Một phụ nữ Do Thái đang cầu nguyện ở ngoại ô Tzfat

Nguồn hình ảnh, Menahem Kanaha Getty

Chụp lại hình ảnh,

Một phụ nữ Do Thái đang cầu nguyện ở ngoại ô Tzfat

Tzfat là một trong những nơi dường như không thể quyết định con đường cho mình.

Trải qua hàng trăm năm, thành phố nhỏ của Israel vốn nằm cao phía trên Biển Galilee này đã nhiều lần chao qua ngả lại giữa thiêng liêng và trần tục.

Trong nhiều thời kỳ, Tzfat đã trở thành nơi nghỉ dưỡng của người dân thủ đô Tel Aviv muốn trốn cái nóng của mùa hè, nơi thu hút các tay cờ bạc và gái bán hoa, nơi có nhiều nghệ sỹ. Nơi đây còn là một ngôi làng Ả-rập không xô bồ và từng là bãi chiến trường.

Thế nhưng sau khi trải qua tất cả những thứ đó, Tzfat vẫn giữ được đặc trưng của mình: một nơi mà khoảng cách giữa Trời và Đất được thu hẹp lại – nơi đem đến cho chúng ta cảm giác thiêng liêng.

Nơi đất trời giao hoà, theo tiếng Celtic, có nghĩa là nơi thiên đường và địa giới gần nhau nhất, nơi có những điều tinh tế nhẹ nhõm không mấy nơi khác có được.

Thiên đường và địa giới, theo niềm tin của người Celt, thường gần nhau hơn là ta tưởng. Và ở những nơi đất trời giao hoà, ta có thể cảm nhận được sự thiêng liêng.

Nơi đất trời giao hoà thường là nơi dễ chịu, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Là nơi có thể khiến ta vui sướng, mà cũng có thể không.

Tzfat là thành phố cao nhất của Israel

Nguồn hình ảnh, Ksenia Smirnova Flickr CC BY 2.0

Chụp lại hình ảnh,

Tzfat là thành phố cao nhất của Israel

Thế nhưng nơi đó luôn có khả năng biến chuyển để rũ bỏ những lớp vỏ giả tạo, bon chen vốn can thiệp quá nhiều trong việc định hình cuộc đời chúng ta, và để cho ta thấy những điều sâu sắc hơn, quý giá hơn.

Đền Vàng (Golden Temple) ở Amritsar của Ấn Độ, trái tim của đạo Sikh, là một ví dụ điển hình của một nơi như thế.

Nền sàn lát đá cẩm thạch mát lạnh bàn chân, và khối kiến trúc với những dòng nước êm ả chảy quanh với tiếng nhạc du dương khiến tâm hồn bạn tĩnh lặng. Bạn không cần phải là người theo đạo Sikh mới cảm nhận được có cái gì đó xáo trộn dữ dội bên trong.

Nơi đất trời giao hoà là nơi thiêng liêng về mặt tâm linh, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Đó có thể là một khu rừng, mà cũng có thể là một thư viện nào đó.

Ngay cả các quán bar hay các khu mua sắm cũng có thể, tuy phải thừa nhận rằng điều đó khó xảy ra.

Tương tự, không phải tất cả những địa điểm tôn giáo đều là nơi đất trời giao hoà. Jerusalem, "thành phố hoà bình", đã không làm lay động hồn tôi.

Tzfat thì không thế.

Một cặp vợ chồng Do Thái Chính thống giáo đi bộ tại Tzfat

Nguồn hình ảnh, Yuri Cortez Getty

Chụp lại hình ảnh,

Một cặp vợ chồng Do Thái Chính thống giáo đi bộ tại Tzfat

Sự tĩnh lặng

Mỗi lần đến Tzfat, tôi đều cảm giác được một sự tĩnh lặng tới bất ngờ.

Nơi đó không hẳn là thiên đường, nhưng bầu không khí nhẹ nhàng và không vội vã giúp cho một nơi vốn nặng nề trở nên thanh thoát.

Tzfat là một trong những nơi mà khi ta đến thăm trong vài ngày, sau đó ta lại cảm thấy như mình đã sống cả một đời.

Đó là những gì đã xảy ra với Daniel Flatauer, một thợ gốm người Anh thích tìm hiểu những điều huyền bí.

Khoảng 40 năm trước, trên đường đến Nhật Bản để học về nghề gốm và tìm hiểu về những điều huyền bí, ông định ghé Tzfat vài ngày. Nhưng rốt cuộc ông đã không bao giờ rời đi.

Ông nói ông đã tìm thấy những gì ông muốn ở Tzfat.

Thực hiện nghi lễ tắm nước đá tại một đền thờ Kabbalah ở Tzfat

Nguồn hình ảnh, David Silverman Getty

Chụp lại hình ảnh,

Thực hiện nghi lễ tắm nước đá tại một đền thờ Kabbalah ở Tzfat

Kabbalah, nhánh huyền bí của Do Thái giáo, đã phát triển ở Tzfat trong hàng trăm năm.

Khi người Do Thái bị trục xuất khỏi Tây Ban Nha vào năm 1492, một số người trong số họ đã tới định cư ở Tzfat, trong số đó có các học giả và những người tin vào những điều thần bí chuyên nghiên cứu Kabbalah.

Hành trang của họ mang theo là niềm đam mê đối với Kabbalah và chẳng lâu sau đó một vài trường phái Kabbalah đã hình thành ở đây.

Tzfat không phải là nơi sinh ra hoạt động tâm linh này, nhưng chính tại nơi đây nó đã trưởng thành và lớn mạnh, có thêm sức sống và tồn tại cho đến ngày nay.

Nó hiện diện ở người Do Thái giáo chính thống trong trang phục truyền thống là chiếc áo kéo dài đến gối và đầu quấn khăn, với chiếc chiếu tập yoga vắt vẻo trên vai.

Trên đường phố Tzfat có khá nhiều phòng tranh nhỏ, khiêm tốn

Nguồn hình ảnh, Ricardo Tulio Gandelman Flickr CC BY 20

Chụp lại hình ảnh,

Trên đường phố Tzfat có khá nhiều phòng tranh nhỏ, khiêm tốn

Nó hiện diện ở người Do Thái Hasidic trong chiếc áo khoác đen dài đạp chiếc xe một bánh – loại xe mà chúng ta hay thấy các anh hề diễn ở các gánh xiếc.

Đó chính là tinh túy của Tzfat, nơi mà truyền thống và sự lập dị song hành bên nhau.

Những người đến sống ở đây là những người cảm thấy không hòa hợp với đời sống chính thống giáo ở Jerusalem hay cuộc sống thế tục ở Tel Aviv.

Ở Tzfat, họ không cảm thấy phải gánh cảm giác ăn năn do không tuân theo những chuẩn mực đó.

Điều đặc biệt ở Lễ Sabbath

Tzfat có du khách đến thăm, nhưng lại không có các dịch vụ dành cho du khách.

Chỉ có rất ít khách sạn. Các nhà hàng thì khá xoàng, trừ một vài nơi đặc biệt. Nơi đây có rất nhiều phòng trưng bày nghệ thuật, nhưng không hào nhoáng bóng bảy như ở Soho, trung tâm London.

Nói cách khác, Tzfat có những nét quyến rũ riêng, và nơi đất trời giao hoà nhau là những nơi chẳng cần phải được tô điểm bằng bất kỳ thứ gì khác.

Thời gian mà tôi thích nhất ở Tzfat là dịp lễ Sabbath, điều mà nhà thần học Do Thái giáo Abraham Heschel gọi là "thời gian tôn nghiêm".

Sự tôn nghiêm đó đương nhiên là tồn tại ở bất kỳ nơi nào tổ chức lễ Sabbath, nhưng người dân Tzfat tổ chức ngày lễ này theo cách hết sức đặc biệt - sự tôn thờ và sự bốc đồng được kết hợp, hoà quyện vào nhau.

Tại một thánh đường Do Thái giáo vắng lặng của Tzfat

Nguồn hình ảnh, Emmanuel Dyan Flickr CC BY 2.0

Chụp lại hình ảnh,

Tại một thánh đường Do Thái giáo vắng lặng của Tzfat

Tối thứ Sáu được đánh dấu bằng những hoạt động quay cuồng giống như cơn bão trước sự tĩnh lặng.

Mọi người đều khẩn trương và cảm thấy sức ép của buổi lễ đang đến gần. Rồi hồi còi vang lên báo hiệu lễ Sabbath bắt đầu. Nó giống như ai đó nhấn chiếc nút im lặng khổng lồ vậy.

Âm thanh duy nhất ta nghe thấy lúc đó là tiếng bước chân khi mọi người hướng về các thánh đường Do Thái Giáo trong thành phố, những khối kiến trúc bằng đá nhỏ xíu, hay đến những cánh đồng gần bên để thực hành ‘Kabbala Shabbat’ – tức chào đón lễ Sabbath bằng cách đắm mình trong thiên nhiên.

Bằng cách làm như vậy, họ ‘sẽ đem đến niềm vui và ý nghĩa cho mọi khía cạnh của cuộc sống’, nghệ sỹ David Freedman nói với tôi.

Tzfat dạy cho tôi biết cách ngồi yên.

Ở đây, không giống như nhiều nơi khác, tôi không bao giờ cảm thấy tôi đang thiếu thiếu cái gì đó, hay cảm thấy có cái gì đó ở ngoài kia ‘hay hơn’.

Tzfat khiến cho tôi nhận ra rằng niềm vui có thể được tìm thấy ở những nơi khác thường. Ngay cả nghĩa trang. Nghĩa trang ở Tzfat, trải dài trên một ngọn đồi, tấp nập dòng người và khách hành hương tới cầu nguyện trước các ngôi mộ.

Tôi đã đến Tzfat vài lần. Cứ mỗi lần như thế, mọi thứ trở nên tốt hơn, thiêng liêng hơn, hay có lẽ là tôi cảm thích nó hơn. Tôi cũng không rõ.

Nhưng có điều mà tôi biết chắc: sự gần gũi quen thuộc không phải lúc nào cũng dẫn đến thái độ dễ dãi, xem thường. Đôi khi nó tạo ra tình yêu.