'Ngôn từ làm bộc lộ tính cách con người'

Thứ Bảy, 02 Tháng Mười Hai 20171:00 CH(Xem: 6626)
'Ngôn từ làm bộc lộ tính cách con người'
bbc.com
Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Nếu tình cờ nghe được một cuộc trò chuyên trên xe buýt, liệu bạn có thể đoán tính cách của ai đó dựa vào những từ ngữ họ sử dụng và chủ đề họ nói không? Và nếu tôi cho bạn đọc một truyện ngắn, bạn có thể đoán được tính cách của tác giả thông qua ngôn từ trong truyện?

Chúng ta thường được nhắc nhở "lựa lời mà nói". Thế nhưng lời nói của chúng ta có thể tiết lộ nhiều hơn những gì mình muốn.

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tính cách được bộc lộ khá đúng qua ngôn ngữ, từ những gì được đăng lên Twitter hàng ngày cho đến cách ta lựa chọn địa chỉ email.


Những người có tính cách hướng ngoại thường ồn ào và thích tán gẫu hơn những người hướng nội. Họ cũng có xu hướng nói chuyện nhanh hơn. Những phụ nữ hướng ngoại có nhiều khả năng trò chuyện theo nhóm hơn, trong khi những nam giới hướng nội lại dành nhiều thời gian để trò chuyện với chính mình hơn.

Những người hướng nội và hướng ngoại cũng sử dụng ngôn ngữ theo những cách rất khác nhau.

Cách đây vài năm, một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học VU, Amsterdam, đứng đầu là Camiel Beukeboom, đã yêu cầu một nhóm 40 tình nguyện viên quan sát các bức ảnh với các ngữ cảnh khác nhau và nói to, mô tả những gì đã diễn ra.

Họ nhận thấy ngôn ngữ của người hướng ngoại có xu hướng trừu tượng và mơ hồ hơn, trong khi những người hướng nội diễn đạt bằng các thuật ngữ cụ thể hơn.

Những người hướng ngoại nói: "Bài báo này thật xuất sắc"

Những người hướng nội nói: "Bài báo này chứa rất nhiều thông tin"

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Những người hướng ngoại như Abraham Lincoln thường hay ồn ào và vui vẻ bắt chuyện hơn hầu hết chúng ta

Bên cạnh đó, các nghiên cứu khác cho thấy những người hướng nội có khuynh hướng sử dụng nhiều mạo từ hơn. Họ cũng có khuynh hướng thận trọng hơn với ngôn ngữ của mình - họ sử dụng nhiều thuật ngữ mơ hồ (có lẽ, có thể) và thường sử dụng những con số cụ thể.

Những người hướng ngoại nói: "Hãy ăn gì đó đi"

Những người hướng nội nói: "Có lẽ chúng ta có thể đi ăn bánh mì kẹp thịt"

Hầu hết những người hướng ngoại thích tận hưởng cuộc sống nhanh, thích uống rượu, quan hệ bừa bãi và gặp nhiều rủi ro hơn những người hướng nội. Mỗi khi họ mở miệng, những người hướng ngoại đã sẵn sàng cho những rủi ro lớn hơn.

Các mối liên hệ giữa tính cách và ngôn ngữ cũng mở rộng ra văn viết. Khi Jacob Hirsh và Jordan Peterson từ trường Đại học Toronto yêu cầu học sinh viết về trải nghiệm trong quá khứ và các mục tiêu tương lai, họ nhận thấy rằng những người ghi điểm cao hơn về tính hướng ngoại có khuynh hướng đề cập đến những từ gắn liền với các mối quan hệ, vì những người hướng ngoại là "các nhà thám hiểm xã hội tích cực", các nhà nghiên cứu cho biết.

Nhưng vấn đề không phải ở sự đối nghịch về tính cách giữa hướng ngoại và hướng nội. Ngôn ngữ cũng biểu lộ các khía cạnh khác trong tính cách của họ - bao gồm thái độ cởi mở (những người theo chủ nghĩa tự do sử dụng nhiều từ liên quan đến các giác quan), việc họ dễ bị kích thích thần kinh như thế nào (thường xuyên đề cập đến những vấn đề bức xúc), và tận tâm ra sao (các sinh viên siêng năng sử dụng nhiều từ ngữ liên quan đến thành tựu và công việc hơn).

Người dễ bị kích thích thần kinh nói: "Tôi mang theo mình một nỗi buồn ghê gớm"

Người cởi mở nói: "Bạn chỉ cần được lắng nghe"

Người tận tâm nói: "Chúng ta có thể xử lý nó"

Bản quyền hình ảnh Wikimedia Commons/Eric Magnan
Image caption Những người cởi mở chia sẻ kinh nghiệm nhiều khả năng sẽ dùng đến chữ 'mực'

Tính cách cũng được thể hiện nổi trội trong việc viết lách sáng tạo. Vào năm 2010, một nhóm các nhà tâm lý học người Đức cho hơn 100 học sinh tham dự 5 từ gợi ý ("máy bay rơi", "nữ bồi bàn", "pháo hoa", "thời trung cổ" và "siêu thị") và sau đó yêu cầu họ viết một truyện ngắn bao gồm các từ này.

Các sinh viên cởi mở đã đưa ra những câu chuyện sáng tạo hơn, trong khi những sinh viên ít sáng tạo hơn lại viết nên các câu chuyện mang tính xã hội cao hơn.

Khi một nhóm khác được cho xem những câu chuyện và yêu cầu đánh giá tính cách của các tác giả, họ đã làm khá tốt.

Hầu hết các nghiên cứu này đều xem xét riêng từng ngôn ngữ mà chúng ta sử dụng trong môi trường cách ly. Nhưng điều gì xảy ra khi chúng ta trò chuyện với nhau? Một nghiên cứu cho thấy nếu bạn đặt một nhóm những người hướng nội vào chung một căn phòng, họ nhiều khả năng sẽ nói đến việc giải quyết một vấn đề nào đó ("tôi phải tìm một căn hộ vì người bạn cùng phòng đang khiến tôi phát điên").

Ngược lại, khi những người hướng ngoại nói chuyện với nhau, họ sẽ đề cập đến nhiều chủ đề hơn, chẳng hạn như "tôi thích chạy bộ" và "Steinbeck thật tuyệt vời". Hơn nữa, điều này phù hợp với những gì chúng ta đã biết: Người hướng ngoại thường có xu hướng hưởng thụ cuộc sống hơn.

Bản quyền hình ảnh iStock
Image caption ... trong lúc những người hướng ngoại nhiều khả năng sẽ dùng chữ 'uống'

Tất nhiên, ngày nay chúng ta cũng dành thời gian cả ngày để gửi email, viết blog và cập nhật Twitter. Và có vẻ như chúng ta cũng để lộ tính cách của mình ở các diễn đàn kỹ thuật số này.

Bằng cách phân tích nội dung của gần 700 blog chứa hàng trăm nghìn từ, các nhà nghiên cứu tại Đại học Texas ở Austin nhận thấy những từ ngữ mà mọi người sử dụng phù hợp với cách họ tuyên bố về tính cách của mình, ví dụ như những người tự nhận mình dễ tính thường ít văng tục hơn.

Nhưng nhóm nghiên cứu đi xa hơn, thậm chí là ghép đôi những nét tính cách với việc sử dụng những từ ngữ cụ thể. Những người đạt điểm cao hơn về tính cởi mở có nhiều khả năng nói từ "uống" hơn.

Câu chuyện cũng tương tự với Twitter. Các nhà nghiên cứu nhận thấy những người hướng ngoại có khuynh hướng nhắc đến những cảm xúc tích cực và tình huống xã hội thường xuyên hơn, trong khi những người ghi điểm cao về cảm xúc thất thường có xu hướng sử dụng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất như "I" và "me".

Người hướng ngoại nói: "Chúng tôi rất hạnh phúc!"

Người thường có cảm xúc bất ổn nói: "Tôi đang vui".

Thật đáng kinh ngạc khi những mối liên quan giữa ngôn ngữ và tính cách này lại rất nhất quán.

Nghiên cứu nói trên nhận thấy các tình nguyện viên đã có thể đoán chính xác được tính cách của một người lạ mặt chỉ bằng cách đọc những bài họ đăng trên Twitter.

Bản quyền hình ảnh VTV
Image caption "Trong một số tình huống, bạn có thể chọn cho mình một cá tính có lợi chỉ bằng cách thay đổi ngôn ngữ bạn thường sử dụng"

Trên thực tế, có vẻ như chúng ta thường luôn cố giải mã tính cách của những người mình bắt gặp qua ngôn ngữ họ sử dụng.

Chúng ta liên tục đánh giá người khác, ngay cả dựa trên cách một ai đó chọn địa chỉ email.

Ví dụ, những người có nhiều con số trong địa chỉ email của họ được xem là ít tận tâm hơn. Trong khi đó chúng ta có xu hướng nghĩ rằng các địa chỉ email hài hước có nhiều khả năng thuộc về những người hướng ngoại (mặc dù điều này không đúng).

Ý tưởng rằng ta có thể vô tình tiết lộ một điều gì đó về bản thân mỗi khi nói chuyện, viết lên Twitter có thể khiến nhiều người không thoải mái, đặc biệt nếu bạn không muốn người khác hiểu quá nhiều về mình. Nhưng nó cũng có thể giúp thay đổi cách người khác nhìn nhận bạn.

Trong một số tình huống, chẳng hạn như trong phỏng vấn việc làm hoặc thời gian đầu hẹn hò, bạn có thể chọn cho mình một cá tính có lợi chỉ bằng cách thay đổi ngôn ngữ bạn thường sử dụng. Thế nhưng nếu bạn làm vậy, tôi đoán bạn là người hơi ma mãnh.

Và có lẽ vào lúc này, tôi nên ngừng viết trước khi bạn khám phá ra tính cách của tôi.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Tư, 24 Tháng Giêng 20184:00 SA
Ngôi sao điện ảnh người Pháp Catherine Deneuve tuyên bố nam giới nên được "tự do động chạm" nữ giới - một bình luận đã gây tranh cãi.
Thứ Tư, 24 Tháng Giêng 20183:30 SA
1. Nhà văn Ngô Tất Tố có lẽ là người tả về cái đói giỏi nhất ở dòng văn học hiện thực. Cái đói trong chữ của Ngô Tất Tố, là cái đói của sự cùng
Thứ Ba, 23 Tháng Giêng 201811:59 SA
Colombia vừa được xếp hạng hai trong tốp các nước hạnh phúc nhất, sau nhà vô địch là quần đảo Fidji. T
Thứ Ba, 23 Tháng Giêng 20186:29 SA
Năm 2018 sẽ là năm đánh dấu sự suy giảm của truyền thông tự do tại Việt Nam. Những người đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận, quyền con người ở Việt Nam ngày càng vắng bóng trên
Thứ Ba, 23 Tháng Giêng 20182:30 SA
"Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức", "Cố gắng không phải để thành công mà để sống có giá trị" là những bài học bố mẹ nên dạy con.
Thứ Hai, 22 Tháng Giêng 20186:18 CH
(HNPD) Năm 2013 vì vụ Obamacare, Thượng Viện Cộng Hòa không chịu tương nhượng đưa đến chánh phủ bị đóng cửa 13 ngày. Nhân cơ hội này, TT Trump của chúng ta, lúc đó còn là "dân thường" lên đài TV Fox hùng hồn tuyên bố , chánh phủ bị đóng cửa là do lỗi TT Obama (ngoan cố) và năm nay,
Thứ Hai, 22 Tháng Giêng 20186:00 CH
Người ta thường nói rằng ‘cái gì quá cũng không tốt’. Vậy nên, 10 điều ‘quá’ dưới đây được cổ nhân coi là đại kỵ trong đời, ai cũng cần phải biết.
Thứ Hai, 22 Tháng Giêng 20184:52 SA
Người Việt mê bóng đá, điều đó quá rõ. Chỉ có điều bóng đá VN bao nhiêu lâu nay dưới sự điều hành, quản lý của Liên đoàn bóng đá VN
Thứ Bảy, 20 Tháng Giêng 201810:00 CH
Lên án Pakistan « lừa đảo » không tích cực chống khủng bố, Hoa Kỳ đe dọa ngưng viện trợ. Quyết định này nếu được thực hiện có thể gây khó khăn kinh tế cho quốc gia Hồi Giáo
Thứ Bảy, 20 Tháng Giêng 20189:00 CH
Nhân ngày các nhà văn, người cầm bút bị tù đày 2017, tổ chức Văn bút Quốc tế (PEN) phát đi lời kêu gọi đến các chính phủ