Trung Quốc “xằng bậy” khi tuyên bố trục xuất tàu Mỹ khỏi Hoàng Sa

Thứ Năm, 14 Tháng Bảy 20228:00 SA(Xem: 2062)
Trung Quốc “xằng bậy” khi tuyên bố trục xuất tàu Mỹ khỏi Hoàng Sa
rfa.org

Chuyên gia: Trung Quốc “xằng bậy” khi tuyên bố trục xuất tàu Mỹ khỏi Hoàng Sa


Một tàu khu trục của Hoa Kỳ đi gần quần đảo Hoàng Sa, gây phản ứng tức giận từ Bắc Kinh. Bắc Kinh nói rằng quân đội của họ đã "xua đuổi" con tàu sau khi nó xâm nhập lãnh hải trái phép.

Hạm đội 7 Thái Bình Dương của Mỹ cho biết, khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS Benfold đã đi gần các đảo đang do Trung Quốc chiếm đóng tại khu vực quần đảo Hoàng Sa trong ngày 13/7.

Hoạt động này được cho là nhằm khẳng định các quyền tự do hàng hải và "phù hợp với luật pháp quốc tế.”

Qua hoạt động tự do hàng hải (FONOP), Hải quân Mỹ khẳng định muốn thách thức các hạn chế về việc qua lại vô hại do Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam áp đặt, ngoài ra cũng thách thức tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với các ‘đường cơ sở thẳng’ bao quanh quần đảo Hoàng Sa.

Cả ba nước đều đòi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa hiện do Trung Quốc chiếm đóng.

Cả ba bên tranh chấp đều yêu cầu các tàu quân sự hoặc tàu chiến nước ngoài xin phép hoặc thông báo trước khi thực hiện quyền “qua lại vô hại” qua vùng biển này.

Theo hãng tin Reuters, Trung Quốc cho rằng họ không cản trở tự do hàng hải hoặc hàng không, đồng thời cáo buộc Hoa Kỳ cố tình kích động căng thẳng.

Quân đội Trung Quốc quy kết, hành động của tàu Mỹ đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và an ninh của Trung Quốc khi xâm nhập trái phép vào lãnh hải của họ xung quanh quần đảo Hoàng Sa.

"Bộ Chỉ huy Chiến khu Nam Bộ Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã tổ chức lực lượng hải quân và không quân để theo dõi, giám sát, cảnh báo và xua đuổi" con tàu, đồng thời cũng đưa các bức ảnh về chiếc Benfold được chụp từ boong tàu khu trục nhỏ Xianning của Trung Quốc.

Các sự kiện một lần nữa cho thấy Hoa Kỳ là kẻ gây ra rủi ro an ninh ở Biển Đông" và là "kẻ hủy diệt hòa bình và ổn định trong khu vực.”

Đáp trả, Hải quân Hoa Kỳ cho biết tuyên bố của Trung Quốc là "sai sự thật" và là hành động mới nhất trong một chuỗi các hành động nhằm "xuyên tạc các hoạt động hàng hải hợp pháp của Hoa Kỳ “.

Bình luận về sự kiện mới nhất này, ông Bill Hayton, chuyên gia cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chatham House, Vương Quốc Anh, cho biết ý nghĩa của việc Hoa Kỳ đưa tàu khu trục USS Benfold tiến vào vùng tranh chấp ở Biển Đông:

“Tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ đang muốn đánh dấu sự hiện diện của họ ở khu vực Biển Đông, và qua đó khẳng định rằng họ sẽ không từ bỏ vùng biển này dù phải dồn sự chú ý vào khu vực khác trên thế giới.”

Tiến sĩ Collin Koh từ Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratham cho biết, sự hiện diện của tàu chiến Mỹ ở khu vực còn nhằm răn đe Trung Quốc:

“Hoạt động tự do hàng hải trên khu vực Biển Đông cũng có một chút tác động khiến cho Trung Quốc phải kiềm chế hành vi của họ trên khu vực này, bao gồm cả các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo và các hành động hiếu chiến khác.

Tuy nhiên thì mục đích chính của các cuộc tuần tra này là nhằm răn đe bất cứ mối nguy tiềm tàng nào của việc Trung Quốc leo thang căng thẳng, ví dụ như sử dụng vũ lực để trục xuất lực lượng chiếm đóng của các quốc gia khác trên các thực thể ở Biển Đông, hoặc thi hành Luật Hải cảnh để hiện thực hoá tuyên bố chủ quyền một cách trắng trợn hơn.”

Là tác giả của các cuốn sách về tranh chấp Biển Đông, và Trung Quốc, ông Bill Hayton cũng cho biết việc Trung Quốc tuyên bố rằng họ đã “trục xuất” tàu chiến Mỹ ra khỏi khu vực biển ở quần đảo Hoàng Sa là “xằng bậy”:

“Việc Trung Quốc nói là họ trục xuất tàu chiến Mỹ thật hết sức xằng bậy, ngớ ngẩn, và không đúng sự thật. Sự thực là tàu chiến Mỹ đi qua vùng biển quần đảo Hoàng Sa, sau đó tàu của Trung Quốc bám theo, rồi tàu Mỹ rời đi.

Sự hiện diện của tàu Trung Quốc không ảnh hưởng gì đến hải trình của tàu Mỹ, không làm nó rời khỏi khu vực đó nhanh hơn, cũng không khiến nó thay đổi hướng đi.

Cho nên, tuyên bố trên của Trung Quốc chỉ đơn thuần mang tính dân tộc chủ nghĩa, và thực ra họ thích nói như vậy để tự cổ vũ bản thân.”

Hoa Kỳ vẫn luôn khẳng định rằng các hoạt động tự do hàng hải của họ ở khu vực Biển Đông không nhằm mục đích thách thức riêng mình Trung Quốc, mà còn thách thức các tuyên bố của những nước khác bao gồm Việt Nam và Đài Loan ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, và Malaysia ở khu vực quần đảo Trường Sa.

Tuy nhiên, khác với Trung Quốc, Việt Nam thường không lên tiếng mạnh mẽ trước các hoạt động của tàu chiến Mỹ ở khu vực mà quốc gia Đông Nam Á này tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.

Lý giải hiện tượng này, ông Bill Hayton nói:

“Bởi vì chính quyền Việt Nam muốn lợi dụng sự hiện diện của Hoa Kỳ để hỗ trợ cho cuộc cạnh tranh của họ trên Biển Đông với Trung Quốc. Do vậy họ muốn duy trì mối quan hệ tích cực với hải quân Mỹ và chính phủ Mỹ, và không muốn làm lớn chuyện, thay vào đó thì sẽ giải quyết vấn đề một cách im ắng.

 Trong khi đó thì Trung Quốc coi Mỹ là đối thủ số một trên khu vực Biển Đông, do vậy nước này thường sẽ phản ứng gay gắt hơn.”

Theo một thông cáo báo chí của Bộ tự lênh Chiến khu Nam bộ của quân đội Trung Quốc thì từ đầu năm 2022 đến nay tàu khu trực USS Benfold đã ba lần thực hiện các hoạt động tự do hàng hải ở khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Hai, 15 Tháng Giêng 20184:00 SA
Có sự khác biệt giữa người làm việc nhiều và người bị cuốn vào việc ngoài tầm kiểm soát. Ranh giới nằm ở chỗ nào?
Chủ Nhật, 14 Tháng Giêng 20189:00 CH
Khi trận động đất sóng thần xảy ra vào năm 2011, lại một lần nữa, thế giới phải nghiêng mình trước tinh thần quật cường của người dân Nhật Bản trước thảm họa.
Chủ Nhật, 14 Tháng Giêng 20188:00 SA
Cho dù đã đóng chặt các cửa, cả đêm lão – gọi là lão vì khứa cũng đã ngoài 60 – vẫn không ngủ được vì tiếng pháo vẫn nhẹ nhàng, âm thầm và lì lợm,
Chủ Nhật, 14 Tháng Giêng 20182:30 SA
Ngày 9 tháng 1, trong phiên xử Phạm Công Danh và các đồng phạm “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”
Chủ Nhật, 14 Tháng Giêng 20181:00 SA
Tất cả chúng ta phải cảm ơn Henry Ford vì đã "phát minh" ra khái niệm 2 ngày nghỉ cuối tuần. Tuy nhiên, lý do thực sự đằng sau không được nhân văn cho lắm.
Thứ Bảy, 13 Tháng Giêng 201810:00 SA
Nhà hoạt động môi trường hàng đầu của Nga là một trong số hơn một triệu người -đa phần còn trẻ và có trình độ học vấn cao- đã đóng gói hành lý và rời khỏi đất nước trong những năm gần đ
Thứ Sáu, 12 Tháng Giêng 201811:00 SA
Hiệu ứng nhãn tiền của một vụ nổ bom là lửa và khói. Tuy nhiên, những thứ gây nguy hiểm cho chúng ta gồm 2 yếu tố: mảnh vụn, và chấn động (blast wave).
Thứ Sáu, 12 Tháng Giêng 20183:30 SA
Tính chất, mức độ phản kháng đối với chuyện thu phí cho những công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT càng lúc càng mãnh liệt
Thứ Năm, 11 Tháng Giêng 20185:56 CH
Tại sao trước đấy, không nghe ai lên tiếng đòi tháo còng cho chúng tôi, những Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân, Lê Thị Công Nhân,
Thứ Năm, 11 Tháng Giêng 20188:00 SA
đầy người xa lạ nhưng lúc rời đi thì họ đã có thêm 10 người bạn mới, lên lịch cho một cuộc hẹn ăn trưa vào ngày hôm sau, và một lời hứa hẹn sẽ giới thiệu họ làm quen với ai đó.