Trùm cuối của những trùm cuối

Thứ Ba, 29 Tháng Tám 20238:00 SA(Xem: 1557)
Trùm cuối của những trùm cuối
rfa.org

Trùm cuối của những trùm cuối

Bình luận của Thiên Hành

Ở Việt Nam bây giờ, chỉ có vụ tham nhũng lớn hơn chứ không có vụ lớn nhất.

Tại sao đùng một cái cả hai Phó thủ tướng đều đang còn trẻ, sung sức, và thể hiện hết sức nhiệt tình trong suốt mấy năm chống dịch, lại đột ngột từ nhiệm “trên cơ sở nguyện vọng cá nhân”?

Rồi tại sao Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đùng một cái rời chính trường cùng với lý do như trên? Tại sao ông Phúc phải trần tình: “Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp giám đốc Việt Á”?

Dư luận đồn đoán chính gia đình ông Phúc là trùm cuối trong vụ Việt Á, nhưng cho đến nay chưa có ai đưa được bằng chứng.

Theo logic của cấu trúc câu ở trên thì còn một vế ngầm là “Có thể những người có bằng chứng thì lại không đưa ra dư luận”.

Tất cả chỉ là tin đồn.

Lẽ ra, tin đồn liên quan đến một trong bốn chức danh chủ chốt của Đảng và Nhà nước phải được các cơ quan chức năng truy nguyên và làm cho minh bạch ngay lập tức. Nhưng bấy nay, cả Chính phủ lẫn Quốc hội và Đảng đều chỉ có những câu trả lời loanh quanh và mơ hồ, không thể thỏa mãn thắc mắc chính đáng của người dân.

Mấy hôm nay, dư luận tập trung vào Nguyễn Thanh Long (Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) và Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội). Chủ yếu là vì con số khủng 2,5 triệu USD được Việt Á đút cho ông Long, và sự hồn nhiên như cô tiên của Chu Ngọc Anh khi để quên trong góc phòng túi xách có 200.000 USD (gần năm tỷ đồng) cũng của Việt Á đến tận khi dọn phòng chuyển trụ sở làm việc mới biết.

Tuy nhiên, có vẻ mọi chuyện sắp tới sẽ phát triển quyết liệt hơn, hòng lôi được tay to hơn Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh ra tòa.

000_32NW92J.jpg
Cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. AFP

Đồng chí Z là ai?

Ngày 21/8, báo Vietnam Finance đăng bài “Nữ chuyên viên có quan hệ khủng tác động được lãnh đạo Bộ Y tế giúp sức cho Việt Á là ai?”

Bài báo có những chi tiết rất đặc sắc.

Dẫn nguồn từ Kết luận điều tra vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí; vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lợi dụng sự ảnh hưởng của đối tượng với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi… xảy ra tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan, bài báo viết:
“Trong quá trình điều tra, Việt khai đồng ý chi 40% giá trị hợp đồng cho Nguyễn Thị Thanh Thủy vì người này có mối quan hệ cá nhân, có thể can thiệp, tác động giúp Công ty Việt Á  được cấp giấy chứng nhận xuất khẩu, tự do lưu hành kit test.

(Nguyễn Thị Thanh Thủy là cựu chuyên viên Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam. Nguyễn Bạch Thủy Linh là giám đốc một công ty, đồng thời sở hữu một công ty khác.

Tháng 3/2020, Thủy và Linh đã tác động Công ty Capitaland (Singapore) mua test của Việt Á nhằm ủng hộ, trao tặng Chính phủ Việt Nam số hàng hóa chống dịch COVID-19 trị giá một triệu USD. Phía Công ty Capitaland đồng ý nhưng yêu cầu phải có thư cảm ơn của Chính phủ hoặc đại diện Chính phủ phải có mặt trong lễ trao tặng để tăng uy tín của doanh nghiệp trên thị trường Việt Nam.

Yêu cầu này được Thủy và Linh chấp thuận.

Buổi trao tặng diễn ra ngày 7/4/2020, với sự tham gia của bị can Nguyễn Thanh Long, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế và một số quan chức Trung ương.

Khai với Cơ quan điều tra, Thủy cho biết đã gọi điện mời Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long và nhắn tin mời một Phó chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc tới dự buổi trao tặng kit test Việt Á của Công ty Capitaland. Để đảm bảo ông Nguyễn Thanh Long có mặt, Thủy còn gọi điện cho thư ký và vợ của ông Long để nhờ nhắc lịch tham dự đúng ngày.

Về vấn đề này, Nguyễn Thanh Long khai nhận rằng Thủy có mối quan hệ rộng với người có chức vụ, quyền hạn nên khi được yêu cầu, đã nhận lời tham dự buổi trao tặng để ghi nhận hình ảnh theo nguyện vọng của Thủy và Công ty Capitaland” (hết trích).

Tuy bị truy tố về tội lợi dụng sự ảnh hưởng với người có quyền hạn, chức vụ để trục lợi, nhưng kỳ lạ là trong tất cả các bài báo nói về bị can Nguyễn Thị Thanh Thủy, không bài nào đề cập, nghi vấn hay nói rõ người có quyền hạn, chức vụ đã bị Thủy lợi dụng để trục lợi là ai, làm chức vụ gì, sự ảnh hưởng cụ thể là như thế nào, vai trò của người có quyền hạn/chức vụ đó trong việc này ra sao…

Tạm gọi nhân vật (cho đến nay vẫn được) giấu tên đó là đồng chí Z. Chỉ dựa vào vài chi tiết được tô đậm ở đoạn trên đã cho thấy mối quan hệ của Thủy và đồng chí Z không phải bình thường.

-Manh mối 1: Đồng chí Z ít nhất phải thuộc loại gọi một tiếng là cấp bộ nem nép. Vì cỡ thứ trưởng như Long và một phó chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lẽ thường để mời đến dự một event của doanh nghiệp thì phải cung kính xin phép, hẹn và được đồng ý trước, gửi phong bì, rồi gửi giấy mời bản cứng long trọng lịch thiệp. Có khi người ta còn chẳng thèm đến cho. Thế mà Thủy chỉ cần gọi điện nhắn tin, rất xuề xòa, thiếu chính thức, thậm chí thiếu tôn trọng, nhưng cả hai đều cung cúc đến, không dám sơ sẩy một li. Đủ thấy đồng chí Z phải thuộc loại cụ, ông, cha, bố.

-Manh mối 2: Quyền hạn của đồng chí Z ít nhất phải tác động, hoặc chi phối được Chính phủ. Phía Công ty Capitaland biết rõ điều này nên mới dám yêu cầu phải có thư cảm ơn của Chính phủ hoặc đại diện Chính phủ phải có mặt.

Thủy và Linh cũng biết rõ điều này nên mới dám nhận kèo. Và hoàn thành hợp đồng.

-Manh mối 3: Mối quan hệ của Thủy, Linh với đồng chí Z được công khai rộng rãi, và đảm bảo chắc chắn về “tầm ảnh hưởng”, nên Thủy và Linh mới có thể hứa với Capitaland, cũng như dễ dàng gọi điện, nhắn tin“điều” các vị quan chức Trung ương cỡ Long đi làm nền cho vụ làm ăn của mình như nói trên.

Suy diễn không sợ thái quá, rằng Thủy và Linh đã làm những việc móc nối, điều phối như vậy không phải lần đầu.

Cũng vì hiệu quả của mối quan hệ này, Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc công ty Việt Á mới chịu chi đến 40% giá trị hợp đồng để lại quả cho Thủy và Linh.

Đập cục tiền vào mặt lãnh đạo cấp cao

Thường, doanh nhân muốn hối lộ quan chức cấp cao phải tạo quen biết từ xa, kiểu lòng vòng đi chơi golf cùng rồi có người đứng ra giới thiệu làm quen, hay nhờ vả qua các đầu mối trung gian. Phan Quốc Việt khác. Nói như dân mạng Việt Nam, Việt thẳng thừng vác cục tiền bự đến đập thẳng vào mặt tất cả các lãnh đạo cần gặp, gần như cứ gặp xong là chốt hạ, đánh đâu thắng đó.

Chỉ là một doanh nghiệp nhỏ trong ngành nhưng vào cuộc chơi này, Việt thẳng tay chi trước đến 3,45 triệu USD và bốn tỷ đồng để hối lộ, mà cơ quan điều tra tính ra tiền Việt là khoảng 106 tỷ đồng, tất cả đều bằng tiền mặt.

Tiền ở đâu để Việt có sẵn mà dốc ra bôi trơn như vậy?

Việt cũng cầm tất cả các quan chức tung hứng trong bàn tay. Cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội-ông Chu Ngọc Anh, lúc đó đang là Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nhận lần một hơn 200.000 USD. Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế nhắn tin đòi mỗi lần đưa cả triệu USD để “đi xử lý công việc”. Nguyễn Văn Trịnh, cựu trợ lý nguyên Phó thủ tướng Vũ Đức Đam can thiệp xuống Bộ Y tế để ký lại văn bản nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị mua sinh phẩm xét nghiệm của Việt Á, mở toang các cửa để cấp số đăng ký lưu hành cho KIT xét nghiệm mà Việt Á xin.

Cơ quan điều tra kết luận hành động này của ông Trịnh đã tạo điều kiện để Việt Á biến KIT xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà nước thành sản phẩm thương mại của doanh nghiệp tư nhân này, giúp công ty này kinh doanh thu lời bất chính 1.235 tỷ đồng.

Ngoài các vị trên, bộ máy quan chức cao cấp nhiệt tình giúp đỡ cho Việt Á còn có Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Trịnh Thanh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ), Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Vụ trưởng vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế), Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), Nguyễn Huỳnh, thư ký ông Nguyễn Thanh Long.

Có chỗ dựa nào không để Việt tung tẩy, sai phái các cán bộ cao cấp như sai người giúp việc nhà mình vậy?

Có liên quan đến đồng chí Z hay không?

Với những gì đã xảy ra, hầu như không có khả năng đồng chí Z không biết việc Thủy và Linh dựa oai mình để kiếm chác từ các doanh nghiệp. Bởi, nếu thanh liêm thì chỉ cần nghe hơi có kẻ nào bán đứng thanh danh uy tín của mình thì đã ra tay chặn đứt hoàn toàn. Để phòng leo thang, và để đe những kẻ “có ảnh hưởng khác”  cũng đang lăm le bán lẻ bán sỉ mình như vậy.

Vấn đề là cơ quan điều tra và Ban chỉ đạo chống tham nhũng có tìm được đủ bằng chứng để đưa đồng chí Z ra tòa hay không.

Nhưng, dù thật sự các vụ đại án không có vùng cấm nào như tuyên bố của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, dù có thật sự lôi ra được những kẻ (cho đến nay vẫn) giấu mặt nhưng chính là kẻ tổ chức và điều phối những đường dây tham nhũng tinh vi trên quy mô toàn quốc, thì trùm cuối của tất cả các đại án vẫn không phải là những cái tên ấy. 

Trùm cuối không phải là trùm cuối

Chúng ta thấy: đại án này khác hẳn về cách thức so với đại án chuyến bay giải cứu. Không doanh nghiệp nào bị gây khó khăn đến mức phải uất ức lòi tiền ra mua giấy phép và điều kiện kinh doanh. Mà ngược lại, doanh nghiệp chủ động vác tiền đến đập vào mặt các vị đại diện nhà nước.

Nhưng, bản chất hai vụ giống hệt nhau.

Đó là sự móc nối, câu kết, “đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện” giữa doanh nghiệp và các lãnh đạo cao cấp ở bất cứ ngành nào, lĩnh vực nào, cấp nào, cơ quan, đơn vị nào mà doanh nghiệp cần tới để bắt đầu một vụ làm ăn phi pháp.

Từ cán bộ trung cấp đến các lãnh đạo cao cấp vẫn rao giảng về đạo lý làm người và sự thanh liêm trước Đảng, dưới gầm bàn lại thò tay nhận tiền triệu USD để chạy việc thuê cho Việt Á một cách nhẹ bỗng, thản nhiên, bình thường như tất nhiên nó phải thế.

Không hề thấy sự cân nhắc, lo ngại, băn khoăn gì trước khi họ nhúng chàm.

Thậm chí họ còn trơ tráo đến nỗi khẳng định mình không tham nhũng, chỉ vì do số đen nên mới bị bắt, và thôi thế thì tiền Nhà nước trả lại cho Nhà nước, vào tù xem như một cuộc nghỉ mát dài hạn, ít lâu rồi về.

Kết quả phòng chống tham nhũng từ đầu nhiệm kỳ đại hội 13 (từ năm 2021) đến nay cho thấy đã kỷ luật trên 1.000 tổ chức Đảng, khoảng 52.000 đảng viên, trong đó có 91 cán bộ diện Trung ương quản lý. 31 người trong số 91 này đã bị xử lý hình sự. Danh sách đọc lên nghe hết hồn:
-17 ủy viên, nguyên ủy viên trung ương Đảng.

-6 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng.

-18 thứ trưởng, nguyên thứ trưởng và tương đương.

-4 chủ tịch, nguyên chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Liên minh hợp tác xã, Hội Chữ thập đỏ.

-25 chủ tịch, nguyên chủ tịch UBND tỉnh, thành phố.

-8 bí thư, nguyên bí thư tỉnh/thành ủy.

-4 phó bí thư, nguyên phó bí thư tỉnh/thành ủy.

-3 trợ lý, nguyên trợ lý ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng.

-23 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Riêng án tham nhũng đã khởi tố mới hơn 1.300 vụ án, 3.500 bị can. Tổng cộng đã khởi tố, điều tra hơn 9.000 vụ án, 18.000 bị can về tội tham nhũng, các tội phạm về kinh tế, chức vụ.

Từ lượng và chất như ở trên, thì đây đâu còn là tham nhũng vặt nữa thưa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tham nhũng đã trở thành lối sống, thành hệ sinh thái, thành tiêu chuẩn của một số không đếm xuể đảng viên, từ có chức nhỏ đến có chức lớn. Ngay cả tù tội cũng không làm họ sợ hãi nữa.

Và khi mọi chuyện lại thành ra như thế, bất chấp cả cái lò cụ Tổng đốt lên mấy năm nay, thì phải đặt câu hỏi cơ chế nào đã tạo ra và nuôi dưỡng nó. Những bất hợp lý nào trong chính sách thu nhập và kiểm soát quyền hạn/quyền lực đã khiến tham nhũng trở thành điều bình thường, thậm chí được xem là cơ chế bù đắp tự nhiên của xã hội cho cán bộ? Vì sao cả người đưa hối lộ và người nhận hối lộ đều coi đó là hợp lý trong một mức độ nhất định? Vì sao có thể trơ trẽn đến mức như Nguyễn Thanh Long, lên báo chí phát biểu ầm ầm về sự cần thiết phải xử lý nghiêm minh vụ Việt Á, đồng thời đi xin Việt Á đến 2,5 triệu USD để “xử lý công việc”?

Cái cơ chế khốn nạn đó mới chính là trùm cuối của những trùm cuối.

Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng có lôi được và xử lý nó không?

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn