Tập đến HN nhắm tăng ảnh hưởng sau khi Việt-Mỹ nâng quan hệ

Thứ Năm, 12 Tháng Mười 20236:00 SA(Xem: 904)
Tập đến HN nhắm tăng ảnh hưởng sau khi Việt-Mỹ nâng quan hệ
voatiengviet.com

Giới nghiên cứu: Chủ tịch Tập đến HN nhắm tăng ảnh hưởng sau khi Việt-Mỹ nâng quan hệ

An Tôn - VOA

Chuyến thăm của chủ tịch Trung Quốc đến Việt Nam, nếu diễn ra sau vài tuần nữa như một số nguồn thạo tin cho hay, sẽ có mục đích gia tăng hoặc ít nhất là tái khẳng định ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Hà Nội, chỉ ít ngày sau khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên mức cao nhất, theo đánh giá của năm nhà nghiên cứu với VOA mới đây.

Chuyến công cán của ông Tập Cận Bình sẽ là một bài thử lớn đối với nền “ngoại giao cây tre” của Việt Nam và khả năng của nước này về đối phó với Trung Quốc, một trong năm nhà nghiên cứu đưa ra quan sát.

Các quan chức Việt Nam và Trung Quốc đang chuẩn bị cho chuyến thăm có thể diễn ra của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Hà Nội vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11 tới, Reuters dẫn bốn nguồn tin am hiểu kế hoạch này cho biết hôm 6/10.

Hai nguồn tin trong số này cho hay hai bên sẽ thảo luận về việc cùng nhau tồn tại trong một “cộng đồng chung vận mệnh”, một định hướng chiến lược của Trung Quốc về tương lai của quan hệ giữa khối các nước Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc. Theo hai nguồn tin, các quan chức Việt Nam thận trọng về việc đưa cụm từ này vào tuyên bố chung.

Nếu chuyến thăm của ông Tập diễn ra và cụm từ nêu trên được đưa vào tuyên bố chung, hai nguồn tin nói với Reuters rằng diễn biến đó có thể được hiểu là Việt Nam và Trung Quốc nâng cao mối quan hệ thêm nữa.

Trung Quốc muốn tăng ảnh hưởng

Đưa ra nhận định với VOA qua email mới đây, tiến sĩ Alexander Vuving ở Hawaii, Mỹ, cho rằng khi đến Hà Nội, ông Tập sẽ thúc ép Việt Nam tham gia “cộng đồng chung vận mệnh” và các sáng kiến khác của Trung Quốc như Sáng kiến An ninh Toàn cầu, Sáng kiến Phát triển Toàn cầu và Sáng kiến Văn minh Toàn cầu.

Nếu Việt Nam đồng ý tham gia ‘cộng đồng chung vận mệnh’ của Trung Quốc ... Trung Quốc sẽ diễn dịch là Bắc Kinh luôn luôn gần gũi hơn, hoặc đi trước hoặc ở cao hơn Washington trong quan hệ với Việt Nam.

Tiến sĩ Vuving

Theo tiến sĩ Vuving, giáo sư tại Trường Nghiên cứu An ninh thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Daniel K. Inouye châu Á-Thái Bình Dương, “cộng đồng chung vận mệnh” và các sáng kiến đó là các công cụ của Trung Quốc nhằm xây dựng các liên minh phục vụ cho cuộc chạy đua đại cường với Mỹ.

“Nếu Việt Nam đồng ý tham gia ‘cộng đồng chung vận mệnh’ của Trung Quốc, điều này sẽ được quảng bá như thể là một sự nâng cấp lên từ ‘đối tác hợp tác chiến lược toàn diện’ hiện nay giữa Trung Quốc và Việt Nam. Việc nâng cấp này sẽ được Trung Quốc diễn dịch là Bắc Kinh luôn luôn gần gũi hơn, hoặc đi trước hoặc ở cao hơn Washington trong quan hệ với Việt Nam”, tiến sĩ Vuving nói với VOA.

Tuy nhiên, tiến sĩ Vuving lưu ý đến thực tế là Việt Nam đã cưỡng lại sự thúc ép của Trung Quốc về việc “nâng cấp” đó trong nhiều năm, trong khi tương phản lại, cả Việt Nam lẫn Mỹ đều muốn nâng cấp quan hệ.

Từ góc nhìn của mình, ông Vuving cho rằng hết sức đáng chú ý khi Việt Nam là nước duy nhất trong số các quốc gia trên đất liền ở Đông Nam Á vẫn chưa tham gia “cộng đồng chung vận mệnh của Trung Quốc” so với Lào, Campuchia, Myanmar và Thái Lan, những nước đã gia nhập trong mấy năm qua.

Hai nhà lãnh đạo Nguyễn Phú Trọng của Việt Nam và Tập Cận Bình của Trung Quốc thưởng trà ở Bắc Kinh trong quá khứ.

Hai nhà lãnh đạo Nguyễn Phú Trọng của Việt Nam và Tập Cận Bình của Trung Quốc thưởng trà ở Bắc Kinh trong quá khứ.

Bày tỏ ý kiến với VOA từ Úc, giáo sư Carl Thayer cho rằng tuy Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc thăm Việt Nam trên danh nghĩa để đáp lễ chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hồi năm ngoái, song ông Tập sẽ “nhắm đến tăng cường quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước láng giềng”.

Ông Thayer, giáo sư đã nghỉ hưu của Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, nhận xét rằng vì Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ thành đối tác chiến lược toàn diện hồi tháng 9, giờ đây, “chuyến thăm của ông Tập sẽ có sự cấp bách hơn về việc hoàn tất một số vấn đề còn bỏ ngỏ từ chuyến thăm lần trước của Tổng Bí thư Trọng”.

Hai ông Tập và Trọng, đều là lãnh đạo đảng cộng sản cầm quyền ở cả hai nước, sẽ “thảo luận các biện pháp cụ thể để gia tăng các hoạt động can dự song phương trên nhiều lĩnh vực. Thứ hai, ‘vừa là đồng chí vừa là anh em’, họ sẽ cùng tái khẳng định cam kết đi theo ‘con đường xã hội chủ nghĩa phù hợp với tình hình đặc thù của mỗi nước’’, giáo sư Thayer dự báo.

Chuyến thăm của ông Tập là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhắm đến ít nhất là duy trì sự cân bằng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam đối với Mỹ và Trung Quốc, nếu không nói là cố gắng kéo Việt Nam về phía mình.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp

Từ Singapore, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak, đánh giá rằng trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ gia tăng, rõ ràng Trung Quốc “không thoải mái” khi chứng kiến Việt Nam “nâng cấp quan hệ và trở nên thân thiết thêm với Mỹ”.

Vì vậy, tiến sĩ Hiệp nhận định: "Chuyến thăm có thể diễn ra của ông Tập là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhắm đến ít nhất là duy trì sự cân bằng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam đối với Mỹ và Trung Quốc, nếu không nói là cố gắng kéo Việt Nam về phía mình”.

Về việc Trung Quốc muốn Việt Nam tham gia “cộng đồng vận mệnh chung” và đưa điều đó vào tuyên bố chung, ông Hiệp cho rằng nếu điều đó diễn ra sẽ là một sự kiện “đáng chú ý”, nhưng ông nhận định rằng đây là vấn đề “khó” cho Việt Nam đi đến đồng ý vì nó “gây ra tranh cãi và các phản ứng không thuận lợi ở ngay trong nước cũng như từ phía các đối tác của Việt Nam”.

Cũng bình luận về chuyến thăm có thể sẽ diễn ra của chủ tịch Trung Quốc, nói với VOA từ thành phố Hồ Chí Minh, thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật Tp.HCM, cho rằng Bắc Kinh đang muốn và thấy cần “cân bằng lại ảnh hưởng” cũng như “khẳng định lại vị thế và tầm ảnh hưởng của họ” sau khi Hà Nội nâng cấp quan hệ với Washington.

Đó là điều đặc biệt đáng chú ý về chuyến thăm của ông Tập, đặt trong bức tranh lớn về sự cạnh tranh quyết liệt trong mọi lĩnh vực giữa Trung Quốc và Mỹ ở Đông Nam Á nói chung và về ảnh hưởng đến Việt Nam nói riêng, theo thạc sĩ Việt.

Việt Nam giữ vững “ngoại giao cây tre”

Tiến sĩ, đại sứ Nguyễn Ngọc Trường, cựu Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quốc tế, đưa ra quan sát với VOA từ Hà Nội rằng nếu ông Tập đến thăm, có thể dự báo rằng ông sẽ thuyết phục Việt Nam “cần giữ vững đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ” và “thúc đẩy hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Trung Quốc”.

Trong khi đó, mối quan tâm hàng đầu của Việt Nam là “thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại với Trung Quốc” và “đảm bảo giữ môi trường hòa bình, ổn định và an ninh, trong đó có vấn đề Biển Đông”, theo đại sứ Trường.

Cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đều có tuyên bố chủ quyền đối chọi về phần lớn Biển Đông và tàu công vụ của hai nước đối đầu nhau không ít lần ở vùng biển này, nơi có tuyến hàng hải quốc tế trọng yếu với lượng hàng hóa lên đến 3,4 nghìn tỷ đô la đi qua mỗi năm và được cho là giàu tài nguyên dầu khí.

Hai tàu cảnh sát biển của Việt Nam và Trung Quốc vờn nhau trong giai đoạn căng thẳng ở Biển Đông, 14/5/2014.

Hai tàu cảnh sát biển của Việt Nam và Trung Quốc vờn nhau trong giai đoạn căng thẳng ở Biển Đông, 14/5/2014.

Giáo sư Thayer ở Úc dự báo với VOA rằng khi gặp vị chủ tịch nước kiêm lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Hà Nội, tổng bí thư Đảng của Việt Nam “sẽ nêu vấn đề Biển Đông đầy nhạy cảm và tầm quan trọng của các biện pháp thiết thực chẳng hạn như hợp tác giữa Cảnh sát Biển hai nước để ‘xử lý tốt các sự cố xảy ra trên biển và duy trì an ninh và ổn định trên biển’”, bên cạnh các vấn đề quan trọng khác.

Ông Trọng của Việt Nam cũng sẽ bày tỏ ủng hộ nói chung cho việc kết nối chương trình “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” giữa 9 tỉnh, thành của hai nước vào đại dự án “Vành đai-Con đường” của Trung Quốc, cũng như ủng hộ Sáng kiến Phát triển Toàn cầu của ông Tập và việc Trung Quốc tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương Tiến bộ và Toàn diện, vẫn giáo sư Thayer nhận định.

Trung Quốc sẽ có động lực làm sao để không bị mất đi ảnh hưởng về tay Mỹ bằng cách là sẽ tăng sự can dự với Việt Nam. Việt Nam sẽ có động lực duy trì sự độc lập, tự chủ chiến lược về hành động bằng cách tập trung vào sự hợp tác chủ yếu là về kinh tế trên diện rộng.

Giáo sư Thayer

Về phía ông Tập, nhiều khả năng ông sẽ tuyên bố các bước thực tiễn bên phía Trung Quốc nhằm tăng giá trị kim ngạch song phương thông qua loại bỏ các điểm nghẽn về hải quan, cho nông phẩm Việt Nam được tiếp cận thị trường nhiều hơn và tăng con số các văn phòng xúc tiến thương mại của Việt Nam ở Trung Quốc, theo giáo sư Thayer.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng sẽ thúc đẩy sự kết nối giữa hai nước qua vận tải đường không, đường bộ và đường sắt, bao gồm cả việc phát triển tuyến đường sắt Lào Cai-Hải Phòng, vẫn giáo sư Thayer dự báo.

Xét bối cảnh Hà Nội và Washington vừa nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất, giáo sư đã nghỉ hưu của Học viện Quốc phòng Australia tiên liệu rằng “quan hệ Việt-Trung nhiều khả năng sẽ được đẩy mạnh thêm trong nhiều lĩnh vực”.

“Trung Quốc sẽ có động lực làm sao để không bị mất đi ảnh hưởng về tay Mỹ bằng cách là sẽ tăng sự can dự với Việt Nam. Việt Nam sẽ có động lực duy trì sự độc lập, tự chủ chiến lược về hành động bằng cách tập trung vào sự hợp tác chủ yếu là về kinh tế trên diện rộng”, ông Thayer nói.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tuyên bố nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất, Hà Nội, 10/9/2023.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tuyên bố nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất, Hà Nội, 10/9/2023.

Khó khăn với Việt Nam trong tương lai

Việt Nam sẽ thể hiện sự tôn trọng đối với Trung Quốc, thể hiện mong muốn phát triển quan hệ với Trung Quốc, nhưng Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục duy trì đường lối đối ngoại lâu nay, đó là phát triển quan hệ cân bằng với các cường quốc và đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại của mình, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nhận xét.

Chiến lược đối ngoại nêu trên được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gọi tên là “ngoại giao cây tre” trong một số hội nghị của Đảng Cộng sản Việt Nam vào các năm từ 2021 đến nay.

Việt Nam có thể lấy mối quan hệ mới được nâng cấp với Mỹ làm đòn bẩy để đòi Trung Quốc nhượng bộ một số điều.

Tiến sĩ Vuving

Theo tiến sĩ Vuving ở Hawaii, Mỹ, chuyến thăm của ông Tập Cận Bình sẽ là một phép thử lớn đối với nền “ngoại giao cây tre” của Hà Nội và khả năng của họ ứng phó với Trung Quốc.

“Việt Nam có thể lấy mối quan hệ mới được nâng cấp với Mỹ làm đòn bẩy để đòi Trung Quốc nhượng bộ một số điều. Hoặc Việt Nam cũng có thể bám vào ‘cây tre’ và cong xuống dưới sức ép của Trung Quốc. Quỹ đạo tương lai của quan hệ Trung-Việt sẽ tùy thuộc vào việc Việt Nam có thể chống lại sự thúc ép của Trung Quốc hay không”, ông Vuving nói với VOA qua email.

“Trung Quốc vẫn là một đối tác quan trọng của Việt Nam về kinh tế, chính trị và chiến lược, nhưng Trung Quốc chỉ là một trong những cường quốc mà Việt Nam phát triển quan hệ, và việc phát triển quan hệ đó không đi kèm với việc Việt Nam phải từ bỏ hoặc làm suy yếu quan hệ của mình với các đối tác khác, trong đó có Hoa Kỳ”, tiến sĩ Hiệp nói với VOA từ Singapore.

Trong ngắn hạn và trung hạn, Việt Nam sẽ cố gắng duy trì quan hệ cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc “càng lâu càng tốt”, ông Hiệp nói.

Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh chiến lược ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như giữa Mỹ và Nga sẽ ngày càng gây khó khăn cho nỗ lực của Việt Nam về cân bằng quan hệ, tiến sĩ Hiệp phân tích thêm: “Những chuyển động trong quan hệ giữa Mỹ với hai cường quốc này, đặc biệt là Trung Quốc, có thể có tác động đến quỹ đạo chính sách đối ngoại của Việt Nam. Đặc biệt là nếu hai cường quốc này leo thang cạnh tranh và đi tới giai đoạn sẽ ép buộc, dụ dỗ các quốc gia khác phải chọn phe, đấy sẽ là thời điểm sẽ rất khó khăn đối với Việt Nam”.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn