Chụp lại video,

Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc 'rút ruột' ngân hàng SCB 304.000 tỷ đồng như thế nào?

Trong vụ án Vạn Thịnh Phát, dư luận từng xôn xao về ba nhân vật có liên quan bất ngờ qua đời và các cựu lãnh đạo, cán bộ ngân hàng SCB đang bỏ trốn.

Đầu tiên là ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch Chứng khoán Tân Việt, thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) độc lập của ngân hàng SCB “bị đột quỵ" (theo cáo phó của gia đình), ngay trước khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt vào ngày 7/10/2023.

Tiếp đến là bà Nguyễn Phương Hồng, bị can được thông báo đã bị bắt cùng doanh nhân Trương Mỹ Lan ngày 7/10/2023, bất ngờ qua đời vào ba ngày sau đó. Bà Hồng được giới thiệu là trợ lý Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát nhưng đồng thời cũng là thành viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng SCB.

Ông Nguyễn Ngọc Dương, Giám đốc Công ty Sài Gòn Penninsula, kiêm cựu Tổng Giám đốc Công ty Vạn Phát Hưng, cũng đột ngột qua đời vào ngày 14/10/2022.

Năm bị can bị truy nã trong vụ Vạn Thịnh Phát đều là những người nắm chức vụ quan trọng hoặc là thành viên chủ chốt của ngân hàng SCB. Trong đó, bà Nguyễn Thị Thu Sương (cựu Chủ tịch HĐQT SCB) cùng ông Trầm Thích Tồn (cựu thành viên HĐQT SCB) có mối quan hệ thân thiết với bà Trương Mỹ Lan.

Năm người 'lọt lưới' là ai?

Ngày 19/2, TAND TP HCM cho hay đã ban hành văn bản thông báo kêu gọi 5 bị cáo đang bị truy nã trong vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm ra đầu thú "để được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước; hợp tác với các cơ quan tiến hành tố tụng để đảm bảo quyền bào chữa, quyền tự bào chữa theo quy định tại Điều 16, Điều 61 bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015".

“Trường hợp các bị cáo không ra trình diện hoặc đầu thú coi như từ bỏ quyền tự bào chữa và sẽ bị xét xử vắng mặt,” thông báo nêu rõ.

Năm nhân vật hiện đang bỏ trốn gồm: Nguyễn Thị Thu Sương (50 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT SCB), Đinh Văn Thành (53 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT SCB), Nguyễn Lâm Anh Vũ (55 tuổi, cựu Phó Giám đốc Chi nhánh Bến Thành của SCB), Chiêm Minh Dũng (51 tuổi, cựu Phó Tổng Giám đốc SCB) và Trầm Thích Tồn (63 tuổi, cựu thành viên HĐQT SCB).

Nhóm năm cựu lãnh đạo, cán bộ của SCB đang bị truy nã, gồm bị cáo Sương, Thành, Vũ, Tồn, Dũng (từ trái qua phải, từ trên xuống dưới).

Nguồn hình ảnh, BỘ CÔNG AN

Chụp lại hình ảnh,

Nhóm năm cựu lãnh đạo, cán bộ của SCB đang bị truy nã, gồm bị cáo Sương, Thành, Vũ, Tồn, Dũng (từ trái qua phải, từ trên xuống dưới)

Trong đó, bà Nguyễn Thị Thu Sương là người từng làm việc dưới trướng bà Trương Mỹ Lan vào năm 2008. Giai đoạn ̣đó, bà Sương là trợ lý Ban Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Vạn Thịnh Phát. Theo thông tin từ công an, bà Sương trước đó làm cho Ngân hàng TMCP Đệ Nhất- một trong ba ngân hàng sáp nhập thành SCB từ tháng 12/2011.

Bà Sương được cho là đã ký duyệt cho 79 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát vay 79 khoản. Dư nợ còn lại tính đến ngày 17/10/2022 là hơn 55.000 tỷ đồng.

Ông Đinh Văn Thành làm việc tại Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (một trong ba ngân hàng tiền thân của SCB hiện nay).

Theo công an, từ ngày 28/6/2012 đến ngày 6/12/2020, ông Thành với vai trò là Chủ tịch Hội đồng tín dụng Hội sở, Chủ tịch HĐQT SCB đã ký duyệt cho 268 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát vay 479 khoản. Tính đến ngày 17/10/2022, dư nợ của nhóm khách trên là hơn 422.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Lâm Anh Vũ - cựu Phó Giám đốc Chi nhánh Bến Thành, SCB - bị cáo buộc đã ký 112 tờ trình thẩm định, 36 hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp tài sản đồng ý cho 112 khách hàng cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay 112 khoản tại SCB. Dư nợ đến ngày 17/10/2022 là hơn 4.400 tỷ đồng.

Ông Chiêm Minh Dũng cũng từng làm việc ở cả hai ngân hàng là tiền thân của SCB hiện nay là Ngân hàng SCB cũ và Ngân hàng TMCP Đệ Nhất. Ông Dũng đã cho 305 khách hàng của Vạn Thịnh Phát vay 362 khoản; dư nợ hiện tại là hơn 126.000 tỷ đồng.

Giống bà Sương, ông Trầm Thích Tồn cũng từng kinh qua các chức vụ từ Phó Giám đốc, Giám đốc đến Tổng Giám đốc của các công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát. Ông Tồn bị cáo buộc có trách nhiệm đối với 80 khoản vay của 80 khách hàng thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.

Ba cái chết bất ngờ

Đầu tiên là ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch Chứng khoán Tân Việt (TVSI), thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) độc lập của Ngân hàng SCB.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và công ty Tân Việt từng ra thông cáo ông Nguyễn Tiến Thành, sinh năm 1973 "đã đột ngột qua đời vào ngày 6/10/2022".

Tờ Tuổi Trẻ ngày 7/10/2022 viết, theo thông tin ban đầu, nguyên nhân cái chết của ông Thành là do "đột quỵ".

Cáo phó của gia đình ghi rằng ông Thành mất lúc 22 giờ 50 phút ngày 6/10/2022.

Thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội về việc ông Nguyễn Tiến Thành qua đời "đột ngột"

Nguồn hình ảnh, ỦY BAN CHỨNG KHOÁN HÀ NỘI

Chụp lại hình ảnh,

Thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội về việc ông Nguyễn Tiến Thành qua đời "đột ngột"

Trong khi đó, theo hình ảnh mà báo Thanh Niên đăng, xe công an đã có mặt khám xét nơi ở của bà Lan lúc 1 giờ sáng ngày 7/10/2022. Bà Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân, Nguyễn Phương Hồng và ông Hồ Bửu Phương bị Bộ Công an khám xét nơi ở và bắt giữ vào rạng sáng ngày 7/10/2022.

Như vậy, ông Nguyễn Tiến Thành qua đời chỉ khoảng 2-3 tiếng đồng hồ trước khi bà Trương Mỹ Lan cùng các bị can nói trên bị bắt tạm giam. Thời điểm đó, Google Xu hướng (Google Trends), từ khóa đứng đầu là liên quan đến việc Chủ tịch Chứng khoán Tân Việt, thành viên HĐQT độc lập SCB Nguyễn Tiến Thành qua đời đột ngột.

Cái chết của ông Thành cùng với việc bà Trương Mỹ Lan bị bắt sau đó đã góp phần khiến người dân gửi tiền hoặc mua trái phiếu ở ngân hàng SCB qua công ty Tân Việt đổ xô đi rút tiền.

Ông Thành cũng là chồng của bà Tống Thị Thanh Hoàng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Theo kết luận điều tra của Bộ Công an, Công ty Chứng khoán Tân Việt nằm trong nhóm "định chế tầi chính", thuộc hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát.

Trong vòng ba ngày, hai thành viên HĐQT của Ngân hàng TMCP Sài Gòn SCB đã qua đời
Chụp lại hình ảnh,

Trong vòng ba ngày của tháng 10/2022, hai thành viên HĐQT của Ngân hàng TMCP Sài Gòn SCB đã qua đời

Chỉ vài ngày sau đó, ngày 10/10/2022, bà Nguyễn Phương Hồng, người bị bắt cùng lúc với bà Trương Mỹ Lan, cũng đột ngột qua đời. Bà Hồng là trợ lý Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, kiêm thành viên HĐQT của SCB.

Điểm bất thường còn ở chỗ, một số trang báo như Pháp luật TP HCM, Vietnamnet, Vietstock, Viez,.., đã đưa tin về việc bà Nguyễn Phương Hồng qua đời nhưng đồng loạt xóa bài sau đó. Một nguồn tin khi đó tiết lộ cho BBC biết rằng "có chỉ đạo miệng" về việc gỡ các bài viết liên quan tới bị can Nguyễn Phương Hồng.

Không chỉ tin tức về cái chết của bà Hồng bị xóa, việc bà Hồng là thành viên Hội đồng Quản trị của SCB cũng bất ngờ bị gỡ khỏi website của ngân hàng này, theo ghi nhận của BBC.

Trước khi rút tin, tờ Pháp Luật TP HCM đã đăng bài về cái chết của bà Hồng:

"Tối ngày 10/10, gia đình phát tang bà Nguyễn Phương Hồng tại nhà riêng ở đường Nam Hòa, phường Phước Long A, TP Thủ Đức, TP.HCM."

Tờ này mô tả khu vực đám tang bà Hồng có nhiều dân quân tự vệ, cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động, công an phường tuần tra.

Tuy nhiên, không bài viết nào đề cập đến nguyên nhân cái chết cũng như việc bà Hồng qua đời tại địa điểm nào, có phải trong lúc bị tạm giam hay không.

Bài viết về việc bà Nguyễn Phương Hồng qua đời đã bị gỡ khỏi trang Pháp Luật TP HCM
Chụp lại hình ảnh,

Bài viết về việc bà Nguyễn Phương Hồng qua đời đã bị gỡ khỏi trang Pháp Luật TP HCM

Theo thông tin chính thức, chỉ biết bà Nguyễn Phương Hồng bị bắt cùng đợt với bà Trương Mỹ Lan, vào khoảng hai giờ sáng ngày 7/10 như đã phân tích trên.

Cáo phó của gia đình viết bà Hồng qua đời lúc 3 giờ 30 phút ngày 9/10/2022, hưởng dương 39 tuổi.

Tuy nhiên, ngày giờ trên cáo phó của bà Hồng có dấu vết chỉnh sửa. BBC đã liên hệ với cơ sở mai táng cho bà Hồng. Cơ sở này đã xác nhận có thực hiện dịch vụ tang lễ cho bà Hồng tại khu vực nói trên.

Chưa hết "bàng hoàng" với hai cái chết trên, mạng xã hội vào ngày 14-15/10/2022 chia sẻ hình chụp bản cáo phó của ông Nguyễn Ngọc Dương, Giám đốc Công ty Sài Gòn Penninsula, kiêm cựu Tổng Giám đốc Công ty Vạn Phát Hưng, cũng đột ngột qua đời. Nguyên nhân cái chết chưa được làm rõ.

Một người đại diện của nhà tang lễ Vãng Sanh Đường, chùa Vĩnh Nghiêm, quận 3, TP HCM, xác nhận với báo Người Việt tại California qua điện thoại ngày 17/10 rằng đám tang ông Nguyễn Ngọc Dương đã được tổ chức tại đây.

Về vai trò của ông Dương, kết luận điều tra của Bộ Công an xác định ông "phối hợp" tạo các công ty ma nhằm vay vốn khống, rút tiền từ ngân hàng SCB.

Theo mô tả trong kết luận điều tra, ông Nguyễn Ngọc Dương đã chỉ đạo cấp dưới tìm người nhận đứng tên theo yêu cầu để đứng tên khoản vay tại ngân hàng SCB, đứng tên đại diện pháp luật công ty "ma"; mở tài khoản nhận tiền, rút tiền mặt, phục vụ cho các mục đích của bà Trương Mỹ Lan.

Tới tận 29/10/2022, người phát ngôn Bộ Công an, ông Tô Ân Xô mới lần đầu lên tiếng về các bị can qua đời trong vụ Vạn Thịnh Phát tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ.

Ông Xô nói: "Trong quá trình tố tụng có bị can và một số người liên quan qua đời do đột tử. Điều này tất nhiên sẽ gây thêm khó khăn cho quá trình điều tra. Tuy nhiên, với quyết tâm của lực lượng thực thi pháp luật, điều này không gây ảnh hưởng, vụ việc chắc chắn sẽ được làm rõ, làm đúng pháp luật, đảm bảo đúng người đúng tội."

Từ đó đến nay, Bộ Công an không nhắc gì thêm về những cái chết bất thường kể trên.