Mục đích các tàu khảo sát của Trung Quốc: vẽ chữ “Trung” trên vùng biển Việt Nam

Thứ Tư, 28 Tháng Hai 20246:00 SA(Xem: 464)
Mục đích các tàu khảo sát của Trung Quốc: vẽ chữ “Trung” trên vùng biển Việt Nam
rfa.org

Mục đích các tàu khảo sát của Trung Quốc: vẽ chữ “Trung” trên vùng biển Việt Nam

RFA

Như ở bài trước đã chỉ ra, trong năm 2023,Việt Nam và Philippines áp dụng hai chiến thuật khác nhau đối với áp lực của Trung Quốc trên Biển Đông: Việt Nam im lặng trên truyền thông còn Philippines công khai các hành vi của Trung Quốc ra toàn thế giới. Hai cách thức ứng xử này liệu có dẫn đến hai kết quả khác nhau trong năm 2024 và dài hạn? 

RFA đặt câu hỏi với ông  Raymond Powell, Giám đốc Dự án SeaLight thuộc Trung tâm Gordian Knot về sáng kiến an ninh quốc gia thuộc Đại học Standford, về lý do các tàu khảo sát của Trung Quốc khi xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam đường đi theo hình ngang và dọc đều đặn như hình bàn cờ. 

Ông Powell cho biết mô hình di chuyển như vậy không có ý nghĩa nhiều về mặt kỹ thuật như để vẽ bản đồ đáy biển cho tàu ngầm hay để khảo sát địa chất. Ông cho rằng có thông điệp chính trị nhiều hơn:  

“Nhìn vào mô hình đường đi khảo sát của các tàu khảo sát trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ trước tới nay, chúng ta ngạc nhiên về đường đi kì lạ của nó. 

Theo tôi, lời giải thích hợp lý duy nhất là Trung Quốc thực sự muốn vẽ một ký tự trong chữ Trung Quốc, chữ "Trung" , nghĩa là "Trung Quốc." 

Về cơ bản nó gửi một thông điệp tới Việt Nam rằng Trung Quốc coi các mỏ dầu ở Bãi Tư Chính là thuộc về Trung Quốc. 

Đó là một hành động rất táo bạo và quyết đoán. Tôi nghĩ nó báo hiệu rằng các mục tiêu dài hạn của Trung Quốc vẫn được giữ nguyên.” 

Lập luận như vậy, ông Powell cho rằng mặc dù Việt Nam cố gắng giữ mức độ căng thẳng ở mức thấp, và tất nhiên điều đó giúp Việt Nam dễ thở hơn, nhưng không ai dám chắc năm 2024 và các năm tới, tàu Hải cảnh Trung Quốc sẽ giảm xâm nhập và tuần tra trong EEZ của Việt Nam.

Theo ông Powell, kiểm soát truyền thông về các hoạt động cưỡng bách của Trung Quốc trên Biển Đông gần như là chiến lược điển hình của Việt Nam đối với đại cường phía bắc trong nhiều năm qua, trừ một số ngoại lệ. Ông nói:

“Tôi đã ở Hà Nội vào năm 2014 trong cuộc khủng hoảng giàn khoan HD 981. Lúc đó Việt Nam thực hiện chiến lược ngược lại. Việt Nam đã tung ra các video về tất cả cảnh đâm tàu và bắn vòi rồng của Trung Quốc xung quanh giàn khoan dầu. Tôi nghĩ vào thời điểm đó, tình hình căng thẳng với Trung Quốc đã leo thang. Nó gây ra một số vấn đề trong nội bộ Việt Nam khi một số cuộc biểu tình vượt quá tầm kiểm soát. Nhưng tôi nghĩ vào thời điểm đó, điều đó cũng khiến Trung Quốc ngạc nhiên. Tôi nghĩ nó đã mang lại cho Việt Nam một số đòn bẩy. Tôi tin rằng Trung Quốc đã rút giàn khoan sớm hơn dự định. 

Tôi nghĩ rằng Chính phủ Việt Nam rất coi trọng sự ổn định nội bộ bởi vì đó là một chế độ cộng sản. Đối với họ, duy trì sự ổn định nội bộ, để người dân không trở nên quá đỗi giận dữ là điều rất quan trọng.

Tôi nghĩ rằng Việt Nam cũng muốn có thể quản lý xung đột với Trung Quốc một cách cẩn thận. Và một lần nữa, như bạn đã đề cập, tôi nghĩ họ tin rằng giọng điệu nhẹ nhàng sẽ mang lại cho họ thành công.”

Tuy vậy, ông Powell cho rằng, về lâu dài, ông không tin chiến thuật im lặng trên truyền thông của Việt Nam sẽ có hiệu quả trong việc ngăn cản Trung Quốc tiến vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Theo ông, Việt Nam sẽ tiếp tục chứng kiến lực lượng Hải cảnh Trung Quốc tuần tra ngày càng nhiều hơn trong vùng đặc quyền kinh tế, khảo sát thềm lục địa và các mỏ dầu khí ở vùng Nam Côn Sơn và Tư Chính Vũng Mây ngoài khơi bờ biển phía nam của mình.

RFA đặt câu hỏi với ông Greg Poling, Giám đốc Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, rằng nếu Việt Nam im lặng trên truyền thông về các hành vi xâm lấn của Trung Quốc, liệu hai nước này có một cơ chế nào khác để giải quyết xung đột trên Biển Đông? Ông Greg Poling nhận xét:

“Trung Quốc và Việt Nam không có cơ chế giải quyết xung đột. Họ đã có một số nỗ lực giải quyết xung đột và những nỗ lực đó có nhiều thành công khác nhau. Họ có các cuộc tuần tra chung hàng năm của Cảnh sát biển ở Vịnh Bắc Bộ mà cả hai bên đã công bố rộng rãi. Nhưng tất nhiên những điều đó chẳng làm được gì cả. Họ thậm chí chưa giải quyết được vấn đề chồng lấn ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.” 

Theo ông Greg Poling, niềm tin nhất quán của Việt Nam là nước này gần gũi hơn với Trung Quốc. Nước này có lịch sử xung đột lâu dài hơn với Trung Quốc. Họ vẫn xảy ra nhiều vụ đụng độ bạo lực thường xuyên hơn ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và đặc biệt liên quan đến ngư dân Việt Nam. Họ tin rằng tranh chấp không thể giải quyết được trong ngắn hạn và trung hạn.”

Vì vậy, ông Poling cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục hiện đại hóa lực lượng vũ trang của mình, tiếp tục xây dựng cơ sở quân sự ở quần đảo Trường Sa nhiều hơn bất kỳ bên tranh chấp nào khác để ngăn chặn Trung Quốc. Đồng thời, Việt Nam cũng cố gắng giải quyết căng thẳng bằng ngoại giao để không lan sang một cuộc xung đột mà cuối cùng sẽ không có ích gì cho lợi ích quốc gia của mình. 

Ông Poling chỉ ra rằng Việt Nam tiếp tục phát triển mỏ dầu khí ở Bãi Tư Chính bất chấp tàu hải cảnh Trung Quốc có mặt ở đó hàng ngày, bất chấp Trung Quốc tung các tàu nghiên cứu để khảo sát thềm lục địa và EEZ của Việt Nam. Lực lượng dân quân biển của Trung Quốc vẫn đang neo đậu 270 ngày một năm ở Trường Sa mà không làm gì cả. 

Mặc dù chính quyền Việt Nam im lặng trên truyền thông, ông Poling cho rằng những hành vi cưỡng bách của Trung Quốc vẫn khiến nước này ngày càng ít được ưa chuộng trong các cuộc thăm dò ý kiến công chúng và giới thượng lưu trong toàn khu vực Đông Nam Á. Các hành vi đó của Trung Quốc cũng thúc đẩy một mạng lưới quan hệ an ninh và ngoại giao mới nhằm cân bằng một Trung Quốc hung hãn hơn. Ông nói tiếp:

“Chúng ta có thể cảm ơn Trung Quốc một phần, bởi vì mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam có thể đã không hình thành nếu không có một Trung Quốc hung hãn. 

Chúng ta có thể cảm ơn Trung Quốc vì đã tái sinh một Liên minh Hoa Kỳ - Philippines. Chúng ta có thể cảm ơn Trung Quốc vì nhờ họ mà xuất hiện ý tưởng về bộ quy tắc ứng xử mới của Philippines với việc hợp tác Cảnh sát biển giữa một số nước trong khu vực. 

Tất cả điều này đã xảy ra vì Trung Quốc. Rõ ràng, Trung Quốc đang làm suy yếu lợi ích của chính mình và nước này không còn giành thêm được bất kỳ vị trí nào ở Biển Đông trong ít nhất hai năm qua.”

Ý kiến bạn đọc
Thứ Tư, 28 Tháng Hai 20247:22 CH
Khách
Và đây bài thơ Cho Hải Đảo Hờn Căm của ông :

Cho Hải Ðảo Hờn Căm

Lời biển gọi cuối năm
Hờn căm trừng mắt lửa
- Hỡi Hoàng Sa, hỡi Hoàng Sa ...

Mẹ Ðứng mũi Sơn Trà
Gửi hồn ra Ðông Hải

Ðảo nổi giận nên biển cuồng sóng dậy
Ôi, đất nước ông cha: tay đứt lòng đau
Súng thét khơi xa, sao lửa đốt trong đầu

Lòng mẹ bời bời: ruột mềm máu chảy
Mắt mẹ trông vời, triền môi run rẩy:
- Hỡi Hoàng Sa, hỡi các cháu con ta?
Con cháu mẹ

Năm mươi đứa làm anh hùng của bể
Năm mươi con thành dũng sĩ Trường Sơn
Bốn ngàn năm mài nhọn mũi căm hờn
Phóng mắt hận, nghiến răng ghìm giặc Bắc

Cờ Nương Tử phất bay hồn xâm lược
Gươm Mê Linh thét máu nhuộm đầu voi
"Trèo lên đỉnh núi mà coi
Dáng Bà quản tượng trăng soi ngời ngời"

Cửu Chân hề, Cửu Chân ơi !
Gót nhi nữ ra khơi
Ðạp tan luồng sóng dữ
Chém cá tràng kình, rạng danh liệt nữ
Dũng khí Nhụy Kiều gục mặt Bắc quân !

Ngậm mối thù truyền kiếp mấy ngàn năm
Con cháu mẹ từng nhọc nhằn u uất
Đắm biển mò châu phơi rừng tìm ngọc
Nanh vuốt sài lang nào kể gái hay trai

Máu mỡ no nê muông thú một bầy
Loài đỉa Hán vốn cuồng say máu Việt
Nước độc rừng thiêng một đi là một chết
Vạn người đi, không một bóng ma về

Ðá Trường Sơn con khắc ngập câu thề :
"Ðòi nợ máu phải đổi răng, đổi mắt!"
Bạch Ðằng xưa nghẹn giòng muôn xác giặc
Dù Hán, dù Mông nước đỏ cũng hôi tanh
Tóc thú đuôi sam , gươm giáo Việt tung hoành

Vó ngựa Lý, Lê từng phen đạp Tống
Ngọn giáo Ðinh, Trần vạch cõi Nam uy dũng
Ðầu Mãn Thanh vờn kiếm lộng Quang Trung

Trải an nguy son sắt vẫn một lòng
Mỗi tấc đất một chiến công oanh liệt
Mỗi tên người một anh hùng, nữ kiệt

Mỗi gốc cây muôn xác quỉ vùi sâu
Dòng Việt Nam chưa hề biết cúi đầu
Dù giặc Bắc bạo tàn hơn súc vật !

Hồn Nam Hải cuối năm
Lạnh căm căm hơi bấc !
Bởi thương con mẹ lên đỉnh Sơn Trà

"Ôi Hoàng Sa, hỡi Hoàng Sa...
Khôn thiêng nối gót mẹ cha mà về "

Hãy đứng thẳng mà đi
Hỡi đàn con từng khua sôi biển cả
Cất cao đầu uống lời thề sông Hóa
Hàm Tử, Vân Ðồn, Tây Kết, Chương Dương

Vươn chiến công kim cổ Bạch Ðằng Giang
Xô cuồng vọng Bắc Kinh vào biển máu !
Xưa ông cha mình giết Liễu Thăng, Hoằng Tháo
Ðánh gục đầu Tôn Sĩ Nghị , Thoát Hoan

Giờ bè lũ Mao lại xâm phạm biên quan
Xua hải tặc cuồng điên lên cướp đảo
Ôi Hoàng Sa, hỡi Hoàng Sa yêu dấu
Ðất đai ta một mảng cũng thịt xương

Tổ quốc ta một tấc cũng tim gan
Xương thịt đứt thì tim gan đau xót !

Hỡi đàn con của Cửu Long bất khuất
Ngạo nghễ trên vai hồn An Lộc, Tam Biên
Mang trong tim giòng máu thép Trị Thiên
Lời phạt Bắc thét run hồn biển cả

Chiều cuối năm, một mối thù chưa trả
Xuân sắp về ... trời bỗng nặng nề mưa ...

Gia Ðịnh, chiều 30 Tết Giáp Dần (22-01-1974) Việt Nam Cộng Hòa_Phạm Lê Phan
Thứ Tư, 28 Tháng Hai 20247:03 CH
Khách
Đọc bài viết , tôi thấy buồn thật nhiều . Nhân vật chính trong bài cảm ơn Trung quốc hết lời .
Ờ , mà sao cứ lấp la lấp lửng , ,không gọi thẳng tên cúng cơm nó ra mà cứ trung quốc trung quốc .... Chính tên nó là Trung cộng ... còn Trung quốc chỉ là nhập nhằng lận con đen !

VNCH từng kết thân với Trung Hoa Dân Quốc trong cuộc chiến vệ quốc .Trung Hoa Dân Quốc gồm Đài Loan , Kim Môn và Mã Tổ ' tên ba h̀n đảo khi Tưởng Giới Thạch rút chạy ra biển Đông . Khi TGT chiếm đóng đảo Ba Bình tại Trường Sa , vì là bạn , là đồng minh và nhất là VNCH đang cần thêm bạn bớt thù trong .cuộc chiến vệ quốc .
Tháng giêng 1974 Tàu cộng dò dẫm Mỹ bằng cách chiếm Hoàng Sa ; Mỹ làm ngơ , khoanh tay nhìn , không can thiệp , không giải cứu" tiền đồn chống cộng "

Khi VNCH lên phương án chiếm lại Hoàng Sa , oanh kích Tàu cộng bằng F5 E .... nhưng bạn ta ngăn cản bằng tuyên bố cắt bỏ viến trự , nếu chiếm lại quần đảo HS .
Ta đành ngậm căm hờn ; trong khi Việt cộng ăn mừng : Bạn ta chiếm cho ta , bạn ta giữ đảo cho ta , đến khi yên ả bạn ta sẽ giao lại ta ... cả vốn lẫn lời !!
Bảy mươi sáu anh hùng Vị Quốc Vong Thân tại Hoàng Sa ... một năm sau VNCH mất trọn !! Rồi đến Trường Sa , Gạc Ma : quân đội nhăn răng đứng làm bia cho lính Tàu cộng anh em tập bắn ... không một phát súng nổ kháng cự !!! Dù muộn màng , có còn hơn không , xin ghi lại đôi điều được biết , gởi lại các anh các chị :

Phạm Lê Phan, nhà văn, nhà thơ, tác giả nhiều truyện ngắn đăng rải rác trên các tạp chí Bách Khoa, Chi Đạo từ 1960 là bút hiệu của thượng sĩ Phạm văn Kiệm, phục vụ tại Cục Tâm Lý Chiến. Anh đã viết thi phẩm Chiến Ca Mùa Hè mà Phạm Duy phổ nhạc. Chiến Ca Mùa Hè như những trang quân sử bằng thơ ghi lại mùa hè đỏ lửa.
Đôi dòng về nhà thơ vào ngày cuối của Sài Gòn :
“Lính văn nghệ đang chơi nhau dữ dội ở cầu Thị Nghè”. Tôi biết rõ những người lính ấy _ Lời tác gỉa _ Họ là nhà báo vô danh, là kép cải lương thứ yếu, là ca sĩ tân nhạc hạng xoàng. Họ còn là thanh niên Chợ Lớn, thanh niên con nhà giàu sợ hãi chiến trường, được ẩn thân ở Cục Tâm Lý Chiến dưới tên gọi khác : lính kiểng . Lính văn nghệ cơ hữu của Cục Tâm Lý Chiến chỉ có bổn phận canh gác giữ an ninh cho Cục ngày và đêm.
Sự canh gác mang tính cách trình diễn, dù đã học 9 tuần quân sự ở Trung tâm huấn luyện Quang Trung. Vòng đai an ninh của Cục bé nhỏ. Đã có lực lượng bảo vệ an ninh của Cục An Ninh Quân Đội, của Đài phát thanh Sàigòn lo giùm hết. Vậy bên đây cầu Thị Nghè, kế sát Cục, là nơi lính văn nghệ canh gác ban đêm để bảo vệ Đài phát thanh quân đội, tòa soạn nhật báo Tiền Tuyến, văn phòng của các quan văn nghệ… Nói ra hơi buồn, lính văn nghệ gác cầu, chỉ nhằm trình diễn .
Tác giả nói Phạm Lê Phan qua điện thoại :
– Mày cũng nên về đi.
Phạm Lê Phan trả lời :
-Tại sao tao lại phải về? Lính văn nghệ đang chơi nhau dữ dội ở cầu Thị Nghè. Tao thủ trái lựu đạn, ngồi tại văn phòng Cục trưởng Tâm Lý Chiến thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị của quân lực Việt Nam Cộng Hoà. Chai whisky trên bàn vơi quá nửa rồi. ông tu chất cay. Bọn nó vào mà tử tế, ông giao Cục, dở trò hỗn láo, ông cho lựu đạn nổ… Tao sẽ gọi mày sau. Thôi nhé !
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn