Tàu đổ bộ Nhật Bản tiến vào quỹ đạo Mặt Trăng

Thứ Bảy, 30 Tháng Mười Hai 202311:00 SA(Xem: 548)
Tàu đổ bộ Nhật Bản tiến vào quỹ đạo Mặt Trăng

Tàu SLIM sẽ chuẩn bị hạ cánh trên bề mặt Mặt Trăng trong tháng 1/2024, hứa hẹn đưa Nhật Bản thành nước thứ 5 làm được điều này sau Liên Xô, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ.

Mô phỏng tàu SLIM chuẩn bị hạ cánh. Ảnh: JAXA

Mô phỏng tàu SLIM chuẩn bị hạ cánh. Ảnh: JAXA

Tàu đổ bộ Mặt Trăng tự động SLIM của Nhật Bản tới quỹ đạo Mặt Trăng vào ngày 25/12 như dự kiến, theo Cơ quan Khám phá Hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA). Tàu vũ trụ tiến vào quỹ đạo Mặt Trăng lúc 13h51 cùng ngày theo giờ Hà Nội.

Nhà chức trách JAXA cho biết tàu vũ trụ đang ở quỹ đạo hình elip và mất 6,4 giờ để bay vòng quanh Mặt Trăng, cách bề mặt thiên thể 600 km ở điểm gần nhất và 4.000 km ở điểm xa nhất. Cột mốc mới đánh dấu SLIM trên đà đến gần mục tiêu hạ cánh xuống Mặt Trăng vào ngày 19/1/2024. Đây sẽ là thành công mang tính lịch sử bởi tính đến nay, mới chỉ có 4 quốc gia là Liên Xô, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ đưa tàu vũ trụ hạ cánh nhẹ nhàng trên Mặt Trăng.

Tàu SLIM dài 2,7 m phóng hôm 6/9 cùng với XRISM, kính viễn vọng không gian tia X cực mạnh. Cả hai tàu vũ trụ của Nhật Bản đều triển khai trên quỹ đạo Trái Đất và hiện nay XRISM vẫn ở đó. Nhưng SLIM thoát khỏi lực hấp dẫn của hành tinh hôm 30/9, bắt đầu hành trình dài tiết kiệm năng lượng tới Mặt Trăng. Tàu thăm dò bắt đầu chuẩn bị cho nỗ lực hạ cánh. SLIM sẽ đáp xuống khu vực mục tiêu với độ chính xác 100 m, mở đường cho nhiều hoạt động khám phá tham vọng hơn.

Theo JAXA, SLIM là nhiệm vụ tìm kiếm công nghệ hạ cánh chính xác cần thiết cho các tàu thăm dò Mặt Trăng trong tương lai và kiểm tra công nghệ này trên bề mặt Mặt Trăng với một mẫu tàu quy mô nhỏ. Nếu tất cả theo đúng kế hoạch, SLIM sẽ triển khai hai tàu thăm dò mini sau khi tiếp đất. Bộ đôi tàu này sẽ cung cấp một hệ thống độc lập để liên lạc trực tiếp với Trái Đất.

SLIM không phải tàu vũ trụ Nhật Bản đầu tiên tới bề mặt Mặt Trăng. Tàu Hiten đã làm điều này vào năm 1990, theo sau là tàu SELENE (Selenological and Engineering Explorer), hay còn gọi là Kaguya, vào năm 2007. Hakuto-R, trạm đổ bộ do công ty iSpace ở Tokyo chế tạo, cũng đến quỹ đạo hồi tháng 3 và tìm cách hạ cánh một tháng sau đó nhưng đâm xuống đất do cảm biến bị rối bởi vành miệng hố trên Mặt Trăng.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn