Sự sống kinh ngạc trên 'dải đất tử thần' Chiến tranh Lạnh

Thứ Ba, 24 Tháng Chín 20193:00 SA(Xem: 4843)
Sự sống kinh ngạc trên 'dải đất tử thần' Chiến tranh Lạnh
bbc.com

Sự sống kinh ngạc trên 'dải đất tử thần' ở châu Âu

Sophie Hardach BBC Future

Other Bản quyền hình ảnh Other

Những con chim hiếm hót vang nơi bóng râm những tháp canh cũ của Đông Đức. Tuần lộc hoang dã lang thang ở vùng biên giới giữa Phần Lan và Nga. Linh miêu trượt qua các boongke cộng sản ở vùng núi Albania và Bắc Macedonia.

Trên khắp châu Âu, nhiều loài vật có nguy cơ tuyệt chủng đang tìm được một nơi trú ngụ khó tin ở miền đất từng bị Bức màn Sắt chia cắt trong thời Chiến tranh Lạnh.


Trong nhiều thập kỷ, biên giới cắt ngang châu Âu là một biểu tượng tàn bạo của sự thù địch giữa Đông và Tây, giữa các khối quyền lực xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa.

Cho mãi đến tận khi sụp đổ, hồi 28 năm trước, Bức tường Berlin đã chia nước Đức thành Cộng hòa Liên bang Đức ở phía Tây và Cộng hòa Dân chủ Đức (GDR) ở phía Đông.

Nhiều người đã mất mạng khi cố gắng vượt qua phương Tây do lính bắn tỉa hoặc bom mìn trong khu vực cấm vào nằm giữa hai quốc gia. Hành lang được bảo vệ nghiêm ngặt này được gọi là "dải đất tử thần".

Nhưng ở khu vực con người không thể bước tới này, thế giới thực vật và động vật đã sinh sôi phát triển mạnh mẽ.

Ngày nay, phần lớn dải đất dọc theo Bức màn Sắt trước đây đã được biến thành một "Vành đai xanh châu Âu".

Hành lang xanh dài 12.500km này kết nối các công viên quốc gia và các khu bảo tồn động vật hoang dã từ Bắc Băng Dương tới Biển Adriatic, thậm chí vươn ra tới cả Biển Đen.

Do biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng đến các hình thức di cư, hành lang này cũng trở thành lối thoát hiểm sống còn cho các loài muốn đi về phía bắc, tới các khu vực mát mẻ hơn.

Tất cả những chuyện này được bắt đầu, là nhờ có một số người ngắm chim gan dạ.

Chim sẻ whinchat và tháp canh

"Khi 14 tuổi, tôi bắt đầu ghi chép về các loài chim trong khu vực," Kai Frobel nói. Ông là một nhà sinh thái học lớn lên ở Tây Đức vào thời thập niên 1970.

"Tôi nhận thấy rất nhanh rằng phần lớn các loài quý hiếm, như chim sẻ whinchat, cú muỗi nightjar, chim sẻ ngô (corn bunting), đều sinh sản trong 'dải đất tử thần' của CHDC Đức."

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Vành đai Xanh châu Âu đã trở thành phao cứu sinh cho nhiều loài thuộc nhóm khẩn nguy

Frobel là người đầu tiên công khai ghi chép về thiên đường hoang dã đáng ngạc nhiên này, và ông đã dành cả cuộc đời theo đuổi sự nghiệp và công việc làm nhà bảo tồn.

Giờ đây, ông làm việc cho một tổ chức môi trường của Đức (Bund), vốn bắt đầu mua và bảo vệ những mảnh đất nằm dọc bên phía tây của đường biên giới từ thời thập niên 1980.


Sau sự sụp đổ của Bức tường Berlin vào năm 1989, Frobel đề nghị biến biên giới giữa hai nước Đức thành một "vành đai xanh" dài 1.400km.

Nước Đức thống nhất năm 1990, khiến đề xuất trên thành điều khả thi.

Nằm trong tâm điểm của kế hoạch Frobel đề ra là vùng đất được gọi là nơi không bóng người. Về mặt chính thức, dải đất này thuộc về CHDC Đức.

Tuy nhiên, vì nằm ở phía tây của hàng rào biên giới nên nó hầu như không bị đụng đến trong suốt thời gian 40 năm hai miền nước Đức bị chia cắt.

"Các nhóm tuần tra biên giới chỉ đi vào đó vài năm một lần và dọn dẹp cây bụi, phát quang khu vực một chút. Ngoài ra thì mảnh đất không được sử dụng vào việc gì hết," Melanie Kreutz, một giám đốc dự án tại Bund, nói.

"Tức là không có hoạt động nông nghiệp, không thuốc trừ sâu, không phân bón hoá học. Và khu vực này, vùng đất không bóng người này, thực sự là xương sống sinh thái của vành đai xanh (của Đức) ngày nay."

Hơn 80% biên giới nội địa bên trong nước Đức trước kia ngày nay tạo thành một phần của vành đai xanh được bảo vệ đó.

Di sản lịch sử của nó đã được bảo tồn cùng với các loài thực vật và động vật. Du khách có thể nhìn thấy hoa lan hoang dã, rái cá, cò, và cũng có thể khám phá lịch sử Chiến tranh Lạnh thông qua các bảo tàng, triển lãm, và các chuyến đi bộ đường dài có hướng dẫn viên đi kèm và các tour đi xe đạp.

Nằm dọc theo Bức màn Sắt trước đây là các "ốc đảo" hoang dã tương tự, không bị con người đụng chạm tới trong suốt thời kỳ Đông-Tây đối đầu.

Ở phía bắc, các khu rừng của Na Uy, Phần Lan và Nga che chở cho nai sừng tấm và gấu, còn ở cuối phía nam, trong các rặng núi và hồ nước của Balkan, linh miêu và bồ nông sinh sản mạnh mẽ.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các quốc gia dọc biên giới dần dần hợp lực để bảo tồn hành lang động vật hoang dã mà các nước đã vô tình có chung với nhau.

Vành đai xanh châu Âu hiện chạy qua 24 quốc gia, bao gồm nhiều loại môi trường sống khác nhau, từ bờ biển, hồ nước, cho tới rừng, núi. Tuy vẫn còn những khoảng trống, nhưng vành đai xanh đã là cứu cánh cho nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Bước đệm cho tuần lộc

"Những hành lang này khiến các loài có được nơi trú ngụ an toàn, để trao đổi gene, để di trú," Aimo Saano, giám đốc bảo tồn thiên nhiên tại Metsähallitus, một cơ quan chính phủ Phần Lan quản lý các khu vực cốt lõi của Phần Lan thuộc Vành đai Xanh châu u, nói. "Chúng tạo ra những hệ sinh thái phức tạp nên có."

"Như chúng ta đã biết từ châu Âu, nơi có mật độ dân cư đông đúc, có một mối nguy hiểm rõ ràng, đó là các hệ sinh thái bị thu nhỏ và cắt thành các mảnh nhỏ, tách biệt với nhau."

Việc kết nối xuyên biên giới giúp chống lại xu hướng này và tạo điều kiện cho các loài thuộc diện khẩn nguy cao như tuần lộc rừng hoang dã sinh sôi, phát triển. Vào thời thập niên 1990, một trong số ít các quần thể tuần lộc rừng hoang dã còn sót lại đã sống ở Karelia, một khu vực của Nga giáp biên với Phần Lan.

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Tuần lộc rừng hoang dã được di chuyển tự do trong vành đai xanh nối liền nhiều quốc gia ở bắc Âu

Khác với đường biên giới bên trong nước Đức, đường biên giới giữa giữa Nga và Phần Lan tất nhiên là không biến mất.

Tuy nhiên, các nhà bảo tồn Nga và Phần Lan đã chuyển một số con tuần lộc rừng hoang dã của Nga đến một công viên quốc gia Phần Lan, thành lập một quần thể thứ nhì, nhỏ hơn ở phía tây vành đai xanh.

Tuần lộc có thể di chuyển qua lại đường biên giới, và việc trao đổi gene giữa hai quần thể tuần lộc đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển lành mạnh của chúng trong tương lai, Saano nói.

Một số loài, như chim, bướm và các loại côn trùng, thậm chí đang di chuyển về phía bắc dọc theo Vành đai Xanh châu Âu để trốn chạy khỏi ảnh hưởng của tình trạng nóng ấm toàn cầu. "Ít nhất thì ở đây chúng sẽ có một hành lang để di chuyển [dọc theo đó]," Sa nói.

Hòa bình và bồ nông

Ở phần cuối phía nam của Vành đai Xanh châu Âu, tại vùng Balkan, theo sau sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh là một loạt các cuộc chiến đẫm máu.

Khi Nam Tư cũ sụp đổ, không mấy ai coi việc bảo vệ động vật hoang dã là ưu tiên hàng đầu.

Tuy nhiên, cùng với hòa bình, nhận thức của con người ngày càng tăng đối với kho báu tự nhiên của khu vực, và người ta sẵn sàng vượt qua biên giới để bảo vệ chúng.

"Mục tiêu chính của chúng tôi đương nhiên là nhằm bảo vệ môi trường, nhưng tại Balkan, mọi thứ còn đi xa hơn thế," Sandra Wigger, giám đốc dự án tại EuroNatur, một tổ chức môi trường điều phối các tổ chức địa phương dọc theo khu vực Balkan của vành đai xanh, nói.

"Đó cũng là vấn đề về trao đổi xuyên biên giới, phát triển khu vực, là để mọi người thấy rằng họ có thể hành động cùng nhau. Bởi vì họ đã trải qua những năm tháng chiến tranh cách đây chưa lâu."

Nhờ điều kiện tự nhiên của vùng núi thưa thớt dân cư này lẫn lịch sử Chiến tranh Lạnh ở đó mà môi trường sống hoang dã không bị xáo trộn.

Chẳng hạn như Albania đã rất bị cô lập dưới sự cai trị của cộng sản. Biên giới nước này đến nay vẫn còn rải rác các boongke.

Ở Bulgaria, một vùng cấm vào rộng tới 25km được hoạch định nằm dọc theo biên giới.

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Hơn 80% nơi từng là đường biên giới bên trong nước Đức nay trở thành một phần của Vành đai Xanh châu Âu, khu vực được bảo vệ nhằm mục đích bảo tồn đời sống hoang dã

"Vẫn còn những khu vực thiên nhiên hoang sơ rộng lớn, những cánh rừng rộng chỉ có rất ít người sinh sống ở những vùng núi này," Wigger nói. "Các thành phố thường ở rất xa. Điều đó có nghĩa thực sự là hệ đa dạng sinh học khổng lồ ở đây đã được bảo tồn."

Bồ nông Dalmatian là một trong những loài đã phát triển mạnh ở vùng hoang dã nguyên sơ này. Đàn bồ nông Dalmatian lớn nhất thế giới sinh sống trong các bãi sậy bên hồ Prespa nằm giữa Hy Lạp, Albania và Bắc Macedonia.

Một loài khác sống qua lại xuyên biên giới, loài linh miêu Balkan có nguy cơ tuyệt chủng, giờ đây có thể đi lang thang giữa các khu săn bắn khác nhau ở trong và dọc vành đai xanh, như Công viên Quốc gia Mavrovo ở Bắc Macedonia, và các rặng núi của Albania, Kosovo và Montenegro.

Đối với các nhà bảo tồn làm việc dọc theo Vành đai Xanh châu Âu thì việc kết nối với các quốc gia khác cũng tạo ra cơ hội trao đổi thông tin và học hỏi lẫn nhau.

"Cách tiếp cận châu Âu này khiến cho hoạt động bảo tồn đạt được quy mô to lớn, nơi bạn thực sự thấy là, à, có những người, tổ chức, cơ quan chính phủ trên toàn lục địa hợp tác với nhau xuyên biên giới," Wigger nói. "Có sự hỗ trợ này khiến bạn cảm giác mình là một phần của cộng đồng, khiến bạn nhận ra rằng mình không đơn độc."

Tuy nhiên, không phải ai cũng ủng hộ vành đai xanh.

Ở Đức, nơi các nhà bảo tồn muốn khoanh vùng những khoảng trống còn sót lại, các hiệp hội nông dân đã phản đối việc mở rộng vành đai xanh. Họ sợ mất đất canh tác.

Giá đất tăng, nhu cầu về nhiên liệu sinh học và xây dựng đường cũng đang gây áp lực lên vành đai xanh.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn