Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty images

Chụp lại hình ảnh,

Hồi 2013, Trung Quốc công bố một phiên bản bản đồ với đường 10 đoạn, trong đó gộp cả phần Đài Loan vào như một phần lãnh thổ của mình

Trung Quốc nói các quốc gia phản đối việc nước này xác định những gì thuộc về lãnh thổ Trung Quốc trong phiên bản mới nhất bản đồ quốc gia của mình cần phải nhìn nhận tình hình một cách lý trí.

Bản đồ được Bắc Kinh công bố hôm thứ Hai khiến Ấn Độ giận dữ, bởi nó đưa ra các tuyên bố chủ quyền đối với những vùng có tranh chấp trên dãy Himalaya, trong lúc Việt Nam, Malaysia và Philippines thì phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu hết các vùng biển ở Biển Đông.

Biển Đông là vùng biển có đường hàng hải quốc tế quan trọng, với lượng hàng hóa trị giá chừng 3 nghìn tỷ đô la được vận chuyển qua lại mỗi năm.

Bản đồ mới của Trung Quốc cũng đưa ra nội dung theo đó thể hiện chủ quyền toàn bộ đối với Đài Loan, hòn đảo nhỏ nhưng có tầm quan trọng chiến lược.

BBC

Chụp lại hình ảnh,

Năm 2009, Trung Quốc nộp lên Liên Hiệp Quốc bản đồ với đường chín đoạn

Hôm thứ Năm, Philippines kêu gọi Trung Quốc "hãy hành động có trách nhiệm và tuân thủ các nghĩa vụ của mình" theo luật quốc tế và theo phán quyết của tòa trọng tài quốc tế 2016, theo đó nói không có căn cứ pháp lý cho việc đòi áp dụng đường chín đoạn.

Malaysia nói họ đã gửi phản đối ngoại giao đối với bản đồ này.

Việt Nam cũng đã lên tiếng phản đối.

Trung Quốc nói đường lưỡi bò, được đưa ra dựa trên các bản đồ lịch sử. Bắc Kinh không nêu rõ ngay về việc liệu bản đồ mới có bao hàm bất kỳ tuyên bố chủ quyền mới nào về lãnh thổ hay không, Reuters tường thuật.

Bản đồ 2023 của Trung Quốc được chính thức công bố hôm thứ Hai trên trang web của Bộ Tài nguyên nước này, gồm 10 đoạn, "dựa trên cách vẽ đường biên giới quốc gia của Trung Quốc và các quốc gia khác trên thế giới", Hoàn cầu Thời báo viết trên một tin tweet, với bản đồ đăng kèm (xem trong link dưới đây).

Bỏ qua Twitter tin

Chụp lại video, Cảnh báo: BBC không chịu trách nhiệm về nội dung các trang bên ngoài.

Cuối Twitter tin

Đường chữ U của Trung Quốc chạy sâu xuống đến 1.500km từ khu vực phía nam đảo Hải Nam của Trung Quốc ăn vào các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia.

"Nỗ lực mới nhất nhằm hợp pháp hóa các đòi hỏi của Trung Quốc về chủ quyền và quyền tài phán đối với các thực thể và các vùng biển của Philippines là không có căn cứ theo luật quốc tế," Bộ Ngoại giao Philippines nói.

Bộ Ngoại giao Malaysia trong một thông cáo nói rằng bản đồ mới không có giá trị ràng buộc gì với Malaysia, quốc gia "cũng có quan điểm rằng Biển Đông là vấn đề phức tạp và nhạy cảm".

Trong cuộc họp báo hôm 31/8, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói, "Yêu sách chủ quyền và yêu sách biển dựa trên đường đứt đoạn như thể hiện trong bản đồ nói trên là vô giá trị, vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982."

Bản đồ mới khác với phiên bản mà Trung Quốc đệ trình lên Liên Hiệp Quốc hồi 2009, trong đó phần tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh được thể hiện bằng "đường chín đoạn".

Phiên bản mới nhất có phần diện tích địa lý chung rộng lớn hơn, và có một đường 10 đoạn, bao gồm cả phần diện tích địa lý do Đài Loan đang kiểm soát, tương tự với bản đồ 1948 của Trung Quốc.

Trung Quốc cũng từng công bố một bản đồ với đường 10 đoạn vào năm 2013.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đài Loan Jeff Liu nói Đài Loan "hoàn toàn không phải là một phần của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa".

Trung Quốc hiện đang có một "tuần lễ nhận thức chung về bản đồ quốc gia", truyền thông nhà nước CCTV tường thuật hôm thứ Năm, và phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói Bắc Kinh chưa từng nhập nhằng về vấn đề lãnh thổ của mình.

"Quan điểm của Trung Quốc về vấn đề Biển Hoa Nam (cách Trung Quốc gọi Biển Đông) luôn rõ ràng. Hàng năm, giới chức có thẩm quyền của Trung Quốc thường xuyên cập nhật và công bố các kiểu bản đồ chuẩn khác nhau," ông nói trong cuộc họp báo thường lệ.

"Chúng tôi hy vọng rằng các bên liên quan có thể nhìn nhận vấn đề một cách khách quan và có lý."