quan tham dưới triều Nguyễn

Thứ Ba, 19 Tháng Mười Hai 20235:00 SA(Xem: 932)
quan tham dưới triều Nguyễn

Một trong những đại án tham nhũng lớn nhất dưới triều Nguyễn xảy ra dưới triều Tự Đức đã được nhà văn trẻ Lương Hoài Trọng Tính tái hiện trong tiểu thuyết dã sử mới.

Ngu tien quan an anh 1

Tranh minh họa trong Ngự tiền quan án. Nguồn: Tri thức Trẻ Books.

Dưới triều Nguyễn, tham nhũng trở thành một vấn nạn của quốc gia. Tình trạng quan tham lại nhũng xảy ra ở khắp nơi, đặc biệt là các địa phương.

Hơn 70 quan lại bị đưa ra xét xử

Năm 1855, vua Tự Đức cho xét xử đại án tham nhũng ở tỉnh Quảng Nam. Vụ án này có tới hơn 70 quan lại đưa ra xét xử, có cả các quan Bố chánh, Án sát, Lãnh binh cho tới Đốc học, Tri phủ đến Thông phán, Kinh lịch, Thư lại...

Nội dung vụ án này đã được sử liệu Châu bản triều Nguyễn và chính sử Đại Nam thực lục ghi chép tương đối rõ và nó đã trở thành nguồn cảm hứng cho tác giả Lương Hoài Trọng Tính (hiệu Tử Yếng) cho ra đời tiểu thuyết dã sử Ngự tiền Quan án - Đại án Quảng Nam.

Theo sử liệu Châu bản triều Nguyễn thì vụ án bắt đầu từ việc Chu Trung Lập tố cáo tình trạng quan tham lại nhũng ở tỉnh Quảng Nam: “Thuyền buôn hối lộ tiền bạc; quan tỉnh ẩn lậu thuế buôn, thuế quế; tỉnh lại thu tiền cho ứng dịch và Bạch Doãn Lân, Nguyễn Chiêm Lượng đục khoét, gian dối, xấu xa; Nguyễn Tường Vĩnh mua chịu điền trạch”.

Sau đó, vua Tự Đức phái “Hữu tham tri Bộ Binh kiêm quản Viện Đô sát là Trương Văn Uyển cùng Khoa đạo là Nguyễn Vĩnh, Viên ngoại lang ty Hình là Phạm Công Đề đến nơi tra xét”. Năm Tự Đức thứ 8 (1855), vụ án được đưa ra nghị xử.

Ngay trong năm đó, Nội các xin xét xử: “Các viên hiện tại làm Thông phán, Kinh lịch, Chánh bát phẩm, Vị nhập lưu Thư lại và đã thăng, điều bổ nơi khác, về hưu xin cách chức, tra xét, tịch biên gia sản, thu hồi của cải. Các tên đã sung Chủ thủ Nội vụ hoặc can án giam ở trấn xin do bộ lấy cung quy án”. Tiếp đó, Nội các lại đề nghị xử hơn 70 quan lại liên quan.

Đề cập đến việc kết án vụ tham nhũng này, Đại Nam thực lục cho biết có 17 người bị xử giảo giam hậu - giam đợi lệnh (nguyên Thông phán 4, Kinh lịch 2, Bát phẩm 8, Cửu phẩm 2, Vị nhập lưu 1); tội lưu 25 người (nguyên Bát phẩm 2, Cửu phẩm 10, Vị nhập lưu 13); tội đồ 12 người (nguyên cửu phẩm 3, vị nhập lưu 9); tội trượng và cách chức 8 người...

Ngay cả trường hợp phạm tội đã chết cũng không thoát tội, bản án cho biết: “tước bỏ tên trong sổ làm quan 1 người (nguyên Tri phủ Điện Bàn là Nguyễn Bá Đôn); truy thu lại bằng sắc, xoá tên trong sổ làm quan 1 người (viên Án sát đã chết là Đặng Kham)”...

Ngu tien quan an anh 2

Sách Ngự tiền quan án - Đại án Quảng Nam. Nguồn: Tri thức Trẻ Books.

Lật lại đại án bằng tiểu thuyết dã sử

Khác những tiểu thuyết dã sử khác viết về những câu chuyện tình cảm của các bậc hoàng thân quốc thích, những sự kiện còn bỏ ngỏ trong lịch sử phong kiến Việt Nam, thì Tử Yếng Lương Hoài Trọng Tính lại chọn một con đường rất khác - biến cố lịch sử lớn trong lòng triều đại - vụ án tham nhũng.

Với lợi thế nghiên cứu về kiến trúc - văn hóa miền Nam, và có một chút năng lực về Hán Nôm, tác giả đã xem lại vụ án từ các tài liệu như Đại Nam Thực lục hay các văn án châu phê trên Châu bản triều Nguyễn lúc bấy giờ để đánh giá tài liệu, tìm mạch truyện chính cho tiểu thuyết. Sau đó tìm hiểu thêm về văn hóa xã hội đương thời để tạo không gian, thời gian bằng ngòi viết cho người đọc dễ hình dung hơn.

Khi dựng tác phẩm này, Lương Hoài Trọng Tính đã căn cứ vào cốt truyện thực của lịch sử, từ đó triển khai ra, bám vào mạch truyện để xây dựng tuyến nhân vật chủ đạo. Cái khó là anh phải đọc, tìm và sắp xếp tư liệu phù hợp với từng cảnh trí, văn cảnh xuất hiện trong truyện.

Chia sẻ lý do vì sao lại quan tâm và lấy cảm hứng vụ án 70 quan lại tham nhũng ở Quảng Nam để viết cuốn tiểu thuyết trinh thám dã sử này, Lương Hoài Trọng Tính cho biết Quảng Nam lúc bấy giờ là một tỉnh nằm kề với kinh đô Huế, ngoài ra đây còn là nơi có cảng nước sâu sôi động đương thời, Đà Nẵng.

Do có nguồn lợi nhiều tất nhiên nơi này cũng sẽ có một số tệ nạn được sinh ra, trong đó có thể nói tới nạn tham nhũng lúc bấy giờ. Can phạm không phải chỉ vài ba người mà là một hệ thống mấy chục người. Đây được coi là một trọng án đời phong kiến và cũng là một gương lịch sử chúng ta cần lưu tâm để tránh đi những vết xe đã qua cũng như học được cách người xưa đã làm gì trong việc chống tham nhũng.

Ngự tiền - Quan án hứa hẹn sẽ đem lại trải nghiệm mới lạ cho cả những độc giả yêu thích tiểu thuyết dã sử và những người yêu thích tìm hiểu văn hóa - phong tục - lịch sử Việt Nam thời Nguyễn
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn