Khi nhà hoạt động khóc: giọt nước mắt đời tranh đấu

Thứ Sáu, 29 Tháng Mười Hai 20173:30 SA(Xem: 5979)
Khi nhà hoạt động khóc: giọt nước mắt đời tranh đấu
Anh Văn (VNTB) Đó là giọt nước mắt của tự nhiên, một giọt nước mắt rất đời!
Khi Facebooker Nguyễn Anh Tuấn đưa hình ảnh Trần Thị Nga lên nhân ngày bà được đưa ra xét xử.
 
"Đó là hình ảnh rất đẹp!", một nhà hoạt động trong lĩnh vực môi trường cho biết.  
 
Hình ảnh Trần Thị Nga với giọt nước mắt lăn dài trên má, trong bối cảnh năm 2007 -  tại một cuộc họp báo ở Đài Loan về tình trạng của người lao động nhập cư.
 
Những nước mắt chứa đựng sự tủi nhục, cay đắng đã dồn nén. Của một người dân nước Việt bị ức hiếp nơi xứ người!
 
TRAN%2BTHI%2BNGA%2B-%2BVIETNAMTHOIBAO
Trần Thị Nga
Đó là giọt nước mắt của tự nhiên, một giọt nước mắt rất đời!
 
Trần Thị Nga của 10 năm sau rắn rỏi hơn, khi cô bị công an tỉnh Hà Nam bắt giữ, thay vì những giọt nước mắt, thì đó lại là ánh mắt cương quyết và sắt bén. Ánh mắt của sự không cam phục, của ý chí đấu tranh bất tuân dân sự.
 
Nhiều nhà đấu tranh đồng ý với người viết rằng, ngay trong hoàn cảnh bị bắt - Trần Thị Nga cũng biểu hiện đấu tranh bất tuân dân sự bằng ánh mắt của mình.
 
Trong một hình ảnh khác, cựu Thư ký toà soạn báo Thanh Niên Huỳnh Ngọc Chênh từng giơ tấm bản ngữ phản đối Formosa ngay tại quảng trường Nguyễn Huệ. Một hình ảnh đơn độc, nhưng chính sự đơn độc đó lại là điều kiện để khắc hoạ lên tính can trường của những nhà đấu tranh ở Việt Nam.
 
"Ai cũng xứng đáng được tôn vinh", chị Ng. một nhà hoạt động trong lĩnh vực công đoàn độc lập cho hay.
 
Thực tế là như vậy, những gì đã và đang diễn ra dù ở người nào, trong hoàn cảnh ra sao thì cụm từ "nhà hoạt động" vẫn là một cụm từ cực kỳ đặc biệt. Đặc biệt vì trong đó chứa đựng sự khát khao, hy vọng, tủi nhục, căm phẫn, hạnh phúc, đớn đau.
 
Hầu như nhà hoạt động nào cũng xuất phát điểm từ sự không muốn im lặng trước những bất công - phi công lý mà hoi chứng kiến hay bị nhà nước áp đặt. Họ đến đấu tranh chỉ đơn giản muốn làm sạch những gì khuất tất trong xã hội Việt nam hiện đại...
 
Trần Thị Nga với 2 người con sẽ không phải rong ruổi Bắc - Nam, người luôn có mặt trong các cuộc biểu tình từ chính trị (phản đối Tập cận Bình, phản đối bản án chính trị phi lý dành cho những nhà bất đồng chính kiến,...), môi trường (Formosa, cây xanh Hà Nội,...) nếu như môi trường đất nước minh bạch và dân chủ hơn.
 
Minh bạch hay dân chủ, hay cụm từ tưởng chừng như thấy hằng ngày trong khẩu hiệu của chế độ hiện tại, nhiều đến nỗi mà nhiều người phát ngấy. Phát ngấy là vì nó hiện diện quá lâu về mặt lý thuyết mà chỉ thỉnh thoảng hiện diện trong thực tế.
 
Thiếu vắng thực tế tạo ra khắc nghiệt của môi trường chính quyền vì nhân dân. Nhà hoạt động nảy sinh từ môi trường của sự đòi hỏi chính đáng này.
 
Nhưng không phải ai cũng hiểu, rất nhiều người đã chỉ trích, nhục mạ nhà hoạt động Việt Nam như là những cá nhân "rảnh rỗi, mưa đồ, phản loạn, giặc cỏ, vác tù hàng tổng".
 
Những chỉ trích kia tưởng chừng như cay nghiệt nhưng lại trở nên bình thường trong mắt nhà hoạt động. Bởi tự bàn thân họ xác định được chính nó trong môi trường còn quá u mê, dân chủ chưa từng hiện diện đủ lâu để thay đổi não trạng!
 
Do đó, khi họ nhìn thấy một người bạn đấu tranh bị đánh đập, bắt giam, hay chính họ bị bắt giam, đánh đập,... thì khi đó là giọt nước mắt căm phẫn. Khi họ nhìn thấy người bạn đấu tranh ra tù hay nhận được sự chia sẻ, đồng tình của người dân đối với vấn đề họ đang đấu tranh thì đó lại là giọt nước mắt vui sướng.
 
Người viết tin rằng, giá trị của nhà hoạt động Việt Nam được biểu hiện sống động qua những khoảnh khắc rất đời thường như thế. Bởi nó thể hiện tính ý chí và hạnh phúc rất đời của chính họ.
 
"Ai cũng đẹp cả!", một nhà đấu tranh dân sự bằng hình ảnh cho hay.
 
Đúng! Ai cũng đẹp. Trước đây, trong bộ máy tuyên truyền của mình, Nhà nước Việt Nam từng ca ngợi vẻ đẹp của người lao động xã hội chủ nghĩa, nhà giáo xã hội chủ nghĩa, người lính xã hội chủ nghĩa,... hay những con người mang rạch ròi trong giai cấp!
 
Ngày nay - "Ai cũng đẹp". Đẹp bởi họ không phân chia giai cấp, tầng lớp. Họ có thể là doanh nhân như Trần Huỳnh Duy Thức, từ bộ máy Đảng như ông Lê Hiếu Đằng, Nguyễn Quang A; từ dân oan mất đất như Cấn Thị Thiêu; từ giới sinh viên như Phan Kim Khánh; từ giới công nhân như Đỗ Thị Minh Hạnh,... họ đến với đấu tranh không vì mục đích "nhân loại" hay "ý thức hệ xã hội chủ nghĩa để chống lại tư bản chủ nghĩa". Mà đến vì muốn giá trị phổ quát do Liên Hiệp Quốc ban hành - hiện hữu trên quốc gia của mình.
 
Và khi hiện hữu, giọt nước mắt sẽ rơi!
 
Nhưng từ đây cho đến khi đó, họ - những nhà tranh đấu cho công lý và bình quyền vẫn cần sự chia sẻ, khi họ trong chốn lao tù, và mùa Giáng Sinh đã đến.
 
Đừng để giọt nước mắt họ là sự tủi thân vì đơn lẻ. Dù rằng, đúng như ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay, Trần Thị Nga và những người như cô luôn là "những người gạt nước mắt mà đi".
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn