Thị trấn Bejucal

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Thị trấn Bejucal bị đặt trong tầm ngắm sau khi chính quyền Tổng thống Biden nói Bắc Kinh có thể sử dụng đảo quốc Cuba để lập căn cứ do thám Mỹ

Nằm bên ngoài một ngôi làng tĩnh lặng ở thị trấn Bejucal ở Cuba là con đường mòn lổm chổm ổ gà và bị rừng rậm xâm lấn. Con đường này dẫn đến một hàng rào kẽm gai, kèm theo biển báo: "Tránh xa, Khu vực quân sự", theo tường thuật của phóng viên Reuters.

Điều gì đằng sau phần lớn vẫn còn là bí ẩn, mặc dù chính phủ Mỹ đã từ lâu nghi ngờ Trung Quốc tiến hành một hoạt động thu thập thông tin tình báo ở ngôi làng này, từng là nơi cất giấu những đầu đạn hạt nhân của Xô Viết.

Phóng viên của Reuters đã đến Bejucal hồi tuần rồi, có lần tiếp cận hiếm hoi vào khu vực xung quanh một địa điểm vẫn còn là bí ẩn, thậm chí đối với người dân địa phương.

Thế nhưng nơi này đã bị đặt trong tầm ngắm sau khi chính quyền Tổng thống Biden nói Bắc Kinh có thể sử dụng đảo quốc Cuba để lập căn cứ do thám Mỹ.

Câu hỏi về việc Trung Quốc do thám Cuba đã trỗi dậy theo sau một bài báo từ Wall Street Journal, chỉ ra rằng giới chức Mỹ cho biết cơ quan an ninh của Trung Quốc đang thực thi một nỗ lực mới trên đảo quốc này.

Thông tin xuất hiện vào thời điểm mối quan hệ Mỹ và Trung Quốc xuống đến mức thấp nhất trong hàng thập kỷ qua.

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Những chiếc ăng-ten chảo parabol tại thị trấn Bejucal ở Cuba

Phóng viên của Reuters đã thấy những chiếc ăng-ten chảo parabol lớn nằm trên một dãy đồi ở thị trấn, một phần bị che phủ bởi hàng cọ hoàng gia trên sườn đồi.

Một mái vòm kim loại màu trắng rỉ sét, nơi dùng để chứa ăng-ten, hướng về phía khu rừng tăm tối, ở trên cạnh là hình tam giác đen bí hiểm, một số bị xoay ngược.

Những người đàn ông bí ẩn đi xe mô tô, trong trang phục thường dân, chụp ảnh các phóng viên khi họ làm việc.

Mỹ cho rằng căn cứ ít được biết đến này, nằm chỉ cách thành phố Key West của bang Florida 187 km được sử dụng để ngăn chặn quá trình thông tin liên lạc điện tử của Mỹ, theo tài liệu từ Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa kỳ (FCC) hồi tháng 11/2022.

"[Đảng Cộng sản Trung Quốc] vẫn còn duy trì những sự hiện diện các cơ sở tình báo từ thời Xô Viết tại Bejucal, dường như là các tín hiệu của hoạt động thu thập thông tin tình báo," tài liệu của FCC cho biết, chỉ ra một báo cáo năm 2018 của Ủy ban An ninh và Kinh tế Mỹ-Trung (U.S.-China Economic and Security Review Commission).

Các mối quan ngại, một phần được lưu ý, bao gồm việc bác bỏ đơn kết nối Cuba với Mỹ qua hệ thống cáp ngầm dưới biển ARCOS-1, theo tài liệu này, được một ủy ban bao gồm các thành viên từ Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ và Bộ Tư pháp soạn thảo.

Trung Quốc, đối thủ địa chính trị hàng đầu của Washington hồi tuần rồi đã phủ nhận việc đang sử dụng Cuba làm căn cứ do thám Mỹ.

Cuba cũng không phản hồi trước các câu hỏi của Reuters về những hệ thống lắp đặt trên đảo Bejucal.

Thế nhưng chính phủ do Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền đã bác bỏ những cáo buộc trước đó, xem là sự ngụy tạo từ phía Mỹ nhằm biện minh cho lệnh cấm vận kinh tế kéo dài hàng chục năm của Washington đối với đảo quốc Cuba.

Cuba cho biết xâm nhập quân sự duy nhất trên lãnh thổ của mình chính là căn cứ hải quân của Mỹ ở vịnh Guantanamo.

Tuy nhiên, Mỹ hồi thứ Hai 12/06 nói Trung Quốc đã nâng cấp các hệ thống thu thập thông tin tình báo ở Cuba vào năm 2019.

Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng không phản hồi trước những câu hỏi của Reuters về liệu Bejucal có phải là nơi thiết lập những cơ sở này, và liệu vẫn còn có quan ngại về địa điểm được đề cập.

Xung quanh căn cứ, dọc theo vùng quê là những nhà máy mía và chuối, nhiều người Cuba làm việc trong khu vực nông trang nhỏ, đi làm bằng xe đạp hoặc cưỡi ngựa.

Người nông dân Cuba, Arnaldo Perez, 61 tuổi, đã trải qua phần đời của mình ở Bejucal, nói với Reuters rằng ông ta không biết ai có thể đứng đằng sau những chiếc ăng-ten trắng, xanh đang bao phủ khu vực trên sườn đồi.

"Tôi biết có gì đó liên quan đến quân đội," ông Perez nói, hướng về những chiếc ăng-ten xa xôi khi cưỡi ngựa vào thị trấn. "Nhưng tôi là một người dân quê. Tôi chỉ biết lo công việc của mình."

'Có những lời đồn'

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Biển báo: "Tránh xa, Khu vực quân sự" tại thị trấn Bejucal

Thị trấn tĩnh lặng này ở Cuba từ lâu là một nơi ẩn chứa đầy bí mật.

Chỉ cách 32 km về phía nam thủ đô Havana, thị trấn Bejucal được biết đến sau khi các máy bay do thám của Mỹ phát hiện đây là nơi cất giấu các đầu đạn hạt nhân thời Xô Viết trong suốt thời kỳ xảy ra Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.

Moscow rút lui và dời những tên lửa này đi, vào thời điểm được xem Mỹ và Liên Xô tiến gần nhất đến một cuộc đối đầu hạt nhân.

Bejucal xuất hiện trở lại từ bóng đêm vào năm 2016, khi Thượng nghị sĩ Marco Rubio của bang Florida, một người hay chỉ trích chính phủ Cuba, đã yêu cầu Havana "phải đuổi những căn cứ nghe lén [Mỹ] của Trung Quốc ở Bejucal đi" nằm trong một danh sách các hành động, bao gồm tổ chức tổng tuyển cử tự do, điều mà ông Marco cho rằng sẽ phải có được trước khi đạt được bất kỳ thỏa thuận nào với Cuba.

Fulton Armstrong, một cựu nhân viên phân tích cấp cao của CIA về Cuba, cho biết có rất ít thông tin được biết về Bejucal, nhưng ông không đánh giá cao tầm quan trọng của đảo quốc Caribe này trong việc do thám quốc gia láng giềng phía bắc.

"Một tiền đồn nghe lén sẽ mang đến một giá trị không nhiều [đối với Trung Quốc] xét về công nghệ thời nay," ông cho biết, và lưu ý rằng Bắc Kinh hiện nay có thể tiếp cận những thiết bị và công nghệ tối tân hơn thế.

Tuy nhiên ông Armstrong cũng cho biết, một hoạt động có căn cứ tại Cuba của Bắc Kinh mang một giá trị biểu tượng, khi Trung Quốc rất không vui trước hoạt động do thám của Mỹ trong khu vực lân cận của Bắc Kinh, bao gồm eo biển Đài Loan và Biển Đông.

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Ông Onelvis Despaigne, 36 tuổi, một lao động người Cuba ở thị trấn Bejucal

Không có người nào mà Reuters trao đổi về căn cứ này đã thấy hoặc nghe thông tin liên quan đến cáo buộc Trung Quốc có sự can dự ở Bejucal trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, nhiều người nói họ tin rằng Nga có thể tiếp cận căn cứ này.

Mối quan hệ Mỹ-Nga đã tuột dốc liên quan đến cuộc xâm lược Ukraine của Moscow đã làm gia tăng đồn đoán rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể quyết định mở lại căn cứ do thám có từ thời Liên Xô từng có quy mô rộng lớn trên đảo quốc này ở Lourdes, một di tích từ thời Chiến tranh Lạnh, vốn đã bị đóng cửa vào đầu những năm 2000.

Onelvis Despaigne, 36 tuổi, một lao động người Cuba ở nông trang sống bên ngoài căn cứ này nói với Reuters hôm thứ Hai 12/06 rằng ông ấy không nghe được thông tin gì từ báo chí nước ngoài gần đây liên quan đến hoạt động do thám của Trung Quốc.

Nhưng ông ấy nói, nếu đúng là có thì ông ấy sẽ sớm tìm ra thôi.

"Có những lời đồn," ông ấy cho biết, nhăn mặt khi đang dọn cỏ bằng chiếc rựa. "Ai nấy đều biết hết mọi chuyện ở đây."