Joaquin Phoenix trong vai Napoleon

Nguồn hình ảnh, Apple+

Chụp lại hình ảnh,

Diễn viên kỳ cựu Joaquin Phoenix thủ vai chính Napoleon

  • Tác giả, Neil Armstrong
  • Vai trò, BBC Culture

Trước khi phim Napoleon chính thức ra rạp vào ngày 22/11 tới, đạo diễn phim Ridley Scott đã gây tranh cãi khi so sánh vị hoàng đế Pháp với Hitler và Stalin. Sự thật của câu chuyện này là gì?

Đây là phần mở đầu của chiến dịch quảng bá phim, và đạo diễn kỳ cựu người Anh công bố một loạt các hình ảnh bằng tiếng Pháp. Đạo diễn Ridley Scott đang quảng bá bộ phim mới nhất của mình, sẽ được công chiếu vào ngày 22/11 tới.

Bộ phim 'Napoleon' hứa hẹn kể về con đường lên nắm ngôi vương của vị Hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte, do diễn viên Joaquin Phoenix thủ vai, tập trung vào mối quan hệ phức tạp với người vợ đầu tiên là Joséphine (do Vanessa Kirby đóng).

Và vẫn còn hàng tháng để xem kết quả cuối cùng sẽ như thế nào, cuộc thảo luận liên quan đến bộ phim tiểu sử này đã trở nên ồn ào, nhờ vào các bình luận mà Scott đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí phim Empire.

"Tôi so sánh [Napoleon] với Alexander Đại đế, Adolf Hitler, Stalin. Nghe này, ông ta đã làm nhiều chuyện tồi tệ," người đạo diễn nói, giải thích suy nghĩ của ông về nhân vật chính.

Phim tiểu sử Napoleon của Ridley Scott hé lộ mối quan hệ của vị hoàng đế Pháp với người vợ đầu tiên Joséphine

Nguồn hình ảnh, Apple+

Chụp lại hình ảnh,

Phim tiểu sử Napoleon của Ridley Scott hé lộ mối quan hệ của vị hoàng đế Pháp với người vợ đầu tiên Joséphine

Cái gì vậy? Dừng lại nào! Người Pháp nhanh chóng phản pháo và chỉnh đốn một người Anh bị xem đã không có phát ngôn mang tính tôn kính với vị hoàng đế của họ.

"Hitler và Stalin không tạo ra được gì và chỉ gieo rắc sự tàn phá," Pierre Branda, Giám đốc học thuật từ Fondation Napoléon, trả lời tờ The Telegraph. "Napoleon đã thiết lập những điều vẫn còn tồn tại đến ngày nay."

Thierry Lentz từ Fondation Napoléon trả lời trong cùng một bài viết: "Napoleon không phá hủy cả nước Pháp hoặc châu Âu. Di sản của ông ấy sau đó đã được tán dương, và củng cố." Còn sự thật cho vấn đề này là gì - và có phải đạo diễn Scott không có lập luận nào để củng cố quan điểm của mình?

Napoleon, một tổng tư lệnh quân đội tài trí, lên nắm quyền vào năm 1799 trong thời kỳ bất ổn chính trị tại Pháp theo sau cuộc Cách mạng Pháp. Giới hâm mộ nói ông đã giúp nước Pháp trở thành một đất nước mà những người có thực tài nắm quyền lãnh đạo xã hội hơn là trong chế độ cũ trước cuộc cách mạng.

Ông cũng tiến hành tập trung hóa chính phủ, sắp xếp lại bộ máy ngân hàng, cải tổ giáo dục và pháp điển hóa Bộ luật Napoleon, thay đổi hệ thống tư pháp và trở thành một hình mẫu cho nhiều quốc gia khác.

Một cảnh trong phim 'Napoleon'

Nguồn hình ảnh, Apple+

Chụp lại hình ảnh,

Napoleon đã thiết lập một đế chế, vào thời điểm cực thịnh nhất, trải dài từ Madrid đến Moscow. Một cảnh trong phim 'Napoleon'

Nhưng ông cũng phát động một loạt các cuộc chiến tranh đẫm máu trên khắp châu Âu, thiết lập một đế chế, mà vào thời điểm cực thịnh, trải dài từ báo đảo Iberia cho đến Moscow.

Trước năm 1812, các khu vực duy nhất ở châu Âu không nằm dưới sự kiểm soát của ông, thông qua nền cai trị trực tiếp hoặc bù nhìn, hoặc thông qua một liên minh, bao gồm Anh, Bồ Đào Nha, Thụy Điển và Đế chế Ottoman. Hoàng đế của Pháp cuối cùng bị một liên minh các nước do Anh dẫn đầu, đánh bại vào năm 1815 trong trận chiến Waterloo.

Napoleon và các cuộc chinh phạt của ông luôn chiếm lĩnh tâm trí người dân Anh trong thời kỳ đó và hơn thế nữa. Các nhà biếm họa cũng ám ảnh với vị đế vương này.

Napoleon đã làm nền trong các tiểu thuyết của nhà văn Jane Austen. 'Kiêu hãnh và định kiến', được xuất bản vào năm 1813, là một ví dụ, tác phẩm đã khắc họa một lực lượng quân đội trong thế sắp phải đẩy lùi cuộc xâm lăng của Napoleon. Charlotte Brontë sở hữu một mảnh trong cỗ quan tài gốc của Napoleon, được một người gia sư trao cho bà ở Brussels.

Thám tử tài ba Sherlock Holmes của tiểu thuyết gia Arthur Conan Doyle đã gọi nhân vật phản diện, Giáo sư Moriarty là "Napoleon của tội ác".

Trong 'Trại súc vật' của nhà văn George Orwell, ấn bản vào năm 1945, con heo trở thành tên độc tài cũng có tên là Napoleon.

Nhưng gọi Napoleon là một kẻ độc tài - và xếp ông ta ngang bằng với các tên độc tài khét tiếng khác - có thật sự công bằng không?

Những quan điểm khác nhau về Napoleon

Philip Dwyer, Giáo sư lịch sử từ Đại học Newcastle, Úc, tác giả của một quyển tiểu sử gồm ba phần về Napoleon, không nghĩ như vậy.

"Bạn có thể tranh luận về chuyện liệu Napoleon có phải là một bạo chúa hay không - tôi ngã về phía là bạo chúa hơn - nhưng chắc chắc ông ta không phải là Hitler hay Stalin, hai nhà độc tài đã đàn áp dã man chính nhân dân của họ, dẫn đến hàng triệu cái chết."

Tranh vẽ Napoleon

Nguồn hình ảnh, Art images via Getty images

Chụp lại hình ảnh,

Trong suốt thời gian trị vì ngắn ngủi, Hoàng đế Napoleon đã tiến hành các cuộc chiến tranh trên khắp châu Âu, trong cùng lúc đó tiến hành công cuộc cải cách tại Pháp

Một số người thậm chí lập luận rằng Đế chế của Napoleon là "một nhà nước công an trị" bởi vì một hệ thống phức tạp những người chỉ điểm mật, theo dõi ý kiến trong quần chúng," ông nói.

"Nhưng rất ít người - một số nhà quý tộc hầu như có liên quan đến những âm mưu lật đổ chính quyền, vài nhà báo - thật sự bị Napoleon ra lệnh xử tử vì sự chống đối của họ. Nếu so sánh Napoleon với bất kỳ ai, tôi sẽ quay trở lại lịch sử về thời kỳ vua Louis XIV, một ông vua nắm quyền lực vô biên, đã tiến hành các cuộc chiến tranh không cần thiết, khiến hàng ngàn người phải bỏ mạng.

"Napoleon cũng phát động chiến tranh - điều này một lần nữa làm nổ ra tranh luận liệu chúng có cần thiết hay không - khiến hàng triệu người phải bỏ mạng, mặc dù chúng ta không biết bao nhiêu dân thường trực tiếp hay gián tiếp bị giết chết, như hậu quả từ cuộc chiến tranh."

Nhà báo người Pháp và cây bút trên tờ Telegraph Anne-Elisabeth Moutet đồng ý rằng không thể so sánh Napoleon với Hitler hay Stalin.

"Ông ấy [Napoleon] không lập ra các trại tập trung," bà nói với BBC Culture. "Ông ấy không tiến hành thảm sát các nhóm sắc tộc thiểu số. Vâng, có lực lượng cảnh sát chính trị mang tính xâm phạm, nhưng người dân thường có thể sống theo cách mà họ muốn và nói điều họ muốn."

Napoleon trong phim

Nguồn hình ảnh, Apple+

Chụp lại hình ảnh,

Người Pháp chủ yếu xem Napoleon như một nhà cải cách, nhà báo người Pháp Anne-Elisabeth Moutet nói. Một cảnh trong phim 'Napoleon'

Bà Moutet nói quan điểm của người Pháp xem Napoleon chủ yếu là một nhà cải cách.

"Ông ta có một bộ óc nổi trội và một người khởi xướng bộ luật và các định chế mà chúng tôi vẫn sống với chúng đến tận ngày nay.

"Chúng tôi muốn nghĩ rằng - hoàn toàn không sai - rằng nhiều người đã hạnh phúc hơn nhiều khi được cai trị bởi người Pháp, thay vì sống với bất kỳ luật pháp thời phong kiến nào mà họ đã trải qua."

Tuy nhiên, Charles Esdaile, Giáo sư ngành lịch sử đã nghỉ hưu từ Đại học Liverpool, đồng thời cũng là tác giả của một số quyển sách về Napoleon, bao gồm 'Napoleon's Wars: An International History 1803-15', lại có quan điểm khác.

"Tôi thấy Napoleon là một nhà quân phiệt," ông nhận định. "Một người đàn ông bị thôi thúc từ tham vọng cá nhân và tuyệt nhiên không biết nương tay. Một người đàn ông có tầm nhìn rõ rệt về một nước Pháp như thế nào mà ông ta cần xây dựng nên, và thật sự, một loại châu Âu thế nào mà ông ta cần thiết lập, để hậu thuẫn cho cỗ máy chiến tranh của mình. Bất kỳ nhận định về ông ta là một nhà giải phóng, một kiểu mẫu đàn ông của tương lai - về bản chất tất cả đều thuộc về huyền thoại Napoleon."

Diễn viên Rod Steiger đóng vai Napoleon trong phim Waterloo vào năm 1970

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Một trong những chân dung về Napoleon ghi dấu đậm nét nhất là trong phim Waterloo năm 1970, do diễn viên Rod Steiger thủ vai chính

Cỗ máy tuyên truyền của Napoleon là một công cụ rất, rất mạnh mẽ trong thời kỳ trị vì đế chế, và tạo ra một phiên bản các cuộc chiến tranh của ông ấy, phần lớn lỗi lầm là do một nước Anh bội phản," ông nói thêm. "Không phải là do nước Pháp - mọi người đang phát động chiến tranh nhằm vào Pháp. Huyền thoại mạnh mẽ về Napoleon tiếp tục sống đến ngày nay. Napoleon vẫn còn sự hiện diện sống động. Ông ta tiếp tục có sức ảnh hưởng dù đã chết. Ông ta tiếp tục định hình cách chúng ta nhìn nhận về ông ta."

Nhưng Giáo sư Esdaile cũng bác bỏ việc so sánh vị hoàng đế Pháp với Hitler và Stalin.

"Napoleon có nhiều lỗi lầm và là một nhân vật bị căm ghét thế nhưng căn bản không có tư tưởng về chủng tộc vốn là nền tảng trong chế độ cai trị của Đức Quốc xã," ông nhận định. "Napoleon không gây ra tội diệt chủng. Napoleon cũng không tổ chức những cuộc thanh trừng quy mô lớn. Công bằng mà nói, trong thời Napoleon, số tù nhân chính trị trong quá trình trị vì của ông ta tương đối bị giới hạn. So sánh ông ta với Hitler và Stalin là không vô nghĩa về mặt lịch sử."

Đạo diễn Ridley Scott và diễn viên chính Joaquin Phoenix trên phim trường 'Napoleon'

Nguồn hình ảnh, Apple+

Chụp lại hình ảnh,

Đạo diễn Ridley Scott và diễn viên chính Joaquin Phoenix trên phim trường 'Napoleon'

Dĩ nhiên, Ridley Scott, một cái tên 'đáng gờm' trong công nghiệp làm phim, đạo diễn cho các phim Blade Runner, Gladiator, Thelma and Louise, Alien và nhiều phim khác, đã có thâm niên trong ngành làm phim đủ lâu để biết cách quảng bá một bộ phim.

Napoleon là bộ phim quay trở lại tác phẩm đầu tiên của ông, The Duellists, được ra mắt cách đây hơn bốn thập niên. Hoàn toàn có khả năng ông ấy biết những bình luận về Hitler và Stalin sẽ tạo nên luồng dư luận và đó là lý do ông ấy đưa ra ý kiến.

Giáo sư Esdaile sẽ xem phim Napoleon khi được công chiếu hay không?

"Tôi nghĩ tôi sẽ xem nhưng cũng tôi biết bản thân không thích lắm khi Rod Steiger không thủ vai Napoleon," ông đùa. "Có nhiều điều sai trong phim Waterloo năm 1970, nhưng phần thể hiện vai diễn Napopleon của Steiger thì thật xuất sắc."