Nguyễn Chương - Câu chuyện Do Thái : Kiên cường giành quyền được sống

Thứ Ba, 07 Tháng Mười Một 20236:00 SA(Xem: 751)
Nguyễn Chương - Câu chuyện Do Thái : Kiên cường giành quyền được sống

nc_03 

Mọi khẩu hiệu “cao đẹp” sẽ trở thành giả nhân giả nghĩa nếu không bảo đảm quyền được sống của cả một dân tộc.

 /I/ "WE STAND BY ISRAEL"  אנחנו עומדים לצד ישראל

Giáo sư Alan Dershowitz thuộc Đại học Havard, nổi tiếng xuất chúng khi trở thành giáo sư ngành luật lúc mới 28 tuổi (năm 1967), một trí thức gạo cội từng ủng hộ Obama tranh cử tổng thống vào năm 2012, ủng hộ Hillary Clinton vào năm 2016. Tuy nhiên, sau đó giáo sư Alan đã gây bất ngờ khi ông lên tiếng ủng hộ tổng thống Trump – lúc đương nhiệm - trong chính sách bang giao với Israel.

Để hiểu quan điểm của giáo sư Alan, xin tóm tắt những dữ kiện căn bản tại vùng Trung Đông (mà nhiều người có thể không biết hoặc... trí nhớ không còn tốt).

/II/ "ISRAEL PHẢI BỊ TIÊU DIỆT"!

Năm 1947, Liên Hiệp Quốc đề xuất việc thành lập hai nhà nước: nhà nước Do Thái và nhà nước Ả Rập trên mảnh đất nhỏ bé nằm bên bờ Địa Trung Hải. Người Do Thái chấp nhận, nhưng khối Ả Rập không chấp nhận!

Tại sao lại có giải pháp "hai nhà nước"? Cách đây cả hàng ngàn năm, vùng đất này vốn dĩ là lãnh thổ của người Do Thái. Rồi, kinh khủng thay, toàn bộ dân tộc Do Thái bị xua đuổi khỏi quê hương, lưu vong trên khắp địa cầu...

Cuộc diệt chủng Do Thái (holocaust) do Quốc Xã (viết tắt từ “Quốc gia Xã hội chủ nghĩa”: Nationalsozialismus) của Adolf Hitler gây ra làm bàng hoàng toàn thế nhân loại. Lẽ nào thản nhiên trước tình cảnh lưu vong của cả một dân tộc? Không gì bằng là tạo điều kiện cho người Do Thái trở về vùng đất xưa để xây dựng quốc gia.

Tuy nhiên, người Ả Rập cũng đã sinh sống nơi đây trải qua nhiều thế kỷ (sau khi người Do Thái bị đuổi khỏi "quê cha đất tổ", vài trăm năm sau đó đến lượt người Ả Rập tới đây định cư).

Vậy nên, mới có giải pháp đề huề: "hai nhà nước".

Nhưng, ngay từ đầu khối Ả Rập đã vị kỷ đến mức không chấp nhận chung sống hòa bình với người Do Thái.

nc_01

Ngày 15/08/1948 sau khi Anh chấm dứt sự quản trị, ngay lập tức quân đội các nước Ả Rập gồm Ai Cập, Lebanon, Iraq, Transjordan đã đồng loạt tấn công vào nhà nước Israel "mới ra ràng". Không ngờ nhà nước non trẻ Israel đánh bại liên quân Ả Rập, người Do Thái sống sót qua cơn binh lửa.

nc_02

Gần hai mươi năm sau, người Do Thái lại phải đứng trước hiểm họa diệt vong một lần nữa khi Nasser, tổng thống Ai Cập, tuyên bố "Tiêu diệt Israel cho bằng được!". Năm 1967, Ai Cập cùng với Syria, Jordan động binh. Và, một lần nữa, thế giới phải ngả mũ bái phục tinh thần chiến đấu kiên cường và tài năng quân sự của người Do Thái: Chỉ trong vòng 6 ngày Israel đánh gục liên quân Ả Rập!

Thua trận, nhưng mưu đồ của khối Ả Rập vẫn hiển hiện thường trực khi họ họp tại Khartoum (Sudan), đưa ra tuyên bố "ba không": “Không công nhận, không hòa bình, và không có đàm phán (với Israel)”.

Những ai hiện nay cứ chăm bẳm tuyên truyền gắn “bồ câu hòa bình” cho khối Ả Rập, làm ơn hãy trung thực trước những dữ kiện lịch sử, hãy nhớ lại tuyên bố rợn người "ba không" tại Khartoum!

/III/ ĐỔI ĐẤT LẤY HÒA BÌNH

Sau Cuộc chiến 6 ngày, Israel có được "chiến lược phẩm" là bán đảo Sinai của Ai Cập, Bờ Tây (West Bank), dải Gaza, phía đông Jerusalem của Jordan...

"Theo luật quốc tế, khi chưa đạt được một hiệp định hòa bình có hiệu quả thực sự, và tất cả những hình thái khủng bố chưa chấm dứt, Israel có quyền để giữ quân đội kiểm soát những khu vực này", theo giáo sư Alan Dershowitz của Đại học Havard, "Khi chủ nghĩa khủng bố vẫn tiếp tục với các mối đe dọa mới xảy ra mỗi ngày, Israel không có nghĩa vụ pháp lý phải rời đi".

Israel đã tỏ thiện chí bằng cách "Đổi đất lấy hòa bình". Hòa bình ở đây là gì? Là các nước Ả Rập công nhận sự hiện hữu của Quốc gia Israel - mà Liên Hiệp Quốc từ năm 1947 đã yêu cầu như vậy.

Israel đã trả lại bán đảo Sinai cho Ai Cập vào năm 1978.

Đến năm 2000, Israel đồng ý cung cấp 95 % diện tích Bờ Tây và dải Gaza để người Palestine lập nhà nước có chủ quyền tại đây. Nhưng, hãy nhớ vào giai đoạn bấy giờ, giới lãnh đạo Palestine đã từ chối, thay vào đó là tiến hành hàng trăm cuộc khủng bố tự sát vào lãnh thổ Israel!

Năm 2005, Israel đồng ý rút bỏ mọi cộng đồng riêng, mọi ngôi nhà, mọi trang trại, mọi cấu trúc xây dựng trên dải Gaza. Người Palestine phản ứng ra làm sao? Họ phóng hàng ngàn tên lửa và gia tăng khủng bố chống Israel!

nc_04

/IV/ GIẢI PHÁP? - HÃY CHO NGƯỜI DO THÁI ĐƯỢC SỐNG

Giải pháp "hai nhà nước Israel và Palestine cùng tồn tại" đã là điều hiển nhiên, ngay từ những năm 1947-1948. Xin nhắc lại, bấy giờ người Do Thái chấp nhận giải pháp này, cay nghiệt thay, Ả Rập từ chối hòa bình!

Làm sao thực hiện giải pháp "hai nhà nước" khi khối Ả Rập vẫn hăm he “tiêu diệt Israe”l, trước thì Ai Cập đứng ra tuyên bố, nay đến lượt Iran?

(Trong thực tế, họ thua xiểng niểng trong đối đầu quân sự nên buộc phải xoay qua chiến tranh ngoại giao bao vây Israel - dựa trên ảnh hưởng rất nặng ký của "quyền lực dầu lửa"!)

Theo giáo sư Alan Dershowitz, "Israel phải được bảo đảm không bị khối Ả Rập chực chờ sơ hở để tấn công (như năm 1948, 1967), không bị chủ nghĩa khủng bố bao vây. Nếu không, khó mà có giải pháp cho Trung Đông".

Trong tình thế chưa có hòa bình, Israel cần phải tạo vùng đệm an toàn tại Bờ Tây, tại phía đông Jerusalem, họ không ngu xuẩn để các thành phố lớn và các sân bay của họ bị "phơi lưng" nếu để cho các nước Ả Rập áp sát.

"Thật vô trách nhiệm nếu buộc Israel rời khỏi vùng đệm", giáo sư Alan phân tích, "Đó là lý do Israel vẫn phải ở đây".

THAY LỜI KẾT LUẬN

Nặng hơn cụm chữ "vô trách nhiệm" mà giáo sư Alan khuyến cáo, đối với người Do Thái đó còn là nguy cơ bị bức tử - đàng sau những lời mật ngọt!

Những lời kêu gọi hòa bình đang rộ lên thành phong trào nơi này nơi kia. Hòa bình, ồ, hay quá đi chứ. Nhưng, đối với người Do Thái, trước hết họ phải chắc mẩm họ được quyền sống cái đã!

Nếu chẳng may Israel bị xóa sổ trước móng vuốt của các nước Ả Rập chung quanh, nếu quyền sống bị tước đoạt thì mọi lời kêu gọi mỹ miều sẽ trở thành những vòng tang trên nấm mộ của dân tộc Do Thái, phỏng còn ích gì?

Có lẽ, chẳng có dân tộc nào trên thế giới uống phải chén đắng bị ruồng rẫy, bị xua đuổi như dân tộc Do Thái. Vậy nên, họ thừa kinh nghiệm để nhận diện những con quạ đen khoác hình hài bồ câu, và họ thừa bản lĩnh để chấp nhận "lội ngược dòng".

Vẫn còn khối kẻ “khác máu tanh lòng”, không một chút mẫn cảm trước số phận nghiệt ngã của dân tộc Do Thái.

Mặc, người Do Thái họ thừa can đảm để tự mình làm nên lịch sử!

NGUYỄNCHƯƠNG 03.11.2023

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn