Ming Zhenzhen và Ming Guoping bị cảnh sát Trung Quốc bắt giữ

Nguồn hình ảnh, BỘ CÔNG AN TRUNG QUỐC

Chụp lại hình ảnh,

Ming Zhenzhen và Ming Guoping bị cảnh sát Trung Quốc bắt giữ

  • Tác giả, Jonathan Head
  • Vai trò, Phóng viên Đông Nam Á

Cảnh sát Trung Quốc công bố những bức ảnh một người đàn ông và một phụ nữ bị còng tay, đứng trước cửa khẩu.

Những đối tượng này vừa được phía Myanmar bàn giao, diễn biến mới nhất liên quan đến một loạt các vụ bắt giữ những người bị cáo buộc điều hành các trung tâm lừa đảo tại một thị trấn ở biên giới phía đông bắc giáp với Trung Quốc.

Hai người bị bắt giữ là Ming Guoping và Ming Zhenzhen, con trai và cháu gái của một trong những lãnh chúa quyền lực đã cai trị thị trấn Laukkaing trong 14 năm qua.

Sự leo thang đột ngột của cuộc xung đột ở Myanmar đã đánh dấu sự kết thúc của băng đảng mafia Trung Quốc - "tứ đại gia tộc" kiểu như trong 'Bố già' - tại thị trấn biên giới khét tiếng 'vô pháp, vô thiên'.

Trong khi cảnh sát Trung Quốc công bố những bức ảnh về hai nghi phạm bị còng tay ngày 15/11, cơ quan tin tức quân sự chính thức của Myanmar đã công bố một tấm hình cho thấy rõ một cuộc khám nghiệm tử thi trên cơ thể một người đàn ông 69 tuổi được tiến hành sau một chiếc xe tải.

Đó chính 'bố già' - Ming Xuechang - người mà theo quân đội là đã tự kết liễu đời mình sau khi bị bắt, một giải thích khiến nhiều người hoài nghi.

Đó là một chấm dứt nhục nhã cho một câu chuyện phi thường, đã khởi đầu từ những ngày chiến tranh và cách mạng, nhưng sau đó lại biến thành ma túy, cờ bạc, lòng tham và sự ganh đua theo chủ nghĩa của triết gia Niccolò Machiavelli.

Tứ đại gia tộc

Ming Xuechang là tay sai của Bai Suo Cheng, người đứng đầu một trong các gia tộc đó.

Dưới thời của những người này, vùng nước đọng, hẻo lánh Laukkaing, Myanmar đã bị biến thành một trung tâm của các sòng bạc ồn ào với những tòa tháp cao tầng xa hoa cùng với những khu đèn đỏ tồi tàn.

Hàng trăm nghi phạm được bàn giao từ Myanmar sang Trung Quốc sau sự sụp đổ của các lãnh chúa quyền lực dọc biên giới

Nguồn hình ảnh, THE KOKANG MEDIA

Chụp lại hình ảnh,

Hàng trăm nghi phạm được Myanmar bàn giao cho Trung Quốc sau sự sụp đổ của các lãnh chúa quyền lực dọc biên giới

Mặc dù tài lực mạnh nhưng nhà Ming không nằm trong danh sách bốn gia tộc được nhiều người thèm muốn này - ba gia tộc còn lại do Wei Chaoren, Liu Guoxi và Liu Zhengxiang nắm quyền.

Ban đầu, các sòng bạc của Laukkaing được phát triển để tận dụng nhu cầu đánh bạc của người Trung Quốc, vốn bị xem là bất hợp pháp ở quốc gia này và nhiều nước lân cận khác. Sau đó, các sòng bạc đã biến thành một bình phong béo bở cho nạn rửa tiền, buôn lậu và đặc biệt là trụ sở cho hàng chục trung tâm lừa đảo.

Ước tính hơn 100.000 công dân nước ngoài, nhiều người trong số họ là người Trung Quốc, đã bị dụ dỗ đến các trung tâm lừa đảo này, nơi họ bị giam cầm và buộc phải làm việc nhiều giờ để điều hành các hoạt động lừa đảo trực tuyến tinh vi nhắm vào các nạn nhân trên toàn thế giới.

Ming Xuechang điều hành một trong những trung tâm lừa đảo khét tiếng nhất, được gọi là 'Biệt thự Ngọa hổ'. Theo báo cáo, ông này cũng điều hành lực lượng cảnh sát địa phương, mặc dù họ mặc đồng phục thông thường của cảnh sát quốc gia Myanmar nhưng hoạt động không khác gì một đội quân tư nhân, một trong số lực lượng này thực thi nền cai trị của bốn gia tộc ở Laukkaing.

Ming Zhenzhen và Ni Lin Aung, một sĩ quan quân đội cấp cao của Myanmar và là người đứng đầu lực lượng cảnh sát nước này

Nguồn hình ảnh, MYAWADDY NEWS

Chụp lại hình ảnh,

Ming Zhenzhen và Ni Lin Aung, một sĩ quan quân đội cấp cao của Myanmar và là người đứng đầu lực lượng cảnh sát nước này

Vào tháng 9/2023, khi Trung Quốc tăng cường áp lực lên tất cả các nhóm điều hành các trung tâm lừa đảo buộc phải đóng cửa và giao nộp những người làm việc ở đó, gia đình Ming lên tiếng phản đối. Theo một số ước tính, các sòng bạc của mỗi gia tộc đã giao dịch vài tỷ USD mỗi năm. Đó là một lĩnh vực kinh doanh khổng lồ họ phải từ bỏ.

Các gia đình này cũng có mối quan hệ chặt chẽ với quân đội Myanmar, và nhà Ming có thể tin rằng họ được bảo vệ, ngay cả trước những yêu cầu của phía Trung Quốc, quốc gia từ lâu đã có ảnh hưởng mạnh mẽ ở khu vực biên giới này.

Yếu tố Bắc Kinh

Rạng sáng ngày 20/10, một băng nhóm lừa đảo đã chuyển ra ngoài Biệt thự Ngọa hổ, có lẽ đã lường trước động thái truy quét các trung tâm lừa đảo của cảnh sát Trung Quốc.

Một số nhân viên, được cho là từ 50 đến 100 người, đã cố gắng trốn thoát, và các bảo vệ trung tâm lừa đảo đã nổ súng, giết chết một số người trong số đó. Một số nhân chứng cho biết có cả cảnh sát chìm Trung Quốc trong số những người thiệt mạng.

Điều này đã dẫn đến một lá thư có lời lẽ mạnh từ văn phòng chính quyền địa phương ở tỉnh lân cận của Trung Quốc - và lệnh thông báo bắt giữ của cảnh sát Trung Quốc đối với bốn người trong gia đình Ming.

Chính sự thất vọng thấy rõ của Trung Quốc trước việc chính quyền cầm quyền của Myanmar không sẵn sàng hoặc không có khả năng kiềm chế các đồng minh của họ ở Laukkaing đã khuyến khích ba đội quân nổi dậy, tự gọi mình là Liên minh Huynh đệ (Brotherhood Alliance), tiến hành các cuộc tấn công chống lại quân đội vào cuối tháng 10.

Trước đây, Trung Quốc luôn kêu gọi kiềm chế để giữ hòa bình ở khu vực biên giới của mình, nhưng nhu cầu phải triệt tiêu các gia tộc được tài trợ và có trang bị vũ trang tốt ở Laukkaing dường như đã thay đổi những ưu tiên của họ.

Laukkaing, từng là một thị trấn biên giới nghèo, nổi lên như một nơi ồn ào với các trung tâm cờ bạc, ma túy và lừa đảo

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Laukkaing, từng là một thị trấn biên giới nghèo, nổi lên như một nơi ồn ào với các trung tâm cờ bạc, ma túy và lừa đảo

Lực lượng nổi dậy cho biết mục tiêu của họ là xoá sổ các trung tâm lừa đảo và hỗ trợ chiến dịch phản kháng rộng rãi hơn nhằm lật đổ chế độ quân sự đã chiếm quyền vào năm 2021.

Nhưng ở Laukkaing, cuộc xung đột giống như một sự trả thù, một mối thù truyền kiếp bắt nguồn thời Chiến tranh Lạnh.

Các 'Bố già' của Laukkaing

Bốn gia tộc này không ai có quyền kiểm soát Laukkaing ngoài Min Aung Hlaing, chỉ huy quân sự đã lãnh đạo cuộc đảo chính năm 2021 và đang nắm chính quyền.

Quay trở lại năm 2009, Min Aung Hlaing đã lãnh đạo một chiến dịch quân sự nhằm lật đổ lãnh chúa thống trị lúc bấy giờ ở Laukkaing, một chiến binh kỳ cựu tên là Peng Jiasheng.

Ông muốn thành lập các đồng minh phù hợp hơn với nhu cầu của chính phủ quân sự lúc bấy giờ, vốn đang gây áp lực lên tất cả các nhóm nổi dậy sắc tộc ở Myanmar để họ chuyển mình thành lực lượng bảo vệ biên giới thân chính phủ.

Hầu hết họ đều bác bỏ, kể cả nhà Peng, mặc dù đáp lại, quân đội đã hứa rằng họ sẽ được phép tiếp tục kiếm tiền từ các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp như ma túy.

Ông Peng thuộc thế hệ lãnh chúa ở bang Shan nổi lên trong sự hỗn loạn của những năm sau khi Myanmar tuyên bố độc lập, khi quyền lực của chính quyền trung ương không lan rộng đến hầu hết các khu vực biên giới.

Peng Jiasheng từng là lãnh chúa quyền lực nhất bang Shan

Nguồn hình ảnh, THE KOKANG

Chụp lại hình ảnh,

Peng Jiasheng từng là lãnh chúa quyền lực nhất bang Shan

Cực nghèo, xa xôi và đất đai cằn cỗi, nền kinh tế thực sự duy nhất của bang Shan là nghề trồng thuốc phiện. Địa phương này trở thành nơi sản xuất lớn nhất thế giới và hậu thuẫn cho nhiều nhóm nổi dậy khác nhau.

Ông Peng từng giữ chức tư lệnh trong Đảng Cộng sản Miến Điện do Trung Quốc hậu thuẫn, nhưng ông đã tiến hành cuộc nổi loạn vào năm 1989 khi sự hỗ trợ của Trung Quốc chấm dứt, khiến Đảng Cộng sản Miến Điện bị chia thành nhiều nhóm nổi dậy có vũ trang.

Đây là thời điểm chính phủ quân sự Myanmar trở nên mong manh nhất. Họ vừa đàn áp một cuộc nổi dậy của nhân dân vào năm 1988 một cách tàn bạo khủng khiếp - cuộc nổi dậy mà bà Aung San Suu Kyi lần đầu tiên nổi lên với tư cách là một nhà lãnh đạo đối lập.

Lo lắng về khả năng liên minh giữa các nhóm nổi dậy dân tộc được thành lập và phong trào đối lập, các tướng lĩnh đã nhanh chóng tiến hành hòa đàm với quân nổi dậy, trao cho họ quyền tự do điều hành vùng đất chiếm được theo ý muốn.

Peng bắt đầu phát triển Laukkaing trở thành một trung tâm cờ bạc trước áp lực phải phải cắt giảm hoạt động kinh doanh ma túy đang là nguồn thu cho các hoạt động của ông ta.

Nhưng khi ông bác bỏ yêu cầu của quân đội vào năm 2009 nhằm biến lực lượng của mình thành lực lượng biên phòng, Min Aung Hlaing đã thuyết phục Bai Suo Cheng, phó tư lệnh của Peng vào thời điểm đó, nổi dậy chống lại ông.

Peng bị đuổi sang Trung Quốc. Các sòng bạc bị đạn xuyên thủng, mặc dù những tay 'hăng máu' cờ bạc vẫn tiếp tục chơi trong suốt thời gian xảy ra giao tranh. Bai và ba gia đình còn lại tiếp quản vận hành các sòng bạc.

Bai Suocheng là phó tư lệnh một thời của Peng Jiasheng

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Bai Suocheng là phó tư lệnh một thời của Peng Jiasheng

Thông qua mối quan hệ chặt chẽ với quân đội, họ đã phát triển mạng lưới kinh doanh rộng khắp ở Myanmar, sở hữu cổ phần trong lĩnh vực khai thác mỏ, năng lượng, cơ sở hạ tầng và sòng bạc ở các quốc gia khác như Campuchia. Họ thiết lập mối liên kết với mạng lưới tội phạm có tổ chức ở Macau và đông nam Trung Quốc.

Laukkaing đóng vai trò như một thị trấn phát triển ở miền Tây hoang dã, nơi chuyện gì cũng có thể diễn ra và món gì cũng có thể đem ra mua bán. Thỉnh thoảng có những cuộc đọ súng giữa các trung tâm lừa đảo là đối thủ và những người có quyền lực nuôi sư tử và hổ làm thú cưng.

Nhưng phần lớn quân nổi dậy của Peng, có tên gọi MNDAA, vẫn trung thành với ông. Vào năm 2015, ông ta đã cố gắng nhưng thất bại trong việc chiếm lại Laukkaing từ tay bốn gia tộc.

MNDAA sau đó thành lập liên minh với các nhóm vũ trang khác ở bang Shan. Khi Peng qua đời ở tuổi 91 vào năm ngoái, ông đã được tổ chức một tang lễ xa hoa xứng đáng với một ông trùm mafia, với sự tham dự của hầu hết các thủ lĩnh quân nổi dậy và lãnh chúa trong khu vực.

Thậm chí, Min Aung Hlaing còn cử một chỉ huy quân sự cấp cao đến tỏ lòng kính trọng với cựu thù. Các con của Peng nắm quyền chỉ huy MNDAA, chờ thời cơ lật đổ Bai, trong mắt họ là kẻ soán ngôi.

Hình ảnh trong đám tang của ông Peng năm 2022

Nguồn hình ảnh, THE KOKANG

Chụp lại hình ảnh,

Hình ảnh trong đám tang của ông Peng năm 2022

Quân MNDAA hiện đang kiểm soát cửa khẩu biên giới chính và tất cả các con đường dẫn đến Laukkaing, họ sẵn sàng chiếm lại thủ phủ sòng bạc, phòng điều khiển của "đại dịch lừa đảo", như Liên Hiệp Quốc đã nêu tên.

Ai cũng đoán được MNDAA làm gì với số tiền đó, nhưng sau khi đã hứa với Trung Quốc sẽ chấm dứt các trò lừa đảo, họ sẽ cần tìm cách khác để tài trợ cho cuộc nổi dậy của mình.

Mục tiêu họ bày tỏ là giúp lật đổ chính quyền quân sự đã được phong trào đối lập rộng rãi hơn hoan nghênh.

Tháng trước, hàng triệu người ở Myanmar như được tiếp thêm sức mạnh trước cảnh lực lượng sắc tộc nổi dậy chiến thắng và diễu hành, dẫn theo các binh lính bị bắt và trang thiết bị thu được, trong khi sự kết thúc của mafia đang diễn ra ở Laukkaing.

Sau gần ba năm chịu đựng chế độ độc tài quân sự bạo lực, chính quyền có vẻ dễ bị tổn hại và người dân có thể dám mơ rằng chính quyền này có thể sụp đổ.

Tuy nhiên, việc lòng trung thành liên tục thay đổi ở khu vực vô pháp luật này, các mục tiêu đã nêu của MNDAA phải được xem xét một cách thận trọng.

Tại thời điểm thực hiện bài viết này, không rõ Bai Suochen đang ở đâu. Hiện cũng chưa rõ hai lãnh chúa khác - Wei Chaoren và Liu Zhengxiang - hiện đang ở đâu. Người thứ tư, Liu Guoxi, qua đời vào năm 2020.

Nhưng nhiều thành viên trong gia đình họ hiện đang bị cảnh sát Trung Quốc giam giữ; một số đã ăn năn nhận tội. Hàng ngàn người làm việc trong các trung tâm lừa đảo đã được bàn giao cho cảnh sát Trung Quốc. Các chính phủ trong khu vực đang cố gắng đưa hàng trăm người khác vẫn bị mắc kẹt ở Laukkaing ra ngoài an toàn.

Nạn lừa đảo ở phía đông bắc Myanmar giờ đây có thể đã kết thúc, mặc dù có lẽ chỉ để chuyển đến một nơi 'vô pháp, vô thiên' khác trên thế giới.

Tất cả các hình ảnh đã được xác minh bản quyền