Những trái tim lẻ loi và hành trình tìm tình yêu

Thứ Hai, 06 Tháng Tám 20183:00 SA(Xem: 6120)
Những trái tim lẻ loi và hành trình tìm tình yêu
bbc.com
Rob Budden BBC Capital

Singles Bản quyền hình ảnh Getty Images

Tại Trung Quốc, có một tên gọi được dùng để chỉ những người đàn ông trên 30 tuổi mà chưa lập gia đình. 'Thắng Nam' có nghĩa là 'trai ế' chưa tìm được vợ, và ở một quốc gia mà khoảng cách chênh lệch giới tính đang ngày càng tăng, thì đây là một vấn đề khiến xã hội đau đầu.

Ở Trung Quốc, lượng nam giới cao hơn nữ giới tới hàng triệu người. Đây là hậu quả của chính sách một con vốn mới chỉ được bãi bỏ hồi 2015 trong lúc tác hại của nó sẽ còn kéo dài tới hàng thập niên nữa.

Tình trạng mất cân bằng giới tính trầm trọng khiến nam giới khó tìm được vợ. Đến 2020, ước tính nam giới sẽ đông hơn phụ nữ tới 30 triệu người, chỉ tính ở độ tuổi tìm kiếm bạn tình.

Trong cuốn sách Demographic Future, tác giả người Mỹ, kinh tế gia Nicholas Eberstadt nói rằng tính đến 2030, hơn một phần tư đàn ông Trung Quốc ở độ tuổi 30 sẽ không lấy được vợ.

Nay, với tình trạng phụ nữ ngày càng ít hơn đàn ông, cuộc đua đi tìm bạn đời thích hợp và chiếm được trái tim nàng trước khi kẻ khác cướp mất khiến có những người phải trải qua những hành trình gian truân. Họ sẽ phải rất sáng tạo nghĩ nhiều mưu kế, mà đôi khi vẫn không thành công.

99 chiếc iPhone vẫn thất bại

Hồi 2015, tin tức nói một doanh nhân Trung Quốc ở độ tuổi 40 kiện một công ty môi giới đóng tại Thượng Hải vì đã bất thành trong việc kiếm vợ cho ông tuy ông đã chi trả cho họ 7 triệu nhân dân tệ (1 triệu đô la).

Trong một vụ khác, một nhà lập trình máy tính từ thành phố Quảng Châu đã mua 99 chiếc iPhone để cầu hôn, tất nhiên là bên cạnh đó còn có những thứ khác nữa. Thế nhưng khố khổ thay, anh chàng đã bị từ chối phũ phàng và đã rất mất mặt khi các hình ảnh chụp về sự kiện này đã được chia sẻ tới chóng mặt trên mạng xã hội.

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Áp lực tìm bạn tình tại Trung Quốc càng trở nên nặng nề trong dịp Tết Nguyên đán

Một phần của vấn đề nằm ở chỗ những cách thức cũ và mới trong việc gặp gỡ làm quen không phải lúc nào cũng đem lại kết quả.

Dịp Tết Nguyên đán lâu nay luôn là cơ hội để những người độc thân gặp gỡ người có thể trở thành bạn đời tương lai của mình. Hầu hết mọi người trở về nhà, đi thăm bạn bè trong dịp này, cho nên những ai còn độc thận sẽ có nhiều cơ hội để gặp gỡ người khác hơn.

Nhưng truyền thống vốn có từ lâu này đã phải nhường bước cho sự hiện đại. Việc hẹn hò qua mạng đang phát triển nhanh chóng tại Trung Quốc và ở các nơi khác; các app trò chuyện như WeChat đang ngày càng trở thành phương tiện làm quen phổ biến hơn.

Jun Li, từ Tô Châu thuộc tỉnh Giang Tô là một cô gái độc thân ở độ tuổi ngoài 20. Cô nhận ra là ngày càng nhiều các chàng trai độc thân đang cùng nhau tổ chức các sự kiện giúp mọi người có cơ hội hẹn hò.

Những người khác thì quay ra tìm gặp tư vấn tâm lý hoặc thời trang để mong biến mình trở nên hấp dẫn hơn trong mắt người khác.

Để tránh bị phụ huynh vặn hỏi, một số người thậm chí còn thuê bạn gái giả về ra mắt gia đình thông qua các apps như Hire Me Plz. Các tường thuật nói rằng việc thuê bạn gái có thể tốn đén 10 ngàn nhân dân tệ (1.450 đô la) một ngày.

Việc khó tìm vợ càng trở nên đau đầu ở các vùng nông thôn nghèo, bởi truyền thống nước này từ lâu nay là người chồng phải có khả năng chăm sóc, bảo đảm tài chính ở mức độ nhất định trước khi kết hôn.

Hong Yang, người nay đã kết hôn và ở độ tuổi 30, mô tả Trung Quốc như một 'nền kinh tế mẹ vợ'.

"Là đàn ông, nếu muốn lấy vợ thì mẹ vợ tương lai sẽ đòi anh ta trước tiên là phải mua nhà rồi hẵng nói chuyện khác. Đó là một trong những lý do khiến giá nhà luôn tăng trong những năm gần đây," cô nói.

Tuy nhiên, gánh nặng tài chính đặt lên vai người đàn ông cũng khiến cho nhiều phụ nữ khó tìm được bạn đời, bởi nhiều người đàn ông chọn lấy vợ muộn, một phần vì thấy sợ các phí tổn phải chi cho cuộc hôn nhân.

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Ngày càng nhiều nam giới tham dự vào các sự kiện hẹn hò, làm quen, theo Jun Li

Khoảng cách về tuổi tác giữa các cặp đôi từ 10 đến 20 tuổi đang ngày càng trở nên phổ biến ở Trung Quốc.

"Phụ nữ sẽ khó mà tìm được người đàn ông phù hợp sau khi bước qua tuổi 32," Hong Yang nói. "Nhiều người đàn ông Trung Quốc muốn cưới vợ trẻ, xinh."

Trong lúc đó, phái nữ lại muốn tìm kiếm sự ổn định tài chính, cho nên sẽ muốn nhắm tới những người đàn ông lớn tuổi hơn mình, các chuyên gia nói.

Tất nhiên là có cả chuyện ngược lại nữa. Những người phụ nữ được ăn học cẩn thận và độc lập về tài chính mà vẫn độc thân thì được gọi là 'gái ế', Heather Ma, một phụ nữ ngoài 30 tuổi, đã kết hôn và hiện sống tại Thượng Hải, nói.

Cha mẹ là một nguồn gây áp lực to lớn cho con cái trong chuyện tìm kiếm bạn đời, nhất là trong thời nay, theo Roger Zhou, 39 tuổi, người đã lập gia đình và hiện sống tại Tô Châu, nói.

"Các bậc phụ huynh nghĩ rằng họ có trách nhiệm giúp con cái đã trưởng thành phải yên bề gia thất," ông nói. "Cho nên họ gây áp lực để bắt con tìm kiếm người yêu, hẹn hò rồi chuẩn bị đám cưới."

Điều này lại dẫn tới một vấn đề khác, đó là cha mẹ trở nên can thiệp quá nhiều vào chuyện đời tư của con mình.

"Việc mai mối theo ý cha mẹ vẫn xảy ra rất phổ biến," Melinda Hu, 32 tuổi, độc thận, nói. "Cha mẹ sẽ bị chỉ trích ghê gớm nếu con họ, bất kể là con trai hay con gái, không lập gia đình. Cho nên thường thì những người có con gái lớn rất muốn con mình chịu nghe lời mai mối, lấy chồng trước khi đến tuổi 30."

Và thế là có những thị trường hôn nhân. Tại một trong những thị trường lớn nhất nước này, đặt tại Thượng Hải, 'bà mối' nhận được rất nhiều các đề nghị từ những bậc phụ huynh. Họ gửi các mẩu giấy viết tay trong dó mô tả chi tiết về con cái mình, từ chuyện thu nhập bao nhiêu cho tới trình độ học vấn và tính cách. Một số phụ huynh còn ráo riết tới tận nơi mỗi tuần trong suốt nhiều năm để tìm người phối ngẫu cho con mà vẫn không thành công.

Nhưng trên hết, việc người ta gặp gỡ nhau thế nào, hay những người đàn ông theo đuổi phái nữ ra sao, vẫn là điều cần được nhìn nhận từ khía cạnh tình cảm, tình yêu chứ không phải dựa trên những cân nhắc thực dụng như bảo đảm cuộc sống đầy đủ.

Chẳng hạn như Jun Li nói cô chả vội vã gì trong chuyện kết hôn, bởi cô muốn chờ đợi cho tới khi gặp được ý trung nhân, đáng để cô trao gửi 'cả trái tim lẫn tâm hồn'.

Tại Trung Quốc, cũng như bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, những quy tắc phổ quát về sự lãng mạn vẫn có chỗ đứng vững vàng.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Capital.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Hai, 13 Tháng Tám 201810:57 SA
(HNPD) Nhà lầu, dinh thự như chơi, Xây vài chục tỉ là đời lên hương. Công nhân đói rách, tha phương, Cùng nông dân khỏi tìm đường đi đâu,