Sao bên điều tra không là cảnh sát mà là an ninh? ( Luật Trời Có Vay, Có Trả )

Thứ Sáu, 19 Tháng Giêng 20246:56 SA(Xem: 758)
Sao bên điều tra không là cảnh sát mà là an ninh? ( Luật Trời Có Vay, Có Trả )
rfa.org

Vụ ông Nguyễn Công Khế: sao bên điều tra không là cảnh sát mà là an ninh?

Diễm Thi

Ngày 16 tháng 1 năm 2024, Cơ quan an ninh điều tra Công an TP Hồ Chí Minh ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với hai ông Nguyễn Công Khế và Nguyễn Quang Thông. Ông Nguyễn Công Khế là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần tập đoàn Truyền thông Thanh Niên, cựu Tổng Biên tập Báo Thanh Niên và ông Nguyễn Quang Thông - cựu Tổng Biên tập Báo Thanh Niên.

Theo tin từ truyền thông Nhà nước, các ông Khế và Thông đã không triển khai Dự án cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp tại khu đất số 151-155 Bến Vân Đồn, phường 6, quận 4, TP Hồ Chí Minh mà chuyển nhượng lòng vòng cho một số nhà đầu tư khiến khu ‘đất vàng’ trên rơi vào tay doanh nghiệp tư nhân. Hai ông Khế và Thông bị bắt về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” theo Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Luật sư Ngô Anh Tuấn nhận định:

“Cơ quan an ninh điều tra đa số làm các vụ án liên quan an ninh quốc gia và một phần liên quan đến an ninh kinh tế. Còn Cơ quan cảnh sát điều tra thì đa số liên quan đến trật tự xã hội. Nhưng trong trường hợp cần thiết thì cho dù không thuộc thẩm quyền, họ (Cơ quan an ninh điều tra –NV) vẫn có quyền đề nghị được phân công. Khi đó, Bộ trưởng Bộ công an sẽ phân công. Nhưng trong những vụ kinh tế như thế này thì bên Cơ quan an ninh điều tra họ làm cũng đúng thẩm quyền, không sai”.

Một số chuyên gia về luật pháp cho rằng, lẽ ra Cơ quan cảnh sát điều tra là nơi có thẩm quyền khởi tố và bắt giam ông Nguyễn Công Khế, chứ không phải là Cơ quan an ninh điều tra.

Án do Cơ quan An ninh Điều tra làm là án “bao ăn”! Nôm na, án ấy sẽ không bao giờ bị tòa án hủy hoặc sửa vì đặc quyền của cơ quan này, cho dù có chứng cứ hiển nhiên về việc điều tra, truy tố, xét xử oan sai đến mức nào đi nữa. - Luật sư Đặng Đình Mạnh

Luật sư Đặng Đình Mạnh, từng hành nghề luật sư ở Việt Nam trên 20 năm, hiện đang ở Hoa Kỳ, nói với RFA rằng, ông Nguyễn Công Khế bị bắt theo Điều 219 Bộ luật Hình sự, dù không thuộc và không liên quan đến nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia nhưng Cơ quan an ninh điều tra - Công an TP.HCM là đơn vị đứng ra thực hiện điều tra là có sự phân công của ông Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an. Ông phân tích:

“Án do Cơ quan an ninh điều tra làm là án “bao ăn”! Nôm na, án ấy sẽ không bao giờ bị tòa án hủy hoặc sửa vì đặc quyền của cơ quan này, cho dù có chứng cứ hiển nhiên về việc điều tra, truy tố, xét xử oan sai đến mức nào đi nữa. Đặc quyền ấy chỉ có thể xuất phát từ chủ trương mật từ cấp cao nhất là Bộ Chính Trị nhằm bảo đảm thuận lợi cho cơ quan này thực thi trách nhiệm chính là bảo vệ an ninh nội bộ, củng cố sự lãnh đạo độc tài, toàn diện của Đảng Cộng sản đối với đất nước và đàn áp chính trị trong nước.

Do đó, khi Cơ quan an ninh điều tra thực hiện điều tra vụ án hình sự, thì ý chí của cơ quan điều tra mới là luật. Các nguyên tắc pháp luật căn bản như “Suy đoán vô tội”, “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”, hoặc quyền bảo đảm có luật sư bào chữa… đều bị vô hiệu hóa, kể cả trong các thủ tục tố tụng sau đó như truy tố và xét xử.

Theo quy định tố tụng hình sự, thì thẩm quyền của Cơ quan an ninh điều tra nằm trong phạm vi điều tra những vụ án thuộc nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia, có yếu tố chính trị. Thế nhưng, trong một số trường hợp vẫn có thể mở rộng phạm vi điều tra các tội danh khác có liên quan an ninh quốc gia hoặc theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Công an để bảo đảm sự khách quan”.

Theo luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, hệ thống cơ quan điều tra trong công an bao gồm Cơ quan cảnh sát điều tra và Cơ quan an ninh điều tra. Trong đó, Cơ quan an ninh điều tra là cơ quan điều tra theo tố tụng hình sự của lực lượng an ninh, trực tiếp sử dụng biện pháp pháp luật để điều tra các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia và tội phạm khác theo thẩm quyền được giao. Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an cũng có thẩm quyền điều tra các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

f1e7b06d-6002-44fe-a846-5b6cb1719ee3.jpeg
ông an TPHCM đọc lệnh bắt giam ông Nguyễn Công Khế hôm 16/1/2023. Photo: Bộ Công An

Theo Luật sư Nguyễn văn Miếng, từng tham gia bào chữa nhiều vụ án kinh tế ở Việt Nam cho RFA hay, có những vụ án thực ra do Cơ quan cảnh sát điều tra làm nhưng lại có những văn bản của Cơ quan an ninh điều tra yêu cầu chuyển vụ án này cho họ làm theo sự sắp xếp từ Bộ công an mà người đứng đầu là Tô Lâm. Ông nói thêm:

“Thông thường những vụ án làm thất thoát tài sản của Nhà nước thì bên phòng cảnh sát kinh tế là PC03 sẽ đứng ra thụ lý. Đối với vụ ông Khế, tôi nghĩ có liên quan đến nhiều tỉnh thành hoặc liên quan đến nước ngoài thì thường họ sẽ chuyển qua Cơ quan an ninh điều tra. Chính Cơ quan Cảnh sát Điều tra hoặc Cơ quan an ninh điều tra có quyền sắp xếp những trường hợp mà họ cho rằng nghiêm trọng, và Cơ quan an ninh điều tra sẽ bốc hồ sơ ra để họ xử lý.

Không loại trừ khả năng từ trước đến nay, Cơ quan an ninh điều tra đã đứng đằng sau điều tra, và có thể họ thấy có liên quan an ninh quốc gia nên họ không chuyển qua Cơ quan Cảnh sát Điều tra. Việc này do Bộ công an chỉ định”.

Không loại trừ khả năng từ trước đến nay, Cơ quan An ninh Điều tra đã đứng đằng sau điều tra, và có thể họ thấy có liên quan an ninh quốc gia nên họ không chuyển qua Cơ quan Cảnh sát Điều tra. Việc này do Bộ công an chỉ định. - Luật sư Nguyễn văn Miếng

Theo nhận định của Luật sư Đặng Đình Mạnh, một khi vụ án được Cơ quan an ninh điều tra thụ lý từ ban đầu, nghĩa là bản án đã có. Việc giao điều tra, thực hiện những thủ tục tố tụng chỉ nhằm mục đích hợp thức hóa chủ trương từ bên trên mà thôi. Ông nói:

“Với diễn biến được biết về vụ án, mặc dù chỉ bắt đầu giai đoạn điều tra, nhưng chúng ta hầu như có thể biết trước việc tòa án tuyên ông Nguyễn Công Khế có tội và phải chịu sự chế tài là điều chắc chắn. Từ đó, cho phép chúng ta đưa ra suy đoán về thẩm quyền và kết quả điều tra như sau: Về thẩm quyền, suy đoán theo luật thì rõ ràng Bộ Công an đã e ngại sự không khách quan của Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Công an TP.HCM nếu họ được giao điều tra vụ án ông Nguyễn Công Khế. Về kết quả điều tra đã được định sẵn chủ trương rằng ông Nguyễn Công Khế phải có tội. Việc giao điều tra, thực hiện những thủ tục tố tụng chỉ nhằm mục đích hợp thức hóa chủ trương mà thôi. Trong trường hợp này, thì thuật ngữ “Án bỏ túi” mà dân gian thường dùng là hoàn toàn phù hợp”.

“Án bỏ túi” được cho là bản án được viết trước, khi tuyên án chủ tọa phiên tòa lấy ra đọc. Tuy nhiên, theo giải thích trong một bài viết trên báo Pháp Luật có tựa Nên hiểu đúng về “án bỏ túi”, thì “án bỏ túi đúng là bản án viết trước nhưng không phải tất cả bản án viết trước đều bị coi là “án bỏ túi”. Nếu bản án viết trước đó đúng pháp luật, được thông qua tại phòng nghị án, phản ánh đúng các tình tiết được xét hỏi công khai tại phiên tòa, phản ánh đúng diễn biến kết quả tranh tụng tại phiên tòa, có đủ chữ ký của các thành viên HĐXX, thì bản án đó không phải là “án bỏ túi”".

Ý kiến bạn đọc
Thứ Ba, 23 Tháng Giêng 202411:26 CH
Khách
Nghe tiềng luật sư ở sừ xhcn liêng mẹ no vao thùng giac và chạy xe ôm còn tôt hơn đò là một điêu hiêu biêt và không còn mang chữ ngu bẩm sinh công thêm cò IQ cao hơn .
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn