Những giả thuyết về sự vắng mặt của chủ tịch Trung Quốc tại thượng đỉnh G20

Thứ Năm, 07 Tháng Chín 20231:30 CH(Xem: 1030)
Những giả thuyết về sự vắng mặt của chủ tịch Trung Quốc tại thượng đỉnh G20
rfi.fr

Những giả thuyết về sự vắng mặt của chủ tịch Trung Quốc tại thượng đỉnh G20

Minh Anh

Ngày 04/09/2023, Trung Quốc thông báo thủ tướng Lý Cường sẽ đến Ấn Độ dự thượng đỉnh G20 trong hai ngày 09-10/09/2023. Sự vắng mặt của chủ tịch Tập Cận Bình tại thượng đỉnh quan trọng này nói lên nhiều điều về tình hình quốc tế, nhưng đó cũng có thể là dấu hiệu có những « lục đục » trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc.  

Đăng ngày:

4 phút

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Thượng đỉnh BRICS, Johannesburg, Nam Phi, ngày 23/08/2023.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Thượng đỉnh BRICS, Johannesburg, Nam Phi, ngày 23/08/2023. AP - Alet Pretorius

Thông báo đưa ra ngắn gọn không lời giải thích khiến giới truyền thông quốc tế « cảm thấy khó hiểu », bởi vì từ khi lên nắm quyền cách nay một thập niên, ông Tập Cận Bình chưa bao giờ bỏ lỡ một cuộc hẹn nào của G20. Ngay cả trong mùa dịch năm 2021, vì không thể đến Roma, lãnh đạo Trung Quốc cũng tham gia họp trực tuyến.  

Lần vắng mặt này của lãnh đạo họ Tập ở G20 có lẽ sẽ tương phản nhiều với sự hiện diện đáng chú ý của ông tại thượng đỉnh BRICS vừa diễn ra ở Nam Phi hồi tháng 8/2023. Trả lời AFP, nhà Trung Quốc học Steve Tsang, Viện SOAS China, Đại học Luân Đôn, cho rằng tại thượng đỉnh BRICS, chủ tịch Trung Quốc là trung tâm của mọi sự chú ý vì đã thúc đẩy một sự mở rộng « lịch sử » khối này, ngược lại, Trung Quốc « không thể thống trị » nhóm G20. Bắc Kinh muốn tăng cường các mối quan hệ với các nước mới trỗi dậy, trong đó có BRICS, để « hình thành một mô hình thay thế cho trật tự thế giới do Mỹ thống trị ». 

Bối cảnh quan hệ Trung - Ấn xuống cấp cũng có thể là một nguyên nhân khác của sự vắng mặt này. Nhà phân tích Tôn Vân ( Yun Sun ), chương trình Trung Quốc, thuộc Stimson Center, một trung tâm cố vấn của Mỹ, lưu ý, từ năm 2020, quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc đã trở nên tồi tệ, nhất là sau vụ lính biên phòng hai bên « ẩu đả » với nhau trên dãy Himalaya, làm 20 binh sĩ Ấn Độ và ít nhất 4 lính Trung Quốc thiệt mạng. 

Bắc Kinh nghi ngờ New Delhi sử dụng thượng đỉnh G20 để xác quyết những yêu sách về lãnh thổ. Trung Quốc cũng tỏ ra khó chịu về việc Ấn Độ là tham gia liên minh QUAD với Mỹ, Nhật Bản và Úc, nhằm chống lại ảnh hưởng quân sự và kinh tế của Trung Quốc. Và nhất là Bắc Kinh cũng không hài lòng khi thấy New Delhi « phản đối mạnh mẽ những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông », theo như quan sát của Thời Ân Hoằng ( Shi Yinhong ), giáo sư Quan hệ Quốc tế tại đại học Nhân dân ở Bắc Kinh. 

Bị khiển trách 

Tuy nhiên, ông Katsuji Nakazawa, một phóng viên kỳ cựu của Nikkei Asia, hiện là trưởng văn phòng đại diện của tòa báo ở Bắc Kinh tiết lộ, nguyên nhân của quyết định này có thể đến từ sau kỳ họp Bắc Đới Hà hồi mùa hè. Đây là cuộc họp thường niên giữa những nhân vật lão thành và các nhân vật tại chức của đảng Cộng Sản Trung Quốc.  

Cuộc họp năm nay diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn chưa từng thấy kể từ khi nước này tiến hành « cải cách và mở cửa ». Quân đội chìm trong hỗn loạn sau khi hai tướng hàng đầu của Lực lượng Tên lửa bị thanh trừng. Ngoại trưởng Tần Cương bị miễn nhiệm không rõ lý do khiến nghi ngờ lan rộng trong nội bộ đảng.  

Tình trạng hỗn loạn này đã khiến những bậc cao niên điều hành đảng trong thời kỳ hưng thịnh nhất cảm thấy lo lắng. Nhiều nguồn tin tiết lộ, trước thềm cuộc họp Bắc Đới Hà, các vị trưởng lão đã thống nhất họp riêng, tổng kết và thống nhất các ý kiến, và có lời khiển trách nặng nề ông Tập Cận Bình cũng như nhiều lãnh đạo khác. 

Trong một nền văn hóa bí mật, ít ai biết được sự thật đằng sau quyết định đó là gì. Nhiều chuyên gia được AFP trích dẫn cho rằng đó cũng thể là do vấn đề sức khỏe, vì ông Tập Cận Bình nay cũng đã 70 tuổi. Theo giả thuyết được Alfred Wu, nhà nghiên cứu về chính trị, chuyên gia về Trung Quốc, đưa ra với hãng Bloomberg, thì sự vắng mặt này cũng có thể là một chiến lược mới, nhằm tránh trả lời các câu hỏi gây phiền phức như vấn đề Đài Loan, sự hậu thuẫn của Trung Quốc dành cho Nga, hay tương lai nền kinh tế Trung Quốc. 

Nhưng đây cũng có thể là biểu hiện của kiểu « tâm lý hoàng đế ». Kể từ giờ, lãnh đạo Trung Quốc muốn để các đồng nhiệm nước ngoài đến gặp ông hơn là phải tự di chuyển, mà ví dụ điển hình các chuyến thăm Trung Quốc của lãnh đạo Đức và Pháp, cũng như của bốn quan chức cao cấp Mỹ gần đây. 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn