Phật giáo, tình nghĩa với Cộng sản hay trách nhiệm với dân tộc?

Thứ Năm, 28 Tháng Sáu 20186:00 SA(Xem: 7211)
Phật giáo, tình nghĩa với Cộng sản hay trách nhiệm với dân tộc?

FB Trần Tính

Hôm nay, trăng sáng. Thầy Hỷ đi dọc theo sàn nước. Mùi xà-bông giặt đồ cỏn phảng phất: “Không biết hồi nãy sư chú nào giặt đồ mà trễ vậy ta!?” Thầy nghĩ thầm.

Thầy bưng tách trà xuống cốc cho sư phụ. Từ sàn nước xuống dưới cốc sư phụ khá xa. Cốc sư phụ nằm thoai thoải dưới sườn đồi. Thầy vừa đi vừa miên man suy nghĩ về những cuộc biểu tình vừa qua của đồng bào, tới cốc sư phụ lúc nào không hay. Cốc… cốc… cốc…

– Ai đó? Tiếng sư phụ hỏi.

– Dạ, Mô Phật, con là Hỷ ạ!

– Con đẩy cửa dzô đi!

Thầy để nhè nhẹ tách trà trên bàn rồi ra hiên đứng. Sư phụ cũng vừa tọa thiền xong, xoa xoa hai lòng bàn tay, chà xát sống lưng, hai bên màng tang nghe sột soạt… sột soạt… Hình ảnh biểu tình, những bài viết của cả trăm người bị nhốt trong trại Tao Đàn, quan điểm của giáo hội phát biểu trên báo “Sài Gòn giải phóng” cứ ám ảnh… Thầy thấy cứ sao sao, vướng vướng, không thông suốt được!?

Sư phụ hớp miếng trà rồi thong thả bước ra hiên, thấy thầy Hỷ trầm ngâm:

– Hỷ à… Con suy tư gì vậy?!

Thầy giật mình:

– Dạ… dạ… cũng không có gì, bạch sư phụ!

– Sao con trầm ngâm vậy?

– Dạ… dạ… con thấy quan điểm của giáo hội mình phát biểu trên báo “Sài Gòn giải phóng” thấy cũng kỳ kỳ, sư phụ ạ!

– Ừa… Mà kỳ sao con?

– Rõ ràng biểu tình và tự do ngôn luận là “quyền” được chính người cộng sản thừa nhận trong Hiến pháp. Họ đàn áp đánh đập dã man dân mình là sai. Tại sao giáo hội mình lại đứng về phía cộng sản?

Tới lượt sư phụ ngẩn người ra và cũng trầm ngâm. Sư phụ vào lấy tách trà, ra lại hiên, rồi ngồi trên chiếc võng toòng… teng… Cái đầu võng có cục sắt mắc vào khung lâu ngày bị rỉ, khi sư phụ đung đưa cái võng, nó kêu kẹt… kẹt… kẹt… Hỷ không dám quỳ đối diện với sư phụ, định quỳ một bên nhưng sư phụ nói:

– Con ngồi đi cho đỡ mỏi chân con!

– Dạ!

1.- Trước 1954

– Con à… Quan điểm của giáo hội như vậy, nói chung, cũng có liên hệ đến quá khứ một chút con à!

– Quá khứ như thế nào, bạch sư phụ ạ!

– Năm 1858, khi người người Pháp nổ súng chính thức xâm lược Việt Nam, họ tính toán phải làm sao bóp nghẹt sự phản kháng của người dân để đảm bảo sự cai trị của mình. Để làm được điều đó, họ dùng đạo Chúa để ru ngủ người dân và phải tiêu diệt đạo Phật. Từ đó, họ ra sức ủng hộ đạo Chúa, bức bách đạo Phật: phá hủy chùa chiền để xây dựng nhà thờ ngay trên đất chùa, gây khó khăn hoặc giết hại các sĩ phu, trí thức, tăng ni có uy tín hoặc dân lành vô tội không theo Chúa…

Thầy Hỷ vội nói:

– Dạ, con xin sám hối sư phụ, cho phép con ngắt lời được không ạ!

– Sao con?

– Các sự kiện sư phụ vừa nêu có tài liệu gì chứng minh không ạ?

– Thì đây… con xem đi nè… (*)

Thầy Hỷ nhìn theo mục lục, số trang các tài liệu mà sư phụ vừa đem ra, rồi thầy: “À…à…dạ… dạ…”

Sư phụ nói:

– Còn ở trên mạng nữa! Đầy, con ạ!

Sư phụ thong thả:

– Việc đồng cam cộng khổ với đất nước và dân tộc này chống xâm lược Trung Quốc hàng ngàn năm qua như một trách nhiệm, và đặc biệt nhất là có những vị vua (nguyên thủ quốc gia) xuất gia đã cho thấy tầm ảnh hưởng lớn lao của đạo Phật trong đời sống chính trị, văn hóa. Nay bỗng dưng người Pháp cắt đứt tầm ảnh hưởng và mạch văn hóa đó và thay thế bằng đạo Chúa nên người Việt và Phật giáo rất sốc.

– Dạ, chẳng lẽ văn hóa ngàn năm không cứu vãn gì được sao sư phụ?

– Dưới họng súng tàn bạo, họ chưa có cách nào khả thi, con à!

– Dạ…

– Phật giáo vì thường hướng vào nội tâm của mình để diệt tham sân si nên đối với chính trị thường có thái độ bất bạo động. Nay họng súng của người Pháp quá tàn khốc buộc người Việt và Phật giáo phải gắn bó chặt chẽ hơn nữa để thoát khỏi sự cai trị, bảo vệ lợi ích chính đáng của mình: Người Việt vì dân tộc mà khởi nghĩa (quân đội). Phật giáo vừa vì dân tộc vừa vì đạo pháp mà thúc đẩy các phong trào chấn hưng. Tình thế nguy nan này buộc Phật giáo chỉ có một lựa chọn duy nhất: Việt Minh (sau này được nối dài bởi người cộng sản Việt Nam) với đỉnh điểm là chiến thắng Điện Biên Phủ, tạo lợi thế trên bàn đàm phán hiệp định Genève 1954. Sự lựa chọn của Phật giáo tại thời điểm đó là đúng đắn nhưng lại vô cùng khó xử về sau này khi người cộng sản thay đổi bản chất, không còn lý tưởng như trước, (đặc biệt nhất là sự khó xử đối với các cuộc biểu tình gần đây)!

Sư phụ hớp tiếp ngụm trà, chân phải xếp bằng lên đùi trái trên võng, chân trái dưới đất đưa đưa chiếc võng, cục sắt rỉ lại kêu: Kẹt… kẹt… kẹt… Thầy Hỷ mắt nhìn xuống đất mông lung, sư phụ nhìn xa xăm.

2.- Giai đoạn 1954 – 1975

Thầy Hỷ nói:

– Sao sư phụ không nói tiếp đi ạ?!

– Ừa… ừa…

Sư phụ hỏi đột ngột:

– Con nghĩ gì người Mỹ?

– Dạ, con chỉ biết họ giàu về kinh tế, mạnh về quân sự. Họ thông minh, tài giỏi, dẫn đầu thế giới về mọi mặt suốt thời gian dài trước đây và cho đến tận ngày nay.

– Ừa… Sau hiệp định Genève, như con đã biết, đất nước ta bị chia cắt làm hai. Lúc này, cả người Việt lẫn Phật giáo đều cháy bỏng khát vọng độc lập và thống nhất lãnh thổ, các tổ chức đều được ao ước thống nhất, dĩ nhiên trong đó có cả Phật giáo. Nhưng…

Sư phụ lắc đầu và thở dài:

– Thật là nghiệp chướng…

– Sao ạ, bạch sư phụ!

– Có lẽ là trời hành dân tộc này khi bị cuốn vào ván cờ quốc tế mà không cách gì thoát ra được: người Mỹ muốn ngăn chặn hiểm họa cộng sản ở Đông Nam Á nên dựng lên chế độ Ngô Đình Diệm tại miền nam Việt Nam. Việt Nam thành nơi tỉ thí võ công của các nước lớn. Ha… ha… ha…

Thầy Hỷ cũng cười theo vì thấy sư phụ diễn đạt giống phim kiếm hiệp, thấy vui vui!

Sư phụ tiếp:

– Người Mỹ nhận định cộng sản là hiểm họa của nhân loại là đúng, nhưng lựa chọn chế độ Ngô Đình Diệm để thực hiện kế hoạch đó là sai.

– Sai chỗ nào ạ?

– Sai lầm chiến lược của người Pháp, đạo Chúa và chế độ Ngô Đình Diệm là muốn tiêu diệt đạo Phật. Nếu họ không mang ý đồ đó, không đẩy Phật giáo vào đường cùng thì tình thế đất nước sẽ rất khác. Người Mỹ không muốn tiêu diệt Phật giáo đâu, họ chỉ muốn tiêu diệt cộng sản thôi!

Người Mỹ thật sự rất giỏi, nhìn nhận thời cuộc và hành xử vô cùng chính xác! Nhưng đạo Chúa và chế độ Ngô Đình Diệm (đúng hơn là Ngô Đình Thục và Trần Lệ Xuân) lại không muốn như vậy, Phật giáo lại tiếp tục bị đẩy vào tình thế bắt buộc phải gắn bó với người cộng sản.

– Nhưng sư phụ vẫn chưa giải thích nghiệp chướng của dân tộc ta trong giai đoạn này như thế nào ạ?

– Trong đạo Phật, có khái niệm “cộng nghiệp” không dễ gì thấu đáo, con à! Sư phụ chiêm nghiệm thấy có hai sự kiện kỳ lạ. Một là thái tử Cảnh (đông cung thái tử của Gia Long) bị bệnh đậu mùa mà chết khi cùng Giám mục Bá Đa Lộc trên đường sang Pháp cầu viện binh, hai là Ngô Đình Diệm bị ám sát. Điều thắc mắc của sư phụ là: “Có phải lịch sử không muốn lựa chọn đạo Chúa đồng hành cùng dân tộc chăng?”

Sư phụ tiếp:

– Trong kinh “Không có thể được” (Tăng chi bộ, I) có nói đến bốn điều mà con người không bao giờ nhận thức được: Phật giới, thiền giới, tâm giới và quả dị thục của nghiệp. Số phận của dân tộc này là quả dị thục của cộng nghiệp, con à! Thái tử Cảnh, Ngô Đình Diệm, đạo Chúa, đạo Phật, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, ý chí của dân tộc Việt Nam… đều là một nhân, một duyên trong trùng trùng duyên khởi, cái này có nên cái kia có, cái này diệt nên cái kia diệt, nhân quả đầu đuôi đắp đổi cho nhau tạo nên quả dị thục của cộng nghiệp mà con người không thể nào nhận thức được, bởi vô minh. Thế giới, xã hội, số phận quốc gia, thân phận kiếp người… mộng mộng thực thực tùy theo tâm của con người mà hiện.

– Chủ nghĩa duy tâm?

– Không, duy “duyên khởi” thôi, con à…

– Dạ, Mô Phật! Nhưng mà quan điểm này ngoại đạo và những người luyến tiếc chế độ cũ không đồng tình đâu ạ!

– Thì họ là ngoại đạo và thế tục mà!

3.- Sau 1975

Khuya rồi, sư phụ nhổm người định bước ra khỏi võng, vào đi ngủ nhưng thầy Hỷ thưa:

– Bạch sư phụ, sư phụ chưa nói rõ quan điểm của giáo hội phát biểu trên báo “Sài Gòn giải phóng” vừa qua ạ?!

– À… Suốt các thời kỳ chiến tranh cận đại, Phật giáo vừa vì khát vọng độc lập và thống nhất của người Việt vừa vì muốn thoát khỏi họa diệt vong của ngoại đạo và ngoại bang nên mới gắn bó tình nghĩa với cộng sản. Sư phụ cho rằng quan điểm của giáo hội trên báo “Sài Gòn giải phóng” vừa qua một phần là vì tình nghĩa với cộng sản, một phần là ở trong tình thế bị họ khống chế.
Sư phụ chặc lưỡi, rồi tiếp:

– Suốt thời gian dài qua, ân đã đền, nghĩa đã trả. Người cộng sản ngày nay không còn khát vọng, lý tưởng độc lập và thống nhất nữa nên họ dần dần trở nên biến chất, tham quyền cố vị.

– Dạ… Có phải giáo hội chúng ta không đủ thực lực để thoát ra gọng kềm khống chế đó?

– Đúng một nửa. Một nửa còn lại là vì lãnh đạo ta lớn tuổi, nhìn nhận vấn đề từ tốn, nặng tình nghĩa, và cũng có phần bị ru ngủ trong sự khống chế khéo léo êm như nhung nên chưa có ý chí thoát khỏi.

– Khống chế khéo léo êm như nhung là sao ạ?

– Đó là sự phát triển các cơ sở tự viện, ru ngủ bằng các hoạt động phật sự có vẻ quy mô hoành tráng nhưng thực chất sáo rỗng, không có giá trị thiết thực gì, đặc biệt nhất là những cuộc viếng thăm lễ, tết là sự ru ngủ độc đáo nhất của cộng sản, vì khiến lãnh đạo giáo hội ngộ nhận vị trí của mình ngang bằng với lãnh đạo quốc gia.

– Chỉ đơn giản vậy thôi sao!

– Ừ!

– Vậy Phật giáo hiện nay cần làm gì khi cộng sản vẫn còn mạnh, bạch sư phụ?

– Không thân cộng vĩnh viễn, không chống cộng vĩnh viễn, chỉ có lợi ích của dân tộc và đạo pháp mới là vĩnh viễn. Âm thầm giáo dục đệ tử và phật tử ý chí thoát cộng để đứng cùng phía với dân tộc, con à! Đã đến lúc Phật giáo phải đứng trước một trong hai lựa chọn: tình nghĩa với cộng sản hay trách nhiệm với dân tộc.

– Dạ…

– Thôi, sư phụ mệt quá rồi! Con về nghỉ ngơi đi nha!

– Mô Phật!

Thầy Hỷ xá sư phụ xin phép về liêu. Nhưng sư phụ không đứng dậy vào phòng mà ngả lưng xuống võng. Tiếng võng khuya hôm ấy cứ kêu kẹt… kẹt… kẹt… như than thở tình thế mắc kẹt của Phật giáo!

______

(*) “Nguyễn Trường Tộ & vấn đề canh tân” của Bùi Kha, “Histoire de la Pénétration Francaise Au Vietnam” của Nguyễn Xuân Thọ, Phúc trình ngày 30 tháng 2 năm Tự Đức 21 (23/02/1868) và các bức thư ngày 12/02/1873 và ngày 19/02/1873 đều của của Giám mục Gauthier, “Đội gạo lên chùa” của Nguyễn Xuân Khánh (Tuy là tiểu thuyết nhưng có phản ánh hiện thực).

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn