Covid: Cựu Bộ trưởng nói 'khi có chuyện bên cạnh Đảng chỉ còn quân đội, công an'

Thứ Tư, 27 Tháng Mười 202110:00 SA(Xem: 2881)
Covid: Cựu Bộ trưởng nói 'khi có chuyện bên cạnh Đảng chỉ còn quân đội, công an'
bbc.com

Ông Lê Doãn Hợp: 'Khi có chuyện bên cạnh Đảng chỉ còn quân đội, công an'

Go.vn

Nguồn hình ảnh, AFP

Chụp lại hình ảnh,

Hồi 2010, khi ông Lê Doãn Hợp còn phụ trách Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam đưa ra trang go.vn nhằm thu hút người dùng mạng xã hội nhưng dự án này đã thất bại

Lần đầu tiên một cựu quan chức cao cấp có ý kiến trên báo Việt Nam nói về 'tổn thất nặng nề' và các sai trái trong cách Việt Nam chống dịch Covid lần 4.

Cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, ông Lê Doãn Hợp có bài đăng trên trang VietnamNet (25/10/2021) nói thẳng về nhiều cách nghĩ mà ông cho là sai lầm khi chính quyền Việt Nam các cấp ứng phó với làn sóng thứ tư của đại dịch Covid.

Bài "Vài suy ngẫm của một người ngoại đạo về chống đại dịch" nói đến hiện tượng phát biểu "tiền hậu bất nhất" của các lãnh đạo, quan chức đương nhiệm, về tư duy coi "chống dịch như chống giặc", về niềm tin và về vai trò của dân trong quan hệ với các lực lượng bảo vệ Đảng CS VN.

Dù ông Lê Doãn Hợp (70 tuổi), nguyên Ủy viên Trung Ương Đảng, Nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, nguyên bí thư tỉnh ủy Nghệ An dùng đại từ nhân xưng "chúng ta" để nói về trách nhiệm chung, ý kiến của ông có thể hiểu là một lời phê phán với "các đồng chí" của ông hiện đang tại chức.

Dùng các hình ảnh ẩn dụ, ví dụ lịch sử, ông nói về cách phát ngôn của quan chức, lãnh đạo hiện này:

"Đúng như bốn tiêu chuẩn chọn lý trưởng của Vua Lê Thánh Tông mà quan trọng nhất là "Ngôn ngữ khả tín". Tạo niềm tin cho dân là tài đức lãnh đạo của tất cả bộ máy công quyền các cấp, bắt đầu từ cơ sở."

"Trong khó khăn, ác liệt, các mệnh lệnh chỉ huy phải trí tuệ, trách nhiệm, đúng đắn, nhất quán và thông suốt từ Trung ương đến địa phương. Mệnh lệnh gì cũng phải sát với thực tiễn và hợp lòng dân."

Hiện tượng "cát cứ", trên bảo dưới không nghe về các chỉ thị chống dịch của chính phủ trung ương đã được cả thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra những tháng qua.

Mặt khác, trong khi một số lãnh đạo cao nhất vẫn ca ngợi thành tích chống Covid "chưa từng có", ông Lê Doãn Hợp nói thẳng:

"Chưa bao giờ trong thời bình chúng ta lại chịu tổn thất nặng nề như trong làn sóng Covid-19 lần thứ tư này. Đại dịch là một thử thách nghiệt ngã đối với cả loài người và cả dân tộc ta."

Có vẻ như ông đặt câu hỏi về triết lý mang màu sắc chiến tranh mà báo chí Việt Nam liên tục hô hào thời gian qua:

"Ta hay nói chống dịch như chống giặc, có lẽ chỉ đúng với ý chí tinh thần như đoàn kết, quyết tâm, sáng tạo, vượt khó để chiến thắng dịch như chiến thắng giặc. Còn trên thực tế, chống dịch và chống giặc có rất nhiều điểm khác nhau. Chống dịch gần như không rõ quy luật, hoặc có mà ta chưa phát hiện ra nên khó hơn nhiều. Chống Covid ta luôn bị động khó lường."

Tuy không đề cập trực tiếp đến các cuộc "ra quân" của quân đội, công an Việt Nam để chống dịch bằng cách biện pháp mà báo chí nước ngoài và mạng xã hội coi là "khắc nghiệt vào hàng nhất thế giới" nhắm vào người dân, ông Lê Doãn Hợp nhắc đến vai trò và quan hệ của hai lực lượng vũ trang này với Đảng cầm quyền và với nhân dân.

"Là người đi từ địa phương ra Trung ương, tôi có thể nói rằng: Khi diễn tập, chúng ta làm rất tốt và bài bản, nhưng khi có chuyện xảy ra thì bên cạnh Đảng và nhà nước, chỉ còn rõ nhất Quân đội và Công an."

Covid-19 tại Việt Nam

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Quân đội đã được huy động vào hỗ trợ kiểm soát dịch Covid-19 trên nhiều địa bàn tại TP Hồ Chí Minh và miền Nam Việt Nam trong mùa hè 2021

Ông nói thêm" Quân đội ta là quân đội nhân dân, công an là công an nhân dân, nên làm tất cả vì dân là cần thiết và đúng đắn."

Nhìn tới tương lai những tháng trước mắt, ông Lê Doãn Hợp đề nghị có sự phối hợp đi kèm lòng tôn trọng khu vực kinh tế tư nhân, và "cần bình tĩnh nhìn nhận lại để có cách ứng phó tốt nhất trong tình hình mới, vừa chống dịch vừa phục hồi kinh tế".

Theo ông, chống dịch cần thay đổi tư duy và coi "kinh tế đất nước như dòng máu lưu thông trong cơ thể con người, nếu bị ách tắc thì kinh tế khó phát triển và sự sống con người cũng bị đe dọa."

Với con số tử vong vì Covid cao tại Đông Nam Á, các lãnh đạo Việt Nam đã có thái độ xin người dân lượng thứ, và cũng chỉ ra lỗi của "hệ thống chính trị" như lời Bí thư TPHCM Nguyễn Văn Nên gần đây.

Vì thế, những phát biểu của ông Lê Doãn Hợp có thể không hẳn là mới, chỉ đầy đủ và sâu rộng hơn mà thôi.

Phát biểu mạnh khi đã 'về gần dân'

Tại Việt Nam có hiện tượng nhiều quan chức cao cấp sau khi đã nghỉ hưu mới dám phát biểu mạnh.

Họ hoặc có thể là thực sự khi về "gần dân" nên hay đổi nhãn quan, hoặc do đã nghỉ hưu nên bớt bị kiểm soát bởi các nguyên tắc hà khắc trong Đảng Cộng sản và có cơ hội nói công khai, bày tỏ tư duy về các chủ đề thời sự.

Bài của ông Lê Doãn Hợp nhận được nhiều bình luận của độc giả Việt Nam trong mục Tiêu Điểm của Tuần Việt Nam trên trang vietnamnet.

Một số ý kiến khen bài là "lý luận hay, đúng", hoặc "bài viết đã gần như sơ kết công tác chống dịch đợt 4 vừa qua", nhưng cũng có người cho là "bài báo chưa đủ ý. Cảm nhận của tôi về đại dịch còn có thêm vấn đề có những thành phần trong xã hội lợi dụng tình hình để làm giàu bất chính".

Hà Nội ngày 12/5

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh,

Hà Nội ngày 12/5

Các vấn đề "làm ăn to nhờ dịch" có vẻ chưa thấy truyền thông Việt Nam đăng tải nhiều hoặc lãnh đạo nào, đương chức hoặc đã về hưu, lên tiếng.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn