Trần Tuấn Anh dính chàm: Hệ luỵ chế độ ‘thái tử Đảng’?

Thứ Năm, 21 Tháng Mười Hai 202312:47 SA(Xem: 847)
Trần Tuấn Anh dính chàm: Hệ luỵ chế độ ‘thái tử Đảng’?
voatiengviet.com

Trần Tuấn Anh dính chàm: Hệ luỵ chế độ ‘thái tử Đảng’?

VOA Tiếng Việt

Việc ông Trần Tuấn Anh, một trong số các thái tử Đảng ở Việt Nam, đối diện án kỷ luật do các sai phạm trước đây, ‘cho thấy sự thất bại’ trong công tác nhân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam mà đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, một nhà bất đồng chính kiến nói với VOA.

Ông Trần Tuấn Anh là con trai ông Trần Đức Lương, cựu chủ tịch nước. Ông hiện là thành viên của Bộ Chính trị đầy quyền lực của Đảng Cộng sản đồng thời là trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Vào Bộ Chính trị ở độ tuổi còn khá trẻ (khi đó ông 57 tuổi), ông Trần Tuấn Anh được các nhà quan sát cho là đầy triển vọng leo lên các chức vụ hàng đầu tại kỳ đại hội Đảng kế tiếp vào năm 2026 mà khi đó ông 62 tuổi.

Tuy nhiên, hôm 20/12, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan giám sát nội bộ tối cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã phát đi thông báo rằng ông Trần Tuấn Anh bị đề nghị kỷ luật do những vi phạm ‘gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục, nguy cơ thiệt hại rất lớn tiền, tài sản của Nhà nước, lãng phí nguồn lực xã hội, dư luận bức xúc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cơ quan quản lý nhà nước’.

Thông báo được đưa ra sau khi Ủy ban này họp trong ba ngày dưới sự chủ trì của ông Trần Cẩm Tú, chủ nhiệm Ủy ban, tờ Tuổi Trẻ cho biết.

Cụ thể, ông Anh được xác định có sai phạm khi còn là lãnh đạo Bộ Công thương từ năm 2016 đến năm 2021 ở vai trò Bộ trưởng, Bí thư Ban cán sự Đảng của cơ quan này.

Trong khoảng thời gian đó, Bộ Công thương đã có một loạt những sai phạm trong ban hành cơ chế phát triển điện mặt trời, điện gió, trong thực hiện Quy hoạch điện 7 đã điều chỉnh, trong điều hành kinh doanh xăng dầu, trong sử dụng tiền từ quỹ bình ổn giá và trong thẩm định, đấu thầu các dự án của Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC) của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, người hiện đang bị truy nã và xét xử vắng mặt.

“Ban cán sự đảng Bộ Công Thương (mà ông Trần Tuấn Anh là người đứng đầu) đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Bộ Công Thương và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước,” kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương được công bố cho biết.

Tuy nhiên, kết luận không nêu rõ vai trò cụ thể của ông Anh trong những sai phạm là như thế nào. Trước ông Anh, đã có những trường hợp như cựu phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh và cựu phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bị kỷ luật với trách nhiệm người đứng đầu vì đã để cấp dưới sai phạm trong các vụ việc ‘chuyến bay giải cứu’ hay ‘bộ xét nghiệm Việt Á’, sau đó tới lượt cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng ‘chủ động xin rút’ để nhận trách nhiệm về những sai phạm xảy ra dưới thời Chính phủ do ông làm thủ tướng.

Đây mới là đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và có kỷ luật hay không và kỷ luật đến mức nào còn cần Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương quyết định. Tuy nhiên, những quan chức bị quy trách nhiệm của người đứng đầu trước đó đều phải từ chức.

Cùng bị đề nghị kỷ luật với ông Anh còn có một loạt cựu lãnh đạo Bộ Công thương như các thứ trưởng, vụ trưởng, tổng cục trưởng, cục trưởng . Ngoài ra một số cựu lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam như cựu phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng bị xác định trách nhiệm liên đới. Cả hai ông Dũng này đều từng là ủy viên Trung ương Đảng.

Trách nhiệm chọn người

Ông Trần Tuấn Anh là người ‘năng lực rất kém’ và ‘không có thành tích gì cả’, ông Nguyễn Quang A, một nhà bất đồng chính kiến ở Hà Nội, nói với VOA và dẫn ra quá trình ông Anh xin vào làm ở Bộ Kế hoạch-Đầu tư sau qua Bộ Ngoại giao rồi Bộ Công thương ‘đều làm việc không ra gì’.

“Không hiểu sao ông ta lại đi lên vù vù như vậy,” ông nói và cho rằng sự thăng tiến của ông Trần Tuấn Anh ‘đầy khuất tuất’.

“Ông Trần Tuấn Anh thực sự đã rất là tai tiếng rồi mà cũng lại được đưa vào Bộ Chính trị. Bây giờ lại bảo ông ấy có sai phạm thế này thế kia. Thế thì ai đưa ông ấy vào Bộ Chính trị? Những người ấy có sờ tay lên gáy mà bảo rằng mình có sai phạm hay không,” ông A đặt vấn đề.

Chức vụ Trưởng Ban Kinh tế Trung ương của ông Anh bị ông Nguyễn Quang A cho là ‘vô thưởng, vô phạt’, ‘chẳng làm được cái gì cả’. Đây là cơ quan phụ trách nghiên cứu, tổng kết và chỉ đạo về đường lối kinh tế của Đảng.

Nếu ông Anh bị kỷ luật thì Khóa 13 mặc dù chỉ mới được nửa nhiệm kỳ đã có đến 3 ủy viên Bộ Chính trị, gồm cả ông Nguyễn Xuân Phúc và Phạm Bình Minh, rớt đài, cùng hàng loạt các ủy viên trung ương khác cả đương nhiệm lẫn về hưu cũng đã bị kỷ luật – điều chưa từng xảy ra trong lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trước kỳ Đại hội thứ 13, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhiều lần nhấn mạnh ‘kiên quyết không để lọt vào Ban chấp hành Trung ương những người không đủ phẩm chất đạo đức, năng lực, những phần tử tha hóa, cơ hội’. Ông A cho rằng ‘ông Trọng là người phụ trách cao nhất vịệc tuyển chọn nhân sự của Đảng’ nên ‘phải tự trách’ khi để xảy ra việc có nhiều người sai phạm như vậy.

“Chỉ cần nhìn vào những ông ủy viên Trung ương đã bị cách chức, bị tù. Chỉ cần nhìn vào hàng chục ông tướng bị bắt, bị hạ cấp, bị đưa vào tù thì ta có thể tin hay không tin vào lời nói rằng chính sách nhân sự của họ làm chặt chẽ,” nhà bất đồng chính kiến này lập luận.

Do đó, ông bày tỏ nghi ngờ đến Đại hội 14 công tác nhân sự của Đảng sẽ thực sự ‘bài bản, chặt chẽ, nghiêm túc, khách quan’ như lời Đảng tuyên bố.

‘Sản phẩm của độc tài’

Ông Trần Tuấn Anh thuộc diện ‘thái tử Đảng’, tức con em các cựu lãnh đạo cao cấp, được quy hoạch lên làm lớp lãnh đạo kế tiếp. Ngoài ông Anh còn có các ‘thái tử Đảng’ khác như Phạm Bình Minh, vốn cũng là ủy viên Bộ Chính trị và là con của cựu ủy viên Bộ Chính trị, Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Riêng cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hiện có hai người con trai ‘thái tử Đảng’ đang đương chức: Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị và Nguyễn Minh Triết, người vừa được tiếp tục cho giữ chức chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam.

Khi được hỏi về chế độ ‘thái tử Đảng’ này, ông A nói Đảng Cộng sản không bao giờ có chủ trương công khai nhưng ‘trên thực tế lại có trường hợp như vậy’. Ông gọi đó là ‘sản phẩm của chế độ độc tài’.

“Tôi nghĩ một chế độ rất thối nát nên mới không có cách chọn được những người thực sự có khả năng để làm việc mà chỉ chọn con ông cháu cha rồi phe cánh của nhau.”

Ông so sánh ‘thái tử Đảng’ với kiểu ‘con vua lại lên làm vua’ của thời phong kiến – một chế độ mà Đảng Cộng sản đả kích nhưng bây giờ lại làm giống như vậy.

“Bây giờ họ là vua tập thể,” ông A nói, nhắc lại lời mô tả của cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An.

“Chế độ là của Đảng, tự trong Đảng họ chọn người với nhau nên không minh bạch,” ông nhận xét và chỉ ra việc Đảng chọn con ông cháu cha lên làm lãnh đạo là vì ‘khi con cháu làm lãnh đạo thì sẽ không phản bội chế độ hay đào mả ông cha lên’.

Ông A đặt vấn đề tại sao những quan chức như ông Trần Tuấn Anh lúc sai phạm thì không ai thấy mà vẫn đề bạt ông lên những chức vụ cao hơn rồi để đến sau này mới phát hiện ra. Khi đó hậu quả gây ra đã rất nghiêm trọng.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn