Dũng – Sang đánh nhau, Phú Trọng đắc lợi

Thứ Hai, 18 Tháng Giêng 20216:00 SA(Xem: 4334)
Dũng – Sang đánh nhau, Phú Trọng đắc lợi

Nguyễn Tráng

Cho đến Đại hội 11 (2011) quyền lực của phe Miền Nam trong hệ thống chính trị rất mạnh. Thậm chí, năm đó trong hàng tứ trụ có tới 2 người Miền Nam là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Ngoài ra, còn có hàng loạt cái tên chính khách nổi bật gốc Nam, như Nguyễn Thiện Nhân, Võ Văn Thưởng, Nguyễn Thị Kim Ngân,…

Thời điểm đó, mặc dù “bậc nhân kiệt” Nguyễn Phú Trọng nắm chức Tổng Bí thư nhưng quyền lực không lớn. Trong khi, phe Nghệ Tĩnh của Nguyễn Sinh Hùng lại hết sức mờ nhạt.

Tuy nhiên, từ 2011 đến nay hai ông Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng lại lao vào đánh nhau chí tử. Đây cũng là thời điểm xuất hiện hàng loạt các trang blog đánh phá đối thủ, như: Quan làm báo, Tư Sang Nham Hiểm, Chân Dung Quyền Lực,…

Bên cạnh đó, hàng loạt đệ tử, phe nhóm lợi ích của cả hai bị bắt, khởi tố, thủ tiêu: Phạm Quý Ngọ, Nguyễn Bá Thanh, Phạm Chí Dũng, Hà Văn Thắm, Bầu Kiên, Đặng Hoàng Yến, Trần Bắc Hà, Phạm Công Danh,…

Cuộc đấu giữa hai nhân vật gốc Miền Nam là cơ hội tuyệt vời để Nguyễn Phú Trọng ngư ông đắc lợi, tập trung xây dựng quyền lực cho phe mình. Để rồi đến Đại hội 12 (2016), cả Nguyễn Tấn Dũng lẫn Trương Tấn Sang phải “về vườn làm người tử tế”, để lại riêng Nguyễn Phú Trọng làm “trường hợp đặc biệt”.

Suốt 5 năm qua, chính trường Việt Nam trở thành sân chơi của riêng Nguyễn Phú Trọng. Ông ta có quyền lực như vua chúa, múa gậy vườn hoang, tuỳ ý sắp xếp nhân sự. Muốn bắt hoặc kỷ luật ai, thanh trừng phe phái nào cũng được, chỉ cần nhân danh chống tham nhũng.

Phe Nghệ Tĩnh cũng thừa dịp trỗi dậy. Nhóm này trở thành thế lực cát cứ rất mạnh, với số lượng các Uỷ viên Trung ương và tướng ta quân đội, công an nhiều nhất.

Đại Hội 13 sắp đến, rò rỉ một số danh sách nhân sự lãnh đạo cấp cao cho thấy phe Miền Nam đang thất bại thê thảm. Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, phe này không có chân trong tứ trụ. Theo đó, cả Trương Hoà Bình, đệ tử của Trương Tấn Sang và Nguyễn Thị Kim Ngân, đệ tử của Nguyễn Tấn Dũng đều phải về vườn. Ngoài ra, Nguyễn Thiện Nhân cũng phải về hưu, còn Võ Văn Thưởng mang bệnh án ung thư không biết lay lắt ở lại hay về hưu non.

Hiện có hai nhân sự Miền Nam chắc chắn vào Bộ Chính trị khoá 13 là Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Mặt trận tổ quốc và Nguyễn Văn Nên, Bí thư Sài gòn. Tuy nhiên, vị trí của Trần Thanh Mẫn không có nhiều quyền lực, còn Nguyễn Văn Nên là đệ tử ruột của ông Trọng thời làm Chánh văn phòng Trung Ương đảng, thành ra cũng bị “Bắc hoá”.

Tóm lại, hàng chục năm qua Sang – Dũng mải mê đấu đá lẫn nhau, để rồi thế lực tiêu hao, và Nguyễn Phú Trọng là người hưởng lợi nhiều nhất.

Miền Nam mạnh về kinh tế, đóng góp phần lớn cho ngân sách quốc gia. Tuy nhiên lại không có tiếng nói về mặt chính trị, và vì vậy nơi này giống như một thuộc địa kiểu mới cho các quan chức phía Bắc bóc lột, vắt kiệt sức.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn