Từ Luật An ninh mạng đến Luật Biểu tình

Chủ Nhật, 01 Tháng Bảy 20187:00 CH(Xem: 7215)
Từ Luật An ninh mạng đến Luật Biểu tình

VOA

Lê Anh Hùng

Hơn một tuần nay, công chúng người Việt trong và ngoài nước xôn xao trước một sự kiện hy hữu. Trong cuộc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XIV tại Sài Gòn hôm 19/6, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã phát biểu là đồng ý cần có luật biểu tình, sau khi nghe khi cử tri kiến nghị là cần thiết phải có luật này. Nhân vật đứng đầu bộ máy nhà nước hiện hành còn nói thêm là ông “sẽ báo cáo Quốc hội về nội dung này”.

Thoạt tiên, một loạt báo chí “lề đảng” đã đưa tin về cuộc tiếp xúc cử tri của ông Trần Đại Quang với những nội dung khiến dư luận bất ngờ nói trên. Tuy nhiên, chỉ vài tiếng sau, những câu chữ “nhạy cảm” ấy đã bị xoá sạch.

Đây quả là một sự kiện vô cùng hy hữu. Lần đầu tiên, một nhân vật số 2 của chế độ công khai bày tỏ “cần luật biểu tình”, và cũng lần đầu tiên một kẻ “dưới một người, trên muôn người” trong “thời đại Hồ Chí Minh” bị bịt miệng ngay trước mắt bàn dân thiên hạ.

Vây thực hư sự thể thế nào? Liệu nhà lãnh đạo số 2 của hệ thống có phải là một nhân vật tiến bộ, vì dân vì nước hay hay không? (Nếu đúng vậy thì xem ra đất nước này vẫn còn hồng phúc lắm.)

Để tìm câu trả lời cho câu hỏi trên, xin mời quý độc giả quay trở lại với một trong hai chủ đề đang khiến dư luận nổi sóng suốt hơn 1 tháng qua, bên cạnh Dự luật Đặc khu – đó là Luật An ninh mạng.

Ngày 11/6/2018, trang Luật khoa Tạp chí đăng bài “Ai là tác giả của Dự luật An ninh mạng?” của tác giả Hoàng Anh. Trong bài viết, sau khi đưa ra những dẫn chứng thuyết phục, tác giả đã kết luận: “Thật khó có thể nghĩ theo hướng nào khác, ngoài việc Chủ tịch nước Trần Đại Quang là người thực sự đã thúc đẩy Dự luật An ninh mạng và là người bảo trợ lớn nhất cho dự luật này.”

Vậy nghĩa là sao? Một nhân vật vừa thể hiện lập trường tiến bộ và rất đáng hoan nghênh về luật biểu tình, “món nợ” nhân dân gần ba phần tư thế kỷ của một chế độ vẫn vỗ ngực tự xưng là “dân chủ gấp triệu lần tư bản”, lại có thể là người thực sự đã thúc đẩy bảo trợ lớn nhất cho một dự luật mà hàng triệu người Việt trong và ngoài nước cùng cộng đồng quốc tế gay gắt lên án – bởi nó kìm hãm sự phát triển của đất nước – hay sao?

Bổn cũ soạn lại

Ngược dòng thời gian, Chủ tịch nước Trần Đại Quang không phải là nhân vật “tứ trụ” đầu tiên công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với luật biểu tình. Gần 7 năm trước, tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội và được truyền hình trực tiếp ngày 25/11/2011, (cựu) Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khiến hàng triệu người Việt trong và ngoài nước “nức lòng nức dạ” khi lên tiếng đề nghị Quốc hội “sớm có luật biểu tình để nhân dân thực hiện quyền đã được ghi trong Hiến pháp”.

Cùng bày tỏ thái độ ủng hộ luật biểu tình, nhưng với quãng cách thời gian gần 7 năm, bối cảnh khi hai nhân vật lãnh đạo hàng đầu của chế độ lên tiếng về chủ đề này có gì giống nhau?

Khi (cựu) Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trước diễn đàn Quốc hội ngày 25/11/2011 thì các cuộc biểu tình chống Trung Quốc đang bị ngăn chặn gắt gao và đàn áp thẳng tay, sau khi UBND TP Hà Nội ban hành bản Thông báo cấm biểu tình ngày 18/8/2011, vu cáo những người biểu tình chống Trung Quốc là “gây rối Thủ đô” và bị “các thế lực chống đối trong và ngoài nước” kích động.

Đông đảo người Việt trong và ngoài nước đã lên án bản Thông báo vi hiến và phi quy cách đó của chính quyền Hà Nội, đồng thời yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam ban hành luật biểu tình để điều chỉnh một quyền tự do của người dân vốn đã được quy định trong Hiến pháp ngay từ năm 1946. (Theo nhà báo Huy Đức, không ai khác mà chính “đồng chí X” mới là “tác giả” đích thực của bản Thông báo cấm biểu tình đầy tai tiếng nói trên.)

Khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu “đồng ý rằng cần luật biểu tình” trước cử tri ngày 19/6/2018, các cuộc biểu tình phản đối Dự luật Đặc khu và Dự luật An ninh mạng của người dân tại nhiều nơi trên cả nước đang bị nhà cầm quyền hoặc ngăn chặn gắt gao hoặc đàn áp khốc liệt, đặc biệt là các cuộc biểu tình diễn ra ngày 17/6/2018.

Một lần nữa, đông đảo người Việt lại lên án hành vi đàn áp người biểu tình và yêu cầu nhà cầm quyền CSVN phải trả “món nợ” luật biểu tình cho nhân dân.

Tháng 11/2011 là thời gian mà chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đang đứng trước nguy cơ bị truy vấn trách nhiệm về những món nợ quá hạn của Vinashin và nguy cơ sụp đổ của một loạt ngân hàng, trong khi lạm phát lên đến hơn 18%, chưa kể vô số tai tiếng tham nhũng cùng tình trạng các nhóm lợi ích dưới sự bảo trợ của ngài Thủ tướng tha hồ tác oai tác quái. Tức là uy tín của “đồng chí X” đã xuống đến tận đáy.

Tháng 6/2018 là thời gian mà Chủ tịch nước Trần Đại Quang đang bị bủa vây bởi hàng loạt tai tiếng về tham nhũng: vụ “thượng tá tình báo chiến lược” Phan Văn Anh Vũ (Vũ ‘Nhôm’) trong Bộ Công an, vụ thượng tá Đinh Ngọc Hệ (Út ‘Trọc’) trong Bộ Quốc phòng, vụ Đại Quang Minh ở Thủ Thiêm (Sài Gòn), vụ nhiều dự án đội giá hàng ngàn tỷ VNĐ ở Ninh Bình, v.v. Nghĩa là, hình ảnh của ngài Chủ tịch nước cũng xuống thấp chưa từng thấy.

Đến đây thì hẳn mọi người đã hiểu là vì sao “tác giả” của bản Thông báo cấm biểu tình ngày 18/8/2011 lại hùng hồn đề nghị Quốc hội ban hành luật biểu tình, cũng như vì sao “nhân vật bảo trợ lớn nhất” cho Dự luật An ninh mạng lại bỗng nhiên bày tỏ “cần luật biểu tình”. Đơn giản, họ muốn lấy lòng công chúng để vừa vớt vát uy tín cá nhân, vừa cứu vãn cơ hội vươn tới ngôi vị quyền lực số 1.

Đừng nghe, hãy nhìn…

Gần 4 năm rưỡi tại nhiệm sau ngày 25/11/2011 ấy, “đồng chí X” không một lần trình dự luật biểu tình ra Quốc hội, bất chấp thực tế là ông ta có quyền và hoàn toàn có thể làm điều đó, ít nhất là để cho thiên hạ thấy mình không phải là một kẻ bịp bợm, đồng thời đẩy quả bóng trách nhiệm sang chân kẻ khác.

Còn đương kim Chủ tịch nước Trần Đại Quang thì sao? Xin thưa, ông ta thậm chí còn chẳng (dám) lên tiếng phản đối khi bị “kiểm duyệt” một cách thô thiển như vậy.

Hai câu chuyện liên quan đến hai nhân vật chóp bu của chế độ nói trên lại khiến người ta không khỏi nhớ đến câu phát ngôn của cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu: “Đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy nhìn những gì cộng sản làm!”

Bất luận thế nào, trong môi trường quyền lực, chúng ta không nên đặt niềm tin tuyệt đối vào bất cứ ai, bởi kẻ nắm giữ quyền lực ngày hôm nay rất có thể đã “lột xác” so với cùng con người ấy ngày hôm qua. Quyền lực vì thế cần thường xuyên được giám sát và kiểm soát.

Dù vậy, với tư cách một trong hàng chục triệu nạn nhân của một đạo luật mà ngài Chủ tịch nước là “nhân vật bảo trợ chính”, tôi vẫn phản đối việc nhân vật quyền lực số 2 của chế độ bị “kiểm duyệt” theo kiểu cách như trên. Một xã hội thiếu sự hiện hữu của quyền tự do ngôn luận cùng một nền báo chí tự do nghĩa là nó đã bị tước đoạt hai trong số những thiết chế quan trọng nhất để giám sát quyền lực nhà nước một cách hữu hiệu.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Chủ Nhật, 19 Tháng Mười Một 20179:00 CH
Ngược với toàn bộ loài người, ở Việt Nam, đảng cộng sản thành lập các trường chính trị đào tạo cán bộ lãnh đạo.
Chủ Nhật, 19 Tháng Mười Một 20178:00 CH
Được đánh giá là lực lượng lao động quan trọng nhưng nữ công nhân nhiều nơi đang trong tình trạng "5 không": không nhà cửa, không gia đình, không tình yêu, không vui chơi giải trí, không thể dục thể thao"
Chủ Nhật, 19 Tháng Mười Một 20174:00 CH
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu bị Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phê bình vì không thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết tố cáo của doanh nghiệp
Chủ Nhật, 19 Tháng Mười Một 201711:59 SA
Đa số các nhà tham gia và vô địch chương trình Đường Lên Đỉnh Olympia, gọi Olympia cho ngắn, là Bắc Kỳ. Đừng hiểu sai tôi, những bạn vô địch
Chủ Nhật, 19 Tháng Mười Một 20173:30 SA
Một chế độ chính trị mạnh hay yếu được biểu hiện qua 3 khả năng cơ bản: Khả năng cung cấp dịch vụ an sinh thiết yếu; Khả năng bảo tín an ninh tiền tệ và bí mật
Chủ Nhật, 19 Tháng Mười Một 20171:00 SA
Vậy bạn có phải là người có ăn học không, hay chỉ là người có bằng cấp. Ở đất nước này, người có bằng cấp thì đầy nhưng người có học thì quá ít.
Thứ Bảy, 18 Tháng Mười Một 20173:30 SA
Nhân dịp Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ muốn lập dự án đào tạo 9.000 tiến sỹ với số tiền 12.000 tỷ đồng
Thứ Sáu, 17 Tháng Mười Một 20178:05 SA
Một nhóm các nhà hoạt động của Việt Nam ở Hà Nội vừa có cuộc gặp với một số thành viên của đoàn ngoại giao EU trong một sự kiện được cho là
Thứ Tư, 15 Tháng Mười Một 201711:00 CH
Sau lũ gà u mê, đàn dê lạc lối thì giờ đây, những gói mì tôm lại “lầm đường”…Và lại vẳng đâu đây, lời của bà Nguyễn Thị...
Thứ Ba, 14 Tháng Mười Một 201710:00 SA
Tình trạng tham nhũng tràn lan đang là vấn đề nhức nhối gây bức xúc dư luận. Hàng loạt những đại án như Vinalines (Dương Chí Dũng), Ocean Bank (Hà Văn Thắm), Ngâ