Thể chế cộng sản có thể bảo đảm chỗ đứng vững chắc cho nhân tài?

Chủ Nhật, 17 Tháng Giêng 20214:00 SA(Xem: 3880)
Thể chế cộng sản có thể bảo đảm chỗ đứng vững chắc cho nhân tài?
rfa.org

Thể chế cộng sản có thể bảo đảm chỗ đứng vững chắc cho nhân tài?

RFA 2021-01-15

‘Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài’ do Bộ Nội vụ Việt Nam mới công bố được báo chí đăng tải cho rằng, thể chế tốt mới bảo đảm chỗ đứng bền vững cho người tài.

Giáo sư Nguyễn Đình Cống, nguyên Chủ nhiệm Khoa, trường Đại học Xây dựng Hà Nội, một đảng viên đã từ bỏ đảng, khi trả lời RFA hôm 15/1 cho rằng ‘Thể chế tốt bảo đảm chỗ đứng bền vững cho người tài’ là một nhận định đúng. Tuy nhiên ông nói tiếp:

“Nhưng thể chế độc đảng của ĐCSVN không thể có chỗ đứng bền vững cho người tài chân chính vì rằng thể chế đó là độc quyền đảng trị và đường lối cán bộ phạm phải những điều phản dân chủ, phản khoa học, phản tiến bộ. Thể chế tốt phải có tự do mà quan trọng nhất là tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do lập hội. Thể chế của Việt nam hiện nay hạn chế những tự do đó.

Tiêu chuẩn số một của ĐCSVN là trung thành với Mác Lê. Thế mà những người tài chân chính rất khó chấp nhận sự trung thành này, họ không được tin cậy. Những người tài thường hay phát hiện ra những bất cập của lãnh đạo, của đường lối và họ phản biện. Thế nhưng lãnh đạo của cộng sản không thích việc làm đó nên quy kết cho người trí thức phản biện thuộc thế lực thù địch.”

Tiêu chuẩn số một của ĐCSVN là trung thành với Mác Lê. Thế mà những người tài chân chính rất khó chấp nhận sự trung thành này, họ không được tin cậy.
-Giáo sư Nguyễn Đình Cống

Ngoài ra, ‘Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài’ do Bộ Nội vụ Việt Nam mới công bố cũng đề xuất việc ban hành chính sách, giải pháp cụ thể để hoàn thiện hệ thống văn bản qui phạm pháp luật về chính sách nhân tài, tạo cơ sở pháp lý cho việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng để thu hút và trọng dụng nhân tài tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở.

Trả lời RFA từ Hà Nội hôm 15/1, Thầy Đỗ Việt Khoa cho biết ý kiến của mình:

“Từ rất lâu rồi, chính quyền có chương trình trọng dụng nhân tài, thu hút nhân tài... rồi thì vẽ ra chính sách, nhưng trên thực tế không thực hiện được. Không phải do chủ trương mà chính là do quan chức ở các nơi lâu nay chiếm chỗ để cho người thân của họ vào, chứ họ không cần người tài. Đó là thực tế tất yếu ở Việt Nam khi mà cơ chế một đảng lãnh đạo khiến cho các lãnh đạo địa phương giống như ông vua một xứ... Ví dụ như ông Bí thư tỉnh Hà Giang, hay ông Nguyễn Nhân Chiến, Bí thư tỉnh Bắc Ninh... chỉ trong từ 3 đến 6 tháng lên 3 chức vụ khác nhau, đó là bất thường. Đó là sự bất cập của chính quyền này, nên người dân đúc kết thành một câu ‘Hậu duệ tiền tệ, quan hệ’...”

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng từng phát biểu nhấn mạnh về việc ‘Kiến tạo môi trường tự do sáng tạo cho trí thức’ khi gặp mặt 203 đại biểu đại diện cho hơn 6,5 triệu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ... vào chiều ngày 30 tháng 7 năm 2020.

Ông Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hiện nay đất nước đã thống nhất, hòa bình, nên các nhà khoa học, trí thức có điều kiện thuận lợi để sáng tạo, nghiên cứu, góp phần làm Việt Nam luôn tăng hạng trong Bảng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, những năm gần đây.

c0c0f3d2-40aa-4c0b-944a-d4399b1d1df5.jpg
Thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Xuân Phúc tại buổi gặp mặt 203 đại biểu đại diện cho hơn 6,5 triệu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ... vào chiều ngày 30 tháng 7 năm 2020. Courtesy chinhphu.vn

Khẳng định của ông Nguyễn Xuân Phúc cũng không phải là không có cơ sở, ông đưa ra dẫn chứng, trong đại dịch COVID-19, các nhà khoa học đã kịp thời nghiên cứu thành công kít xét nghiệm, sáng tạo phần mềm khai báo y tế, truy vết người nghi nghiễm... những đóng góp này góp phần đưa Việt Nam thành một trong những nước đầu tiên thành công trong chống chọi đại dịch.

Tuy nhiên, theo Thầy Đỗ Việt Khoa, người tài ở Việt Nam có rất là nhiều, nhưng đa số thành công thì họ lại ra nước ngoài, hoặc họ làm cho công ty tư nhân chứ họ không làm cho công ty nhà nước... Ông giải thích nguyên nhân:

“Lý do vì đồng lương của nhà nước, sự đãi ngộ của nhà nước không tương xứng, cũng như sự chèn ép của các quan chức, họ bất cần. Ví dụ ở cơ quan cũ của tôi là Trường THPT Nhân Tảo, một tay hiệu trưởng thôi, mỗi lần hắn đi đâu là hắn kéo cả họ lắp vào các vị trí, hắn không cần người tài mà cần người xu nịnh, dốt cũng được, càng khuất phục thì càng được trọng dụng. Tôi chắc chắn nhiều địa phương khác cũng có tình trạng như vậy. Người tài cứ tìm con đường nào đấy để làm việc cho nước ngoài, bảo nhau không về nước, kể cả các thí sinh vô địch giải Olympia... đều tìm cách làm việc cho nước ngoài, đó là một thực tế.”

Người tài cứ tìm con đường nào đấy để làm việc cho nước ngoài, bảo nhau không về nước, kể cả các thí sinh vô địch giải Olympia... đều tìm cách làm việc cho nước ngoài, đó là một thực tế.
-Thầy Đỗ Việt Khoa

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do cũng cho rằng nguyên nhân các học sinh giỏi ở Việt Nam khi đi học ở nước ngoài thì tỷ lệ quay trở lại Việt Nam là thấp, là do tiền lương cho người trí thức quá thấp. Theo ông, cũng có một số người sẵn sàng chấp nhận tiền lương thấp, nhưng lý do thứ hai có thể nghiêm trọng hơn, đó là tại Việt Nam họ khó có khả năng phát triển kiến thức và tài năng của họ. Có những trường hợp những người giáo sư tiến sĩ về nước không được phân công, không được tận dụng, không được cho phát huy năng lực...

Ngoài ra Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, điều kiện vật chất cũng như điều kiện nghiên cứu tại Việt Nam cũng chưa đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu của các nhà khoa học. Phòng thí nghiệm chưa được trang bị đủ đáp ứng nhu cầu, khả năng đi dự các hội thảo nước ngoài, tiếp xúc các hội nghị quốc tế cũng còn nhiều mặt hạn chế...

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mạc Văn Trang, người có hơn 30 năm công tác trong ngành giáo dục, khi trả lời RFA hôm 13/6, từng nói:

“Bao nhiêu người tài nhưng không phải đảng viên, yêu nước nhưng không yêu đảng là bị loại hết. Tôi nghĩ người tài xuất hiện trong nền giáo dục, trong quá trình hoạt động thực tiễn, và đặc biệt người tài là người tự học và tự trưởng thành. Cho nên chả cần phải mở trường lớp để mà đào tạo người tài mà quan trọng là công bố một tiêu chuẩn, một chức danh, sau đó thì thi tuyển. Bất kể người ấy là đảng viên hay không đảng viên, bất kỳ người ấy ở vùng miền nào, như vậy sẽ có người tài thôi.”

Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, nhà nước Việt Nam, nếu không thay đổi đường lối cán bộ, không cải cách thể chế bằng việc bỏ hình thức độc quyền đảng trị thì không thể nào tìm được người tài giỏi thật sự để làm lãnh đạo và quản trị đất nước, không thể bảo đảm chỗ đứng bền vững cho người tài.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn