Cái ác tận căn

Thứ Bảy, 04 Tháng Mười Một 202311:54 SA(Xem: 887)
Cái ác tận căn

Lê Nguyễn Duy Hậu

3-11-2023

333
Tìm kiếm người thương vong dưới đống đổ nát sau khi Israel tấn công trại tị nạn Jabalia, phía bắc Dải Gaza, ngày 31/10. Nguồn: Reuters/Fadi Whadi

Immanuel Kant có lẽ là triết gia đầu tiên đưa ra một khái niệm có tính thách thức, đó là “cái ác tận căn” (radical evil). Đối với Kant, đa số cái ác trên đời này luôn được biện minh bằng một thứ tốt đẹp nào đó. Hành vi mưu sát là để trả thù và khôi phục công lý. Hành vi trộm cắp là nhằm cứu giúp cho cái nghèo trước mắt. Duy chỉ có “cái ác tận căn” là không có bất kỳ một biện minh nào, ngoài việc nó phục vụ, thỏa mãn cho cái tôi cá nhân, “self-good”, ích kỷ, hẹp hòi. Kant cho rằng cái ác như vậy là cái ác đáng lên án nhất.

Tuy nhiên, có lẽ những kinh nghiệm vào thời đại của Kant đã trói buộc trí tưởng tượng của ông vào mức độ tận căn của cái ác. Thế kỷ 20 mở ra một trải nghiệm mới của con người, đó là diệt chủng và chế độ toàn trị. Những trải nghiệm đó khiến Hannah Arendt định nghĩa lại về “cái ác tận căn”.

Hannah Arendt cho rằng, “cái ác tận căn” phải là một cái ác mà lý trí của con người không thể giải thích được, không thể đo đếm được bằng bất cứ một chuẩn mực đạo đức có sẵn nào. Đó là cái ác dựa trên một sự tự thuyết phục cực kỳ lớn rằng đó không phải là cái ác, vì đơn giản những chuẩn mực đạo đức, luân thường đạo lý mà chúng ta biết trở nên không liên quan khi cái ác được thực hiện.

Theo Hannah Arendt, đó chính là cái ác được thực hiện đơn giản vì kẻ ác cho rằng sự hiện diện của nạn nhân là “thừa thãi” (superfluous). Nó không phải là việc sử dụng con người như phương tiện, để đạt đến mục tiêu như cách nhiều nhà độc tài vẫn sử dụng, bởi vì như vậy tức là cái ác vẫn còn gán cho sự tồn tại của nạn nhân một giá trị sống nào đó (giá trị phục vụ cái mục tiêu kia).

Trái lại, “cái ác tận căn” phủ nhận ý nghĩa cuộc đời của một con người, xem họ là thừa thãi. Chủ nghĩa Quốc xã xem người Do Thái là thừa thãi, nên sau khi đã đàn áp được họ, thì một cách logic đã nghĩ đến việc “dọn dẹp” họ. Pol Pot xem những người trí thức là thừa thãi, và giải pháp duy nhất là tiêu diệt họ. Đó là “cái ác tận căn” với Hannah Arendt.

Điều khiến cho định nghĩa “cái ác tận căn” của Hannah Arendt đáng sợ hơn của Kant nằm ở chỗ, lần đầu tiên, “cái ác” có thể “tận căn” đến mức mà luân thường đạo lý không còn giá trị nữa. Luân thường đạo lý là nói đến cái đúng và cái sai, và nó có sức mạnh khiến một ai đó phải tự vấn hành vi của mình. Nhưng hãy tưởng tượng nếu bạn đến và nói với Hitler và Pol Pot rằng những gì chúng làm là “sai trái”, là “không đạt được mục đích gì đâu”, hẳn cái mà bạn nhận lại chỉ là sự nhún vai, là cái nhìn ngạc nhiên của chính kẻ thủ ác. Đơn giản, đối với những kẻ này, chuẩn mực về đạo đức của chúng ta không giống với chúng. Tại sao lại nói việc tiêu hủy một thứ thừa thãi là cái ác?

Chính điều này khiến cho mọi hình phạt với mục đích răn đe, giáo dục, hay phòng ngừa bỗng trở nên vô nghĩa trước “cái ác tận căn”. Nó cũng giống như việc ta trừng phạt một bộ tộc ăn thịt người vì hành vi giết người vậy. Vì vậy, “cái ác tận căn” chính là “ác” và “tận căn” với hệ thống đạo đức và luân thường mà chúng ta cho rằng đa số loài người chấp nhận và theo đuổi. Hannah Arendt kết luận rằng, “cái ác tận căn” là không thể tha thứ và không thể trừng phạt – bởi vì chúng ta không thể trừng phạt cái mà chúng ta không thể tha thứ, cũng như không thể tha thứ cái mà chúng ta không thể trừng phạt.

Những tưởng, với sự sụp đổ của các chế độ toàn trị trên thế giới và sự lên ngôi của hệ thống pháp luật nhân quyền và nhân đạo quốc tế, “cái ác tận căn” đã một lần và mãi mãi không còn nữa. Nhưng ngay cả trong thế kỷ 21, những gì chúng ta chứng kiến lại khiến ta hoài nghi rằng liệu có bao giờ “cái ác tận căn” đó biến mất chưa? Khi những người ủng hộ Palestine nói rằng Israel đang thực hiện hành vi diệt chủng, họ có cái lý của họ. Những gì đang diễn ra thật sự thách thức mọi biện minh đạo đức nào của con người.

Tờ Economist của Anh ngày hôm nay có đăng một bài xã luận thật sự “dũng cảm”. “Dũng cảm” không hẳn là “đúng”, mà là dám nói những điều có thể bị lên án. Tờ Economist cho rằng, giải pháp cho hòa bình duy nhất trong cuộc xung đột Israel – Palestine đó chính là đánh bật gốc rễ của Hamas. Những gì ta có thể rút ra từ lý luận của Economist đó là cuộc chiến này đối với người Israel không phải là một cuộc chiến tranh quy ước thông thường, vốn dựa trên các tính toán chính trị và pháp lý. Đây là một cuộc chiến tranh tổng lực, một cuộc chiến tranh vì “lẽ sống còn” của Israel.

Sự hiện diện của Nhà nước Israel phải đặt trong bối cảnh là một cam kết xã hội với người Do Thái ở khắp nơi trên thế giới sau nạn Diệt Chủng do Hitler gây ra. Cam kết đó là, ở nơi đây, người Do Thái không bị tận diệt, người Do Thái không bị giết vì họ là người Do Thái nữa. Cam kết đó, theo người Israel, đã bị phá vỡ sau cuộc tấn công ngày 7/10, và đó chính là “mối đe dọa sống còn” mà người Israel nói đến.

Cuộc chiến này, do vậy, là một cuộc chiến đồng lòng, với một mục tiêu duy nhất đó là xóa sổ Hamas, và không có chỗ cho khoan nhượng hay thỏa hiệp chính trị. Đây là một cuộc chiến bằng mọi giá. Điều này thể hiện rõ qua việc quân đội Israel gần như không có bất kỳ một sự phản đối nào, ngay cả về mặt lương tri hay pháp lý, đối với việc ném bom bừa bãi vào dải Gaza. Mọi lý luận thông thường về đạo đức với quân đội Israel lúc này có lẽ là không còn tác dụng gì nữa. Ai sẽ tiếp quản Gaza sau khi Hamas bị tiêu diệt. Điều đó không quan trọng. Sự giết chóc này sẽ tạo ra thù hận khắp nơi tại Ả Rập. Cũng không quan trọng. Không có chỗ cho tính toán chính trị, hay “vừa đánh vừa đàm”. Đây chính là cuộc chiến tổng lực mà Carl Schmitt từng nói đến.

Và kết quả của chiến tranh tổng lực này chính là sự trỗi dậy của “cái ác tận căn”? Hãy nghe những gì người phát ngôn của quân đội Israel trả lời khi CNN chất vấn, ông nghĩ sao về việc một người đàn ông Palestine mất hết gia đình sau cuộc không kích vào trại tỵ nạn nhằm tiêu diệt một thủ lĩnh Hamas. Người phát ngôn của quân đội Israel nói rằng, đó là quyết định của người đàn ông Palestine. Quân đội Israel đã yêu cầu họ rời đi, và việc các nạn nhân chọn ở lại để làm “lá chắn sống” chính là lựa chọn của họ.

Nói cách khác, cái giá của mục tiêu mà quân đội Israel đặt ra nó lớn hơn rất nhiều so với sinh mạng của người Palestine. Trong phép tính của quân đội Israel, mạng sống của người Palestine đã trở nên “thừa thãi”. Nó không khác gì cách Hamas đã thảm sát người Israel trước đó ba tuần. “Cái ác tận căn”, do vậy, đã dần tiệm cận.

Khi đứng trước những cái ác, con người theo bản năng vận dụng chính chuẩn mực của bản thân để soi rọi và lên án, cũng như tìm ra giải pháp. Chuẩn mực vừa tạo sức mạnh cho con người phân biệt đúng – sai, nhưng đồng thời cũng là sự hạn chế của con người. Chuẩn mực được hình thành từ trải nghiệm sống. Nó giải thích vì sao con người đứng trước các mất mát hay tội ác khác nhau thường có sự đồng cảm khác nhau. Do đó, không có sự thương tiếc nào là bắt buộc cả. Con người thương tiếc cái mà họ thấy liên quan hơn với bản thân.

Một người bạn lớn tuổi của mình từng sống ở Huế thời kỳ chiến tranh Việt Nam không phủ nhận bản thân thấy đồng cảm với thảm sát ngày 7/10 hơn là cuộc chiến đang diễn ra ở Gaza. Trái lại, một người bạn khác sống ở Hà Nội cho biết, gia đình bạn thấy ghê sợ với những trận không kích của Israel ở Gaza hơn sự kiện ngày 7/10. Cả hai không giải thích vì sao và chúng ta chỉ có thể suy đoán.

Một giả thuyết có lẽ là vì sự thương cảm của họ xuất phát từ những trải nghiệm khác nhau trong chiến tranh Việt Nam. Đối với người bạn ở Huế, trải nghiệm đen tối nhất trong cuộc chiến có lẽ là những cuộc “tập kích chiến lược” và các cuộc thảm sát dù đến từ lực lượng nào. Còn đối với gia đình người Hà Nội, có lẽ đó là trận ném bom rải thảm vào mùa Giáng Sinh năm 1972. Cái ác khác nhau, do vậy, có mức độ khác nhau đối với từng người. Và đó chính là rào cản cho bất kỳ sự lên án tập thể nào. Đó là rào cản mà chúng ta phải vượt qua.

Những người lên án cuộc chiến ở Gaza hiện nay thường lồng ghép nó với một tuyên bố chính trị nào đó. Đó có thể là việc lên án chủ nghĩa bài Do Thái, hay là sự ủng hộ phong trào đòi tự do cho người Palestine, hoặc nhằm đánh đổ cái mà họ (hoặc một lý thuyết nào đó mà họ học được) cho rằng là chủ nghĩa thực dân của Israel. Đó là quyền của họ, và không một ai nhất thiết phải đồng ý hay bắt ép người khác phải đồng ý với lương tâm của mình. Tuy nhiên, có lẽ có một thứ chúng ta chia sẻ được. Đó là bên cạnh cuộc đấu tranh mà bản thân ta cho là quan trọng, đừng quên rằng có một nguy cơ còn ghê gớm hơn: Đó là sự trỗi dậy của “cái ác tận căn”.

Thế giới trong tưởng tượng của nhiều người sẽ tốt đẹp hơn nếu ta thắng còn người khác thua, nhưng mọi người sẽ cùng thất bại nếu “cái ác tận căn” trở nên cái ác thông thường. Khi đó sẽ chẳng còn một thứ luân thường đạo lý nào để con người bấu víu vào cả. Cái thắng đi kèm với việc tôn vinh hầu khắp hành vi của bên thắng chính là điều kiện cần cho sự bình thường hóa “cái ác tận căn”. Lên án “cái ác tận căn” một cách không khoan nhượng, vì vậy, chính là cho lương tri của chúng ta, chứ không phải vì nó là công cụ chính trị hiệu quả để đàn áp hay ủng hộ một phong trào hay một chủ thuyết nào đó.

Chỉ khi lương tri được bảo vệ, thì khi đó sẽ không còn những cuộc chiến tổng lực nữa, và không còn ai thừa thãi trong mắt ai. Đó chính là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ một giải pháp khác thực tế để đem lại hòa bình, tuy trễ nhưng vẫn may ra có thể đạt được.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn