Đường sắt Trung Quốc qua vùng mỏ đất hiếm Việt Nam: chuyên gia nói gì?

Thứ Bảy, 09 Tháng Mười Hai 202311:58 SA(Xem: 626)
Đường sắt Trung Quốc qua vùng mỏ đất hiếm Việt Nam: chuyên gia nói gì?
rfa.org

Đường sắt Trung Quốc qua vùng mỏ đất hiếm Việt Nam: chuyên gia nói gì?

2023.12.07

Việt Nam và Trung Quốc đang nâng cấp đáng kể các tuyến đường sắt đi qua trung tâm đất hiếm của Việt Nam đến cảng biển hàng đầu của láng giềng phía bắc. Hoạt động này được tiến hành trong bối cảnh Hà Nội đang nỗ lực phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp đất hiếm.

Tiềm năng kinh tế ngành đất hiếm

Reuters hôm 1/12 cho biết tuyến đường sắt được nâng cấp sẽ đi qua khu vực Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc.

Cũng theo Reuters, các chuyên gia ngành đất hiếm Trung Quốc và Việt Nam đã thảo luận về việc hợp tác mạnh mẽ hơn trong việc chế biến khoáng sản.

Chuyên gia kinh tế, tiến sỹ Nguyễn Huy Vũ nhận định rằng hiện nay, dù Việt Nam đang rất cố gắng vươn lên thành một trong những nguồn cung đất hiếm lớn của thế giới; năng lực và công nghệ của quốc gia Đông Nam Á này hiện giờ vẫn còn nhiều hạn chế nên chỉ có thể bán thô nguồn nguyện liệu đó qua Trung Quốc, nơi đã có sẵn các nhà máy xử lý nguồn đất hiếm thô. Việc nâng cấp tuyến đường sắt có thể có lợi trong quá trình vận chuyển: 

“Cái vấn đề hiện nay là liên quan đến vận chuyển. Nếu Việt Nam bán thô cho Trung Quốc thì vận chuyển nó sẽ gần hơn. Việt Nam hiện nay không có khả năng để tinh luyện, cho nên họ chỉ bán thô mà thôi.

Trung Quốc sẽ họ xử lý lại rồi bán lại sản phẩm đã tinh luyện thì giá thành nó sẽ rẻ hơn so với việc các nước khác mua quặng ở Việt Nam đem về nước của họ để họ xử lý, thì chi phí sẽ rất là cao.”

Ngoài ra, theo ông Vũ, các doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư các nhà máy xử lý để nâng giá trị của đất hiếm Việt Nam cũng phải chịu rủi ro chính trị. Cho nên, thay vì đầu tư tiền bạc khổng lồ để xử lý đất hiếm thì việc đào quặng thô lên bán thẳng qua Trung Quốc có lợi về mặt kinh tế hơn nhiều:

“Phải có sự chống lưng ở trong chính quyền để mà bảo đảm làm sao nguồn đất hiếm doanh nghiệp được khai thác…

Rồi còn rủi ro về chuyện xuất khẩu nguyên liệu thì cũng phải cần có sự chống lưng của chính quyền…

Ví dụ như các công ty về điện mặt trời đi. Họ đầu tư vào rất nhiều, bây giờ đã làm ra điện rồi nhưng mà Bộ Công thương họ không kết nối thì bao nhiêu vốn liếng bỏ vào xây dựng hệ thống điện mặt trời nhưng bây giờ bán không được thì cũng phải đành chịu chết mà thôi.”

Trong một bài viết của chuyên gia quan hệ quốc tế, tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, có tựa đề tạm dịch là “Tham vọng đất hiếm của Việt Nam: động lực kinh tế và chiến lược”, được đăng trên trang web Fulcrum vào tháng 11 vừa qua cho rằng nếu Việt Nam phát triển thành công ngành công nghiệp đất hiếm để chiếm 10% thị trường toàn cầu vào năm 2035 thì có thể tạo ra doanh thu khoảng hai tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, lợi nhuận tiềm năng có thể thấp hơn nhiều nếu tính đến tất cả chi phí sản xuất.

Tình trạng công nghệ kém hiện đại và những lo ngại về vấn đề môi trường cũng là những thách thức cản bước tiến của Việt Nam trong việc phát triển ngành đất hiếm.

Chiến lược ngoại giao của Hà Nội

2023-09-25T004724Z_1658098402_RC2FR1ANYZPU_RTRMADP_3_VIETNAM-RAREEARTHS.jpeg
Khu đất đang được quy hoạch xây dựng nhà máy xử lý đất hiếm ở Lai Châu. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, động lực khiến Hà Nội vẫn quyết tâm theo đuổi phát triển ngành công nghiệp là do những lợi ích về chiến lược đối ngoại mà Việt Nam có thể đạt được, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung ngày càng gia tăng.

Trung Quốc hiện chiếm 63% sản lượng khai thác đất hiếm của thế giới. Các hợp kim và nam châm đất hiếm mà Trung Quốc đang kiểm soát là những thành phần quan trọng trong các ngành công nghiệp như điện tử, xe điện và tua-bin gió, hay thậm chí là các ngành sản xuất vũ khí tiên tiến, bao gồm tên lửa, radar và máy bay tàng hình.

Điều này khiến Mỹ và các đồng minh tìm cách đa dạng hóa nguồn cung đất hiếm thay thế, ngoài Trung Quốc. Một trong các lựa chọn thay thế tiềm năng là Việt Nam, nơi có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới, với ước tính khoảng 22 triệu tấn, chiếm khoảng 19% trữ lượng được biết đến của thế giới.

Nếu Việt Nam có thể phát triển thành công ngành công nghiệp đất hiếm và trở thành nhà cung cấp đáng tin cậy cho Hoa Kỳ và các đồng minh, thì vị thế của Hà Nội sẽ được nâng cao đáng kể trong chiến lược của Washington và các đồng minh.

Nó giúp củng cố mối quan hệ của Hà Nội với các đối tác này, bù đắp cho sự miễn cưỡng của Hà Nội không muốn tham gia cùng với họ vào một số hoạt động hợp tác quốc phòng nhạy cảm.

Bình luận về vấn đề này, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế, thạc sỹ Hoàng Việt cho rằng ngoài lợi ích về kinh tế, tham vọng nâng cao vị thế địa chính trị mới là quan trọng hơn đối với chính quyền Hà Nội:

“Nếu Mỹ và các đồng minh phương Tây, trong cạnh tranh căng thẳng với Trung Quốc, thì họ phải tìm một nguồn nguyên liệu để có thể thay thế Trung Quốc, và đương nhiên là trong mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đang tốt đẹp gần đây và với chính sách của Mỹ thì Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi khá nhiều.”

Vậy, tuyến đường sắt kết nối Trung Quốc với các tỉnh có mỏ đất hiếm ở Việt Nam liệu có ảnh hưởng tới ý định hợp tác với Việt Nam của các cường quốc như Mỹ và phương Tây hay không? Trả lời câu hỏi này, thạc sỹ Hoàng Việt nhận định:

“Tôi cho là nó không liên quan nhiều. Bởi vì, tuyến đường sắt đi qua thì nó cũng không liên quan đến việc khai thác và xuất khẩu đất hiếm đâu.

Cá nhân tôi cho rằng không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà máy sản xuất chip của Mỹ đặt ở phía Bắc. Trong trường hợp Mỹ và Trung Quốc căng thẳng và Trung Quốc ngăn chặn xuất khẩu nguồn đất hiếm sang Mỹ, doanh nghiệp Trung Quốc bị ngăn cấm xuất khẩu sang Mỹ chứ đâu có ngăn cấm xuất khẩu sang Việt Nam.”

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn