vụ quan trọng trong công ty; cuối cùng con cũng đã gây dựng được công ty của riêng mình.

Người thầy nghe xong mỉm cười nói:

– “Chỉ một câu nói của ta mà hai con có hai cách suy nghĩ khác nhau và đã đi hai con đường khác nhau”.

Những suy nghĩ thường chi phối mạnh mẽ các quyết định của con người. 
 
Mỗi người, với tính tình, sự hiểu biết và nhân sinh quan khác nhau cũng sẽ có những suy nghĩ khác nhau trước một lời nói hoặc sự việc nào đó xảy ra trong cuộc sống. Để rồi, từ suy nghĩ khác nhau, mỗi người cũng có những hành động khác nhau. 
 
Trong câu chuyện mà chúng ta vừa nghe, khi cùng nghe một lời khuyên của thầy về hoàn cảnh khó khăn của công việc hiện tại, hai người học trò có hai suy nghĩ không hề giống nhau. Một người nghĩ đến việc thoái lui, từ bỏ công việc đó; người còn lại thì nghĩ đến việc phải tiếp tục công việc đó với quyết tâm kiên trì vượt qua nghịch cảnh. Hai suy nghĩ khác nhau đã dẫn đến hai quyết định khác nhau và họ đã bước vào hai lối rẽ khác nhau của cuộc đời. 
 
Trong cuộc sống của mình, rất nhiều lần chúng ta phải thực hiện những quyết định liên quan đến những vấn đề của bản thân và của người khác. Để có thể đưa ra những quyết định, dù lớn hay nhỏ, quan trọng hay đơn giản, chúng ta thường suy nghĩ và cân nhắc, vậy mà không ít lần, với kết quả nhận được, chúng ta vẫn tiếc nuối thốt lên rằng: “mình đã quyết định sai”. 
 
Về điều này, các chuyên gia kinh tế cho rằng: “Bạn càng nghĩ tốt, bạn càng lập quyết định tốt. Bạn càng lập quyết định tốt, bạn càng hành động tốt. Và, bạn càng hành động tốt, bạn càng có kết quả tốt”. Theo đó, khi để cho tâm trí mình được đầy ắp những suy nghĩ tốt đẹp, chúng ta sẽ đi đến quyết định làm những điều tốt đẹp và rồi bao điều tốt đẹp sẽ đến với chúng ta trong cuộc đời.

Câu hỏi được đặt ra ở đây cho chúng ta là: Làm thế nào để có những suy nghĩ tốt đẹp? 
 
Người xưa đã khuyên nhủ chúng ta hãy để tâm suy nghĩ về những điều chân thật, cao quý, chính trực, đáng mến và những điều đem lại đức hạnh cùng danh thơm tiếng tốt. 
 
Khi tâm trí đong đầy những suy nghĩ tích cực và hướng tới những giá trị cao đẹp của chân-thiện-mỹ, chúng ta sẽ có những quyết định và hành động tốt đẹp để thăng tiến bản thân và đem lại nhiều lợi ích cho bản thân và cho xã hội.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn