“Cộng đồng chung vận mệnh”

Thứ Hai, 11 Tháng Mười Hai 20236:00 SA(Xem: 980)
“Cộng đồng chung vận mệnh”

Trương Nhân Tuấn

10-12-2023

Nếu ai đó có ý tìm hiểu ý nghĩa về “cộng đồng chung vận mệnh” của Trung Quốc là gì chắc người đó sẽ phải ngẩn ngơ, nếu họ coi các clip video của “báo lớn” Việt Nam hải ngoại. Đa số các học giả nói chung quanh về chuyện này với “giả định” rằng người nghe cũng hiểu nội dung “cộng đồng” này giống như họ. Các bài báo cũng vậy. Mỗi học giả bàn về cộng đồng này “theo cách hiểu” của họ.

Riêng GS Alexander Vuving trên BBC có ví von Tập Cận Bình thuyết phục các quốc gia gia nhập “cộng đồng chung vận mệnh” tương tự việc làm quảng cáo rao bán cái bình không rượu. Ý của GS A. Vuving là, nội dung của “cộng đồng chung vận mệnh” của Trung Quốc hoàn toàn chưa có.

Theo tôi, nếu ta hiểu biết ít nhiều lịch sử hiện đại của Trung Quốc, ta thấy nước này không có thói quen “lập liên minh”. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh Trung Quốc không “xếp hàng sau lưng” Liên Xô mà đứng riêng rẽ trong một “khối” gọi là “khối phi liên kết”. Theo tôi, trong tương lai Trung Quốc cũng sẽ không lập “liên minh”, kiểu Tây phương như NATO. Trung Quốc sẽ có những “sáng kiến” khác hẳn, có thể gây nhạc nhiên cho nhiều người.

Văn minh Trung Hoa có quan niệm khác biệt với phần còn lại của thế giới về “tình bạn”. Nếu có coi phim chưởng hay đọc truyện kiếm hiệp, ta thấy khi hai người kết bạn “tâm giao” luôn có những câu thề thốt kiểu: “Có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia” hay “hai bên không sinh cùng năm cùng tháng cùng ngày nhưng nguyện chết cùng ngày cùng năm cùng tháng” v.v…

Vấn đề ở đây là quan hệ giữa “quốc gia với quốc gia”. Mà quan hệ giữa hai nước độc lập có chủ quyền luôn phải là bình đẳng và “lợi ích” của các bên phải được tôn trọng.

Theo tôi, nội dung của “cộng đồng chung vận mệnh” của Trung Quốc sẽ đặt nền tảng trên quan niệm tình bạn khi kết giao thì “có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia”.

“Có phúc cùng hưởng” nói về kinh tế. Kinh tế phát triển thì cả cộng đồng cùng phát triển theo. “Có họa cùng chia” nói về an ninh chiến lược. Cộng đồng bị đe dọa, tất cả các thành viên đều bị đe dọa. Cái “họa” các bên cũng chia sẻ.

Ta thấy quan niệm “cộng đồng chung vận mệnh” theo nghĩa này không hoàn toàn đúng với các liên minh quân sự, như phe Trục (Đức-Ý-Nhật) thời Thế chiến II, hay NATO hiện thời.

Tuy nhiên, Việt Nam là trường hợp đặc biệt. Từ khi Việt Nam lập quốc đến hậu bán thế kỷ 20, Trung Quốc luôn coi Việt Nam là một “chư hầu”. Cái nhìn của Trung Quốc về Việt Nam không thay đổi, trong thời kỳ “chiến tranh lạnh”, hay thời kỳ hai bên “có vận mệnh tương quan” như hiện thời.

Việt Nam là một mô hình thu nhỏ của Trung Quốc. Trên mọi mặt, từ ý thức hệ chính trị, về mô hình xây dựng và quản lý quốc gia cũng như hai bên đều có đảng cộng sản lãnh đạo… Việt Nam tự nguyện rập khuôn Trung Quốc. Trung Quốc có sáng kiến gì Việt Nam cố gắng học sáng kiến ấy. Đảng viên CS được đào tạo tại Trung Quốc. Sĩ quan Việt Nam cũng vậy. Rõ ràng Việt Nam là một “chư hầu” thời hiện đại của Trung Quốc.

Tức là Việt Nam có gia nhập hay không gia nhập “cộng đồng chung vận mệnh” với Trung Quốc, sẽ không bao giờ Việt Nam được Trung Quốc đối xử “bình đẳng” và lợi ích của Việt Nam được Trung Quốc tôn trọng.

Tình hình là Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc như người đã bị ngập nước tới cổ. Các tỉnh miền Bắc đã “gắn liền” với Trung Quốc qua dự án “hai hành lang một vành đai”. Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh ven Vịnh Bắc Việt “phát triển đẹp”.

Cách đây không lâu tôi có nói rằng, Việt Nam sau này ra sao, tiến về phía trước (như Nhật, Hàn, Đài Loan…), lùi về phía sau (như Bắc Hàn, Cuba…), qua phải, qua trái… sẽ đều do người dân miền Bắc quyết định. Chỉ có Mỹ mới có khả năng giúp Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập, tự chủ, có khả năng “tự lực tự cường”. Và tôi hy vọng sự thay đổi Việt Nam sẽ đến từ người ngoài Bắc, “ngoài đảng”.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn