Hoàng Nguyên Vũ - Vết nhơ giáo dục hôm nay

Chủ Nhật, 30 Tháng Mười 20222:00 CH(Xem: 1696)
Hoàng Nguyên Vũ - Vết nhơ giáo dục hôm nay

cotam_01 

Cô giáo chống tiêu cực bị nam đồng nghiệp vặn tay và nữ đồng nghiệp đẩy ra khỏi lớp trước mặt học trò!

Cô giáo Hồ Thị Tâm (Giáo viên môn ngữ văn, trường THPT Hai Bà Trưng - Thừa Thiên Huế), bị hai đồng nghiệp làm nhục, trong đó nam giáo viên thể dục của lớp bẻ tay và đẩy cô ra khỏi lớp.

Hành động này sẽ phải gọi là một vết nhơ khó có thể chấp nhận trong ngành giáo dục.

Những kẻ làm thầy, làm cô mà không đủ lịch sự, không đủ sự tôn trọng chính những đồng nghiệp, ngay trước mặt học trò, thì chắc chắn một điều không thể tôn trọng học trò và bất cứ một người nào trên đời này.

Chúng xứng đáng phải bị đuổi ra khỏi ngành, bị truy tố trách nhiệm hình sự. Và Ban giám hiệu trường Hai Bà Trưng, một trường trung học khá lâu năm và uy tín ở Việt Nam, sẽ phải từ chức ngay lập tức

********

Theo thông tin trên báo Tuổi Trẻ, nhà trường thông báo cô Tâm, một giáo viên nhiều năm liền là lao động giỏi, đã bị chính các học trò lớp 10 A9 của mình ký đơn đề nghị đổi giáo viên, không chấp nhận cô Tâm dạy các em nữa.

Khi tổ chức đã đưa vấn đề ra như thế, cô Tâm chấp nhận bị luân chuyển để một giáo viên mới vào khác thế chỗ. Tuy nhiên, điều cô Tâm lấy làm ngạc nhiên là tại lớp này, rất nhiều học sinh xin học thêm chỗ cô, nhưng cô từ chối vì dạy thêm là sai quy định, thì rất khó có chuyện cô Tâm bị các em đề nghị phải thay thế.

Trong buổi liên hoan chia tay các em sau tiết học, cô Tâm hỏi cả lớp thì tất cả học sinh đều nói rằng các em không hề viết lá đơn ấy và không hề ký.

Sau đó, cô Tâm khuyên các em, nếu các em không làm vậy thì hãy trung thực xác nhận. Khi các em đang ký, không hiểu sao, hai giáo viên  xuất hiện (tôi không biết nên gọi họ là giáo viên hay không nữa), gồm giáo viên chủ nhiệm của lớp và tay giáo viên thể dục đã cậy mình là nam nhi vai u thịt bắp, vặn tay cô giáo Tâm và đẩy cô ra khỏi lớp.

Hành động trên đã bị quay clip (chắc chắn do học trò bức xúc) và tung lên mạng xã hội. Khi đoạn phim lên, người ta mới biết câu chuyện đầy cay đắng và nhục nhã trên đã xảy ra từ ngày 22/10.

Từ hôm ấy đến nay, cô Tâm ôm nỗi đau, nỗi nhục này và chịu đựng một mình.

********

Cũng báo Tuổi Trẻ thông tin: Cô Tâm là một cô giáo chính trực từng đứng lên chống tiêu cực tại trường Hai Bà Trưng. Cụ thể, cô chống nạn lạm thu, một vấn nạn lớn của ngành giáo dục bây giờ, cũng như nhiều vấn đề khuất tất, không dân chủ ở ngôi trường này.

********

Nhìn nhận câu chuyện của cô Tâm, không ai tưởng tượng nổi, trong môi trường giáo dục lại có một lối hành xử cục súc, chà đạp danh dự, nhân phẩm của một con người ghê gớm đến vậy (tại trường học, trước mặt học trò).

Không ai nghĩ rằng, một đồng nghiệp nữ (bà giáo viên chủ nhiệm), có thể đối xử với một phụ nữ khác như vậy. Một đồng nghiệp nam, có thể hành xử với phụ nữ như thế, chứ chưa nói đó là một giáo viên như mình.

Một sự nhục nhã, một vết nhơ lớn trong ngành giáo dục là đây.

Đấy chưa kể hành động dối trá, mạo chữ ký của học trò để đẩy một giáo viên chống tiêu cực vào đường cùng. Điều này là vi phạm pháp luật một cách trắng trợn.

Không chỉ xử lý kỷ luật là xong, tôi nghĩ, cần thanh tra ngay hoạt động của trường Hai Bà Trưng. Sau đó, truy tố tất cả những kẻ đã làm nhục cô giáo theo Bộ luật hình sự, với tội giả mạo chữ ký và làm nhục người khác.

Còn tất cả các giáo viên khác im lặng đồng lõa với cái tập thể tệ nạn này, hãy để tòa án lương tâm xử và sự khinh ghét của học trò dành cho những kẻ này, như một cái giá phải trả trong suốt cuộc đời họ!

HOÀNG NGUYÊN VŨ
**********

Thái Hạo - Giáo viên Thể dục, họ là ai?


cotam_03

Liên quan đến sự việc cô giáo bị bẻ tay đẩy ra khỏi lớp học ở trường THPT Hai Bà Trưng (Huế), ông Ngô Đức Thức, hiệu trưởng trường này vừa có bài trả lời phỏng vấn trên báo Tuổi Trẻ.

Rất nhiều điều cần mổ xẻ trong những câu trả lời này, nhưng tạm gác lại, tôi chỉ nói về một điểm.

Khi phóng viên hỏi, việc thầy giáo thể dục - quốc phòng Nguyễn Đức Phong bẻ tay, đẩy cô giáo ra khỏi lớp là “do chủ ý cá nhân của thầy ấy, hay là có sự chỉ đạo của nhà trường?”; ông hiệu trưởng trả lời: “Cô giáo chủ nhiệm lớp mời cô Tâm đi ra không được nên đã báo cáo với ban giám hiệu nhà trường. Đi cùng với thầy Nguyễn Đức Phong lúc đó có một thầy giáo là phó hiệu trưởng nhà trường, một giáo viên và một nhân viên bảo vệ”.

Cô giáo chủ nhiệm “báo cáo ban giám hiệu” nhưng ban giám hiệu lại “đi cùng với thầy Nguyễn Đức Phong”, vậy ai mới là ban giám hiệu đây? Thầy Nguyễn Đức Phong là ai, có vị trí và vai trò gì trong nhà trường mà lại đứng ra xử lý sự việc trong khi có mặt thành viên ban giám hiệu ở đó? Ông hiệu phó “đi cùng” ấy đã làm gì để giải quyết sự việc, tại sao ông Phong có thể lộng hành như thế trước mặt ban giám hiệu?

Trừ ra sự quanh co né tránh trách nhiệm của ông hiệu trưởng, thật khó lý giải tất cả những câu hỏi này, nếu không hiểu rằng ban giám hiệu trường này đã thống nhất phương án giải quyết là dùng bạo lực, từ đó thầy Nguyễn Đức Phong mới trở thành trưởng đoàn và ra tay công nhiên như thế.

Sau khi kết tội từ thầy Phong, cô giáo chủ nhiệm, cô giáo bị bẻ tay, học sinh, thì ông hiệu trưởng Ngô Đức Thức nói “Bản thân tôi CŨNG sai”, “tất cả đều có lỗi”. Không phải là CŨNG, ông phải là người sai đầu tiên và và sai lớn nhất, ông phải chịu trách nhiệm chính về tất cả những gì đã xảy ra.

Xin được nói thêm về giáo viên Thể dục - Quốc phòng ở trường phổ thông. Vì sự lệch lạc, sai lầm trong quan điểm giáo dục, sự bất hợp lý trong chương trình và các yếu tố khác thuộc về “bệnh nghề nghiệp”, giáo viên Thể dục và Quốc phòng thường bị coi là dạy môn phụ, không quan trọng, rảnh và khỏe. Chính vì thế, hiệu trưởng các nhà trường thường giao cho họ kiêm nhiệm các công việc khác liên quan đến nề nếp, trật tự, nhiều khi trở thành chân sai vặt cho hiệu trưởng.

Từ chỗ bị xem thường, giáo viên các môn này do thân cận hiệu trưởng, trực tiếp làm việc do hiệu trưởng sai làm nên trở nên một thứ cận thần có quyền uy lớn. Họ thường có chân trong ban nề nếp - ban giám thị, đi chấm điểm thi đua các lớp. Vì “thi đua” là một thứ gông xiềng trong nhà trường phổ thông, có thể quyết định sự sinh tử trong nghề nghiệp của mỗi giáo viên, nên được lòng giám thị thì sống, mất lòng giám thị thì chết.

Từ quyền lực do “dựa hơi chủ” ấy, họ trở nên ngày càng ta đây, nghênh ngang, hách dịch. Việc hành xử như ông thầy Thể dục - Quốc phòng Nguyễn Đức Phong không phải là câu chuyện về tính cách hay tư cách cá nhân. Nó là một hiện tượng xã hội, là sản phẩm của lối quản lý cát cứ, chuyên quyền vốn là cái gốc của mọi vấn nạn trong nền giáo dục suốt mấy chục năm qua.

Đổi mới giáo dục, hãy bắt đầu từ đây: phân bổ lại quyền lực. Công đoàn độc lập cần được công nhận, nhà giáo phải được tự chủ, các tổ chức trong nhà trường phải có sự phân lập...Không thể tiếp tục để hiệu trưởng làm ông trời con thêm nữa.

THÁI HẠO 28.10.2022

P/S: Không vơ đũa cả nắm, xin được xin lỗi các thầy cô giáo Thể dục - Quốc phòng tử tế.


Ý kiến bạn đọc
Thứ Hai, 31 Tháng Mười 20229:47 CH
Khách
Cam on H.N.V,cam on nhieu.Nhung toi luu y BA CON:TRONG NGUOI 100 NAM,do do con cach nao ? tho do 1955
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn