Cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen, và con trai, Thủ tướng Hun Manet

Nguồn hình ảnh, BBC, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Ông Hun Sen đang tìm kiếm sự hậu thuẫn từ chính phủ Trung Quốc liên quan đến dự án kênh đào Phù Nam Techo.

Vai trò của Trung Quốc ngày càng rõ nét hơn trong siêu dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia, mới nhất là chuyến đi của cựu Thủ tướng Hun Sen đến Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2024 (Boao Forum for Asia - BFA) vừa bế mạc tại đảo Hải Nam, Trung Quốc.

Diễn đàn thường niên châu Á Bác Ngao (BFA) năm nay diễn ra từ ngày 26-29/3, với chủ đề "Châu Á và Thế giới: Thách thức chung, trách nhiệm chung".

Diễn đàn này thường được Bắc Kinh ví von là "Davos của châu Á".

Theo báo Khmer Times ngày 1/4, ông Hun Sen, hiện là Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền, đã "tìm kiếm sự hậu thuẫn quan trọng từ chính phủ Trung Quốc" liên quan đến dự án kênh đào Phù Nam Techo (Funan Techo).

Ông Hun Sen đã đề cập vấn đề này trong cuộc gặp với ông Triệu Lạc Tế, Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong cuộc gặp bên lề Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2024.

Đáp lời, ông Triệu đã tái khẳng định sự đóng góp của Trung Quốc trong việc thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác với Campuchia theo khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) và hợp tác "Lục giác Kim Cương" trong sáu lĩnh vực trong yếu gồm chính trị, sản xuất, nông nghiệp, năng lượng, an ninh, trao đổi văn hóa.

Hai nhà lãnh đạo cũng tiếp tục khẳng định mối quan hệ "sắt son" giữa Trung Quốc và Campuchia.

Bên cạnh các cuộc họp song phương, ông Hun Sen cũng có điện đàm với ông Trần Trọng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xây dựng Giao thông Trung Quốc (CCCC), một doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc, theo Khmer Times.

Ông Trần cũng đã thông tin đến ông Hun Sen về diễn tiến của những dự án mà công ty này có tham gia tại Campuchia, bao gồm dự án cao tốc Phnom Penh-Bavet, nghiên cứu khả thi cho cao tốc Phnom Penh-Siem Reap, cao tốc Siem Reap-Poipet, kênh đào Phù Nam Techo, Quốc lộ 50C nối tỉnh Kampong Thom với tỉnh Kampong Chhnang, Đường số 3 nối tỉnh Kampot với Veal Rinh.

Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc (China Road and Bridge Corporation) được xác nhận là công ty thực hiện nghiên cứu khả thi dự án kênh đào Phù Nam Techo và cũng là công ty đầu tư vào kênh đào này.

Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc là một thành viên của CCCC.

Campuchia luôn bác bỏ việc vay tiền Trung Quốc để xây kênh đào, mà chỉ đề cập sẽ tiến hành theo cơ chế đối tác công-tư (PPP), không theo khuôn khổ khoản nợ từ đối tác phát triển nào.

Thủ tướng Hun Manet đã khẳng định siêu dự án Phù Nam Techo sẽ do các đối tác Trung Quốc xây dựng, theo hợp đồng BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao).

Việt Nam 'cần nghiên cứu độc lập'

Bản đồ kênh đào Phù Nam Techo

Cho đến nay, chưa thấy Chính phủ Việt Nam có động thái rõ ràng nào. Hiện cũng chưa có nghiên cứu độc lập nào được công bố từ các chuyên gia của Việt Nam liên quan đến siêu dự án Phù Nam Techo của người láng giềng Campuchia.

Giáo sư Chung Hoàng Chương, một nhà nghiên cứu độc lập về sông Mekong và đang tham gia cùng với Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ, nêu quan ngại của ông với BBC News Tiếng Việt vào hôm nay (ngày 1/4), về lượng nước nếu con kênh đi vào hoạt động và lẫn những nghiên cứu độc lập từ các chuyên gia.

Ông nhấn mạnh "không chống dự án này của Campuchia nhưng cần có nghiên cứu độc lập đầy đủ".

Theo ông, cho đến nay, rất nhiều câu hỏi vẫn chưa được giải đáp, xét về góc độ khoa học.

Theo các thông tin ít ỏi mà phía Campuchia công bố, kênh đào Phù Nam sẽ bắt đầu từ sông Bassac, một chi lưu của sông Mekong, đoạn gần thủ đô Phnom Penh, và đổ ra biển tại tỉnh Kep bên bờ Vịnh Thái Lan.

Bassac đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hệ sinh thái tự nhiên của một phần rộng lớn của đồng bằng sông Mekong.

Sông Bassac khi chảy vào Việt Nam được gọi là sông Hậu, đi qua đi qua 7 tỉnh, trong đó có An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và Cần Thơ.

Giáo sư Chung Hoàng Chương đã đặt ra một loạt câu hỏi liên quan đến dự án lịch sử của Campuchia.

"Câu hỏi của tôi là khi hoàn tất kênh Phù Nam thì bao lâu mới đầy nước để đưa con kênh vào vận hành được. Nước thì phải nhờ đến hai nguồn, một nguồn là từ sông Bassac, nguồn thứ hai là nước mưa."

"Trong 7 tỉnh mà con sông Hậu đi qua thì có bốn tỉnh có những thành phố rất lớn, như Châu Đốc, Long Xuyên (thuộc An Giang), Cần Thơ và Sóc Trăng. Dân số tại đó là trên 5 triệu người, tương đương khoảng 25% dân số của Đồng bằng sông Cửu Long. Liệu nước suy giảm sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống người dân tại đây?" Giáo sư Chương đặt câu hỏi.

"Một vấn đề khác là phía bên kia bờ của sông Hậu tiếp giáp với sông Tiền. Sông Tiền và sông Hậu nối với nhau bằng sông Vàm Nao thì dự án Phù Nam Techo sẽ làm thay đổi diện mạo của con sông này như thế nào, nhiều nước hay ít nước hơn chảy xuống."

"Ngoài ra khi làm kênh Phù Nam Techo thì họ sẽ làm hai bên bờ là lối đi bằng xi măng, dài 180 km, thì lượng cát dùng cho hai bên bờ kênh rất lớn, theo tính toán riêng của tôi. Câu hỏi của tôi là lượng cát đó sẽ lấy ở đâu, vùng nào, có tác động ra sao? Hiện nay tôi chưa thấy ai làm nghiên cứu về vấn đề đó."

"Bề ngang của kênh đào là gần 100 m, do đó tàu di chuyển có thể lên đến 3.000 tấn, rồi có làn di chuyển, nếu chỉ dùng để di chuyển thì lượng nước có thể không thay đổi. Tuy nhiên, nếu con kênh này còn được dùng cho mục đích tưới tiêu, dẫn thủy nhập điền, thì lượng nước sẽ còn cao hơn. Chúng ta vẫn chưa rõ về mục đích đầy đủ con kênh."

Trước câu hỏi của BBC về việc Việt Nam đã tổ chức lấy ý kiến chuyên gia về dự án này hay chưa, Giáo sư Chung Hoàng Chương cho biết ông chưa thấy thông tin nào trong thời điểm hiện tại.

Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải có đối thoại giữa các chuyên gia độc lập từ Việt Nam và cả Campuchia, để nghiên cứu về dự án, đề xuất những thay đổi trước khi tiến hành động thổ.

Sông Mekong

Getty Images

Quy mô kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia

  • 180 km và 1,7 tỷ USDĐộ dài và chi phí ước tính

  • Rộng100 m ở thượng nguồn

  • Rộng80 m ở hạ nguồn

  • Độ sâu5,4 m

  • Thời gian xây dựng4 năm

Nguồn: Thông tấn xã Campuchia (APK)