Thích Thanh Thắng - Đừng để bị đồng tiền dẫn dắt

Thứ Bảy, 24 Tháng Hai 202411:50 SA(Xem: 474)
Thích Thanh Thắng - Đừng để bị đồng tiền dẫn dắt

phat_93

Tôi rất nhớ những câu nói mà thế hệ xưa đến chùa, chẳng hạn khi bỏ đồng tiền ra công đức họ gọi là “cho con gửi thêm giọt dầu cúng Phật”. Hay khi có những sự kiện như xây chùa, đúc chuông, cần công đức nhiều hơn họ cũng nói “cho con góp gọi là một ly một lai”.

Số tiền (tịnh tài tịnh vật) đóng góp ra sao thì việc nói tránh nói giảm không chỉ là khiêm nhường, mà còn là cách bớt đi lòng tham và tính ngã mạn.

Có câu chuyện kể về việc đúc chuông không thành, do ông thầy khinh chê đồng tiền nhỏ bé giắt thắt lưng của một bà cụ. Ông ném đồng tiền đó ra ngoài. Chuông đúc đi đúc lại vẫn thủng một lỗ nhỏ bằng đồng tiền và đánh không kêu.

Sau ông thầy hối hận, sám hối, cho đi tìm đồng tiền đó bỏ vào, khi ấy chuông đúc mới thành và đánh mới ngân.

Kể ra câu chuyện trên không phải để so sự nhiều ít, cao thấp của đồng tiền. Bởi đồng tiền nhỏ của bà cụ không chỉ là tâm thành mà còn là “khối tài sản” duy nhất thiết thân.

Nhận tiền công đức của tín đồ là phải nghĩ ngay rằng nó dành cho việc công chứ không phải việc tư. Tiền ấy sử dụng đúng mục đích thì gọi là như pháp như luật, thanh tịnh thí và thanh tịnh nhận. Tiền giọt dầu để thắp sáng điện Phật, dư giả thì hương hoa, oản quả vừa đủ trang nghiêm.

Tiền công đức có nhiều hơn nữa thì lo cho các việc tu bổ chùa, nuôi tăng chúng ăn học, từ thiện xã hội. Có thể hiểu đó là việc lấy công lập đức và lấy đức lập công.

Trang nghiêm ngôi chùa bằng cái tâm từ bi thêm vui bớt khổ đối với chúng sinh của vị trụ trì, chứ không phải tô vẽ ra nhiều sự lộng lẫy, kỷ lục này kia.

Nên nhớ căn phòng, chiếc giường ông thầy tu nằm, cái y ông thầy tu mặc cũng có quy định thước tấc. Còn bữa cơm dù chay hay mặn (theo mỗi truyền thống) cũng không ai ăn nhiều đến mức không thể đứng dậy nổi. Mọi việc đều có giới chế định phòng hộ để người xuất gia dù ăn ngủ, đi đứng nằm ngồi cũng không đi quá giới hạn.

Để tránh đánh đồng cũng xin nói thêm, dù mọi hiện tướng của nền văn minh đều là phô khoe sự xa hoa lộng lẫy gây choáng ngợp, nhưng không phải ai ở trong một cung điện khang trang to đẹp cũng có lối sống xa hoa.

Tuy nhiên, cũng đừng trách người đời phê bình tu sĩ có lối sống lộng lẫy xa hoa, mà cần nhìn thẳng vào những chỉ trích ấy xem, chúng ta đã bày biện ra những gì cho thiên hạ thấy.

Những người xuất gia mang tâm hình dị tục đã thể hiện sự giống và khác nhau thế nào với người đời, để người ta không phải nhắc câu “phá giới không bằng phá kiến”.

Một số người có chức sắc cao trong giáo hội mà cứ lấy việc có quan chức, đại gia vây quanh làm hãnh diện, thì bảo sao người dưới chẳng bắt chước làm theo.

Người đến với chúng ta, nếu chúng ta yêu mến, kính quý, ngưỡng mộ phẩm chất của họ thì xu hướng sống của chúng ta sẽ hướng về sự tốt đẹp của phẩm chất. Còn nếu chỉ biết chạy theo danh lợi đồng tiền, lấy đó làm thước đo cho uy danh, “phước đức” thì sẽ bị đồng tiền sai xử, dẫn dắt mà thôi.

THÍCH THANH THẮNG 23.02.2024
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn