Từ Hội nghị Trung ương 15 tới Đại hội XIII, ai sẽ “chết trên chấm phạt đền”?

Chủ Nhật, 27 Tháng Mười Hai 20208:00 SA(Xem: 4240)
Từ Hội nghị Trung ương 15 tới Đại hội XIII, ai sẽ “chết trên chấm phạt đền”?
9073987_0%2B57%2B1417%2B824_1000x541_80_0_0_45acd10894d61cdf336b56889115848a
Hội nghị 14 bế mạc với những khuôn mặt nặng nề… Nguồn: VOV

Hội nghị Trung ương 14 khép lại hôm 18/12/2020 mà không đạt kết quả. Xem như “bán kết 1” bất phân thắng bại. Nhân sự mà Bộ Chính trị trình, đã bị BCH Trung ương yêu cầu soạn lại, tiếp thu, bổ sung và sửa đổi vì chưa phù hợp. Chỉ có 19 vị tai to mặt bự sẽ lọt vào “ngôi vua tập thể”, trong khi có đến 61 tỉnh thành đều muốn có đại diện của mình, cho nên không gay cấn mới là lạ.

Những gì Tổng – Chủ Nguyễn Phú Trọng phán ra, hệ thống tuyên truyền khổng lồ của Đảng ra rả, nhưng thực tế nó đi ngược. Yêu cầu không dính tham nhũng thì nó ăn hết, không chừa thứ gì. Cấm chạy chức chạy quyền, nó công khai bán ghế. Đưa ra tiêu chuẩn đạo đức lối sống trong sáng, nó lại xây lâu đài, biệt phủ, vợ lẽ, bồ nhí… đủ cả. Bảo không được tham vọng quyền lực, nó lại chia phe đánh nhau một mất một còn.

Suốt cả năm, vua quanh quẩn trong cung. Bên ngoài, quan lại cường hào ác bá lộng hành, trăm họ ai oán, chỉ có trời biết.

Mạng xã hội lan truyền danh sách Bộ Chính trị trình, không có tênn Vũ Đức Đam, nhưng có Đào Ngọc Dung. Thế là hội nghị 14 nhiều người không đồng tình. Dân chúng thấy tiếc, nhưng Đam “không có võ” thì làm sao đấu nổi với Dung. Sau “bức màn đỏ” có thể nhìn thấy rõ thân thế của Dung:

Bố Dung là ông Đào Trọng Hằng, cố Phó bí thư huyện uỷ Lý Nhân, Hà Nam. Anh cả, Đào Trọng Hùng, thiếu tướng, cựu Cục trưởng an ninh BCA. Anh kế, Đào Trọng Dũng cựu đại tá quân đội. Em trai, Đào Ngọc Dinh, thiếu tướng BCA, từng là tham tán đại sứ quán VN tại Canada, thư ký riêng của bí thư Nguyễn Thiện Nhân (đến tháng 9/2020). Em gái út, Đào Thanh Quyên, vụ phó Ban Tuyên giáo Trung ương. Chồng Quyên là Trần Doãn Tiến, Tổng biên tập báo điện tử Đảng Cộng sản, một đồ đệ của ông Trọng.

Hội nghị 14 bế tắc, gần năm ngày quần thảo, trận “bán kết 1” vẫn không chốt được danh sách ứng viên Bộ Chính trị và Ban bí thư. Cho nên khoảng một tuần nữa, Hội nghị Trung ương 15 khai mạc. Sẽ có ba ngày để các bên so găng “bán kết 2”.

Tại Hội nghị 15 này, Ban Chấp hành Trung ương cũng phải giải quyết dứt nội dung “nhân sự đặt biệt”. Các Uỷ viên Trung ương phải bỏ phiếu kín để gạt ai ra và giữ ai.

Thông tin đồn đoán lan truyền nội bộ, ba nhân vật có khả năng rất cao được giữ lại trong Bộ Chính trị khoá XIII, có cả yếu tố vùng miền, gồm: Nguyễn Xuân Phúc, Trần Quốc Vượng và Trương Hoà Bình. Nếu đúng như vậy, thì danh sách đề cử mới nhất, 22 ứng viên Bộ Chính trị chọn 19 dưới đây, cái gọi là “chết trên chấm phạt đền” sẽ là có thật:

1.- Trần Quốc Vượng, sinh năm 1954, quê Thái Bình: UVBCT, Thường trực Ban bí thư; ứng cử chức Tổng Bí thư

2.- Nguyễn Xuân Phúc, sinh năm 1954, quê Quảng Nam: UVBCT, Thủ tướng chính phủ; ứng cử chức Chủ tịch nước

3.- Trương Hoà Bình, sinh năm 1955, quê Long An: UVBCT, Phó thủ tướng thường trực CP; ứng cử chức Thủ tướng Chính phủ

4.- Tô Lâm, sinh năm 1957, quê Hưng Yên: UVBCT, Đại tướng, Bộ trưởng BCA; ứng cử ghế Thường trực Ban bí thư

5.- Vương Đình Huệ, sinh năm 1957, quê Nghệ An: UVBCT, Bí thư Hà Nội; tái cử Bí thư Hà Nội

6.- Phạm Minh Chính, sinh năm 1958, quê Thanh Hoá: UVBCT, Trưởng BTC Trung ương; ứng cử Trưởng Ban Nội chính Trung ương

7.- Phạm Bình Minh, sinh năm 1959, quê Nam Định: UVBCT, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; ứng cử ghế Chủ tịch quốc hội

8.- Võ Văn Thưởng, sinh năm 1970, quê Vĩnh Long: UVBCT, Trưởng ban Tuyên giáo; tái cử Trưởng ban Tuyên giáo

9.- Trương Thị Mai, sinh năm 1958, quê Quảng Bình: UVBCT, Trưởng ban Dân vận; tái cử Trưởng ban dân vận

10.- Nguyễn Hòa Bình, sinh năm 1958, quê Quảng Ngãi: Bí thư Trung ương, Chánh án Tòa án Tối cao; ứng cử Phó Thủ tướng Chính phủ

11.- Trần Cẩm Tú, sinh năm 1961, quê Hà Tĩnh: Bí thư trung ương, Chủ nhiệm UBKT; tái cử Chủ nhiệm UBKT Trung ương

12.- Lương Cường, sinh năm 1957, quê Bắc Giang: Bí thư trung ương, Thượng tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị BQP; ứng cử Bộ trưởng Bộ quốc phòng

13.- Phan Đình Trạc, sinh năm 1958, quê Nghệ An: Bí thư Trung ương, Trưởng ban Nội Chính Trung ương; ứng cử Bộ trưởng BCA

14.- Nguyễn Văn Nên, sinh năm 1957, quê Tây Ninh: Bí thư trung ương, Bí thư thành uỷ TP HCM; tái cử Bí thư thành uỷ TP HCM

15.- Trần Thanh Mẫn, sinh năm 1962, quê Hậu Giang: Bí thư trung ương, Chủ tịch MTTQ VN; tái cử Chủ tịch MTTQ VN

16.- Dương Thanh Bình, sinh năm 1961, quê Cà Mau: UVTW, Trưởng ban dân nguyện Quốc hội; ứng cử Phó Chủ tịch quốc hội

17.- Đào Ngọc Dung, sinh năm 1962, quê Hà Nam: Uỷ viên Trung ương, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH; ứng cử Trưởng Ban dân vận Trung ương

18.- Trần Tuấn Anh, sinh năm 1964, quê Quảng Ngãi: UVTW, Bộ trưởng Bộ Công thương; ứng cử Phó Thủ tướng chính phủ

19.- Bùi Thanh Sơn, sinh năm 1962, quê Hà Nội: UVTW, Thứ trưởng thường trực Bộ ngoại giao; ứng cử Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ ngoại giao

20.- Bùi Minh Hoài, sinh năm 1965, quê Hà Nam: UVTW, Phó Chủ nhiệm thường trực UBKT trung ương; ứng cử Trưởng Ban nội chính Trung ương

21.- Đinh Tiến Dũng, sinh năm 1961, quê Ninh Bình: UVTW, Bộ trưởng Bộ tài chính; ứng cử Trưởng Ban kinh tế Trung ương

21.- Dương Thanh Bình, sinh năm 1961, quê Cà Mau: UVTW, Phó BTC trung ương; ứng cử Trưởng ban Tổ chức Trung ương

22.- Nguyễn Quang Dương, sinh năm 1962, quê Hà Nội: UVTW, Phó Trưởng BTC Trung ương; ứng cử Trưởng Ban tổ chức Trung ương
Ai sẽ vào tứ trụ?

Danh sách 6 ứng viên Ban Bí thư (không phải ủy viên BCT), chọn 4:

1.- Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư trung ương, GĐ học viện chính trị quốc gia; tái cử GĐ Học viện

2.- Nguyễn Trọng Nghĩa, sinh năm 1962, quê Tiền Giang: UVTW, Thượng tướng, Phó chủ nhiệm TCCT; ứng cử Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng

3.- Lê Minh Hưng, sinh năm 1970, quê Hà Tĩnh: UVTW, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; tái cử Chánh văn phòng Trung ương Đảng

4.- Lê Hồng Quang, sinh năm 1968, quê Kiên Giang: UVTW, Phó Chánh án Toà án Tối cao; ứng cử Chánh án Toà án Tối cao

5.- Nguyễn Hồng Lĩnh, sinh năm 1964, quê Long An: UVTW, Phó Ban dân vận Trung ương

6.- Nguyễn Hồng Diên, sinh năm 1965, quê Thái Bình: UVTW, Phó Ban tuyên giáo Trung ương

***

Tháng 8/2011, kỳ họp khai mạc Quốc hội khóa 13, tân TBT Nguyễn Phú Trọng lẫy Kiều “Chén vui nhớ bữa hôm nay/ Chén mừng xin hẹn ngày này… 5 năm sau”. Lúc đó ông Trọng nói với người kế nhiệm, rằng tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng có một “đội hình đẹp”. Có hai nữ cấp phó “bà thì bề thế, bà thì xinh đẹp”, ám chỉ bà Phóng và bà Ngân.

Đúng “5 năm sau”, tháng 3/2016, Nguyễn Sinh Hùng lại chỉ định Nguyễn Thị Kim Ngân kế nhiệm mình vào ghế Chủ tịch Quốc hội.

Năm ấy, thiên hạ xôn xao khi giật mình liên tưởng tứ trụ triều đình Trọng- Quang- Ngân- Phúc ứng với lời sấm 500 năm trước của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585)

炳 燭無明光盡滅

重 銀薄福産消亡

(Bỉnh chúc vô minh, quang tự diệt

Trọng ngân bạc phúc, sản tất vong)


Đúng sai, linh ứng thế nào chưa rõ, nhưng từ khi xuất hiện bóng hồng trong “tứ trụ” khoá XII, thì hoạ liên tiếp xảy ra. Bộ Chính trị kẻ đột tử, người ung thư đến hoá điên, kẻ ngồi tù án chồng án, người “đứng trước giá treo cổ”…

Có lẽ vì vậy, nên Tổng – Chủ Nguyễn Phú Trọng cả kinh. Sợ nhà nước cộng sản bị tiêu vong, khoá XIII này, ngại dớp, ông Trọng không đồng ý cơ cấu nữ vào “tứ trụ”.

Nhưng cho dù không đưa một phụ nữ nào vào tứ trụ, nhưng khó có thể tránh được chữ “vong”. Hư hỏng ăn tàn phá hoại từ trung ương đến địa phương thì núi cũng đổ. Tướng lĩnh bất tài, chỉ tham nhũng mà không giỏi bảo vệ biên cương, liệu xã tắc có thái bình?

Cho nên việc có phụ nữ hay không trong “tứ trụ”, bốn chức danh quyền lực nhất của nhà nước cộng sản, cũng không ăn nhập gì khi thể chế đang trên đà suy tàn.(Tiếng Dân)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn