Nghi án nhà báo bị giết : Ả Rập Xê Út rơi vào thế phòng ngự

Chủ Nhật, 21 Tháng Mười 20182:34 SA(Xem: 5223)
Nghi án nhà báo bị giết : Ả Rập Xê Út rơi vào thế phòng ngự

406q
Vụ nhà báo Ả Rập Xê Út Jamal Khashoggi mất tích sau khi vào lãnh sự quán nước này tại Istanbul, cách nay đã hai tuần, và có nhiều thông tin cho là ông đã bị giết hại dã man, tiếp tục là chủ đề thời sự được nhiều báo chú ý. Theo Le Monde, trước áp lực của các nước phương Tây, yêu cầu Riyad làm rõ chuyện, Ả Rập Xê Út bắt đầu chuyển sang thế phòng ngự.

Một nhân vật thân cận với thái tử kế vị Ả Rập Xê Út, cũng là chủ một kênh truyền thông lớn, ông Turki Al-Dakhil, đe dọa một loạt biện pháp trả đũa phương Tây, với viễn cảnh giá dầu tăng vọt lên gấp nhiều lần so với hiện nay, hay ngừng mua vũ khí Mỹ, đình chỉ hợp tác an ninh với phương Tây, cho mở cửa một căn cứ quân sự Nga ở phía bắc vương quốc, thậm chí xích lại gần cả với Iran – vốn bị coi là kẻ thù không đội trời chung với Riyad.

Về phần mình, đại sứ Ả Rập Xê Út tại Washington cũng tìm cách thanh minh là biến cố nói trên không nằm trong chính sách chính thức của Riyad. Điều mà nhà nghiên cứu Stéphane Lacroix, Học viện Chính trị Paris, thẳng thừng bác bỏ, căn cứ trên những gì mà chính quyền Riayd tiến hành gần đây, đặc biệt với cuộc can thiệp quân sự hung hãn tại Yemen.

Theo Le Figaro, tại Riyad, nhiều người phủ nhận vụ việc, với niềm tin là nhà báo Jamal sẽ xuất hiện trở lại trong ít ngày tới và mọi đồn đoán, tranh cãi, sẽ theo đó mà tiêu tan. Tuy nhiên, có nguồn tin cho biết chính quyền Ả Rập Xê Út đang tìm « vật thế mạng », trong trường hợp bị dồn vào chân tường. Cụ thể như một âm mưu của phe chống thái tử kế vị Mohammed Ben Salman (MBS), để chuẩn bị đảo chính…

Tuy nhiên, theo Le Figaro, chừng nào mà MBS còn được tổng thống Mỹ Donald Trump hậu thuẫn, thì không có gì thay đổi tại Ả Rập Xê Út. Tuy nhiên, theo một chuyên gia Pháp xin ẩn danh, cuộc khủng hoảng hiện nay có thể dẫn đến chỗ thái tử kế vị bị gạt sang một bên, và các « đồng minh phương Tây » sẽ tìm cách nói chuyện trực tiếp với nhà vua, hoặc theo các kênh khác.

Les Echos trong bài « Vụ Khashoggi : Riyad dưới áp lực ngày càng mạnh » cho biết tổng thống Mỹ cử ngoại trưởng Pompeo tới Ả Rập Xê Út để nói chuyện trực tiếp với quốc vương Salman.

Đảng Xanh đi lên : Đến lượt Đức dấn thân vì « Xã Hội Mở »

Nước Đức cho đến nay thường được coi là một thành trì của Liên Hiệp Châu Âu, thất bại vừa qua của đảng CSU trong liên minh cầm quyền tại bang Bayern, một trong những bang giàu có nhất nước, cho dù đã được dự báo trước, vẫn được coi là một « cơn địa chấn chính trị ». Le Monde có bài xã luận lưu ý đến ba thực tế cần rút ra từ cuộc bầu cử, và không chỉ là những điều hoàn toàn mang tính tiêu cực.

Bài học thứ nhất là « sự sụp đổ » của các đảng phái truyền thống, từ đảng Xã Hội Dân Chủ (chỉ được dưới 10% phiếu), cho đến đảng bảo thủ CSU, mất 10% và chỉ còn được gần 38% cử tri ủng hộ. Bài học thứ hai thắng lợi 10,2% của đảng cực hữu AfD, tuy không thực lớn, nhưng cũng đủ đảo lộn sân khấu chính trị Đức, bởi từ giờ trở đi, đảng cực hữu ra đời mới hơn 5 năm nay đã lọt vào 15 trên tổng số 16 nghị viện cấp bang tại Đức.

Tuy nhiên, theo Le Monde, cần chú ý đến bài học thứ ba cũng là một tin vui, đó là có đến 17,5% ủng hộ đảng Xanh. Đây là một chiến thắng lịch sử của đảng vì môi trường. Đây có thể nói là bài học « thú vị nhất » của cuộc bỏ phiếu lần này. Ảnh hưởng gia tăng của đảng Xanh cho thấy người dân Đức đang muốn tìm kiếm « cách làm chính trị khác », và những con đường mới để chống lại chủ nghĩa dân túy và các phong trào cực đoan. Tại Munich, thủ phủ Bayern, có đến 30% cử tri ủng hộ đảng Xanh. Cùng với chiến thắng của đảng Xanh, một tin vui khác là tỉ lệ cử tri bang tham gia đông đảo, với 72%.

Le Monde cũng ghi nhận thêm, là bên cạnh Đức, các đảng Xanh tại Bỉ và Luxembourg, cũng thành công trong cuộc bầu cử Nghị Viện hôm Chủ Nhật. Le Monde lạc quan tin tưởng đây là một xu hướng tại châu Âu, sau thắng lợi của đảng Xanh tại Hà Lan đầu năm 2017, của phong trào Tiến Bước ! (En Marche !) của Emmanuel Macron tại Pháp, dân chúng tại nhiều nơi ở châu Âu đang thức tỉnh, dấn thân nhiều hơn cho « cuộc chiến vì nền dân chủ, vì xã hội mở ».

Nước Đức, đến lượt mình, « bắt đầu dấn thân vào cuộc chiến lịch sử này », với kết quả bầu cử tại Bayern, với cuộc tuần hành khổng lồ, mang tính đa nguyên ở Berlin, trước ngày bầu cử. Theo Le Monde, đây là một tin tức tốt lành, vào thời điểm cử tri châu Âu sẽ bầu nghị viện mới trong 8 tháng nữa.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn