Tưởng Giới Thạch tôn kính nhất hai người: Tôn Trung Sơn và một cao nhân khác

Thứ Hai, 18 Tháng Mười Hai 20177:00 SA(Xem: 5938)
Tưởng Giới Thạch tôn kính nhất hai người: Tôn Trung Sơn và một cao nhân khác

Nói đến những nhân vật đầu tiên của thời kỳ Dân Quốc, không thể không nhắc đến Trương Tĩnh Giang. Ông được Tôn Trung Sơn gọi là “Thánh nhân cách mạng”, Tưởng Giới Thạch lại gọi ông là “Đạo sư cách mạng”, đủ để nói lên vị trí của ông trong Đảng Quốc Dân.

Tôn Trung Sơn, Tưởng Giới Thạch vì sao lại đánh giá cao Trương Tĩnh Giang như vậy? Bởi vì nửa cuộc đời của Tĩnh Giang đều xoay quanh hai người này. Nếu không có ông, hai người này rất khó đạt được thành tựu lớn như vậy.

Người bảo trợ tài chính

Trương Tĩnh Giang là một thổ hào, sinh năm 1877 tại trấn Nam Tầm, Hồ Châu, tỉnh Chiết Giang. Gia đình ông là đại phú hào ở trấn Nam Tầm, gia sản vượt quá 1000 vạn lượng bạc. Năm 21 tuổi ông được làm một chức quan nhị phẩm, cùng với đại sứ Tôn Bảo Kỳ đến Paris, nước Pháp.

Chính trong khoảng thời gian ở Paris, Trương Tĩnh Giang quen biết Tôn Trung Sơn. Vì giận chính quyền nhà Thanh khi ấy mục nát, bại hoại, cho nên Trương Tĩnh Giang rất nhanh tiếp nhận tư tưởng cách mạng của Tôn Trung Sơn. Thời kỳ đầu làm cách mạng, Tôn Trung Sơn gặp rất nhiều gian nan, phải bôn ba mệt mỏi, nguyên nhân chủ yếu là do kinh phí làm cách mạng quá lớn. Nhưng từ khi gặp được Trương Tĩnh Giang, vấn đề này được giải quyết ngay lập tức.

Tài năng kinh doanh của Trương Tĩnh Giang rất giỏi. Sau khi đến Pháp, ông mở công ty vận chuyển, kiếm tiền vô số. Sau khi quen biết Tôn Trung Sơn, ông rất tự nhiên nói với Tôn Trung Sơn: “Những năm nay ở Pháp tôi kiếm được không ít tiền, nếu như tiên sinh cần, có thể nói với tôi, đừng ngại”. Ông cùng Tôn Trung Sơn thống nhất điện báo liên lạc bằng ám hiệu là A, B, C, D, E có giá trị từ 1-5 vạn Franc (đơn vị tiền tệ của Pháp), điều này khiến Tôn Trung Sơn cảm kích rơi nước mắt.

Chân dung Trương Tĩnh Giang (Ảnh: Wikipedia)

Sau cuộc cách mạng lần hai, các nhà cách mạng phải chịu sự truy sát của Viên Thế Khải. Tôn Trung Sơn rất lo lắng, nhưng cũng chỉ đành đứng nhìn từng người một bị giết chết. Lúc này, cũng là Trương Tĩnh Giang đứng ra nói với Tôn Trung Sơn: “Thân phận của tôi vẫn chưa bại lộ, tôi sẽ dốc hết khả năng và sức lực cứu người”.

Thời điểm đó, mặc dù thân phận của Trương Tĩnh Giang vẫn chưa bại lộ, nhưng ông cũng đang trong hiểm cảnh. Tuy nhiên ông vẫn dũng cảm ra tay nghĩa hiệp, dùng thân phận thương gia yểm hộ, đưa từng nhà cách mạng thuận lợi thoát chết, chạy đến Nhật Bản. Trong thời gian này, ông cũng mạo hiểm tính mạng, thành công trong kế hoạch ám sát bè lũ hung ác của Viên Thế Khải. Lần hành động này do Quân trưởng Từ Bảo Sơn lãnh đạo quân đội 2 thực hiện.

Sau khi Tôn Trung Sơn bệnh nặng nhập viện ở Bắc Kinh, Trương Tĩnh Giang cũng gấp rút từ Thượng Hải đến thăm. Thời điểm này ông cũng bị bệnh nặng đến mức không thể đứng vững, thế nhưng khi đến Bắc Kinh, ông luôn túc trực bên cạnh Tôn Trung Sơn, cho đến khi Tôn Trung Sơn qua đời. Ông là người duy nhất chứng kiến thời khắc này, ông còn ký tên lên di chúc của Tôn Trung Sơn.

Thầy của Tưởng Giới Thạch

Nếu như nói Trương Tĩnh Giang và Tôn Trung Sơn là quan hệ chí hữu cách mạng, thì quan hệ giữa ông và Tưởng Giới Thạch chính là vừa là thầy vừa là bạn.

Cả đời Tưởng Giới Thạch tôn kính nhất hai người, một là Tôn Trung Sơn, hai là Trương Tĩnh Giang. Tưởng Giới Thạch từng hình dung hai người như thế này: “Làm bạn với Tôn tiên sinh khiến người ta vui vẻ thoải mái, tôn trọng, kính nể sự uy nghiêm và phẩm chất đạo đức tốt đẹp của ông. Làm bạn với Trương tiên sinh khiến người ta cảm thấy tự xấu hổ trước sự trí thức và hành động cao thượng của ông”.

Trương Tĩnh Giang quen biết Tưởng Giới Thạch khi đang trị bệnh ở Thượng Hải. Tưởng Giới Thạch lúc đó là một thanh niên có ý chí làm cách mạng, mặc dù chưa làm nên sự nghiệp, nhưng ý chí quật cường. Trương Tĩnh Giang cảm thấy chàng thanh niên này trong tương lai sẽ hoàn thành nghiệp lớn, vì vậy cùng Tưởng Giới Thạch kết nghĩa huynh đệ, cho nên trong cách mạng sau này nhiều lần tận lực tiến cử Tưởng Giới Thạch cho Tôn Trung Sơn.

publishable
Tưởng Giới Thạch trong những năm làm cách mạng đối với Trương Tĩnh Giang vừa là bạn vừa lại là thầy. (Ảnh: vi.wikipedia.org)

Tưởng Giới Thạch ở Thượng Hải rất khốn khổ, bần cùng, lúc mới bắt đầu theo Trương Tĩnh Giang học kinh doanh. Bởi vì không có đầu óc kinh doanh mà làm đến đâu, phải bồi thường đến đó, kết quả thiếu nợ rất nhiều, không ngừng vay tiền của Trương Tĩnh Giang, giấy nợ cũng viết mấy chục trang, vẫn còn lưu giữ đến ngày nay. Dù sao Trương Tĩnh Giang cũng không thiếu tiền, cho nên nếu Tưởng Giới Thạch cần ông đều đáp ứng.

Vào mùa hè năm 1922, Trần Quýnh Minh phản bội cách mạng, nổ súng vào phủ Tổng thống, Tôn Trung Sơn buộc phải di chuyển đến tàu Trung Sơn. Tại thời điểm này, Trương Tĩnh Giang kiên quyết để cho Tưởng Giới Thạch đến bên cạnh Tôn Trung Sơn. Ở bên cạnh Tôn Trung Sơn hơn 40 ngày, Tưởng Giới Thạch cuối cùng lấy được sự tín nhiệm của ông. Vì vậy sau này, Tưởng Giới Thạch mới có thể làm Hiệu trưởng trường quân sự Hoàng Phố, làm Tổng Tư Lệnh của đội quân Bắc Phạt.

Sau này mỗi khi Tưởng Giới Thạch sắp trở thành một kẻ cô độc ở trên cao, Trương Tĩnh Giang luôn đứng bên cạnh giúp đỡ, ủng hộ ông vượt qua khó khăn. Đối với Trương Tĩnh Giang, Tưởng Giới Thạch vô cùng cảm kích, gặp được Trương Tĩnh Giang giống như mùa đông gặp được mặt trời, vì vậy gọi ông là “Đạo sư cách mạng”.

Nhưng về sau hai người xảy ra mâu thuẫn, Trương Tĩnh Giang quyết định đi Mỹ, nửa đời sau đều tĩnh tâm niệm Phật và chết ở New York vào năm 1950. Tin tức Trương Tĩnh Giang ra đi truyền về Đài Loan. Tưởng Giới Thạch đã tự sắp đặt lễ truy điệu cho Trương Tĩnh Giang, trong lễ truy điệu ông rơi nước mắt, nói không thành lời. Theo như lời kể của các vệ sĩ xung quanh Tưởng Giới Thạch, ngày đó, Tưởng Giới Thạch dường như đột nhiên già đi mười tuổi. 

Theo soundofhope
Thanh Bình biên dịch

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn