Phụ nữ lần đầu được tham gia Lễ hội khỏa thân ở Nhật

Thứ Hai, 04 Tháng Ba 20243:00 CH(Xem: 514)
Phụ nữ lần đầu được tham gia Lễ hội khỏa thân ở Nhật

Trong lịch sử hơn 1.200 năm, Lễ hội khỏa thân Hadaka Matsuri chỉ có đàn ông tham gia nhưng năm nay điều này đã thay đổi.

Biển người hô vang, những người đàn ông gần như khỏa thân chen lấn và dồn về phía đền thờ Konomiya nằm ở miền trung đất nước. "Washoi! Washoi" (đi thôi, đi thôi), họ hét lên. Đó là khung cảnh hầu như không thay đổi trong 1.250 năm lịch sử của Hadaka Matsuri hay Lễ hội khỏa thân nổi tiếng của Nhật Bản.

Nhưng năm nay phụ nữ cũng được xuất hiện trong lễ hội diễn ra ngày 22/2. "Họ biết rằng mình đang làm nên lịch sử", tờ BBC nhận xét.

Những phụ nữ đầu tiên xuất hiện trong lễ hội Hadaka Matsuri vào năm nay. Ảnh: Reuters

Những phụ nữ đầu tiên xuất hiện trong lễ hội Hadaka Matsuri vào năm nay. Ảnh: Reuters

Trên thực tế không phải phụ nữ chưa từng tham gia vào Hadaka Matsuri nhưng trước kia chỉ làm công việc hậu trường. "Phụ nữ đã làm việc rất chăm chỉ để hỗ trợ đàn ông trong lễ hội", Atsuko Tamakoshi, người có gia đình làm việc tại lễ hội ở đền Konomiya qua nhiều thế hệ, nói. Ý tưởng để phụ nữ tham gia lễ hội, nơi chỉ đàn ông được tham gia các nghi thức xua đuổi tà ma và cầu nguyện may mắn, chưa bao giờ xuất hiện trước đây. Naruhito Tsunoda, một người dân, nói Nhật Bản chưa bao giờ có lệnh cấm phụ nữ tham gia trước đây. "Chỉ là chưa từng có ai đặt vấn đề", ông nói.

Tsunoda nói điều quan trọng nhất của lễ hội là mọi người đều vui vẻ và "tin trời đất cũng hài lòng nếu phụ nữ tham gia".

Không phải ai cũng nghĩ vậy. Nhiều người bày tỏ lo ngại và nói rằng "phụ nữ làm gì trong lễ hội của đàn ông?". "Nhưng chúng tôi đều đồng lòng thể hiện điều mình muốn làm và tin trời đất sẽ phù hộ nếu chúng tôi có lòng thành", Atsuko Tamakoshi, người đã là bà ngoại ở tuổi 56 nói.

Khác với nam giới, phụ nữ xuất hiện trong lễ hội không mặc khố giống nam giới. Họ mặc "áo khoác hạnh phúc", loại áo choàng dài màu tím với quần đùi màu trắng và mang theo đồ rước riêng làm bằng tre.

Atsuko Tamakoshi mặc áo khoác dài màu tím để tham gia vào lễ hội. Ảnh: BBC

Atsuko Tamakoshi mặc áo khoác dài màu tím để tham gia vào lễ hội. Ảnh: BBC

Nhóm phụ nữ này không tham gia vào cuộc tranh giành giống đàn ông trong lễ hội để được chạm vào thần Shin Otoko (một người đàn ông sẽ được chọn để đóng vị thần này) nhằm lấy may, xua đuổi điều xui xẻo.

Đến giờ làm lễ, những người phụ nữ lên đường đến đền thờ. Họ xếp thành hai hàng, vác trên vai những thanh tre dài quấn ruy băng đỏ và trắng đan xen, hô vang theo nhịp điệu quen thuộc họ đã nghe những người đàn ông nói trong nhiều thập kỷ.

"Washoi Washoi", những người phụ nữ vừa hô vừa tập trung vào các động tác, tốc độ mà họ đã luyện tập trong nhiều tuần. Họ biết họ phải thực hiện các động tác đúng chuẩn. Biết rằng truyền thông thế giới và du khách đang dõi theo mình, nhóm phụ nữ vừa mỉm cười vừa hồi hộp. Đám đông dõi theo cũng hô vang những lời động viên khi nhóm phụ nữ đi qua.

"Thời thế cuối cùng đã thay đổi", Yumiko Fujie, một người phụ nữ tham gia lễ hội nói. Cô cảm thấy có trách nhiệm cần duy trì truyền thống phụ nữ cũng xuất hiện tại Hadaka Matsuri hàng năm chứ không riêng năm nay.

Giống những người đàn ông, những phụ nữ bước vào đền thờ Thần đạo Konomiya bị tạt nước lạnh theo nghi thức. Hoạt động của nhóm phụ nữ chỉ là một trong những nghi thức của buổi lễ, không phải nghi thức chính momiai của lễ hội. Trong lễ momiai, đàn ông mặc khố truyền thống fundoshi, đi tất tabi và quấn khăn hachimaki. Họ sẽ chen lấn, cố chuyển vận xui của mình sang "người được chọn" (Shin Otoko) bằng cách chạm vào người anh ta trước khi người này rút về nơi an toàn trong đền.

Sau khi lễ vật nhóm phụ nữ dâng lên được chấp nhận, họ kết thúc buổi lễ bằng cách chào truyền thống: cúi đầu và vỗ tay hai lần sau đó cúi chào lần cuối.

Khung cảnh lễ hội Hadaka Matsuri, sự kiện vốn chỉ có đàn ông tham gia hơn 1.000 năm nay. Ảnh: Reuters

Khung cảnh lễ hội Hadaka Matsuri, sự kiện vốn chỉ có đàn ông tham gia hơn 1.000 năm nay. Ảnh: Reuters

Và sau đó, khoảnh khắc đáng nhớ bắt đầu. Những người phụ nữ bật lên reo hò, nhảy xung quanh và ôm nhau khóc. Họ nói lời cảm ơn tới đám đông đang đứng cổ vũ.

Khi nhóm phụ nữ rời đền, nhiều người dân và du khách đứng quanh đó giữ họ lại để xin chụp ảnh chung. Truyền thông các nước cũng muốn phỏng vấn họ. "Tôi rất hạnh phúc vì là một trong những người phụ nữ đầu tiên tham gia", Mineko Akahori nói.

Đồng đội của Akahori, Minako Ando nói thêm "trở thành người đầu tiên làm điều gì đó thật tuyệt vời".

Atsuko Tamakoshi, người đã đóng một vai trò quan trọng trong đám rước, nói vừa xúc động vừa nhẹ nhõm. "Chồng tôi luôn tham gia lễ hội này và tôi là khán giả. Giờ đây tôi tràn ngập lòng biết ơn và hạnh phúc", bà nói.

Anh Minh (Theo BBC, Reuters)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn