Xóm nghèo Hoover

Chủ Nhật, 18 Tháng Hai 20187:00 CH(Xem: 6524)
Xóm nghèo Hoover

Thời của Tổng thống thứ 31 Herbert Hoover có lẽ là thời kỳ xui xẻo và ảm đạm nhất của lịch sử nước Mỹ. Người Mỹ đã gắn tên của ông vào những từ ngữ khôi hài mà đau xót trong giai đoạn kinh hoàng của cuộc Đại khủng hoảng những năm 1930.  

xom-ngheo-hoover3
Một Hooverville ở Seattle, Washington. 1934

Nhiều khu nhà lụp xụp dựng lên bằng bất kỳ thứ gì có được để che chắn gió mưa, nắng tuyết; bằng giấy carton, ván ép, vải bạt, tôn kẽm… nhìn trông như những dãy nhà ổ chuột dọc bờ kinh nước đen, những túp lều tạm cư, di tản ở xứ mình những năm chiến tranh khốc liệt. Những khu lều tả tơi ấy mọc lên khắp nước Mỹ vào những năm 1930. Các xóm tồi tàn ấy được gọi là Hoovervilles. Từ Ville mượn từ tiếng Pháp nghĩa là khu phố, làng xóm. Hooverville – Xóm nghèo Hoover là từ ghép xuất hiện đầu tiên trên báo The New York Times 1930 trong một bài viết của Charles Michelson về khu phố nghèo ở Chicago, Illinois. Và từ ấy nhanh chóng đi vào lịch sử.

Hậu quả của cuộc khủng hoảng thật kinh hoàng. Cùng với những cơn bão bụi từ 1931 mà người Mỹ gọi là Dust Bowl, nước Mỹ và cả thế giới bị suy thoái trong gần thập kỷ. Vào năm 1932 thì con số người Mỹ sống trong các Hoovervilles này lên đến triệu người. Đến năm 1933 thì hàng trăm ngàn cơ sở kinh doanh đóng cửa, tỉ lệ thất nghiệp toàn quốc là 25% có tiểu bang lên đến 45%. Tổng thống Hoover phải ngậm ngùi rời Tòa Bạch Ốc sau khi bị Franklin D. Roosevelt đánh bại dễ dàng trong cuộc bầu cử. Nhân công bị sa thải, dân thất nghiệp không trả nổi tiền vay ngân hàng, không trả được thuế; nhà băng tịch thu nhà cửa, ruộng vườn, cửa hàng. Nhiều người quay về nương tựa người thân, chen chúc trong căn phòng nhỏ. Nhưng hàng trăm ngàn người không may mắn như thế, họ không còn sự chọn lựa nào khác, bất chấp trát tòa án và họ ở quanh quẩn trong khu nhà cũ, trong con phố xưa. Cùng với làn sóng người thất nghiệp từ các thành phố khác đến, họ giành nhau cư trú dưới gầm cầu, các tòa nhà trống hoang, các cửa hàng bỏ ngỏ, ra cắm lều ở bất cứ mảnh đất trống như công viên, phần lớn ở các miếng đất công cộng của thành phố. Chính quyền và chủ đất bất lực hay làm ngơ, cũng có nơi họ bị đuổi tháo. Xóm nghèo cũng là chỗ cho các tệ nạn, băng nhóm du đãng lợi dụng trà trộn kiếm ăn.

xom-ngheo-hoover2
Một Hooverville ở Central Park 1931

Trong khó khăn, mọi người nương tựa vào nhau và tụ lại thành từng khu nhà như thế. Các Hoovervilles này tập trung ở thành phố lớn, nơi người ta tin và hy vọng sẽ có nhiều cơ hội tìm việc làm hay kiếm ăn từ người giàu, từ các cơ sở còn hoạt động. Họ thường tụ tập quanh các tổ chức hội đoàn cứu trợ, nơi thường nghi ngút khói bếp lò cho những ổ bánh mì nóng và những nồi súp lớn. Những căn lều tồi tàn này có bếp lò nhỏ bằng củi đốt, vài soong chảo và tấm nệm nhàu nát. Hẳn nhiên điều kiện vệ sinh vô cùng tồi tệ. Từ xa nhìn vào thành phố với các tòa nhà cao ốc, các Hoovervilles trông như những vết nám đen tối và bẩn thỉu trên bức tranh kinh tế của Mỹ vừa qua thời hoàng kim của những năm 1920s.

Ở New York ngay Central Park, khi cổ phiếu chứng khoán sụp đổ năm 1929, dân thất nghiệp trú đóng gần hồ chứa nước dự trữ cạnh Lâu đài Belvedere, sau khi đuổi đi, họ không còn nơi nào khác bèn trở lại, thành phố đành cho họ trú tạm và gọi nơi đó là “Thung lũng Hoover”, con đường dẫn vào hồ nhiều túp lều mọc lên 2 bên, gọi là “Đường Khủng Hoảng”. Có vài căn nhà nhỏ được xây bằng gạch từ những thợ nề bị mất việc. Xóm định cư mới tồi tàn này làm xốn mắt nhìn từ các căn nhà sang trọng ở Đại lộ số 5 và khu chung cư cao cấp West Central Park. Thế nhưng không ai phiền lòng. Cũng ở New York đô hội ấy, còn có vài khu xóm nghèo dựng lên gọi là “Xóm kém may mắn” gồm 80 ngôi lều giữa đường số 9 và 10 ở East River, một trại khác nằm dọc theo Sông Hudson trong Riverside Park. Công viên Central Park gần như biến mất vào tháng 4, 1933.

xom-ngheo-hoover4
Một căn nhà bằng giấy carton

Tồn tại lâu và lớn nhất nước là 8 xóm Hoovervilles ở Seattle, Washington, từ 1931 đến 1941. Mặc dù cố dời nhiều lần nhưng cư dân bất hạnh vẫn bám trụ. Xóm nằm trên miếng đất bằng xuôi về bến cảng. Khởi đầu bằng Jesse Jackson cùng 20 thanh niên làm thợ mộc bị thất nghiệp. Họ cưa cây làm lán trại trải suốt 9 mẫu đất, dựng lên 50 ngôi lều ván cho dân lang bạt tạm trú. Sở Y tế đến thông báo phải phá bỏ trại trong vòng tuần lễ vì điều kiện sinh hoạt thảm hại và nguy hiểm cho tính mạng. Cư dân chống đối. Trại được lệnh đốt. Người dân xây lại. Jesse Jackson vận động thương thuyết với thành phố và hứa tuân thủ các quy định vệ sinh, thành phố đành làm ngơ, vậy là xóm Hoovervilles ở Seattle tồn tại, đến năm 1934 có đến 479 căn lều cho hơn ngàn người sống chen chúc với nhau.

Một ngôi làng Hooverville khác dọc Mississippi River ở St. Louis, Missouri, che chở cho 500 gia đình với 4 nhóm di dân thất nghiệp da màu. Họ tự bầu Thị trưởng Gus Smith, một Cha cố. Cộng đồng này sống qua ngày nhờ các hội từ thiện và đi kiếm ăn từ thành phố, hay xin đồ từ nông trại. Họ có phòng làm nơi thờ phượng và sinh hoạt xã hội. Khu xóm này rộn ràng cho đến năm 1936 mới tan rã nhờ chính sách cải thiện công việc và trợ giúp của liên bang của Tổng thống Franklin D. Roosevelt

xom-ngheo-hoover
Một gia đình ở Hooverville 1934

Vào giữa những năm 1930s, con số người vô gia cư càng tăng, khi hãng xưởng và nông trại đóng cửa, các tiểu bang tràn ngập di dân. Dù có tiền cứu trợ của liên bang, nhưng vài tiểu bang buộc ra nhiều luật định về thời gian cư trú và nhiều khai báo khác, làm khó khăn di dân giữa các tiểu bang, ngay cả bắt giữ nhằm nản lòng những đợt di dân mới, trong đó phải kể đến California. Một phần vì khí hậu ôn hòa, gần biển và phát triển, nên các di dân từ miền Trung Tây như New Mexico, Kansas, Oklahoma…đều hướng về tiểu bang vàng này. Thoạt đầu chỉ với 4.7% dân số cả nước, một năm sau dân số California lên đến 14% . Tiểu bang phải bứt tóc đương đầu với hơn 6 ngàn di dân qua biên giới tiểu bang mỗi ngày, các đường sá hạ tầng cơ sở ở California thì quá cũ và chật. Để giải quyết bế tắc và lo cho riêng tiểu bang mình, California đã ban hành lệnh cấm di dân, lập các “Bum Blockade” ngăn chặn dân từ các tiểu bang khác. Tháng 2, 1936, cảnh sát trưởng James E. Davis với sự hậu thuẫn của Hội đồng thương mại Los Angeles, các cơ quan và viên chức ban ngành khác, phái 136 cảnh sát chận khắp 16 con đường chính dẫn vào California từ Arizona, Nevada và Oregon. Những di dân không có sở hữu gì có thể nuôi mạng sống đều bị ngăn không cho qua, xử phạt những ai mang hay giúp cư dân nghèo vào trong tiểu bang. Thoạt đầu tiểu bang California cho rằng ngăn chn làn sóng di dân sẽ tiết kiệm được số tiền ngân sách 1.5 triệu không phải chi tiêu cho bài trừ tội phạm và 3 triệu cho chế độ welfare dành cho người nghèo. Tuy vậy báo Los Angeles Evening News phê phán việc làm sẽ vi phạm quyền tự do đi lại của người Mỹ. Sự việc kéo dài nhiều tháng cho đến khi thành phố bị nghi vấn về ngân sách dùng cho việc cấm này cùng các vụ kiện tụng nổ ra, cảnh sát mới chấm dứt.

Khi cuốn Chùm Nho Uất Hận của John Steinbeck ra đời năm 1939, cả nước đồng cảm với nỗi xót xa của những người vô gia cư bất hạnh. Tuy vậy cuốn tiểu thuyết viết đến những di dân trong cơn bão bụi và mất mùa ở miền quê Trung Mỹ như Oklahoma đi về miền Tây, hơn là phần lớn những người thất nghiệp ở các thành phố kỹ nghệ đông đúc. Dù vậy cuốn tiểu thuyết đã thúc đẩy các cuộc cứu trợ và đánh thức tình người  trong cơn hoạn nạn. Năm sau đó, tiểu thuyết được dựng thành phim và một ủy ban của Quốc hội điều trần về những vụ việc cấm di tản xuyên bang ở California. Thế nhưng phải đợi đến khi Thế chiến thứ 2, thì cuộc Đại khủng hoảng mới thực sự chấm dứt. Toàn quốc lao vào sản xuất vũ khí, quân nhu phòng vệ đất nước, các người vô gia cư gia nhập quân đội và kỹ nghệ quốc phòng. Các khu tạm cư Hoovervilles dẹp bỏ. Các hoạt động cứu trợ giảm dần. Trong lúc ấy các hội đoàn và tổ chức nhân quyền đã tranh đấu cho quyền đi lại của cư dân trên toàn nước Mỹ. Dù vậy phải mất nhiều năm sau, đến năm 1969, Tòa án liên bang mới phán quyết bảo vệ quyền tự do lưu trú và quyền được hưởng phúc lợi cho cư dân mà không phải dựa vào nơi cư trú trước đây.

xom-ngheo-hoover1
Một xe di cư về California

Trở lại Hoovervilles, dẹp bỏ các khu nhà tồi tàn này cũng không dễ dàng, cho đến khi chính sách New Deal của Tổng thống Franklin D. Roosevelt  nhằm cung cấp việc làm và liên bang trợ giúp tài chánh, dạy nghề, đào tạo công việc mới dần dà có hiệu quả. Các khu nhà giá rẻ được chính phủ trợ cấp dựng lên. Đến năm 1941 thì toàn bộ các Hoovervilles trên cả nước mới thật sự xóa bỏ. Như các vết sẹo tang thương, nền kinh tế nước Mỹ được kéo da non và lành lặn sau hơn thập kỷ.

Ở một đất nước có nền dân chủ tự do tối thượng như nước Mỹ, khi một Tổng thống được dân chúng bầu lên, gặp thời vận khó khăn, không làm được việc, đã bị chế giễu, chê trách và đổ thừa trăm ngàn thứ lên sự nghiệp chính trị để đời của mình.Người Mỹ còn dí dỏm và cay đắng ghép tên Tổng thống Hoover vào những vật dụng thời ấy như “Mền Hoover” là các tờ nhật trình dùng làm chăn đắp, “Da Hoover” là tấm carton dùng lót giày đã mòn rách lòi ngón chân, “Xe Hoover” là xe hơi được kéo bằng ngựa vì không có tiền đổ xăng,”Xe đẩy Hoover” là xe hàng ba bánh kéo đẩy bằng tay và “Cờ Hoover” là 2 cái túi quần trống rỗng lộn trái ra bên ngoài. Cái tên Hoover được gắn liền với hầu hết các xấu xa, nghèo nàn đầy oán hận của một thời tối đen trong lịch sử như Chùm Nho Uất Hận của John Steinbeck. Nhưng người dân Mỹ cũng nhớ mãi Hoover Dam, một cái đập vĩ đại, thành quả đẹp ngời sáng chói của đất nước được xây vào đầu năm của cuộc Đại khủng hoảng 1931.

SB

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Năm, 09 Tháng Mười Một 20176:00 SA
Tuần này chính trường có nhiều chuyện hay. Quốc hội thì đang bàn về dự luật An ninh mạng, mà có những điều khoản bị dư luận coi là " chống lại nền văn minh của loài người"!
Thứ Tư, 08 Tháng Mười Một 201710:29 CH
Nghi lễ chính thức tiếp đón Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Trung Nam Hải, Bắc Kinh 09-Nov. 2017
Thứ Ba, 07 Tháng Mười Một 20172:00 SA
Nơi giam giữ các thành viên hoàng tộc Ả Rập cũng đạt tới mức độ xa hoa tột cùng trên thế giới.
Thứ Hai, 06 Tháng Mười Một 20178:40 CH
Trưa 6-11, huyện Vạn Ninh ghi nhận thêm 4 trường hợp chết trên biển, người dân cũng đưa vào bờ 3 người ở Ninh Hòa. Số người chết ở Khánh Hòa vì bão số 12 tăng không ngừng
Thứ Hai, 06 Tháng Mười Một 20176:16 CH
Khi Tổng thống Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho cá chép ăn tại Cung điện Alaska ở Tokyo, CNN và các một số kênh truyền thông khác đã cố tình bóp méo tình tiết để bêu xấu hình ảnh của ông Trump, theo Fox News.
Thứ Hai, 06 Tháng Mười Một 20177:50 SA
Những hàng hóa Mỹ mang đến lần này, ngoài trực thăng còn có hệ thống đèn chiếu sáng lắp đặt tại sân bay phục vụ chuyên cơ của Tổng thống Mỹ khi đáp xuống Đà Nẵn
Thứ Hai, 06 Tháng Mười Một 20177:00 SA
Triều Tiên là một quốc gia bí ẩn không đi theo “con đường bình thường”, vì thế người dân thế giới thật khó có thể hiểu được họ.
Thứ Hai, 06 Tháng Mười Một 20174:28 SA
13h ngày 6/11, nước sông Thu Bồn tại Hội An đã lên đỉnh 3,11m, vượt báo động 3 (mức nguy hiểm nhất) 1,11 m. Hơn 50% diện tích đô thị cổ chìm trong biển nước.
Chủ Nhật, 05 Tháng Mười Một 20174:00 CH
Những tiếng rao không chỉ mang giai điệu ngọt ngào, trong nó còn có cả hương thơm, mùi vị, màu sắc, kích thích các giác quan của chúng ta.
Chủ Nhật, 05 Tháng Mười Một 20172:00 CH
Sai lầm lớn nhất của miền Bắc chúng tôi là đi giải phóng miền Nam. Bởi sau cái ngày 30/4 có quá nhiều những thay đổi ngoài dự kiến của chúng tôi đã xảy ra tại miền Bắc .