Nguyễn Xuân Phúc thăm nghĩa trang Vị Xuyên: tín hiệu gì?

Thứ Bảy, 11 Tháng Mười Hai 20212:00 SA(Xem: 1920)
Nguyễn Xuân Phúc thăm nghĩa trang Vị Xuyên: tín hiệu gì?
rfa.org

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm nghĩa trang Vị Xuyên: tín hiệu gì?


Hôm 8 tháng 12 năm 2021, trước khi tham dự buổi Lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh Hà Giang, Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên.

Thực tế, tỉnh Hà Giang được thành lập vào ngày 20 tháng 8 năm 1891 bao gồm phủ Tương Yên và huyện Vĩnh Tuy thuộc tỉnh Tuyên Quang. Tháng 12 năm 1974, tỉnh Hà Tuyên được thành lập bằng cách hợp nhất hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang. Ngày 12 tháng 8 năm 1991, tại kỳ họp thứ 9 khoá VIII, Quốc hội Việt Nam lại quyết định chia tỉnh Hà Tuyên thành hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang.

Với những dữ liệu vừa nêu, một số nhà quan sát cho rằng, mục đích chính của ông Nguyễn Xuân Phúc đến Hà Giang không nhằm kỷ niệm 130 năm ngày thành lập tỉnh này, mà thực chất là ông Phúc muốn đến thăm nghĩa trang Vị Xuyên nhằm gửi đi một vài tín hiệu cho Bắc Kinh.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nêu nhận định của ông với RFA vào sáng ngày 9 tháng 12:

Câu hỏi thứ nhất là tại sao ông ấy lại đi vào lúc này và sáng đi tối về luôn, không đi thăm ai hết. Ngày xưa Trung Quốc đánh Việt Nam là ngày 17 tháng 2, trận Vị Xuyên ngày 12 tháng 7, như thế ngày ông Phúc thăm nghĩa trang Vị Xuyên chả ăn nhằm vào đâu cả. Đấy là một tín hiệu đối với Bắc Kinh.

Tín hiệu thứ nhất là Việt Nam không quên bọn xâm lược. Tín hiệu thứ hai là ông Phúc vừa ở Nga về, ông Phúc ký với Nga một số thỏa thuận về an ninh rất tốt và có quyền tin vào sự hậu thuẫn của Nga tốt hơn trong vấn đề an ninh và các hợp tác khác. Thứ ba, do ông Phúc là một chính khách nên hoạt động đó là một tín hiệu gửi đến cho người dân, cho những người trong ban chấp hành trung ương ĐCSVN và những người khác trong Bộ chính trị nữa.” 

Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 18 tháng 1 năm 1950. Ngày 17 tháng 2 năm 1979, Trung Quốc đem quân tấn công các tỉnh dọc biên giới của Việt Nam với mục đích ‘dạy cho Việt Nam một bài học’. Hai nước trở thành kẻ thù của nhau.

Đến năm 1991, hai nước Việt Nam và Trung Quốc tuyên bố bình thường hóa quan hệ theo phương châm 16 chữ vàng và 4 tốt: “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.

Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên là nơi yên nghỉ của hơn 1.800 anh hùng liệt sĩ hy sinh trong công cuộc chống bọn bành trướng Trung Quốc xâm lược từ năm 1979 đến 1989. Nghĩa trang được xây dựng từ năm 1990 đến 1991 mới hoàn thành trong hoàn cảnh cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc đã chấm dứt và trong hoàn cảnh quan hệ Việt Trung đã trở lại bình thường.

Tháng 4 năm 1979, báo Quân đội Nhân dân của Việt Nam ước lượng tổng thương vong của quân Trung Quốc là 62.500 người. Phía Việt Nam có hàng nghìn dân thường chết và bị thương. Còn theo tạp chí Time thì có khoảng 10.000 lính Việt Nam thiệt mạng và trên 20.000 lính Trung Quốc tử vong.

Tướng Ngũ Tu Quyền, Phó Tổng Tư lệnh Quân Giải phóng Trung Quốc, tuyên bố rằng số quân Việt Nam bị chết và bị thương là 50.000, trong khi con số tương ứng của Trung Quốc là 20.000.

Cho đến nay, không có bất cứ số liệu nào chính thức và khả tín về con số thương vong của quân dân hai bên trong cuộc chiến ngắn ngủi và khốc liệt khi Trung Quốc đưa quân tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới giữa hai nước vào ngày 17 tháng 2 và rút quân sau đó một tháng.

Theo quan điểm của Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc, ông Nguyễn Xuân Phúc là vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên đến thăm nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên từ năm 1991. Ông phân tích:

“Năm 2011, khi Hà Giang kỷ niệm 120 thành lập tỉnh thì người cao nhất trong Đảng và Nhà nước tham dự lễ là Bí thư Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Năm 2016, khi Hà Giang kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh nhà thì người cao nhất tham dự buổi lễ này là ủy viên Bộ chính trị, Trưởng Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình. Tuy nhiên, cả bà Ngân và ông Bình đều không hề thăm nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên.

Theo tôi, việc ông Nguyễn Xuân Phúc thăm nghĩa trang Vị Xuyên là ông ta muốn đưa ra thông điệp rằng, bất cứ trong hoàn cảnh nào, bất cứ trong môi trường chiến lược nào mà ai động chạm đến độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam thì Việt Nam sẵn sàng đứng lên bảo vệ đất nước như là những liệt sĩ nằm ở nghĩa trang Vị Xuyên đã anh dũng chống bọn xâm lược Trung Quốc trong 10 năm từ 1979 đến 1989.”

Việt Nam luôn tuyên bố coi trọng mối quan hệ với Trung Quốc. Tháng 9 vừa qua, tại buổi tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị sang thăm chính thức Việt Nam, Thủ tướng Việt Nam khẳng định: Tình hữu nghị truyền thống Việt Nam - Trung Quốc là tài sản quý báu của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước. Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ với Trung Quốc, coi đây là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Tuy vậy, theo một số nhà quan sát tình hình chính trị trong và ngoài nước thì hai nước chỉ tốt với nhau ngoài mặt. Tuy Việt Nam phải nhẹ giọng vì thua kém Trung Quốc cả kinh tế và quốc phòng nhưng không nhân nhượng với “anh hàng xóm xấu bụng” này.

Cụ thể, hôm 9 tháng 12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản đối việc một số hackers được cho là có sự hậu thuẫn của chính phủ Trung Quốc tấn công vào Văn phòng trung ương Đảng Cộng sản và Quốc hội của Chính phủ Việt Nam.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn