Thế hệ boomerang ở Trung Quốc

Chủ Nhật, 21 Tháng Năm 20237:00 SA(Xem: 1396)
Thế hệ boomerang ở Trung Quốc

Giá cả tăng cao cộng với áp lực khi sống ở các đô thị lớn đã khiến nhiều thanh niên tại đất nước tỷ dân quyết định bỏ phố về quê, ăn bám cha mẹ.

2878510_1

Nhiều người trẻ trở về quê hương để sống cùng gia đình khi cạn kiệt tinh thần, tiền bạc. Ảnh: CNA.

Angela Qian có 2 cách lý giải khác nhau về việc ở tuổi 29 nhưng vẫn sống với bố mẹ. Ở nguyên nhân đầu tiên, Qian cho rằng mình đang đưa ra quyết định tài chính hợp lý trong khi tìm ra những cách tốt hơn cho sự nghiệp.

Năm 2017, sau khi ra trường với tấm bằng cử nhân hành chính công tại Đại học Giao thông Tây Nam, Qian chuyển đến Thâm Quyến để thử sức với một loạt vị trí trong lĩnh vực công nghệ đang khá bùng nổ ở thành phố. Nhưng điều đó không khiến cô cảm thấy thỏa mãn.

Cô gái bỏ việc, quay về nhà bố mẹ tại thị trấn Phàn Chi Hoa. Hiện Qian phụ giúp gia đình trong thời gian kiếm một công việc trong cơ quan chính phủ.

“Nó giống như một nghề thực sự”, Qian, người tự mô tả mình là “con gái toàn thời gian”, nói với China Project.

Thiếu nghị lực

Ở phiên bản thứ 2, kém lạc quan hơn so với lý do thứ nhất, Qian thừa nhận hoàn cảnh của cô là một yếu tố bị săm soi tại các buổi họp mặt gia đình. Người thân nghĩ rằng cô lười biếng và thiếu động lực.

“May mắn thay, bố mẹ khá cởi mở và luôn ủng hộ tôi bất cứ khi nào con gái thấy khó chịu về những bình luận đó. Nhưng tôi hiểu tại sao họ thấy tôi là một kẻ thua cuộc. Đã gần 2 năm kể từ khi bỏ phố về quê, tôi hầu như không đạt được bất kỳ tiến triển nào trong mục tiêu dài hạn của mình”, Qian chia sẻ.

Thanh niên ở Trung Quốc, đặc biệt là những người đã học đại học và xuất thân từ các vùng kém phát triển, thường được khuyến khích rời quê hương, chuyển đến những thành phố hàng đầu, nơi họ có thể xây dựng cuộc sống và sự nghiệp xa cha mẹ.

Việc một cá nhân đã trưởng thành nhưng quay lại sống với cha mẹ sẽ bị kỳ thị và chỉ trích là “đứa trẻ boomerang”.

Tuy nhiên, hiện nay, ngày càng có nhiều người trẻ như Qian trở về quê sinh sống và phụ huynh cũng chấp nhận điều đó.

Nhóm này tự gọi mình là “con cái toàn thời gian”, làm tròn bổn phận hiếu thảo để đổi lấy chỗ ăn ở miễn phí.

“Hiện tượng này không phải là mới. Việc đảo ngược chuyển giao tài sản giữa các thế hệ (từ cha mẹ già sang con cái trưởng thành) trong cả khoản tiết kiệm và đóng góp lao động (ví dụ: ông bà chăm sóc cháu) là rất quan trọng đối với những người trẻ tuổi để thành lập gia đình riêng của họ”, Biao Xiang, giáo sư nhân chủng học xã hội tại Đại học Oxford, nhận định.

dua tre boomerang anh 1

Cuộc sống ở thành phố đắt đỏ cộng với thị trường lao động khắc nghiệt khiến người trẻ xứ Trung ngừng cố gắng. Ảnh: Reuters.

Qian cho biết cô không cảm thấy đơn độc khi đưa ra quyết định này sau khi hỏi vài bạn bè thân thiết ở quê và nhận ra họ cũng trên “cùng con thuyền” với mình.

“Tôi có một người bạn thời thơ ấu, cô ấy luôn đứng đầu lớp và được nhận vào Đại học Tongji. Khi gặp lại nhau tại một nhà hàng lẩu địa phương vào đầu năm nay, cô ấy nói rằng cũng đang làm điều tương tự. Tôi thực sự bị sốc khi nghe điều đó”, Qian nói.

Đối với Qian, trước khi tính đến các yếu tố khác, quyết định trở về nhà trước hết mang lại lợi ích về mặt kinh tế.

Nhớ lại công việc cuối cùng tại một công ty khởi nghiệp ở Thâm Quyến, Qian kiếm được khoảng 7.000 nhân dân tệ (1.000 USD) mỗi tháng, một nửa trong số đó được dùng để trả tiền thuê nhà.

Mặc dù hầu như không tiết kiệm được đồng nào, cô vẫn yêu cuộc sống ở thành phố, nơi thường được gọi là Thung lũng Silicon của Trung Quốc, với các nhà hàng và cửa tiệm thời trang trong khu phố mọc lên chóng mặt.

Nhưng khi đại dịch Covid-19 ập đến, phần lớn doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc cắt giảm lương, Qian đã quyết định thu dọn hành lý và rời đi.

Về quê với bố mẹ

Huang (33 tuổi), tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng ở Bắc Kinh vào năm 2013, đã thăng tiến từ kỹ sư trở thành quản lý dự án.

Bất chấp mức lương đáng ghen tị và những đặc quyền hấp dẫn mà công ty đưa ra, Huang vẫn khó chịu với công việc của mình. Điều này liên quan đến thời gian làm việc gò bó, liên tục bị thúc ép phải thể hiện tốt hơn, dẫn đến tình trạng căng thẳng lâu dài.

Huang vẫn còn độc thân dù thường xuyên hẹn hò và đi xem mắt.

Sau khi mọi thứ được chuyển sang trực tuyến vì dịch bệnh, Huang gần như chôn chân tại căn hộ của mình, khiến chuyện tìm kiếm tình yêu bị cản trở.

Tình trạng đó càng làm trầm trọng thêm cảm giác cô đơn và sự nghi ngờ về tương lai của anh.

“Xã hội kỳ vọng tôi sẽ mua một căn hộ, kết hôn, sinh con và sống theo lối sống điển hình của tầng lớp trung lưu hoặc thượng lưu. Để đạt được những cột mốc đó, tôi phải làm việc chăm chỉ hơn và có lẽ vẫn cần hỗ trợ tài chính từ bố mẹ”, Huang nói.

Thể chất và tinh thần kiệt quệ, Huang từ bỏ những mục tiêu cá nhân vào đầu năm ngoái, chuyển về Lạc Dương, một thành phố ở tỉnh Hà Nam.

Giống như Qian, chuyến trở về quê hương của Huang được cha mẹ đón nhận với sự thấu hiểu và động viên.

Không muốn từ bỏ sự nghiệp rực rỡ ở Bắc Kinh, ban đầu người đàn ông 33 tuổi coi động thái này là một giải pháp tạm thời cho tình hình hiện tại. Nhưng bây giờ anh đang xem xét việc sắp xếp cuộc sống ở đây lâu dài.

dua tre boomerang anh 2

Không ít người trẻ dự định duy trì cuộc sống ở quê lâu dài, không có kế hoạch trở lại thành phố. Ảnh: Aly Song/Reuters.

Một ngày bình thường của Huang bắt đầu bằng việc nấu bữa sáng cho cha mẹ vì còn vài năm nữa ông bà mới nghỉ hưu. Sau đó, anh lao vào dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, đi chợ, chuẩn bị bữa cơm và dắt chó đi dạo.

“Ngoài áp lực kinh tế ngày càng tăng khi sống ở các thành phố lớn và cơ hội việc làm cạnh tranh khắc nghiệt, một số bậc cha mẹ - thường sinh vào những năm 1960 - cũng đang trở nên cởi mở hơn về lựa chọn lối sống của con cái”, giáo sư Biao cho biết.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh kỳ vọng của cha mẹ Trung Quốc cũng rất phức tạp. Hầu hết đều mong con mình thành công.

Tháng 7/2022, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên lên tới 19,9%, cao nhất kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu công bố chỉ số vào tháng 1/2018 chỉ ở mức 9,6%.

Qian nhận thức sâu sắc về trường hợp của mình. Trước khi rời khỏi lực lượng lao động, cô đã nghe nhiều đồng nghiệp trong công ty có cùng chia sẻ về việc không hài lòng với thu nhập và cuộc sống hiện tại.

“Nhưng tất cả đều lo lắng nếu nghỉ việc, họ sẽ không thể tìm được công việc khác trong thị trường đầy cạnh tranh này”, cô nói.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn