Bánh chưng ở lại chịu lời đắng cay

Thứ Bảy, 05 Tháng Hai 20222:00 SA(Xem: 3404)
Bánh chưng ở lại chịu lời đắng cay

AVvXsEhUEa-UhL1211C_MH5vm1kchP_dAYyi71ordziVHxiw1VWU1QUNE00pQadafMkxQoeED3ekPOoMNQhUxUvzO_Oe9U7ALatiGP-65wGWQNCpuF9ecrU1n72siGLwHcPkYXIu_3aXjEhwjrlTxiKKddj_kjvJ-wve0JYNZi9jofqcdpELb0dBJFfmOwa-_A=w400-h225

 

Sáng thức dậy tình cờ thấy nhà văn Phạm Thị Hoài cũng vừa post bài “Các vua hùng đã có công” với nội dung “phê phán” bánh chưng. Trong đó có đoạn:

“Ẩm thực và văn chương có nhiều tương đồng, bánh chưng là một thứ văn xuôi thô, nặng, dềnh dàng, xơi một góc đã nghẹn và hứa hẹn từ phần còn lại là bội thực.

Lá gói lạt buộc hì hục, nấu như kháng chiến trường kỳ, song công phu vất vả thế vẫn chưa hết. Cái kiệt tác của ẩm thực dân tộc ấy đầy nguy cơ nhão nhoét, thiu, mốc, sống, sượng,

chưa kể động thái lại gạo khét tiếng, cộng thêm bước bóc bánh nên gọi chân thành là tra tấn và thực tế chắc chắn là chỉ sau một đũa xắn nó sẽ mất trắng tổng thể nghệ thuật và mỗi phút một hết cả xanh lẫn rền để cuối bữa chỉ còn là một di tích lạnh lẽo, xám xịt, tả tơi trên mâm cỗ. Văn bánh chưng là văn to nhưng không lớn, rắc rối nhưng không phức tạp, lớp trong lớp ngoài nhưng không đa tầng, nghiêm nhưng không cẩn. Đã thế lại là văn cúng cụ, nhất định phải đặt lên bàn thờ”. Còn nhiều nữa, và không kém phần thú vị.

Tôi rất vốn thích cái nhìn sắc sảo và lối văn độc đáo của chị Hoài, nhưng bài này thì không. Vì nó thiên kiến và ác cảm! Xin đừng vội hiểu lầm, tôi không nhân danh truyền thống, văn hóa, bản sắc, quốc hồn, quốc túy chi hết, tôi cũng không thích ăn bánh chưng, có khi cả một cái Tết gần như không ăn miếng nào!

Bánh chưng không “ghê tởm” như chị Hoài mô tả. Nó được làm từ loại nếp ngon nhất, đãi từng hạt, ngâm trong loại nước tinh khiết và trong sạch nhất có được. Nó được những người già vốn cẩn thận và nghiêm cẩn ngồi xếp bằng thong dong gói bằng thứ lá đẹp nhất sau khi đã cẩn thận lau chùi sạch sẽ, gấp nếp gọn gàng. Những công đoạn trước khi luộc bánh có thể gọi là một thứ nghi lễ, không hề tùy tiện, tuềnh toàng.

Nấu bánh chưng, xưa người ta còn công phu đẽo hẳn ba chân bếp bằng đá rất đẹp, để mỗi năm chỉ mang ra dùng một lần vào việc nấu nồi bánh cho năm mới. Từng chi tiết một, xếp bánh vào nồi, cho nước, nhen lửa – đó là cả một không khí đậm đặc tính người và hơi xuân.

Bánh chưng, ra đời từ đặc điểm của nền nông nghiệp lúa nước với sinh hoạt đặc thù của cư dân. Và ngày nay dù nó không còn thuần túy là một món ăn nữa, nhưng nó đã gắn với đời sống tinh thần dân tộc như một biểu tượng của Tết, biểu tượng của sum họp, đầm ấm.

Tôi không phải là “tín đồ” của bánh chưng, nhưng tôi yêu cái khí quyển xung quanh nó. Những năm sống ở miền Nam, dù một mình, nhưng Tết nào cũng gói và nấu bánh chưng cùng vài người bạn thân trong căn nhà lá với tre trúc xanh mướt bốn bề. Nấu chín thì cũng chỉ để mang đi biếu.

Tôi thèm cái bếp lửa ấy, thèm được ngồi bên nồi bánh trong gió lạnh, thèm hơi ấm và mùi thơm của lá chuối quện với hơi nếp bốc ra nghi ngút… Đó là gia đình tôi, là tuổi thơ tôi, là đêm lạnh ngồi nghe cha mẹ kể những chuyện năm nảo năm nào… Chúng tôi ngủ quên bên bếp lửa, ngủ trong hơi ấm và trong lòng cha mẹ mình.

Đồ ăn, bánh trái, không thể lấy cái tiêu chuẩn Tây - Ta hay hiện đại lạc hậu ra để đánh giá rồi sổ toẹt. Người Quảng Đông bước vô một căn nhà Việt mà nghe thấy mùi nước mắm thì ôm miệng lao ra ngoài như ngửi thấy xác chết, nhưng họ lại ăn đồ sống. Mắm tôm, trứng vịt lộn là món ngon của người Việt nhưng lại làm Tây khiếp đảm. (...) Một cái nhìn tỉnh táo là cần thiết, nhưng nhiều khi nó sẽ biến con người và cuộc sống con người thành một bộ xương, một cái xác khô.

Bánh chưng, với mỗi người một khác. Có người thích ăn, có người chỉ thích gói, có người chỉ thích được nhìn, lại có người chỉ vì thèm cái cảm giác nấu bánh quá mà bỏ đá vô nồi luộc! Ai cũng có quyền thích hay không thích, nhưng mô tả nó như một cái gì hủ lậu, ghê tởm nhân danh tiến bộ là thiên kiến và áp đặt. Anh có thể nói góc nhìn và cảm nhận của mình về bánh chưng, nhưng anh không thể nhân danh để biến nó thành một thứ kinh tởm. Tự bản thân nó, nó trong sạch và thơm tho. Anh không thể ăn được bánh chưng cũng như tôi không thể ăn được món bò bit-tết đang chảy máu rười rười ra đĩa. Tôi có nên ghê tởm không khi anh bỏ miếng thịt đỏ lừ ấy vào miệng?

Cá nhân mình, là một người làm trong môi trường giáo dục, tôi không ngại vứt bỏ cái câu “Tiên học lễ, hậu học văn” vì tính tha hóa và phản động của nó, nhưng tết và bánh chưng thì không. Tuy nhiên, không giống với “Tiên học lễ, hậu học văn” chỉ còn là cái vỏ rỗng tuếch nhưng luôn bị lợi dụng để nô dịch hậu thế, Bánh chưng sẽ tự biến mất khi không còn phù hợp với sinh hoạt xã hội và đã mất hết ý nghĩa. Vả lại, mãi mãi sẽ không có ai ngớ ngẩn đi bỏ phiếu cho sự tồn tại của một món ăn được làm từ gạo cả.

Văn minh không mâu thuẫn gì với tình người, với hơi ấm, với lúa gạo và mùi hương của quê nhà cả. Một dân tộc hùng cường không nhất thiết phải là một dân tộc từ chối quá khứ của mình, cũng không phải nhất thiết phải biến mình thành một người khác. Cũng như Tết, vấn đề của Việt Nam không nằm ở chiếc bánh chưng, như Hàn Quốc không vì ăn bạch tuộc sống cả con mà trở nên lạc hậu.

THÁI HẠO
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn