Iceland: lạc quan trong khắc nghiệt cùng cực

Thứ Tư, 01 Tháng Tám 20189:00 CH(Xem: 5786)
Iceland: lạc quan trong khắc nghiệt cùng cực
bbc.com
Katie Hammel BBC Travel

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Khi chúng tôi đang ở đâu đó ở Westfjords xa xôi, một bán đảo lớn nằm ở góc tây bắc Băng Đảo thì chiếc xe đi cắm trại của chúng tôi chết máy lần đầu tiên.

Đó là vào cuối tháng Chín, tức là đã cuối mùa du lịch ở một nơi có lượng du khách vào khoảng 6% số du khách đến đất nước này hàng năm, và là lúc những con đường hoàn toàn trơ trọi.


'Cuối cùng sẽ ổn thôi'

Chiếc xe bị chết máy thêm hai lần nữa khi hai vợ chồng tôi chạy trên quãng đường gần 200km từ Látrabjarg, một vách núi lộng gió nằm cheo leo ở rìa phía tây của Băng Đảo, trở lại nơi chúng tôi ở là Ísafjörður, thị trấn lớn nhất của Westfjords với dân số 2.600 người.

Khi quay trở lại căn hộ, chúng tôi gọi cho công ty cho thuê xe và nói cho họ biết về trục trặc này. Không may là người thợ sửa xe không rảnh cho đến khi chúng tôi lái xe trở lại Reykjavik.

Andrew Norelli/Getty Images Bản quyền hình ảnh Andrew Norelli/Getty Images
Image caption Tác giả Katie Hammel biết đến câu triết lý sống không chính thức của người Iceland khi chiếc xe cắm trại của cô gặp trục trặc ở khu vực hẻo lánh Westfjords

"À thì," nhân viên cho thuê xe nói, "þetta reddast!"


Tra cứu nhanh trên Google cho tôi biết þetta reddast không có nghĩa là 'xin lỗi, tôi không được trả đủ tiền để chăm sóc cho những khó khăn của quý vị', hay 'hãy cố gắng đừng kẹt ở nơi đồng không mông quạnh nữa nhé'.

Nó có nghĩa là 'cuối cùng thì mọi chuyện sẽ ổn thôi' và nếu Băng Đảo có câu khẩu hiệu chính thức thì đây sẽ là khẩu hiệu của Băng Đảo.

Câu nói này gần như tóm gọn một cách hoàn hảo phong cách sống của người dân Băng Đảo: với thái độ xuề xòa, dễ dãi và khiếu hài hước.

"Đó chỉ là một trong những cụm từ thông dụng mà bạn lúc nào cũng thấy xung quanh - một triết lý sống," ông Alda Sigmundsdottir, tác giả của vài quyển sách về văn hóa và lịch sử Băng Đảo, nói.

"Nhìn chung nó được sử dụng một cách tương đối lạc quan và đùa giỡn. Nó cũng có thể được dùng để an ủi, nhất là khi người an ủi không biết nói gì. Đó kiểu như là câu nói dùng cho mọi mục đích."

Điều kiện sống khắc nghiệt

Thoạt nghe qua, câu nói này tưởng chừng như là một triết lý sống lạ lùng ở một nơi mà, qua hàng trăm năm, nhiều thứ hoàn toàn không suôn sẻ. Kể từ khi con người định cư ở Băng Đảo vào thế kỷ thứ 9, lịch sử vùng đất này có đầy những câu chuyện về những thời kỳ mà þetta reddast không hề ứng nghiệm.

Trong cuốn sách của mình có tựa đề 'Quyển sách nhỏ của người Băng Đảo vào những ngày xưa', Sigmundsdóttir thuật lại những gian khổ này: mùa đông dài đằng đẵng, nghèo đói cùng cực, nô lệ có khế ước.

Còn có những đợt phun trào núi lửa, như hồi núi lửa Laki bùng phát vào năm 1783 đã giết chết 20% của dân số 50.000 vào lúc đó cũng như 80% số lượng cừu, vốn là một nguồn thực phẩm sống còn ở một quốc gia nông nghiệp ít phát triển.

Những trận cuồng phong quét vào và đánh chìm những chiếc xuồng chèo bằng tay dùng để đi đánh cá, và giết sạch phần lớn nam giới của toàn bộ thị trấn. Mọi thứ còn tệ hại đến nỗi cho đến suốt thế kỷ 18, 30% số em bé đã tử vong trước khi được một tuổi.

Xứ Băng Đảo ngày xưa là một nơi cực kỳ khắc nghiệt để sinh sống. Và thời xưa đó không phải là xa xưa lắm. "Không phải là xa xưa lắm bởi vì khi đó chúng tôi còn là một cộng đồng nông dân và ngư dân, mùa màng và điều kiện sống khắc nghiệt hoàn toàn chi phối cuộc sống của chúng tôi," ông Auður Ösp, người sáng lập và là chủ sở hữu của công ty du lịch I Heart Reykjavik, nói với tôi.

Gắn chặt với thiên nhiên

Bản quyền hình ảnh Robert Postma/Design Pics/Getty Images

Băng Đảo ngày nay là một đất nước hết sức hiện đại nơi wi-fi có ở nhiều nơi, thẻ tín dụng được chấp nhận ở mọi nơi và đa phần đất nước sử dụng năng lượng địa nhiệt.


Nhưng chỉ mới 90 năm trước thôi, 50% dân số còn sống trong những ngôi nhà trình tường - tức là kiểu nhà truyền thống với tường và mái được bện bằng đất và cỏ, cho nên những gian khổ này không phải là ký ức xa xưa lắm.

Chỉ mới 45 năm trước, núi lửa Eldfell đã bùng nổ trên hòn đảo nhỏ Heimaey, thải ra hàng triệu tấn tro, bao trùm 400 tòa nhà và buộc 5.000 người sống trong đó phải di tản.

Và chỉ mới 23 năm trước, một trận tuyết lở lớn đã hủy diệt thị trấn Flateyri ở Westfjords, chôn vùi trên hàng chục căn nhà và giết chết 20 người trong tổng số 300 cư dân thị trấn.

Thậm chí vào một ngày không có thảm họa, Băng Đảo vẫn bị sức mạnh thiên nhiên khống chế. Hòn đảo này vận động và thở theo một cách ít thấy ở những hòn đảo khác: các miệng núi lửa phun hơi nước, các suối nước nóng chảy ùng ục; các mạch nước trong lòng đất ợ ra và sủi bọt, các thác nước rống ầm ầm.

Đất nước này nằm trên rãnh phân ly giữa các mảng địa tầng Bắc Mỹ và Á-Âu, và các mảng địa tầng này đang dần dần dịch chuyển ra xa nhau, kéo rộng Băng Đảo thêm khoảng 3cm mỗi năm và gây ra trung bình 500 trận động đất nhỏ mỗi tuần.

Thời tiết của Băng Đảo cũng thất thường và dữ dội như thế. Giông bão có thể đạt đến sức mạnh của cuồng phong, các trận bão lớn có thể xảy ra thậm chí vào mùa hè, và vào nhũng ngày đông âm u nhất thì Mặt Trời chỉ chiếu sáng có bốn tiếng đồng hồ.

Vật lộn với thiên nhiên

"Những ai sống xa đất liền phải vật lộn liên tục với thiên nhiên," Ösp nói. "Chẳng hạn như, khi trời đột nhiên bắt đầu đổ tuyết vào tháng Tám, cũng như nó đã từng xảy ra ở miền bắc một vài năm trước đó, ta sẽ cần phải bỏ hết mọi thứ và đi ra ngoài để cứu gia súc. Hay khi có một vụ phun trào núi lửa khiến các chuyến bay phải tạm hoãn trên toàn thế giới và khiến một nhóm người bị kẹt lại trên Băng Đảo thì ta cần phải hành động quyết đoán và tìm cách xử lý."

Có lẽ cũng có lý khi mà ở một đất nước nơi mà người dân đã từng và vẫn còn chịu sự chi phối của thời tiết, đất đai, và các sức mạnh địa chất đặc trưng của hòn đảo, họ đã học cách từ bỏ sự kiểm soát, phó mặc mọi thứ cho số phận và hy vọng vào những điều tốt đẹp nhất.

Bản quyền hình ảnh Posnov/Getty Images

Đối với những người dân Băng Đảo kiên cường và điềm tĩnh thì þetta reddast không phải là thái độ từ chối đương đầu với vấn đề một cách ngây thơ mà là một sự thừa nhận rằng đôi khi bạn cần phải tận dụng tối đa khả năng của mình trong hoàn cảnh đó.

Cụm từ này bắt đầu trở nên dễ hiểu hơn một chút nếu bạn biết rằng những cư dân Băng Đảo đầu tiên không phải người Viking đi cướp bóc vốn dũng cảm băng qua đại dương tìm kiếm vùng đất mới để tấn công và các bộ tộc mới để khiêu chiến.

Thay vào đó, họ chủ yếu là những nông dân Na Uy chạy trốn tình trạng nô lệ và cái chết dưới tay của Vua Harald Finehair vào thế kỷ thứ 9.

Họ sợ cơn thịnh nộ của ông ta đến nỗi họ sẵn sàng liều hành trình dài 1.500 km xuyên qua bắc Đại Tây Dương đầy sóng gió trong những con tàu có khoang mở nhỏ.

Thật khó mà hình dung ra những người định cư đầu tiên đi trên hành trình này - họ đi mà không có bản đồ hay thiết bị định vị - và chỉ có một chút hy vọng mù quáng.

Biến điều không thể thành có thể

"Chúng tôi đã không thể sống trong môi trường như thế mà không có một mức độ tin tưởng nhất định rằng mọi việc bằng cách nào đó sẽ ổn thôi," Ösp giải thích.

"Þedda redast tượng trưng cho một mức độ lạc quan nhất định của người dân Băng Đảo và thái độ vô tư này gần như tiến gần đến liều lĩnh. Đôi khi thì mọi việc sẽ ổn, nhưng có lúc thì không. Nhưng mà chúng tôi không vì thế mà thôi nỗ lực."

"Điều đó không có nghĩa là chúng tôi bốc đồng hay ngu ngốc," Ösp nói tiếp. "Chúng tôi chỉ tin vào khả năng giải quyết mọi việc của bản thân. Với điều kiện sống của chúng tôi, chúng tôi thường xuyên buộc phải biến cái không thể thành có thể."

Và trong nhiều trường hợp, người Băng Đảo thật sự đã biến cái không thể thành có thể. Họ đã đưa sự sụp đổ kinh tế bất ngờ hồi năm 2008 và vụ phun trào núi lửa gây gián đoạn hoạt động hồi năm 2010 thành những cơ hội quảng bá, và biến Băng Đảo trở thành một những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới, thu hút hàng triệu du khách và biến du lịch thành một trong những trụ cột của nền kinh tế quốc gia ngày nay phát triển mạnh mẽ.

Vào năm 2016, Băng Đảo đã làm cho thế giới thể thao bất ngờ khi họ vượt qua tất cả mọi dự đoán để trở thành quốc gia nhỏ nhất từng dự giải bóng đá vô địch châu Âu của UEFA. Băng Đảo đã đánh bại nước Anh để vào vòng tứ kết đấu với Pháp. Và mặc dù có ít cơ hội thắng, gần 8% dân số Băng Đảo đã đến Paris để cổ vũ cho đội nhà (cuối cùng họ thất bại với tỷ số 5-2).

Triết lý sống

Một khảo sát của Đại học Băng Đảo vào năm 2017 cho thấy gần phân nửa người dân Băng Đảo cho biết þetta reddast là triết lý sống của họ.

Bản quyền hình ảnh Feifei Cui-Paoluzzo/Getty Images

Có lẽ, như Sigmundsdóttir và Ösp giải thích, ý nghĩ cho rằng mọi thứ sẽ ổn thôi đã được hòa vào nền văn hóa Băng Đảo qua hàng thế kỷ. Suy cho cùng, đối với những người sống sót - và thậm chí sống khỏe - qua mọi biến cố, mọi thứ dường như cuối cùng rồi cũng sẽ ổn.

"Đây là triết lý bản địa của đất nước chúng tôi," Sigmundsdóttir cho biết, "nhưng tôi nghĩ người dân Băng Đảo đã phải đối mặt với quá nhiều gian khổ cho nên họ đã học cách đương đầu với nghịch cảnh với một sự kết hợp của tinh thần mặc kệ nó và đầu hàng."

"Đó là điều đã ăn sâu vào trong trí óc người dân Băng Đảo qua hàng trăm năm chung sống với khí hậu và môi trường vốn luôn có sức mạnh đối với họ mà họ phải đầu hàng từ lần này đến lần khác bởi vì ta không thể chiến đấu lại chúng. Không thể cảm nhận mình không là gì trước thiên nhiên là điều khó khăn ở Băng Đảo."

"Tôi nghĩ tâm lý này cho thấy chúng tôi có niềm tin vào bản thân mình với tư cách là một quốc gia và các cá nhân đơn lẻ," Ösp nói thêm. "Ai có thể tin được, chẳng hạn như, đội bóng đá từ một quốc gia chỉ có 350.000 dân có thể lọt vào vòng chung kết World Cup ở Nga cơ chứ? Chúng tôi đã tin. Đó là chúng tôi."

Có vẻ như là niềm tin của người dân Băng Đảo rằng mọi thứ sẽ ổn thôi cũng đi kèm với một chút nỗ lực và sáng tạo của người có niềm tin này.

Với vợ chồng tôi thì điều đó có nghĩa là có niềm tin rằng mọi việc rồi sẽ ổn khi chúng tôi lái xe trở về Reykjavik.

Nếu như thái độ 'petta reddast' có thể giúp người dân Băng Đảo phát triển thịnh vượng trên một hòn đảo với những điều kiện rất khó tồn tại nằm ở rìa Bắc Đại Tây Dương, thì chắc chắn sự lạc quan đó sẽ giúp chúng tôi đi qua được vài trăm kilomet qua vùng núi đồi nơi hẻo lánh bằng một chiếc xe cắm trại chạy không tốt cho lắm.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn