Sự lương thiện trong truyền thuyết

Thứ Năm, 07 Tháng Mười Hai 20172:30 SA(Xem: 5597)
Sự lương thiện trong truyền thuyết

Phạm Lan Phương

Ông giáo của tôi – một người Cà Mau – kể rằng một buổi sáng đi chợ, người phụ nữ mua hàng đứng chửi lộn với một bà bán cà chua vì bà cân thiếu. Cái chợ ở mỏm rìa sông bé mọn ồn ào. Chuyện đó làm ông buồn như vết sẹo. Khi kể lại, tôi nhìn thấy trong mắt ông một sự thất vọng đã rưng rưng:

– Thầy còn nhớ, hồi nhỏ thầy đi chợ cho má. Má bảo mua hai quả cà chua, mà có ba quả dính trên một cành đó, bà bán hàng dúi vào tay thầy luôn, bảo mang về cho má nấu. Cái gì đã làm những người nông dân lương thiện đó muốn lừa một cô đi mua hàng? Cái gì đã làm người quê cực khổ chất phác biết chỉnh cái cân để qua mặt một người cũng chẳng giàu có gì hơn mình hả con?

Vết chém của ông chủ doanh nghiệp xe cẩu Tú Anh ở Cần Thơ vào một tài xế trong vụ xung đột ở BOT Cai Lậy dường như đã trả lời câu hỏi đó của thầy tôi. Những cuộc cự cãi không ngớt. Những nỗ lực gần như hóa thành cuộc giận dữ trong tiếng cười mỉm đầy thất vọng. Một chị nữ tài xế bình thản trả tiền 500đ, đếm từng tờ. Một anh tài xế mở cửa lau kiếng xe. Một gia đình đi đám cưới [ngày vui nhất của một cặp đôi] giận dữ vì phí trạm. Con đường xinh đẹp của miền Tây, nơi tôi đã lái xe máy suốt sáu năm đi viết ở nơi này, chưa bao giờ gặp một xô xát hay bầy hầy, đã hóa thành một cuộc công thành chiến hài hước và đầy giận dữ.

H2-7
Cây rựa mà chủ doanh nghiệp Tú Anh dùng để chém anh Vương Quốc Tân.Ảnh: Hạnh Nguyễn/ báo TT

Những tài xế có bận không? – Họ có cả gia đình sau lưng để nuôi sống. Tôi đã gặp những tài xế với nỗi lo duy nhất là kiếm đủ tiền cho con cái đi học.

Những người khá giả như chị gái trả tiền lẻ có bận không? – Tôi tin là chị có cuộc sống riêng cần phải chăm sóc.

Những người như ông Lê Tấn Tú thì sao? – Ông có một doanh nghiệp xe cẩu làm ăn ở Cần Thơ – và đơn giản là một hợp đồng đến khiến ông đi cẩu xe của những người đang tranh biện về cái trạm thu phí nằm ở vị trí được ông thứ trưởng GTVT Nguyễn Nhật cho là: “về thủ tục đầu tư không sai quy định của pháp luật”.

Hóa ra mọi thứ đều đúng. Và cuối cùng ta thấy một con dao giơ lên chém người, hai “kẻ lạ mặt” uy hiếp tài xế, và những lời qua tiếng lại không khoan nhượng suốt nhiều ngày đêm.

Miền Tây của tôi là một nơi đặc biệt. Một vùng đất mà người ta thương một người khổ chẳng cần lý do, nói một lời nhẹ vì sợ làm thương tổn người khác. Ở đây, tôi nhìn thấy những đứa trẻ mồ côi trong nhà rách bơ vơ nhưng chưa bị bỏ đói bao giờ – vì bữa nào cũng có một hàng xóm cho ăn. Tôi gặp những người đàn ông lấy nửa công lao động mỗi ngày để giúp người bệnh tâm thần tắm rửa, vì bệnh nhân đánh cả cha mẹ họ. Tôi gặp những người già khổ nhọc vì mất con, không con, nhưng luôn có con trẻ xóm làng đỡ đần việc nặng.

Và cũng ở đây, thầy giáo của tôi hồ nghi về sự lương thiện của con người đã mòn đi như nước sông Hậu cắn sạch cù lao. Thầy tôi lùi lại vì nghe phải những trận thanh niên trong xóm nhỏ của thầy chém nhau chỉ vì một đồng tiền nợ đề ác độc. Và tôi, cố gắng hiểu cái gì đã tước bỏ lòng thiện lương cuối cùng của những con người từ thuở lâu lắm, từng sợ phải nặng lời với một kẻ khác mình.

Tôi không cố gắng lý giải nó bằng đô thị hóa. Chúng ta thật dễ mồm khi đổ tội cho đô thị (hay bởi vì nó không có mặt mũi gì để cãi lại). Chúng ta thật dễ dàng gắp lửa bất lương để bỏ vào tay những con người đã từng thuần hậu thành thật.

Tôi chỉ cố gắng hiểu khi nhìn thấy những đứa trẻ lớn lên rách áo vá vai vì cha mẹ bỏ xứ đi làm công nhân xa tít mù tận.

Tôi cố gắng hiểu khi nhìn trên Google Maps xong nhìn xuống sông Hậu, tôi thấy bao nhiêu cù lao xanh tươi biến mất khỏi bờ cõi – và lạy trời – những con người thiện lương đó đã trôi theo sông dữ rồi chăng?

Tôi cố hiểu – khi những cơ chế trấn lột được nhân danh “không sai quy định của pháp luật” được lên ngôi – nó đẩy con người vào mạt sát, hằn học, va chạm và lừa bịp lẫn nhau.

Nó làm tôi hiểu câu hỏi của thầy: “Cái gì đã làm người nông dân lương thiện đó muốn lừa đảo?”

Vì họ không có lựa chọn nào khác, phải không thầy? – Khi sự lương thiện chỉ còn trong truyền thuyết…

Khải Đơn

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn