Chúa Nguyễn Phúc Tần và trận hải chiến lịch sử năm 1644

Thứ Sáu, 01 Tháng Mười Một 20197:00 SA(Xem: 4388)
Chúa Nguyễn Phúc Tần và trận hải chiến lịch sử năm 1644
Chúa Nguyễn Phúc Tần
Bìa sách “Lịch sử Việt Nam bằng tranh”, NXB Trẻ.

Nguyễn Phúc Tần (thường gọi là Hiền Vương) là vị Chúa thứ 4 của nhà Nguyễn. Ông là con thứ 2 của chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan. Sách Đại Nam liệt truyện chép:

Một hôm Hy Tông (tức chúa Nguyễn Phúc Nguyên) ngự giá tới Quảng Nam, đi theo tháp tùng hộ giá có Nguyễn Phúc Lan (bấy giờ đang là thế tử, về sau lên ngôi nối nghiệp chúa, tức chúa Thượng). Vào một đêm trăng sáng, Nguyễn Phúc Lan đi chơi thuyền trên sông, ghé vào bãi Điện Châu để câu cá, nghe tiếng hát của một người con gái đang hái dâu trên bãi sông. Động lòng, mới cho người tới hỏi thì được biết người con gái đó họ Đoàn. Phúc Lan bèn đem nàng về hầu ở Tiềm để. Cô gái đó đức hạnh ít ai bằng. Về sau, khi Phúc Lan lên ngôi chúa, nàng sinh cho ông một con trai. Sau này, chính là Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần.

Nối nghiệp chúa từ năm Mậu Tý (1648), nhưng khi còn thế tử mang tước là Dũng Lễ Hầu, Nguyễn Phúc Tần đã có một chiến công vô cùng hiển hách:

Năm 1644, theo yêu cầu của chúa Trịnh, chiến thuyền người Ô Lan (Hà Lan) đã vào xâm phạm cảng cửa Eo (Thuận An) của nước ta. Đoàn thuyền của họ được chia làm hai cánh:

  • Một cánh gồm ba chiến thuyền có tên là Wakendebode, Kievit và Meerman do Issac Davids chỉ huy, cánh này tiến thẳng ra Đàng Ngoài để cùng đi với chúa Trịnh.
  • Cánh thứ hai gồm ba chiếc Wojdenes, Waterhod và Vos do Baek chỉ huy.

Ngày 3/6/1644, cả hai đoàn chiến thuyền rời Batavia, theo gió Nồm tiến đến bờ biển nước ta. Trịnh Tráng đem đại đội binh mã 100.000 người rước vua Lê đi cùng với Issac Davids vào. Cả hai đoàn quân giao ước hội quân ở sông Gianh.

Khi đoàn thuyền của Baek trên đường đến điểm hẹn thì tại Phú Xuân, chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan được tin cấp báo. Sách Đại Nam thực lục t.1, tr. 55, 56 chép:

Bấy giờ, giặc Ô Lan đậu thuyền ngoài biển, cướp bóc lái buôn. Quân tuần biển báo tin. Chúa đương bàn kế đánh dẹp. Thế tử (tức Nguyễn Phúc Tần) tức thì mật báo với chưởng cơ Tôn Thất Trung (con thứ tư của Hy Tông), ước đưa thủy quân ra đánh. Trung lấy cớ chưa bẩm mệnh, ngần ngại chưa quyết. Thế tử tự đốc suất chiến thuyền của mình tiến thẳng ra biển. Trung bất đắc dĩ cũng đốc suất binh thuyền theo đi, đến cửa biển thì thuyền của thế tử đã ra ngoài khơi. Trung lấy cờ vẫy lại, nhưng thế tử không quay lại. Trung bèn giục binh thuyền tiến theo. Chiếc thuyền trước sau lướt nhanh như bay; giặc trông thấy thất kinh hoảng sợ…

Đó là ngày 7/7/1644*, đoàn thủy binh ta do thế tử Nguyễn Phúc Tần cầm đầu, tiến thẳng ra biển Đông, vây đánh đoàn thuyền Hà Lan do Baek chỉ huy. Khi đối đầu với đoàn thủy binh của ta, quân Hà Lan quá hoảng sợ, chống cự không nổi, phải bỏ chạy ra khơi. Trong tình thế hoảng loạn, quân địch tự phóng lửa đốt cháy tàu Wijdenes, tướng Baek chết theo tàu. Binh lính trên tàu sống sót chìm xuống biển, bị quân Nguyễn vớt lên và tiêu diệt. Từ xa, các chiến thuyền khác của Hà Lan thấy chiến thuyền của Phúc Tần nổ súng vang trời, không dám tiến đến sông Gianh nữa, chúng chạy ra trốn ở đảo Tây Sa.

Cũng theo Đại Nam thực lục, khi hay tin Nguyễn Phúc Tần ra biển một mình, chúa Thượng rất lo lắng, liền tự mình đốc suất binh thuyền đi tiếp ứng. Vừa tới cửa biển, từ xa trông thấy khói đen bốc cao mịt mù; chúa ra lệnh cho thủy binh ta tiến lên tiếp ứng. Đến khi được tin quân ta thắng trận, chúa mừng lắm, kéo quân về hải đình để chờ đợi.

Khi Nguyễn Phúc Tần đến bái yết, chúa trách: “Làm thế tử sao không thận trọng giữ mình?”.

Chúa còn trách Tôn Thất Trung về tội không bẩm mệnh. Trung cúi đầu tạ tội, sau đó đã hết lời khen ngợi thế tử. Chúa thượng cười và nói: “Trước kia, tiên quân ta đã từng đánh phá giặc biển, nay con ta cũng lại như thế. Ta không lo gì nữa…”

Nói xong, chúa trọng thưởng thế tử và đoàn thủy binh rất hậu…

Trong thời gian kế nghiệp chúa, Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần được coi là người rất chăm chỉ chính sự, biết trọng người tài, xa rời nữ sắc. Dưới thời chúa, vào năm 1656, Nguyễn Hữu Dật và Nguyễn Hữu Tiến đã kéo quân ra đánh Trịnh, tạm chiếm được 7 huyện ở Nghệ An. Sau đó mới rút quân về. Và kể từ đó, chiến tranh Trịnh – Nguyễn kéo dài từ lâu đã được chấm dứt.

Năm Quý Tỵ (1653), vua nước Chiêm Thành mang quân sang đánh phá Phú Yên, chúa sai quân đi đánh dẹp. Đổi vùng đất từ Phan Rang trở ra làm Thái Ninh phủ và đặt dinh Thái Khang để coi việc cai trị.

Năm Kỷ Mùi (1659) Dương Ngạn Địch là một tướng cũ của triều Minh, bất phục nhà Thanh, cùng với Trần Nhượng Xuyên đem hơn 3.000 quân vào đóng tại cửa bể Tư Dung xin thuần phục. Chúa bèn phong cho họ quan chức, rồi cho vào khai hoang vùng Đông Phố (Gia Định); Lộc Dã (Đồng Nai) và Mỹ Tho. Cùng với số di dân từ miền Trung vào miền Bắc, họ đã lập nên phố xá đông đúc ở các vùng đất mới. Nhân dân trong vùng có sự giao lưu thương mại với thuyền buôn của nhà Thanh, các nước Tây phương và Nhật Bản.

Cùng trong thời gian Hiền Vương trị vì, nhiều vùng đất mới được mở mang. Các kênh Trung Đan, Mai Xá được khơi đào. Bờ cõi vô sự, thóc lúa được mùa. Chúa thực hiện chính sách bớt lao dịch, giảm thuế khóa…

Nguyễn Phúc Tần là người có tình cảm sâu nặng. Sách Nam Triều công nghiệp diễn chí tr. 613 chép: “Từ khi thái phu nhân Chu thị qua đời. Hiền Vương buồn rầu thương tiếc, mắt lệ ít khi khô, bữa ăn thường bỏ dở, đêm nằm, vẫn đặt chung đôi gối như khi thái phu nhân còn sống, các mỹ nhân trong cung không mấy khi được gần…” (sđd, tr. 613).

Chúa ở ngôi 39 năm, thọ 68 tuổi.

Tôn Thất Thọ
Xưa & Nay, số 304, 3/2008, tr 12.
Đăng lại từ trang Nghiencuulichsu.com

Chú thích:

* Về thời gian trận đánh, Đại Nam thực lục ghi là vào năm Giáp Thân (1644), còn Lê Quý Đôn trong Phủ Biên tạp lục và GS Dương Kỵ trong Việt Sử khảo luận thì ghi là năm Quý Mùi (1643). Cũng theo GS Dương Kỵ; năm trước đó (1642) quân Hà Lan đã một lần đem quân vào Nam đánh chúa Nguyễn, nhưng lần đó chúng thua to. Lần sau, mặc dù chuẩn bị kỹ hơn, nhưng kết quả lại còn tệ hơn năm trước!

Tài liệu tham khảo:

– Đại Nam thực lục, T1, QSQTN, Nxb Giáo Dục, 2007.
– Đại Nam liệt truyện, T1, Nxb Thuận Hóa, 1993.
– Việt Sử khảo luận, Dương Kỵ, Thuận hóa XB, 1949.
– Nam Triều công nghiệp diễn chí, Nguyễn Khoa Chiêm, Nxb Hội Nhà văn, 2003.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn