• Annabelle Liang & Nick Marsh
  • BBC News

Flag of the US and China on a microchip.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Trung Quốc sắp bắt đầu hạn chế xuất khẩu hai nguyên liệu quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn, khi cuộc chiến chip với Mỹ nóng lên.

Dưới các sự kiểm soát mới, sẽ cần phải có các giấy phép đặc biệt để xuất khẩu gali và germani từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Các nguyên liệu này được sử dụng để sản xuất chip và các ứng dụng quân sự.

Chính sách hạn chế xuất khẩu được đưa ra sau khi Washington nỗ lực hạn chế Bắc Kinh tiếp cận với công nghệ vi xử lý tiên tiến.

Trung Quốc là nhà sản xuất gali và germani lớn nhất trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nước này sản xuất 80% sản lượng gali và 60% sản lượng germani trên toàn thế giới, theo Liên minh Nguyên liệu Thô trọng yếu (CRMA).

Các vật liệu này là 'kim loại nhỏ', nghĩa là chúng thường không được tìm thấy trong tự nhiên, mà là sản phẩm phụ khi xử lý các kim loại khác.

Bên cạnh Mỹ, cả Nhật Bản và Hà Lan - là nơi đặt trụ sở của các nhà sản xuất chip chủ chốt ASML - đã áp lệnh cấm xuất khẩu công nghệ chip cho Trung Quốc.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

"Thời điểm Trung Quốc đưa ra thông báo này không phải là trùng hợp, dựa trên các lệnh cấm xuất khẩu chip từ Hà Lan và các nước khác," Colin Hamilton từ công ty đầu tư BMO Capital Markets nói với BBC.

"Khá đơn giản, nếu anh không cung cấp chip cho tôi, tôi sẽ không cung cấp cho anh nguyên liệu để làm chip," ông nói.

Sự ăn miếng trả miếng liên tục giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã làm dấy lên lo ngại về sự gia tăng của cái gọi là 'chủ nghĩa dân tộc tài nguyên' - khi các chính phủ tích trữ các nguyên liệu quan trọng để gây ảnh hưởng lên các quốc gia khác.

"Chúng ta đang thấy các chính phủ tăng cường dịch chuyển ra xa cái gọi là chủ nghĩa toàn cầu," TS Gavin Harper, một nhà nghiên cứu về vật liệu quan trọng tại Đại học Birmingham nói.

"Ý tưởng rằng các thị trường quốc tế sẽ chỉ đơn giản bán các nguyên liệu nay đã không còn và nếu bạn nhìn vào bức tranh rộng hơn, nền công nghiệp phương Tây có thể đang đối mặt với một sự đe dọa hiện hữu."

Gali arsenide - một hợp chất của gali và asen - được sử dụng trong chip máy tính tốc độ cao và trong sản xuất đèn LED (đi-ốt phát quang) và tấm pin mặt trời.

Hiện có một số lượng có hạn các công ty khắp thế giới sản xuất gali arsenide tinh khiết cần thiết để sử dụng cho điện tử, theo CRMA.

Germani cũng được dùng để sản xuất các bộ vi xử lý và tấm pin mặt trời. Chất này cũng được dùng trong kính nhìn ban đêm - vốn là 'chìa khóa của quân đội,' ông Hamilton nói.

Tuy nhiên, ông Hamilton nói thêm: "Cần phải có đủ nguồn cung trong khu vực từ các nhà máy luyện kim cơ bản để cung cấp các thay thế. Tầm quan trọng của các chất bán dẫn chất lượng hàng đầu là một vấn đề khó giải quyết hơn, bởi vì Trung Quốc thực sự đang chiếm ưu thế. Có thể sẽ có một vài nỗ lực thúc đẩy việc tái chế."

Tháng trước, một người phát ngôn của Lầu Năm Góc nói rằng Mỹ dự trữ germani nhưng không dự trữ gali.

Người phát ngôn này nói thêm rằng Bộ Quốc phòng Mỹ hiện đang chủ động hành động để tăng cường khai thác và xử lý trong nước các vật liệu quan trọng cho chuỗi cung ứng vi điện tử và không gian, bao gồm gali và germani.

Tuy nhiên, lệnh cấm xuất khẩu của Trung Quốc được cho là sẽ có một tác động giới giạn về mặt lâu dài.

Dù Trung Quốc là nước xuất khẩu gali và germani hàng đầu, có những nguyên liệu thay thế trong sản xuất các linh kiện như chip máy tính, công ty tư vấn rủi ro chính tị Eurasia Group nói.

Cũng có các nhà máy khai thác và xử lý đang hoạt động tích cực bênh ngoài Trung Quốc, công ty này nói.

Nhiều nhà xuất khẩu xuất hiện và trong chưa đầy một thập kỷ, sự thống trị của Trung Quốc đối với đất hiếm rớt từ 98% xuống còn 63%, theo ước tính của Eurasia.

"Chúng ta có thể mong đợi trông thấy sự phát triển và khai thác các nguồn thay thế gali và germani, cũng như nỗ lực tăng cường để tái chế các nguyên liệu này và xác định thêm các nguồn thay thế sẵn có hơn," Anna Ashton, giám đốc các vấn đề doanh nghiệp Trung Quốc và Mỹ-Trung của Eurasia nói với BBC.

"Điều này không đơn giản chỉ là một kết quả của các lệnh cấm mà Trung Quốc mới công bố," bà nói. "Đó là kết quả của các kỳ vọng về sự gia tăng nhu cầu, gia tăng cạnh tranh địa chiến lược và ngờ vực, và các nỗ lực được ghi nhận của Trung Quốc trong việc hạn chế xuất khẩu và nhập khẩu cho các mục đích chiến lược và chính trị."

Vào tháng Mười, Washington thông báo rằng Mỹ sẽ yêu cầu giấy phép đối với các công ty xuất khẩu chip sang Trung Quốc có sử dụng các công cụ hay phần mềm của Mỹ, bấp chấp chúng được sản xuất ở đâu trên thế giới.

Trung Quốc gần đây thường xuyên cáo buộc Mỹ là 'bá chủ công nghệ' khi phản ứng với các lệnh cấm xuất khẩu của Washington.

Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh cũng áp lệnh cấm lên các công ty Mỹ có liên hệ với quân đội Mỹ, chẳng hạn chư công ty hàng không vũ trụ Lockheed Martin.

Trong khi đó, các chính phủ phương Tây đã nói về nhu cầu 'loại bỏ nguy cơ' từ Trung Quốc, nghĩa là giảm phụ thuộc nước này về cả nguyên liệu thô và thành phẩm.

Tuy nhiên, đa dạng hóa chuỗi cung ứng và xây dựng năng lực khai thác, và quan trọng nữa là, xử lý các nguyên liệu như gali và germani mất nhiều năm.

Về mặt lâu dài, các nước giàu khoáng sản như Úc và Canada, nhìn nhận cuộc khủng hoảng nguyên liệu như một cơ hội.

Các chuyên gia cảnh báo rằng vũ khí hóa tài nguyên và khả năng công nghệ - như Mỹ và Trung Quốc đang làm - cũng sẽ để lại hậu quả toàn cậu về môi trường.

Đó là bởi vì công nghệ xanh mới mẻ và vô cùng quan trọng phụ thuộc vào các loại nguyên liệu này.

"Đây không phải là một vấn đề quốc gia. Đây là một vấn đề mà nhân loại phải đối mặt. Hy vọng là các nhà hoạch định chính sách có thể làm tốt nhất có thể trên bàn đàm phán, đảm bảo việc tiếp cận với các nguyên liệu quan trọng này - chúng thực sự quan trọng đối với sự chuyển đổi năng lượng và chúng ta có thể bắt đầu giải quyết một số thách thức về khử carbon," TS Harper nói.

Trong khi ảnh hưởng của lệnh cấm xuất khẩu mới nhất sẽ không là thảm họa đối với nền công nghiệp và người tiêu dùng, các chuyên gia cảnh báo điều quan trọng là cần chú ý xem xu hướng này sẽ đi tới đâu.

"Đàn ông và phụ nữ trên phố có thể không có liên hệ nào với gali và germani', TS Harper nói. "Nhưng công bằng mà nói, họ quan tâm tới việc xe của họ tốn bao nhiêu và việc chuyển sang năng lượng xanh đắt đỏ ra sao."

"Đôi khi các chính sách rất trừu tượng xảy ra đâu đó lại thực sự trở thành cái gì đó có ảnh hưởng to lớn tới cuộc sống của họ."