Thực trạng đàn áp người H'Mông theo đạo Tin Lành qua câu chuyện gia đình Vàng Đức Sơn

Thứ Sáu, 02 Tháng Hai 20244:00 SA(Xem: 344)
Thực trạng đàn áp người H'Mông theo đạo Tin Lành qua câu chuyện gia đình Vàng Đức Sơn
rfa.org

Thực trạng đàn áp người H'Mông theo đạo Tin Lành qua câu chuyện gia đình Vàng Đức Sơn

Cao Nguyên

Ông Vàng Đức Sơn cùng gia đình tám người đến Mỹ định cư hồi tháng 9/2023, sau gần 12 năm đào thoát khỏi Việt Nam và tị nạn ở Thái Lan. 

Trước khi rời khỏi Việt Nam, ông Sơn là một tín đồ theo đạo Tin Lành người sắc tộc H’Mông sinh sống ở huyện Mường Nhé, Điện Biên. Ông đã rất nhiều lần bị chính quyền sách nhiễu, câu lưu và không cấp giấy tờ tuỳ thân chỉ vì niềm tin tôn giáo của mình.

Tháng 5/2011, ông Sơn cho biết mình bị công an truy lùng sau khi cùng với khoảng 7.000 người H’Mông khác biểu tình phản đối chính quyền thu đất của người H’Mông giao của các doanh nghiệp. Vụ việc này khiến ông Sơn phải quyết tìm đường chạy khỏi Việt Nam.

Ngày 30/1, ông Sơn có mặt tại Hội nghị Tự do Tôn giáo Quốc tế 2024 để lên tiếng về thực trạng chính quyền Việt Nam đàn áp người sắc tộc H’Mông theo đạo Tin Lành ở Việt Nam như thế nào. Sau đó, ông cũng dành cho RFA một cuộc phỏng vấn để chia sẻ rõ nét hơn về câu chuyện của mình.

Người H’Mông theo đạo Tin lành bị đàn áp

Cao Nguyên: Chào anh Vàng Đức Sơn, được biết anh vừa đến Hoa Kỳ định cư hồi tháng 9/2023. Xin anh chia sẻ về nguyên do mà anh rời khỏi Việt Nam rồi đến Thái Lan xin tị nạn?

Vàng Đức Sơn: Tôi là Vàng Đức Sơn. Hiện tại, bây giờ tôi rất vui vì gia đình đã qua đây sau đời sống rất khó khăn 11 năm tị nạn ở Thái Lan hiện tại thì gia đình Cũng đang rất vui.

Việc tôi rời khỏi đất nước Việt Nam là quê hương của tôi, vì sao tôi phải chạy trốn đi xin tị nạn, đó là vì tôi là một thầy giảng đạo trong Hội thánh. Tôi đã nhiều lần bị chính quyền và công an đàn áp bắt bớ về việc tôi là một thầy truyền đạo, phụ trách một nhóm một hội thánh nhỏ ở trong đất nước Việt Nam.

Cao Nguyên: Ở Việt Nam có rất nhiều người theo đạo Tin Lành. Ông nghĩ lý do vì sao mà những người khác cũng theo đạo Tin Lành mà không bị đàn áp, trong khi đó ông cũng là một người theo đạo Tin Lành lại bị đàn áp?

Vàng Đức Sơn: Có rất nhiều người là nhóm trưởng họ cũng không bị đàn áp. Tôi bị đàn áp nặng hơn là bởi vì tôi thường xuyên nói với chính quyền về Luật tôn giáo. Từ năm 2004 là chính quyền đã có chỉ thị về tôn giáo thì tôi cũng đã nhiều lần nói với chính quyền những khi tôi bị bắt và họ nói là chúng tôi vi phạm.

Chúng tôi lấy kinh thánh, vì chúng tôi là người H’Mông cho nên chúng tôi sẽ sử dụng bằng tiếng H’Mông. Đó là cái mà chính quyền quy tội chúng tôi rằng lấy tài liệu trái phép, tài liệu không có nguồn gốc xuất xứ, vì trong đất nước Việt Nam thì chính quyền không cho in kinh thánh bằng tiếng H’Mông.

Các kinh thánh H’Mông đó đều là do các mục sư và các thầy truyền đạo gửi từ Mỹ qua. Chúng tôi cũng thường xuyên sử dụng cả kinh thánh Việt Nam đối chiếu với nhau cho chính quyền nhưng mà họ vẫn không tin.

Cao Nguyên: Ông từng sinh hoạt với Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Bắc. Hội thánh này đã được Nhà nước công nhận cho phép hoạt động, thì Hội thánh đó đã đối xử như thế nào đối với những người tín đồ theo đạo Tin lành thuộc sắc tộc H’Mông như ông?

Vàng Đức Sơn: Hội thánh tin lành Việt Nam miền Bắc đã được Nhà nước công nhận. Người dân tộc H'Mông của chúng tôi bị chính quyền sách nhiễu, đàn áp thì đều thông báo hoặc viết đơn gửi tới Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Bắc .

Họ bảo là họ đã có gửi thư tới chính quyền địa phương nhưng mà chính quyền địa phương họ vẫn không tin. Họ bảo rằng đạo Tin Lành thì chỉ có ở Hà Nội.

Khi mà chúng tôi đối thoại với chính quyền, bảo là Hội thánh Tin Lành miền Nam và miền Bắc là cái nguồn của chúng tôi, thì họ (chính quyền - PV) bảo là nếu mà chúng mày muốn theo thì hãy xuống đó để ở, sống và thờ phượng Chúa, còn ở trên này hoặc là địa phương này họ chưa cho phép.

Quê của tôi là ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

Cao Nguyên: Chính quyền có cấp giấy tờ tùy thân cho ông và những người trong gia đình ông hay không?

Vàng Đức Sơn: Tôi 30 tuổi khi ở Việt Nam, vào năm 2006 có đi xin chụp chứng minh thư. Sau đó tôi không biết vì sao công an xã họ không cấp chứng minh thư cho tôi, họ cho công an huyện giữ, họ báo cho tôi bảo là cái hình của tôi bị cháy.

Lúc đó mình ở vùng sâu vùng xa thì cũng không cần bao nhiêu và mình là một người vốn không có giấy tờ từ nhỏ nên mình nhìn sự việc đó không có quan trọng gì.

Cho đến năm 2008, chính quyền huyện có mở một khóa đào tạo thi bằng lái xe máy thì tôi có đi đăng ký thi lấy bằng lái xe máy. Họ bảo nếu không có chứng minh thư thì không thể đăng ký được thì tôi mới đi xin chụp lại chứng minh thư.

Lúc tôi đi vào chỗ xin chụp lại chứng minh thư thì ông công an xem cái tên của tôi, xong rồi ông ấy bảo mày chính là Vàng Đức Sơn, mày không cần phải chụp nữa, chứng minh thư của mày ở đây. Ông ấy lấy cái chứng minh thư của tôi và bảo là nếu ông cần chứng minh thư thì phải chạy về xã kêu công an xã lên đây để lấy chứ ông ấy không cấp cho tôi.

Sống lẩn trốn trên đất Thái

VĐS.jpeg
Gia đình ông Vàng Đức Sơn được đến Mỹ định cư hồi tháng 9/2023. Ảnh: courtesy of Mạch Sống

Cao Nguyên:  Năm 2012, ông đã rời Việt Nam sang Thái Lan. Sự việc nào dẫn đến việc ông phải rời đi trong năm đó?

Vàng Đức Sơn: Trong năm 2012, chúng tôi bị chính quyền cấm không cho hoạt động tôn giáo và chúng tôi cũng bị chính quyền huyện Mường Nhé cướp đất của chúng tôi cho các công ty đến trồng cây cao su.

Trong tháng 5/2011, các tổ chức của người H’Mông, các hội thánh đứng lên để biểu tình ở chỗ huyện Mường Nhé. Tôi cũng là một người bị chính quyền đàn áp rất là nhiều.

Mình thấy là mình cũng nên lên tiếng thì tôi có đi dự các buổi biểu tình ở Mường Nhé. Sau đó chính quyền truy bắt tôi, tôi không sống được ở Việt Nam và đó là lý do tôi chạy sang Thái Lan.

Cao Nguyên: Ở trên đất Thái trong suốt hơn một chục năm mà không có giấy tờ thì cuộc sống của gia đình ông như thế nào?

Vàng Đức Sơn: Cuộc sống tị nạn ở Thái Lan thì rất là khổ. Mình không thể đi làm được vì đất nước Thái Lan họ không ký vào công ước cho người tị nạn. 

Cao ủy tị nạn ở Thái Lan nhưng mà họ không thể bảo vệ được mình và cảnh sát Thái Lan muốn bắt mình khi nào thì họ bắt.

Mình không thể đi làm được. Tôi phải đi làm chui, nếu gặp được những chủ nào tốt bụng thì họ sẽ trả tiền cho mình, còn những chỗ nào mà họ xấu thì mình đi làm một tuần thì họ chỉ trả có ba ngày thì mình cũng không nói được cái gì, vì mình không có giấy tờ gì hết.

Cao Nguyên: Trong suốt 10 năm đó thì ông và người nhà có bao giờ bị cảnh sát Thái bắt không?

Vàng Đức Sơn: Tôi có nhiều lần bị bắt chứ! Đi làm bị cảnh sát nó bắt, phạt tiền. Có lúc ông chủ cũng giúp thì mình mới thoát. Tôi có bị bắt hai lần. Có một lần bị đi vào ở trong trại giam ba đêm và có một lần ở một đêm. Nhưng mà may là lúc đó gặp được ông chủ tốt thì họ cũng đi bảo lãnh.

Cao Nguyên: Ông sinh hoạt tôn giáo ở Thái Lan như thế nào?

Vàng Đức Sơn: Lúc đến Thái Lan thì tôi cũng đi nhóm nhà thờ Thái, ở Thái Lan thì có tự do tôn giáo.

Cao Nguyên: Trải qua 11 năm, từ 2012 cho đến năm 2023, điều gì ông cho là khó khăn nhất trong hành trình tị nạn của mình?

Cao Nguyên: Tất cả đều rất khó khăn. Trong thời gian xin tị nạn là khó khăn nhất, bởi vì mình sống bất hợp pháp trên đất nước của người ta, mình không thể đi kiếm ăn được. Và ở đất nước Thái Lan thì cũng không có bảo vệ người tị nạn, cho nên cũng có rất nhiều người bị chính quyền Cộng sản đến bắt và gửi về Việt Nam. Đó là một cái mà khổ nhất.

Cao Nguyên: Có bao giờ ông có ý nghĩ là sẽ quay trở về Việt Nam hay không, bởi vì ở Thái Lan khổ quá?

Vàng Đức Sơn: Không. Bởi vì tôi đã biết là mình không thể quay về Việt Nam được. Mình đã bị chính quyền Việt Nam truy bắt, tôi không thể quay lại Việt Nam được.

Cao Nguyên: Vì sao hôm nay ông ở đây, tham dự Hội nghị Tự do Tôn giáo Quốc tế này?

Vàng Đức Sơn: Vì anh em các hội thánh ở trong nước cũng đang bị đàn áp rất mạnh, rất nặng nề. Tôi cũng là một người hoạt động xã hội dân sự, viết báo cáo tự do tôn giáo từ năm 2016 cho đến hiện tại, thì hôm nay tôi đến đây cũng là vì các anh em ở trong nước vẫn chưa được tự do cho nên tôi mới đến dự hội nghị này.

RFA xin chân thành cảm ơn ông vì đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này. Chúc ông và gia đình luôn mạnh khoẻ, bình an.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn