Dương Quốc Chính - Cuộc chiến Nga-Ukraine sau hai năm

Thứ Ba, 27 Tháng Hai 202412:19 CH(Xem: 296)
Dương Quốc Chính - Cuộc chiến Nga-Ukraine sau hai năm

Ngày 24/02, cuộc chiến này đã diễn ra được tròn hai năm. Diễn biến của nó không khác nhiều so với dự đoán ở status của mình viết một năm trước.

Đầu tiên, cần điểm lại vài biến cố lớn trong năm vừa qua. Đó là việc Ukraine chuyển sang thế tấn công và Nga chủ động phòng thủ ở vùng Donbas (hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk) mà họ đã sáp nhập.

Tuy nhiên, khi đôi bên lật ngược lại vai trò (năm đầu thì Nga công, Ukraine thủ) thì Ukraine bị rơi vào thế bất lợi. Bởi vì về nguyên tắc chiến tranh thì thường bên tấn công phải có quân số gấp khoảng 5 lần bên phòng thủ, và/hoặc phải có vũ khí mạnh hơn.

Trong khi thực tế, Ukraine lại không có được lợi thế như vậy. Rõ ràng vũ khí của Ukraine yếu hơn Nga, nhất là với vũ khí chiến lược tầm xa như tên lửa, máy bay tiêm kích và ném bom. Quân số cũng không thể vượt trội. Hơn nữa, quân Nga đã kịp thời phòng thủ chặt chẽ bằng các bãi mìn. Vì thế mà quân Ukraine đã phản công không hiệu quả khi Nga chủ động phòng thủ.

Trong những tháng cuối năm qua, quân Nga còn bắt đầu phản công mà những thắng lợi điển hình của họ là ở Bakhmut (gần như Quảng Trị của Việt Nam Cộng Hòa xưa kia). Và mấy hôm trước là ở Avdiivka, cùng là dạng pháo đài tương tự, khiến quân Ukraine phải triệt thoái.

Công lao chiếm được Bakhmut phần lớn dựa vào lực lượng lính đánh thuê Wagner, lãnh đạo bởi Yevgeny Prigozhin. Ông này sau đó bị Nga thất sủng, dẫn tới bất mãn và tạo ra cuộc “binh biến” mini ở Nga, nhưng nhanh chóng tự dập tắt. Sau đó ít lâu, Prigozhin bị chết do tai nạn máy bay bí ẩn, được cho là bị phía Nga ám sát bằng tên lửa. Wagner vốn được coi là “bộ đội” chủ lực của Nga coi như đã bị xóa sổ do những phát biểu và hành động lộn lề với Putin.

Tuy thất thế trên chiến trường bộ, nhưng Ukraine lại có những kết quả khả quan trên biển. Hạm đội Biển Đen của Nga bây giờ gần như vô dụng, nhiều chiến hạm lớn bị Ukraine đánh chìm. Ukraine tập trung đánh vào quân cảng của Nga ở Crimea. Về lâu về dài, tổn thất ở Sevastopol và Hạm đội Biển Đen là rất nặng nề đối với Nga, vì đây là hải cảng nước ấm quanh năm duy nhất của họ. Nga bị trở thành cường quốc quân sự chỉ có hải quân trong vài tháng mỗi năm, khi nước biển không đóng băng. Đó là mối nhục kể từ thời Liên Xô.

Bối cảnh quốc tế

Một nguyên nhân chính dẫn tới quân Ukraine rơi vào thế bất lợi với Nga là do viện trợ nhỏ giọt từ phương Tây, trong khi Nga ở thế mạnh hơn lại được hỗ trợ vũ khí bởi Iran và Bắc Triều Tiên. Nhưng quan trọng nhất là lệnh cấm vận của phương Tây đối với Nga không có mấy hiệu quả, do bị Trung Quốc và Ấn Độ vô hiệu hóa bởi việc vẫn duy trì nhập khẩu dầu từ Nga. Nền kinh tế Nga ít bị ảnh hưởng nên vẫn duy trì tốt nguồn lực cho chiến tranh trong khi kinh tế Ukraine thì yếu kém sẵn, chủ yếu phải dựa vào viện trợ phương Tây, nhưng nguồn đó ngày càng giảm.

Hai năm qua, viện trợ Mỹ vẫn là chủ đạo, nhưng do bất đồng về chính sách đối ngoại giữa hai đảng của Mỹ dẫn tới Hạ viện (do đảng Cộng Hòa chiếm đa số) không phê chuẩn những khoản viện trợ lớn cho Ukraine, dẫn tới khó khăn lớn cho nước này trong việc kháng chiến.

Cánh hữu Mỹ (đảng Cộng Hòa) xưa nay vẫn có quan điểm thực dụng, hay theo chủ nghĩa Hiện thực (Realism). Quan điểm này không phải bây giờ mới có mà là một trong những nền tảng của cánh hữu bảo thủ. Cánh hữu có quan điểm hạn chế tối đa việc “bao cấp” hay “từ thiện”, nhất là khi từ thiện không hiệu quả.

Ở bình diện quốc gia thì viện trợ cũng được coi như làm từ thiện mà thôi. Cánh hữu đề cao tinh thần tự lập của cá nhân cũng như quốc gia. Cựu tổng thống Trump lại là người có tiếng nói trong đảng Cộng Hòa. Ông này có xu hướng không can thiệp vào Ukraine và thân Nga/Putin. Ông Trump muốn việc của châu Âu hãy để châu Âu tự xử lý, tức là trách nhiệm hỗ trợ Ukraine sẽ phải đến từ EU chứ không phải Mỹ.

Tuy nhiên, đảng Dân Chủ thiên tả, lại có quan điểm rất khác, ngược lại quan điểm trên. Nên đảng Dân Chủ có xu hướng hay can thiệp hơn trong ngoại giao.

Với xu hướng thực dụng, nhưng người có tư tưởng cánh hữu của Mỹ không chấp nhận việc Mỹ bơm tiền ra nước ngoài trong khi họ muốn dành tiền đó để ngăn chặn dân nhập cư lậu (chủ yếu ở biên giới Mexico), bằng cách củng cố hàng rào ở biên giới.

Hai đảng tranh chấp quan điểm như vậy dẫn tới các khoản viện trợ lớn đều bị đình trệ, và Ukraine bị thiếu viện trợ trầm trọng. Nhưng Ukraine không nằm yên chờ thua trận. Họ đã ký kết thỏa thuận hợp tác quân sự với các cường quốc ở EU và NATO là Anh, Pháp, Đức trong khoảng 10 năm. Ba nước cam kết viện trợ và hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến chống Nga.

Vì thế nên nếu Nga quay lại thế phản công thì việc thôn tính toàn bộ Ukraine, hay “phi phát xít hóa” cũng không phải dễ dàng. Do nguồn lực cho tấn công lại rất khác với phòng thủ, hai bên đổi chỗ cho nhau. Nên hiện tại đôi bên có xu hướng giằng co, là thời điểm tốt để đi tới đàm phán kiểu như chiến tranh Triều Tiên. Hai bên đều không thể tiến thêm nên chịu ngồi đàm phán thỏa thuận ngừng bắn.

Tương lai cuộc chiến thế nào?

Việc bên nào thắng phụ thuộc chủ yếu vào viện trợ của phương Tây. Hiện tại phương Tây viện trợ cầm chừng do e ngại Nga nổi giận tấn công hạt nhân, chứ không hẳn do các nước EU keo kiệt không chịu hỗ trợ. Lo ngại xung đột hạt nhân mới là chính. Vì thế vũ khí viện trợ thường cũ và không có tầm đánh xa, thậm chí viện trợ nhưng không đồng ý Ukraine dùng vũ khí để tấn công vào lãnh thổ Nga.

Điều đó làm chúng ta liên tưởng đến việc Mỹ và đồng minh dùng chiến tranh cục bộ ở Việt Nam Cộng Hòa, không dám đổ quân ra Bắc, vì e ngại Trung Quốc can thiệp giống ở Triều Tiên. Có thể hiểu cuộc chiến ở Ukraine cũng thành chiến tranh cục bộ khi không nước nào dám công khai ủng hộ và hỗ trợ Ukraine tấn công vào lãnh thổ của Nga (không kể phần sáp nhập của Ukraine).

Thế nên Ukraine càng thêm khó khăn, thậm chí không dám nhận trách nhiệm là đã tấn công vào lãnh thổ Nga. Trong khi Nga tấn công Ukraine thì tự do dùng các loại vũ khí, chỉ trừ vũ khí hạt nhân, nhưng họ vẫn thường xuyên đe dọa sẽ dùng nếu NATO can thiệp quân sự. Rõ ràng là Nga có lợi thế hơn.

Khả năng có đàm phán hòa bình với thỏa thuận nhượng bộ lãnh thổ của Ukraine chắc chắn là không bao giờ có. Kể cả nếu Mỹ có gây sức ép. Bởi vì nguyên tắc bảo vệ lãnh thổ là bất biến đối với mọi quốc gia. Như Việt Nam thực tế đã mất Hoàng Sa từ năm 74 nhưng vẫn không bao giờ dám công nhận quần đảo đó thuộc về Trung Quốc, vẫn phải lên tiếng đòi chủ quyền dù chỉ là hình thức. Một hiệp định đình chiến may ra có thể có chỉ là hai bên tạm ngưng chiến giữ nguyên hiện trạng, như ở Triều Tiên hay Hiệp định Paris với Việt Nam. Khả năng Zelensky chấp nhận quân Nga đồn trú ở Donbas là gần như bằng không.

Đương nhiên Putin cũng đặt cược danh dự và sự nghiệp chính trị vào cuộc chiến này nên việc Nga rút quân là cũng khó xảy ra. Với kẻ độc tài, họ cần uy tín cá nhân hơn là lợi ích quốc gia, hay xương máu nhân dân.

Khả năng Nga chịu rút chỉ khi kiệt quệ về kinh tế như Liên Xô rút khỏi Afghanistan hay Việt Nam rút khỏi Campuchia. Hoặc Putin chết, nên có sự thay đổi chính sách. Khả năng Nga thua tuyệt đối trên chiến trường là khó, vì họ còn con bài tẩy là hạt nhân.

Khả năng NATO đổ quân bảo vệ Ukraine nếu Nga lấn sâu vào lãnh thổ Ukraine hoặc chính quyền Ukraine có nguy cơ sụp đổ, như giai đoạn hậu đảo chính ông Diệm, là có thể. Tất nhiên NATO cũng chỉ can thiệp hạn chế mang tính phòng thủ cho Ukraine chứ không dám tấn công Nga đâu.

Như vậy, tương lai cuộc chiến Ukraine phụ thuộc nhiều vào các bên hỗ trợ. Nếu Trung Quốc và Ấn Độ cũng cấm vận Nga, thì Nga sẽ phải rút quân sớm vì kiệt quệ kinh tế. Chính thị trường 3 tỉ dân của hai nước này đã cứu sống nền kinh tế Nga, để họ duy trì cỗ máy chiến tranh. Tất nhiên hai nước này không dại gì bỏ qua mối lợi được trục lợi giá dầu từ Nga.

Còn nếu phương Tây ngừng hỗ trợ thì Ukraine cũng sẽ nhanh chóng thua trận, may ra dặt dẹo bằng chiến tranh du kích, chính phủ lưu vong. Nhưng các nước EU cũng không bao giờ bỏ rơi Ukraine. Vì họ lo sợ rằng nếu Ukraine bị thôn tính, thì tiếp theo sẽ là họ, y như kịch bản thời Đức Quốc xã. Đặc biệt lo ngại là Ba Lan, ba nước Baltic và Phần Lan, Thụy Điển. Các nước này đều là thành viên NATO, hoặc sắp kết nạp.

Có lẽ Ukraine cần tính tới việc thay đổi cách đánh kiểu con nhà nghèo mà Việt Nam trước đây hay Hamas và các nhóm đồng minh hiện tại đang dùng, đó là chiến tranh du kích, để câu giờ với viện trợ hạn chế, chờ thời điểm Nga suy yếu kinh tế hoặc Putin chết.

Khả năng Mỹ can thiệp quân sự trực tiếp là thấp, chỉ khi Biden tái cử và Ukraine bị Nga đè bẹp bên bờ sụp đổ. Nhưng khả năng Mỹ vẫn duy trì hỗ trợ Ukraine là cao hơn khả năng bỏ rơi hoàn toàn. Do mối ràng buộc và trách nhiệm của Mỹ với đồng minh NATO cũng như Mỹ vẫn hưởng lợi nhiều từ việc giành được mối bán dầu và khí đốt cho EU (giành mối từ Nga).

DƯƠNG QUỐC CHÍNH 27.02.2024

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn