Sức hút của chiến dịch chống tin giả

Thứ Hai, 11 Tháng Mười Hai 202311:00 SA(Xem: 1069)
Sức hút của chiến dịch chống tin giả

Hashtag "AntiFakeNews" hút 6 tỷ lượt xem trên TikTok, hàng chục nhà sáng tạo nội dung hưởng ứng, hàng nghìn bạn trẻ tham gia Ngày hội Tinternet - sự kiện kết thúc Chiến dịch Tin.

Chiến dịch Tin do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), Báo VnExpress cùng Công ty cổ phần dịch vụ trực tuyến FPT (FPT Online) phát động, từ ngày 2/10.

Sau hơn một tháng, ngày 23/11, Ngày hội Tinternet đã thu hút hàng nghìn bạn trẻ tham gia tại Học viên Báo chí Tuyên truyền. Phát biểu tại sự kiện, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, đâu là lần đầu tiên Bộ thực hiện chiến dịch mạng, tập trung vào vấn đề tin giả. Ban tổ chức hồi hộp chờ đón sự đón nhận của cộng động mạng.

"Rất vui là cộng đồng mạng, các nhà sáng tạo nội dung số nổi tiếng, cơ quan báo chí đều nhiệt tình hưởng ứng tích cực", ông nói.

6 tỷ lượt xem #AntiFakeNews trên TikTok

Cuộc thi Anti Fake News được tổ chức trên nền tảng TikTok nhằm truyền tải thông điệp chống tin giả, sai sự thật trên không gian mạng. Cuộc thi gồm hai vòng: Sơ khảo và Chung cuộc, kéo dài từ ngày 28/9 đến 12/11.

Sau hơn một tháng phát động, cuộc thi thu hút hơn 50 bài dự thi, thu về hơn 130 triệu lượt xem. Bên cạnh các video dự thi, có hơn 100 video cũng tham gia đưa tin về chương trình, với số lượt xem lên tới gần 280 triệu lượt. Trong đó, một số bài dự thi và video hưởng ứng đạt từ hơn 5 đến 20 triệu lượt xem, thu hút hàng trăm nghìn bình luận và chia sẻ, từ đó, tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ trên TikTok.

Thông điệp Anti Fake News đã được rất nhiều nhà sáng tạo nội dung hưởng ứng thông qua việc đặt hashtag trên bài đăng. Đến nay, gần 1,5 triệu video gắn hashtag #AntiFakeNews trên nền tảng TikTok, đạt đến hơn 6 tỷ lượt xem.

'Chiến dịch Tin khuyến khích giới trẻ sáng tạo nội dung số tích cực'

Video công bố điệu nhảy và bài hát chủ đề của cuộc thi Anti Fake News, thu hút hơn 24,5 triệu lượt xem.

Sáng tạo nội dung không giới hạn

Video trong chiến dịch Tin đều hướng tới mục tiêu nâng cao ý thức người dùng mạng Việt Nam, góp phần xây dựng không gian mạng văn minh. Với hơn 50 bài dự thi và 100 bài video hưởng ứng, các sáng tạo nội dung đã sử dụng nhiều hình thức truyền tải đa dạng, thân thiện với từng đối tượng khán giả nhằm giúp người xem tiếp nhận và ghi nhớ thông điệp ý nghĩa của chiến dịch dễ dàng hơn.

Ban tổ chức cuộc thi đã đưa ra ba gợi ý nội dung, gồm: nhảy trên nền nhạc bài hát chủ đề, sáng tác, diễn hoạt cảnh... xoay quanh vấn đề tin giả (fake news) trên không gian mạng.

Theo đó, các bạn trẻ đã thỏa sức thể hiện điệu nhảy và tạo nên nhiều tình huống, hoạt cảnh theo nhiều khía cạnh khác nhau để truyền tải cách thức phát tán tin giả, từ đó, nhận biết, phòng tránh.

TikToker Hà Myo (@ngochamyo) đã giành giải kép: giải Ba và Nhà sản xuất video tài năng khi kết hợp nghệ thuật dân gian vào phần dự thi của mình. Cô tự viết lời và hát xẩm với nội dung xoay quanh chủ đề tin giả.

Nữ nghệ sĩ trẻ cho biết, cô muốn thông qua video này vừa góp sức cho chiến dịch chống tin giả vừa truyền cảm hứng yêu văn hóa nghệ thuật dân gian đến giới trẻ.

hà myo

Bài dự thi của TikToker Hà Myo (@ngochamyo).

Nhiều nhà sáng tạo nội dung khác cũng có cách thể hiện độc đáo như trang điểm "biến hình", nhảy điệu nhảy kết hợp làm vlog du lịch...

"Tôi biết đến chiến dịch khi thấy các bạn trẻ 'bắt trend' trên TikTok. Các bạn lan truyền bằng cách hát, nhảy, đóng kịch... Sự đa dạng trong hình thức truyền tải này đã tạo nên tiếng vang lớn", diễn viên Nguyễn Lâm Thảo Tâm chia sẻ.

Trao 150 triệu đồng cho các video tích cực

Để thúc đẩy các nhà sáng tạo nội dung sáng tạo nội dung có giá trị, tích cực và cùng xây dựng không gian mạng văn minh, ban tổ chức trao giải thưởng với tổng giá trị đến 150 triệu đồng. Trong đó, top 10 video xuất sắc nhất, mỗi giải nhận hai triệu đồng.

783e0627f37a5a24036b-8422-1701406422
Cục trưởng Lê Quang Tự Do và Hoa hậu Lương Thùy Linh đại diện ban tổ chức trao giải cho top 10 thí sinh xuất sắc của cuộc thi Anti Fake News.

Phúc Thành (@phucthanh.22) giành giải Nhất với phần thưởng là 30 triệu đồng. Anh là một trong những TikToker đầu tiên hưởng ứng cuộc thi Anti Fake News và chiến dịch Tin. Video của Phúc Thành là sản phẩm có nhiều lượt xem nhất trong cuộc thi với hơn 28 triệu lượt.

Giải Nhì chung cuộc thuộc về Trần Mỹ Uyên (@tranmyuyen2912) với phần thưởng 20 triệu đồng. Nữ TikToker chia sẻ, cuộc thi là cơ hội để cô thực hiện hành động ý nghĩa nhân văn với mọi người, nâng cao ý thức dùng mạng.

"Tôi sử dụng thế mạnh của mình là trang điểm để lan tỏa thông điệp chống tin giả đến người dùng mạng. Là một người sáng tạo nội dung về làm đẹp, tôi luôn xem xét kỹ lưỡng sản phẩm trước khi giới thiệu đến đối tượng khác giả của mình để đảm bảo tính chính xác", cô gái sinh năm 2000 nói.

Giải ba và phần thưởng 10 triệu đồng được trao cho TikToker Hà Myo (@ngochamyo). Cô cũng là thí sinh "ẵm" giải Nhà sản xuất video tài năng và được trao 10 triệu đồng.

Phần thưởng của hai giải Video truyền cảm hứng và video có tương tác cao nhất là 5 triệu đồng. Bữu Vivu (@buuvivu) được Hoa hậu Lương Thùy Linh - Đại sứ chương trình của chiến dịch Tin trao giải thưởng Video truyền cảm hứng. Video dự thi của anh thu về hơn 5,2 triệu lượt xem, hơn 38.000 lượt thích. Nam TikToker hưởng ứng cuộc thi với sự đầu tư kỹ lưỡng, sử dụng nhiều khung cảnh khi đi du lịch tại Hàn Quốc, Trung Quốc... để hoàn thiện điệu nhảy chủ đề của cuộc thi.

Giải Video được yêu thích nhất thuộc về Muội Today (@muoitoday). Video dự thi của cô thu hút hơn 5,9 triệu lượt xem, gần 68.000 lượt thích và hàng trăm bình luận, chia sẻ.

Giới nghệ sĩ đồng hành

Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2019 Lương Thùy Linh đã đồng hành xuyên suốt chiến dịch Tin với vai trò Đại sứ chương trình và giám khảo của cuộc thi Anti Fake News.

Trong buổi phỏng vấn mở đầu chiến dịch, Lương Thùy Linh cho biết với sức mạnh của công nghệ, số lượng thông tin trên mạng ngày càng khổng lồ, bao gồm cả thông tin thật từ những nguồn chính thống và những điều sai sự thật. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới xã hội.

"Tin giả là điều kiện cho nhiều người sử dụng để tấn công một cá nhân, tổ chức nào đó. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự mà còn tác động tiêu cực đến tâm lý của nạn nhân", nàng hậu khẳng định.

Trong vai trò Đại sứ Chiến dịch Tin, Lương Thùy Linh mong muốn công chúng biết cách xác thực thông tin và không sử dụng tin giả để tấn công cá nhân, tổ chức.

Lương Thùy Linh: 'Tôi muốn giúp mọi người hiểu hơn về tin giả'

Hoa hậu Lương Thùy Linh chia sẻ đầu chiến dịch.

Chiến dịch Tin nói chung, cuộc thi Anti Fake News nói riêng còn có sự tham gia tích cực của ca sĩ, nhạc sĩ Bùi Công Nam. Anh đã làm mới bản hit Có không giữ, mất đừng tìm để thực hiện bài hát chủ đề cho cuộc thi.

Nhạc sĩ cho biết, anh đồng ý tham gia chiến dịch bởi tin giả là vấn nạn nổi cộm khi các nền tảng mạng xã hội ngày càng phát triển, cho phép người dùng khai thác quảng cáo. Bản thân anh cũng từng là nạn nhân của việc tung tin sai sự thật và phải đính chính trên trang cá nhân của mình.

Bài hát chủ đề cuộc thi "Anti Fake News" do nhạc sĩ Bùi Công Nam sáng tác.

Để sáng tác ca khúc chủ đề cho cuộc thi Anti Fake News, anh chọn bản hit "Có không giữ, mất đừng tìm" và viết lại với lời mới bởi giai điệu này đã quen thuộc với nhiều người dùng mạng. Từ đó, công chúng có thể tiếp nhận thông điệp mới nhanh hơn.

"Tôi dành một tuần để thực hiện bài hát sau khi chọn được thông điệp đúng với cuộc thi. Qua ca khúc này, người nghe có thể nắm bắt dấu hiệu tin giả và hậu quả của việc lan truyền qua những câu nói thịnh hành trên mạng xã hội", nam nhạc sĩ chia sẻ.

DSC00839-2133-1701408251
Bùi Công Nam thể hiện ca khúc chủ đề Anti Fake News tại Ngày hội Tinternet.

Cuối chiến dịch, nhiều nghệ sĩ, nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng khác như diễn viên Nguyễn Lâm Thảo Tâm, Dino Vũ, ca sĩ Phương Ly, Thủng Long Family... tham gia Ngày hội Tinternet, kêu gọi giới trẻ chung tay chống vấn nạn tin giả.

Tại đây, các khách mời cùng ban tổ chức giúp các bạn trẻ nhận thức rủi ro, cách phân biệt và xử lý tin giả, đồng thời, nêu rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đặc biệt là các nhà sáng tạo nội dung số, người có sức ảnh hưởng.

"Bên cạnh nâng cao ý thức người dùng, chiến dịch Tin giúp củng cố nhận thức cho người làm sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, không dùng sự tiêu cực, tin giả để kiếm lợi cá nhân", TikToker Thủng Long Family chia sẻ.

Ngoài sự đồng hành của người nổi tiếng, chiến dịch Tin còn có sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp như Vinamilk, Techcombank, Thaco, Momo và FE Credit.

50.000 lượt truy cập website trong một tháng

Trải qua hai tháng tổ chức, Chiến dịch Tin được sự quan tâm lớn với hơn 60 đơn vị báo chí, truyền thông đưa tin về chương trình; hơn 50 bài viết trên VnExpress cung cấp thông tin, giúp công chúng có thêm hiểu biết và nâng cao ý thức trong việc phòng chống và hạn chế tin giả, tin sai sự thật trên Internet.

Bên cạnh đó, website chính thức của chương trình cũng thu hút gần 50.000 lượt truy cập trong vòng một tháng.

02c26850b4f360ad39e2-2553-1701408253
Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do cùng đại diện hơn 60 cơ quan báo chí, truyền thông tham dự họp báo Chiến dịch Tin, ngày 11/10.

Trong họp báo chiến dịch Tin, ông Lê Quang Tự Do chia sẻ, hiện công nghệ liên tục thay đổi, dẫn đến bộ quy ước tiêu chuẩn cho người tạo ra nội dung sử dụng phải cập nhật thường xuyên, dựa trên phản hồi của cộng đồng... Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là ý thức người dùng.

"Mỗi người cần trang bị vaccine bộ lọc, tức kỹ năng số, để đảm bảo an toàn trên không gian mạng".

Theo đó, qua website của chiến dịch, độc giả có thể tiếp cận với nội dung của "Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng", do Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành cuối năm 2022; những hình thức tạo, phát tán tin giả bằng công nghệ tinh vi, khó nắm bắt..., từ đó tránh mắc "bẫy" khi dùng mạng xã hội.

Recap Tinternet

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn