“Mì gói có rất nhiều dinh dưỡng” - câu chuyện càng lên cao càng đuối sức

Thứ Năm, 04 Tháng Giêng 20246:00 SA(Xem: 637)
“Mì gói có rất nhiều dinh dưỡng” - câu chuyện càng lên cao càng đuối sức
rfa.org

“Mì gói có rất nhiều dinh dưỡng” - câu chuyện càng lên cao càng đuối sức

Bình luận của Nguyễn Nhơn

Câu chuyện tại một trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học ở Lào Cai mấy hôm nay đã tràn lan trên mạng.

Ngôi trường nằm giữa rừng núi nhưng vừa được đầu tư xây dựng rất khang trang, nuôi ăn học 178 em nhỏ dân tộc thiểu số, gia đình rất khó khăn.

Trên bảng ghi bữa sáng mỗi học sinh là một gói mì + một quả trứng, buổi trưa và tối có thịt, xương, giò lụa và canh rau bí đỏ hoặc cải. Nhưng thực tế phóng viên VTV đến trường đã chứng kiến bọn trẻ chỉ được ăn sáng bằng cơm trắng chan mì gói nấu với rau. Cứ 11 đứa một bàn, mỗi bàn có một nồi canh gồm hai gói mì nấu với rau. Bữa trưa chỉ có một khay giò cắt nhỏ lèo tèo với canh rau, trong khi trên bảng thực đơn ghi có thịt heo, có xương heo nấu canh.

Trong nhà vệ sinh, hàng loạt bồn cầu ngồi trắng tinh sạch sẽ, rất lạ mắt với dân miền núi. Ngành giáo dục địa phương và có lẽ cả các nhà hảo tâm đã rất chăm chút cho ngôi trường.

Nhưng không có giấy vệ sinh.

Lũ trẻ hái lá su su có sẵn quanh trường dùng thay giấy rồi thả rơi xuống đất, nhét vào bồn cầu, nhét vào tất cả các khe kẽ chúng tìm được trong nhà vệ sinh.

Hiệu trưởng trường Hoàng Thu Phố 1, nơi xảy ra câu chuyện nói trên đã bị đình chỉ chức vụ. Đồng thời ông cũng nộp đơn từ chức, với lý do nhận thấy bản thân đã có trách nhiệm trong chỉ đạo điều hành, dẫn đến dư luận không tốt.

Còn vụ việc thì được cơ quan chức năng chuyển sang cho công an để điều tra.

“Chúng cháu vẫn sống tốt”

Một hot TikToker ở Việt Nam là Hoàng Hiệp Entertaiment chế ra một hoạt cảnh vụ hai gói mì. Trong đó, những đứa trẻ giơ đũa lên hát với phóng viên là “chúng cháu không sao đâu, chúng cháu vẫn sống tốt mà, mì gói có rất nhiều dinh dưỡng”.

Dinh dưỡng thì không nhưng ở một tỉnh biên giới, tại vài trường học nằm sâu trong rừng, tôi từng ăn những bữa mì gói ngon nhất trong đời.

Chỉ là mì gói thôi, loại rất thông thường rẻ tiền, không phải chua cay hay có thêm nấm hương, khoai tây vân vân. Sau những buổi làm việc dài trong giá rét, các thầy cô chui vào căn bếp mù mịt khói, nấu một nồi mì gói to cho tất cả cùng ăn. Hôm nào may mắn, sáng sớm các thầy đi đào được măng rừng về nấu chung với mì thì thành đại tiệc. Những lát măng tươi roi rói được những bàn tay đàn ông chém vội ra to dày kềnh càng, cứ thế lẫn trong nước mì mà vừa ngọt vừa giòn. Mùi mì thơm nồng quyện với mùi măng ngai ngái ngon đến chảy nước miếng. Mà nhất quyết phải là loại mì có chiên, sợi mì vàng sẫm, có thêm gói dầu ăn nồng nàn bỏ vào mới tuyệt hảo. Loại mì Udon trắng tinh không dầu hay mì được quảng cáo không chiên qua dầu giá đắt hơn chỉ dành cho các bà các cô thành thị thừa dinh dưỡng.

Trong những bản làng đơn độc sâu tít trong rừng thẳm, một giọt dầu ăn đỏ sẫm trong gói mì rẻ tiền cũng trở thành mỹ vị.

Vì, ăn cơm thì phải có thức ăn mặn, có rau làm món canh, xào, hầm, luộc… ăn kèm. Nhưng trên các vùng núi, nhất là các trường học miền núi, gạo ăn không được ngon. Nó nhạt, cứng và rời. Đã thế, thịt, cá, trứng, đậu phụ… những thực phẩm cơ bản của miền xuôi lại rất khó tìm ở nơi này, mà đắt. Ngay cả rau cũng hiếm.

Có những hôm các thầy cô đi bắt cá suối chỉ được một mẻ nhỏ lẫn tuốt tuột cả cá, tép riu, ốc con… Chẳng có gia vị ướp ủng gì cả, họ đem nấu chín hết lên rồi nêm vào ít muối mặn, là xong. Nó thành một cái món không ra kho cũng chả ra hầm. Vừa tanh, vừa sàn sạn.

Đôi lần được chủ tịch xã những vùng núi miền Trung chỉ đạo các cô giáo cắm bản làm vịt đãi khách thì nhớ đời. Một con vịt nguyên vẹn cứ thế đem chặt nhỏ toàn bộ kể cả chân đầu mỏ cánh, rồi vẫn công thức nêm ít muối vào nấu chín, không gia vị. Nó lổn nhổn, lõng bõng nước, tanh rình. Leo núi, lội ruộng cả ngày, bụng đói réo sôi nhưng nhìn thấy cái mỏ được chặt ra làm đôi trong nồi vịt, tôi chỉ cười cười cảm ơn chứ không nuốt nổi.

Có lẽ nói thẳng toẹt ra như thế sẽ có thể làm mếch lòng một số người, nhưng đó là sự thật. Có thể vì khẩu vị khác nhau, có thể do cái gu ẩm thực của mỗi người, mỗi vùng… nhưng cảm nhận thật lòng thế nào thì tôi nói thế.

Cũng may, các loại ớt rừng, tiêu rừng đều dễ tìm, lại ngon và thơm nên tôi chỉ cần một đĩa muối hạt giã ớt, tiêu rừng dập dập để cứu vớt những bữa cơm khi đi công tác dài ngày. Miếng thịt khá tanh mà chấm tí muối ớt tiêu rừng cũng dễ nuốt hơn rất nhiều.

Thực tế như thế nên một gói mì ăn liền nêm nhiều thứ gia vị mặn ngọt rất chiều cái lưỡi, lại chỉ cần nấu nước sôi thả vào là có ngay một tô nóng nóng nước nước bốc khói, chính là một món ngon của nhiều người nơi rừng sâu núi thẳm.

Những đứa trẻ hồn nhiên bưng bát cơm trắng chan nước mì với mấy lá rau xanh, chúng không giả tạo đâu. Chúng vẫn ngon miệng thật sự. Một phần, như các phóng viên VTV nhận định, do bọn trẻ đã quen nghèo khó và thiếu thốn nên được ăn cơm no đều đặn đã là tròn mơ ước. Lý do thứ hai: so với những bữa ăn thiếu thốn, tùy tiện và nhạt nhẽo ở gia đình chúng thì nước mì đã rất ngon.

Cái ăn, cái ở, việc học của trẻ em luôn luôn là chủ đề được nhiều người quan tâm. Ăn, ở, học hành của một lũ trẻ nghèo khó nhưng mặt mày sáng rỡ hồn nhiên, sống tận rừng núi xa mù lại càng làm rung lắc trái tim nhiều người hơn nữa.

Dư luận sôi sục suốt một tuần nay chứng minh sự quan tâm của xã hội Việt Nam với bọn trẻ miền núi cơ cực. Các cơ quan chức năng cũng đã xử lý rất nhanh chóng gọn ghẽ. Chỉ vài ngày sau khi sự việc bớt xén tiền ăn của trẻ bị phanh phui, bữa cơm của chúng đã có thịt heo, có xương nấu bí đỏ… đúng như tiêu chuẩn và thực đơn.

Một sự cố đã được dập tắt nhanh chóng. Sau đây, những kẻ được giao nắm quyền nắm tiền ở những vùng sâu vùng xa tương tự chắc cũng chột dạ đôi phần, để hoãn cái sự tham lam của mình lại được ít lâu.

Nhưng sâu trong rừng núi, vẫn còn rất nhiều trẻ em chưa được đến trường hoặc gia cảnh chưa đủ cực cùng nghèo khổ để được nhà nước nhận nuôi trong các trường bán trú/nội trú. Với gia đình chúng, mì gói vẫn “rất nhiều dinh dưỡng”, có thể thay cho tất cả các bữa ăn trong ngày.

Không hẳn vì nghèo

000_Hkg7965873.jpg
Trẻ em người H'mong mang các hộp đựng cơm trưa đã ăn từ trường về nhà ở huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái năm 2012 (minh họa). AFP

Thói quen ỷ lại

Tôi không rõ do tập quán, do thời tiết khí hậu khắc nghiệt hay do thói quen được Nhà nước bao cấp toàn bộ rất nhiều năm mà phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều vùng miền Bắc, miền Trung… mà tôi từng đến, đều sống rất nhàn rỗi. Nhàn rỗi trong nghèo khó. Đất đai mênh mông nhưng vô cùng hiếm người trồng rau, nuôi gà, nuôi lợn, dê, bò… để tăng thu nhập và cải thiện bữa ăn gia đình. Những lần lên bản, chủ nhà muốn đãi khách bằng gà vịt đều phải dặn trước hoặc đi lùng sục khá khó khăn mới mua được. Gạo được phát, đồng bào còn trồng thêm ngô (bắp), nhưng có không ít người đem phần lớn ngô, gạo nấu thành rượu, uống triền miên. Nhà cửa thường không được dọn sạch, chăm chút. Nhiều căn nhà chỉ che chắn sơ sài bằng phên nứa. Nồi niêu vứt lung tung. Cối gỗ, chày (để giã bắp) quẳng bừa ngoài vườn giữa cỏ dại và bùn lầy, giã xong vét ngô ra thì để nguyên chày cối không rửa chờ đến bữa sau. Gà tha hồ nhảy vào lòng cối nhặt vụn ngô còn sót lại. Nhiều gia đình không bao giờ giặt chăn hay áo ấm. Từng chồng chăn dày cao ngất cứ cáu đen và bóng loáng lên vì mồ hôi và bụi bẩn tích trữ lâu dài, chồng đống trong góc phản.  Bao giờ bẩn quá thì đem vứt, vì mỗi năm các đoàn thiện nguyện lại đem chăn nệm, áo ấm lên tặng, xài bao giờ hết.

Thói quen chờ đợi được người khác giúp đỡ, cho tặng có lẽ đã ăn sâu vào tâm thức của không ít người dân vùng núi. Tôi chứng kiến nó có ở các cán bộ xã huyện, các thầy cô giáo người dân tộc-những người đã được ăn học, bước chân và tâm trí đều đã đi xa hơn đa số đồng bào.

Cách đây vài năm, chúng tôi có dịp cùng một doanh nghiệp lớn lên sửa sang trường lớp cho một trường học tít tắp trong rừng biên giới. Ngôi trường có đến năm điểm trường lẻ ở cao và sâu hơn nữa trong rừng rậm. Đường đến trường chỉ là một vệt mòn nhỏ vượt qua rất nhiều con dốc. Trong rừng già gần như lúc nào cũng ẩm ướt đầy hơi nước, mặt dốc trơn trượt như đổ mỡ. Những con suối nhỏ chắn ngang đường, thanh niên phải buộc theo chiếc đòn tre già cứng chắc xóc vào hai đầu xe, mấy người cùng hò dô khiêng lên qua dòng nước xiết. Đường đến các điểm trường lẻ còn kinh hoàng hơn, nhiều đoạn cheo leo bên bờ vực mà chỉ rộng khoảng vài tấc, đủ cho bánh xe lăn thật khéo léo mới không nhào lăn xuống. Đá tảng sừng sững như những ngôi nhà mọc ngay giữa sân, trước cổng điểm trường, chân đá quá to và sâu nên khi làm trường, người ta cũng tính toán tốn kém không cần thiết nên không phá đi.

Doanh nghiệp nói trên ra tay rất hào phóng. Không chỉ làm lại sân, lớp học, lắp mái có pin năng lượng mặt trời, làm nhà vệ sinh… họ còn tỉ mỉ dùng tre tạo hình những chiếc cổng trường rất đẹp mắt và phù hợp khung cảnh chung quanh. Nhìn ngôi trường mới sửa sang, ai cũng trầm trồ.

Mới đây tôi có dịp ngắm lại chiếc cổng trường ấy. Buồn thay! Những đoạn tre ngắn xếp khít nhau tạo hình vành mặt trời đang chiếu nắng, trải qua thời gian không còn vàng óng như lúc đầu mà đã ngả màu xám xịt và xô lệch, có những thanh gãy rụng như răng bà lão. Để làm đẹp lại nó dễ lắm: tre rất sẵn ở vùng rừng đó, chỉ cần chọn những thanh tre đều nhau, cưa đúng theo kích cỡ có sẵn rồi đóng đinh lại theo khung là được. Thế nhưng chẳng ai làm, mặc dù trong trường khá đông thầy giáo trẻ khỏe và xốc vác.

Trường cũng kêu thiếu bàn học. Nhưng khi tôi đi chơi loanh quanh, tình cờ ngó vào hành lang nhỏ phía sau dãy lớp thì bắt gặp hàng đống bàn ghế còn tốt hoặc mới chỉ hư hỏng rất nhẹ bị vứt ngổn ngang mặc mưa nắng. Chỗ này nằm sát vách núi nên chẳng ai đến. Khách thường chỉ đi qua hành lang bên phía cửa lớn của lớp chứ chẳng ai thò vào đến tận chỗ khuất này làm gì. Tôi nhìn đống bàn ghế mà kinh ngạc và xót xa. Chỉ cần vài ngày công, ít tiền để siết lại chiếc chân long ốc hay thay chiếc chân bàn mới… là chúng lại ngon lành. Tại sao chúng cứ bị vứt ra đấy không ai tiếc xót?

Trong phòng đọc của trường bày rất nhiều truyện tranh. Những cuốn truyện in ở nước ngoài, giấy trắng tinh dày và dai, tranh in màu rực rỡ sắc nét, rất đắt tiền. Chắc hẳn đoàn thiện nguyện có yếu tố nước ngoài nào đó đã mang chúng đến tặng bọn trẻ, hy vọng thêm vào đời sống tinh thần nhạt nhòa của chúng những sắc màu và kiến thức tưng bừng mới mẻ.

Nhưng những quyển sách cứ được bày chỏng chơ như thế đúng nghĩa… trưng bày, chẳng thấy đứa trẻ nào vào đọc. Thầy cô cũng chẳng đọc. Những quyển sách đẹp đẽ, nội dung hay và rất đắt-xin nói lại lần nữa, dần dần quăn góc, úa vàng. Cuối cùng, chúng bị xé đi để dùng vào những việc… cấp bách và tuyệt đối riêng tư!

Có nhiều ngôi trường vùng núi khiến người ta nhìn vào rất dễ đau lòng. Vách thưng bằng phên tre lâu ngày mục nát, thưa rểnh, ngồi trong lớp không khác gì ngồi ngoài trời. Bọn trẻ tí xíu ngồi học trong lớp, chân trần, tay và má đỏ au lên vì lạnh, khiến bao nhiêu trái tim người miền xuôi chớp tắt liên hồi. Lại tiền, lại áo ấm cho em, lại giày mũ đổ lên để bù đắp.

Tại sao tre nứa và gỗ tạp trong rừng sẵn như thế nhưng chiếc phòng học vẫn bị để cho thủng lỗ hết năm này qua tháng nọ? Tại sao mỗi em nhỏ các vùng cao (phổ biến) hầu như đều được các đoàn thiện nguyện tặng ít cũng phải hai ba chiếc áo ấm mới, mà chúng vẫn cởi truồng, chỉ mặc áo vải rách?

Tại vì đóng thêm vài cây tre, vít lại chiếc ốc, cưa vài thanh gỗ sửa sang cho trường lớp lành lặn và an toàn lên thì cực thân. Mà chẳng ai trả cho các thầy cô khoản chi phí đó. Trong khi cứ để chúng rách rưới, tan nát như thế thì nhiễu động lòng người ghê lắm. Báo chí khắp nơi ùa về đăng những hình ảnh chấn động. Ti vi khóc nức nở. Cứ mùa đông hay giáp tết là các đoàn từ thiện rộn rã rủ nhau lên thăm và tặng quà đông như trẩy hội. Giá trị những món quà ấy, cái chân bàn hỏng làm sao dám so sánh?

Đồng bào quen sống chất phác, tâm tính hồn nhiên hay đã tập thói quen ỷ lại?

***

Vài năm nay đã có sự thay đổi ra mặt của các chính sách hỗ trợ đồng bào vùng sâu, xa, dân tộc thiểu số. Sau rất nhiều năm xa gần, bóng gió, quanh co, cuối cùng (hết chịu nổi), các báo cáo về xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ người nghèo nói toẹt móng heo luôn: “Một bộ phận nhỏ người dân vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý thức và hỗ trợ người khác vươn lên thoát nghèo bền vững…” (Báo cáo tại hội nghị sơ kết toàn quốc 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 tại TP Lào Cai ngày 17/11/2023).

“Công cuộc giảm nghèo như cuộc leo núi, càng lên cao càng đuối sức”-Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội, ông Đào Ngọc Dung nói.

Nên, hiện tượng 11 cháu bé được cho ăn cơm trắng chan với hai gói mì nấu canh chưa phải chuyện bức xúc nhất đâu. Bức, là bức tại sao mấy chục năm với hàng dãy trường sơn tiền của đổ vào rồi mà miền núi vẫn sâu, vẫn xa, vẫn nghèo, vẫn đói, vẫn khao khát trông mong cơm có thịt?

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn